Doanh thu SGK ngàn tỷ vẫn không trả tác quyền
Lây đơn giá trung bình của một cuôn SGK (ví dụ như cuôn Tiêng Việt lớp 3) có giá bìa 11.500 đông, có thê tính ra doanh thu của NXB Giáo dục về SGK không dưới 1.000 tỷ đông.
Nói một cách khác, hàng năm, các phụ huynh phải bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng mua SGK. Thế nhưng, chính những tác giả có các tác phẩm được in trong SGK lại không hề nhận được một đồng tiền tác quyền.
Tiền nhuận bút đi đâu?
Về vấn đề tác quyền trong SGK, nhà giáo Đặng Hiển nói thẳng: “Nếu NXB Giáo dục không đặt vấn đề tác quyền một cách cụ thể và rõ ràng thì họ sẽ gặp khó khăn. Bởi tới đây, theo tôi biết, NXB Giáo dục sẽ không còn độc quyền in và soạn SGK. Khi đã có cạnh tranh thì tôi chắc chắn những tác giả có tác phẩm văn học được in trong SGK sẽ được trả tác quyền xứng đáng hơn”.
Trên thực tế, khi tiến hành in và phát hành SGK thì NXB Giáo dục cũng có chế độ cho những tác giả tham gia biên soạn sách. Nhưng ngay cả chế độ này cũng rất thấp (300.000-500.000 đồng/tiết). Ngoài ra, theo các chuyên gia làm sách thì số lượng bản in ghi trên bìa sách kém xa so với thực tế và nhu cầu của học sinh cũng là để giảm tiền thù lao làm sách cho các tác giả tham gia biên soạn.
Video đang HOT
Bài thơ “Quê hương” đã xuất hiện trên hàng chục triệu bản in hơn 20 năm qua, nhưng tác giả vẫn không có… nhuận bút.
Một trong những điều chưa thật rõ trong các nghị định liên quan tới nhuận bút, thù lao là Nghị định 61/200/NĐ-CP ban hành năm 2002 và Nghị định 18/2014/NĐ-CP (thay thế Nghị định 61 áp dụng từ 1.6.2014) chính là việc chưa phân định rõ mức nhuận bút cho tác phẩm in trong sách và thù lao cho các tác giả tham gia biên soạn.
Chẳng hạn, Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định, các tác phẩm thơ – văn xuôi được hưởng khung nhuận bút từ 8-17% cùng phương thức tính nhuận bút = tỉ lệ % x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng in. Như vậy, nếu cuốn Tiếng Việt lớp 3 in 1 triệu bản, với giá bán lẻ 11.500 đồng (doanh thu cuốn Tiếng Việt lớp 3 tương đương 10 tỉ đồng, tính cả chiết khấu), thì theo Nghị định 18, NXB Giáo dục cũng phải trả cho các tác giả có thơ – văn xuôi in trong sách khoản tiền từ 800 triệu-1 tỷ đồng (tương đương 8-17%). Với các tác phẩm tái bản, cũng được nhận mức nhuận bút từ 50-100% mức nhuận bút ban đầu.
Rõ ràng đây là con số không nhỏ đối với các tác giả (còn sống hoặc mất chưa quá 50 năm).
Nhưng như Lao Động đã thông tin từ số trước, các tác giả không nhận được đồng nào, hoặc là nhận nhuận bút không chính thống, chiếu lệ, điển hình như trường hợp nhà thơ Đỗ Trung Quân với bài thơ “Quê hương” đã sử dụng trong SGK 20 năm, tương đương với hàng chục triệu bản in nhưng lại không được nhận bất cứ đồng nhuận bút nào.
Còn nhà văn Đỗ Hàn đặt câu hỏi: “Trong các dự án biên soạn SGK ngay từ đầu cũng đã có một phần được cho là để chi trả nhuận bút cho các tác giả, nhưng vấn đề số tiền ấy là bao nhiêu, bao lâu nay đi về đâu… thì hiện vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ…”
Ai đòi, đòi ai?
Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa – người có nhiều tác phẩm in trong SGK nhất, cũng chưa nhận đồng nhuận bút nào – cũng phải dùng hai từ “chán nản” khi nhắc đến chuyện tác quyền trong SGK.
Hầu hết những tác giả được hỏi cũng thừa nhận việc đáng lẽ phải được nhận tiền tác quyền, nhưng không ai đi đòi. Theo số liệu của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học thì trong 500 tác giả có tên trong SGK nhưng rất ít người ủy thác cho trung tâm để tiến hành việc đòi tác quyền cho các nhà văn. Đó là điều bất cập hiện nay.
NXB vì nhiều lý do không trả tiền tác quyền, tác giả vì bận rộn, không để ý (vì chưa chắc đã biết mình có nhuận bút) hoặc đơn giản vì… ngại, trong khi Trung tâm Bảo vệ tác quyền lại không được ủy thác nên câu chuyện nhuận bút vẫn luẩn quẩn và đơn vị có lợi là… NXB Giáo dục.
Một vấn đề khác, lẽ ra khi sử dụng hoặc tái bản, NXB phải chủ động tìm tới tác giả để xin phép và bàn về vấn đề bản quyền chứ không phải sách cứ in, cứ bán và các tác giả phải đuổi theo để đòi tiền.
Được biết, trong đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông đang trình Quốc hội, kinh phí dự toán để soạn chương trình SGK là 100 tỉ đồng. Nhưng chính con số này chỉ dành cho những đơn vị, cá nhân tham gia biên soạn chứ không có khoản nào liên quan đến bản quyền trả cho các tác giả.
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay, tới đây, bộ sẽ đưa ra quy chế yêu cầu NXB phải thực hiện quyền tác giả. Thế nhưng còn những tác giả đã được NXB Giáo dục sử dụng tác phẩm “chùa” trong hàng chục năm qua thì sao?
Theo Hoàng Lâm/Báo Lao động