Doanh nghiệp thắng kiện quản lý thị trường
Sáng 21.12, TAND TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 (Q.Bình Thạnh) kiện Đội Quản lý thị trường 3A thuộc Chi cục QLTT TP.HCM do Đội trưởng Lý Ngọc Thắng làm đại diện.
Theo đơn khởi kiện, sáng 20.6.2012, Đội 3A đã ập vào nhà đồng thời là trụ sở Công ty Xuân Lan 727 để kiểm tra mà không báo trước. Nội dung kiểm tra gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa với lý do hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp. Chiều cùng ngày, Đội 3A bổ sung thêm 2 quyết định khám xét nữa do ông Lý Ngọc Thắng ký với lý do là doanh nghiệp có hành vi sản xuất, chứa trữ kinh doanh hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Trong buổi kiểm tra, Đội 3A đã thông tin cho Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng (AFCA) cùng một số cơ quan truyền thông đến cùng kiểm tra. Sau khi kiểm tra, ông Thắng còn phát biểu trên đài truyền hình, cung cấp tư liệu khám xét cho cơ quan báo chí. Theo trình bày của ông Thắng, việc khám xét xuất phát từ đơn tố cáo của một người tiêu dùng tên Lê Cẩm Tú, đồng thời có cho trinh sát ghi nhận thực tế, là có một người đàn ông vận chuyển mỹ phẩm Sunflower, đã được đăng ký bảo hộ quốc tế từ Công ty Xuân Lan ra chợ Kim Biên để phân phối. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Lý Ngọc Thắng nói rằng do sơ suất nên không kiểm tra CMND, địa chỉ của bà Tú cũng như không lập biên bản nội dung làm việc. Khi kiểm tra Công ty Xuân Lan 727 cũng không phát hiện sản phẩm mang nhãn hiệu Sunflower như nguồn tin trinh sát. Do đó, tòa xác định những quyết định khám xét của Đội 3A trong ngày 20.6 là không đúng. Đội 3A còn có sai phạm: không thông báo việc kiểm tra cho doanh nghiệp trước 3 ngày, nội dung kết quả làm việc ghi trong biên bản không giống với lý do đưa ra quyết định khám xét. Cơ quan quản lý cấp trên của Chi cục QLTT là Sở Công thương cũng đã có báo cáo UBND TP.HCM, khẳng định việc Đội 3A khám xét Công ty Xuân Lan 727 là chưa có cơ sở. Tòa xác định việc Đội trưởng Đội 3A tiết lộ thông tin buổi khám xét cho những người không có thẩm quyền là trái pháp luật. Tòa tuyên xử buộc Đội 3A hủy các quyết định khám xét trái luật trong ngày 20.6 và buộc đội phải có văn bản xin lỗi chính thức Công ty Xuân Lan 727 với nội dung: “Việc kiểm tra khám xét vào ngày 20.6 chưa có căn cứ như nội dung 3 quyết định đã công bố”. Ngoài ra, với những thiệt hại cụ thể do ảnh hưởng uy tín thương hiệu, khách hàng trả lại hàng hóa, hủy hợp đồng đã ký, tòa cũng chấp nhận một phần yêu cầu của bên khởi kiện, buộc Đội 3A phải đền bù 227 triệu đồng cho Công ty Xuân Lan 727.
Theo TNO
Quản lý thị trường o ép doanh nghiệp
Hơn 3 tháng sau khi tổ chức kiểm tra khám xét rầm rộ tại Công ty hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A tiếp tục "hành" doanh nghiệp (DN) này khi liên tiếp tổ chức đông người đến làm việc, yêu cầu đại diện công ty phải ký vào biên bản sai phạm bất hợp lý. Bức xúc, DN này đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp quản lý, nhiều nơi.
Đội QLTT 3A cử nhiều người liên tục làm việc với Công ty Xuân Lan - Ảnh: công ty Xuân Lan cung cấp
Suốt 3 tháng nay Công ty hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 (sau đây gọi tắt là Công ty Xuân Lan, địa chỉ 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần như phải đóng cửa, ngưng hoạt động sau vụ kiểm tra rầm rộ của Đội QLTT 3A kết hợp Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng (AFCA) vào ngày 20.6. Đây là vụ kiểm tra hết sức khó hiểu của đội QLTT khi chỉ xuất phát từ lá đơn của một người tiêu dùng tên L.C.T, khiếu nại về chất lượng sản phẩm của Công ty Xuân Lan. Cho đến nay, Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) đã có công văn xác định chữ ký trên đơn tố cáo của bà T. không đúng với chữ ký trên bản tường trình gửi Công an P.21, Q.Bình Thạnh về nơi cư trú.
Công an P.1, Q.Bình Thạnh, nơi bà L.C.T đăng ký thường trú cũng xác nhận bà T. đã bỏ nhà đi đâu không rõ từ năm 2008 đến nay, riêng thân nhân gia đình người này cũng không còn ở phường 1. Như vậy, nhân thân người tố cáo hết sức mập mờ nhưng không hiểu sao lực lượng QLTT, cụ thể là Đội 3A, lại không tiến hành xác minh rõ ràng mà đã tổ chức khám xét đông người, gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của Công ty Xuân Lan.
Riêng về vụ khám xét này, Sở Công thương TP.HCM đã có công văn kết luận Đội QLTT 3A có một số thiếu sót như chưa đảm bảo bí mật thông tin đối tượng bị kiểm tra, quyết định khám xét chưa có căn cứ chuẩn xác. Đội QLTT 3A nhận định DN có hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, nhưng kết quả kiểm tra phát hiện là có "dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa ghi không đúng bản chất sự thật về nguồn gốc hàng hóa mỹ phẩm". Đáng nói hơn, ngày 27.6, Đội QLTT 3A đã niêm phong 2 mẫu sản phẩm kem làm trắng da Skin Whitening và kem săn nở ngực Collagen gửi đi kiểm nghiệm, đến ngày 23.7, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM thuộc Bộ Y tế đã có kết quả các mẫu sản phẩm đều đạt chất lượng. Thế nhưng, cơ quan QLTT không công bố kết quả kiểm nghiệm này và không trả phiếu xét nghiệm cho DN.
Những sai sót này chưa được khắc phục thì trong ba ngày 29.8, 7.9 và 10.9, Đội QLTT 3A cử nhiều người đến gõ cửa Công ty Xuân Lan với mục đích "công bố kết quả kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm của Công ty Xuân Lan và xác lập hành vi vi phạm hành chính". Cụ thể, yêu cầu Công ty Xuân Lan ký vào biên bản vi phạm với nội dung "sản xuất kinh doanh mỹ phẩm có nhãn không đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn mỹ phẩm" "sản xuất mỹ phẩm tại địa chỉ 8/60 Định Bộ Lĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh...".
Ông Ngô Văn Định, Giám đốc Công ty Xuân Lan, bức xúc: "Lực lượng QLTT kéo đến rất đông, họ công bố kết quả xét nghiệm bằng miệng nhưng không giao phiếu kết quả. Họ đưa điều kiện với chúng tôi, nói chúng tôi phải ký vào biên bản vi phạm thì họ mới trả lại kết quả kiểm định. Tôi không đồng ý vì đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, địa điểm sản xuất kinh doanh của tôi mặc dù có hai địa chỉ nhưng thực chất là một căn nhà nối liền nhau. Phần nhà nối đuôi này chúng tôi chỉ để xe và trên lầu là để sinh hoạt gia đình, không kinh doanh sản xuất gì. Việc này đã có văn bản xác nhận của UBND P.24, Q.Bình Thạnh. Như vậy Đội QLTT 3A buộc chúng tôi phải ký vào biên bản vi phạm "không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh" là cố tình o ép DN".
Ông Định kiến nghị: "Sau vụ khám xét 3 tháng trước, chúng tôi bị thiệt hại rất nặng nề về uy tín thương hiệu, giảm sút doanh thu, khách hàng hủy hợp đồng, trả lại hàng hóa... Chúng tôi đã khởi kiện và tòa đã tiến hành thẩm tra. Tuy nhiên, trong thời gian này Đội QLTT 3A tiếp tục trù dập, gây sức ép khiến công ty chúng tôi không làm ăn gì được. Chúng tôi khẩn thiết kính mong lãnh đạo cơ quan quản lý liên quan chỉ đạo cho dừng ngay mọi hành vi liên quan hoạt động của Đội QLTT 3A gây bất lợi cho DN chúng tôi".
Theo TNO
Tiêu thụ 2.000 xe trộm cắp 31 bị cáo lãnh án 107 năm tù Sáng 24-8, sau 2 ngày xét xử, TAND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Năm (SN 1983, ngụ tỉnh Bình Phước) cùng các đồng phạm can tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Vụ án có 31 đối tượng tham gia vào đường dây tiêu thụ...