Dinh dưỡng không hợp lý- nguyên nhân gây các bệnh không lây nhiễm
Dinh dưỡng không hợp lý, dinh dưỡng thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây gia tăng các bệnh lây nhiễm, làm thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam, với 75% tỷ lệ tử vong là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp , đái tháo đường, gout…
Chế độ dinh dưỡng với bệnh không lây nhiễm
Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp , đột quỵ, ung thư,… đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất, chiếm 73% các trường hợp.
Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định đến lối sống, chế độ ăn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của quần thể dân cư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mức sống cải thiện, thực phẩm sẵn có tràn ngập… đã làm gia tăng các hậu quả liên quan đến thay đổi lối sống và thói quen ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng mình rằng, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của mỗi con người trong suốt cả cuộc đời, thậm chí liên quan đến cả thế hệ sau của họ (dinh dưỡng với chu kỳ vòng đời). Hành vi ăn uống thiếu khoa học không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể là nguyên nhân của các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường sau này hay không.
Dinh dưỡng hợp lý – phòng bệnh không lây nhiễm
Các bệnh không lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Thiếu và thừa các chất dinh dưỡng đều tác động tiêu cực tới sự phát triển những căn bệnh này. Vì vậy, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất cần thiết trong phòng bệnh không lây nhiễm.
Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản… đậu, đỗ…). Ngoài ra, nên có cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn vì có nhiều muối/ngọt/mỡ, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe , mức độ lao động); Không nên ăn mặn, sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn; Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi; Duy trì cân nặng ở mức “nên có”.
Hiện nay, chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng chống bệnh không lây nhiễm được khuyến nghị là: chế độ ăn cần đủ các chất dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật.
Lương thực : Đầu tiên phải kể đến là nhóm ngũ cốc, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Hiện nay trên thị trường thường bán các loại gạo trông rất trắng và đẹp mắt do quá trình xay sát kỹ nên đã làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ… Gạo lứt là gạo không bị xay sát kỹ, vẫn còn lớp cám gạo bên ngoài hạt gạo, có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ trong việc kiểm soát đường huyết, để hỗ trợ dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau (như khoai lang, khoai tây, ngô …) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67 % (tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và phần còn lại 13-20% là từ chất đạm. Mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn mỗi bữa 2 lưng bát cơm.
Chất đạm: Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… Nên ăn thức ăn giàu đạm với tỉ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật, tăng cường ăn đậu phụ và cá.
Các loại thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò …) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do có chứa nhiều cholesterol, nhân purin… vì vậy, không nên ăn nhiều. Nên tăng cường ăn thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.
Ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành). Trung bình 1,5kg thịt/tháng. Các loại thịt đỏ không sử dụng quá 10% năng lượng, ưu tiên thịt gia cầm . Khuyến khích ăn cá: ít nhất ba bữa cá/tuần, trung bình 2,5kg cá/tháng.
Tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành … (nguồn chất đạm, chất béo quí giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol) và các hạt họ đậu khác. Nên ăn 2-3kg đậu phụ/tháng.
Chất béo: Cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ lợn, mỡ gà,..) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc…) . Nên giữ trong khẩu phần hàng ngày ít nhất là 40% chất béo thực vật , chất béo động vật không nên vượt quá 60%, nên ăn phối hợp cả mỡ động vật và dầu thực vật, không nên thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng các chất béo thực vật . Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, nếu tiêu thụ quá nhiều cũng dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ.
Rau và quả chín: Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải …
Muối, gia vị n ên hạn chế ăn mặn. Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp , ung thư dạ dày. Chỉ nên ăn
Thực hiện lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, tăng cường vận động mỗi ngày và duy trì cân nặng ở mức vừa phải là những yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt, phòng chống mắc các bệnh không lây nhiễm.
ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng
Bà bầu phòng ngừa Covid-19 như thế nào?
Thai phụ cần bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin, canxi, trái cây..., duy trì đi bộ, vận động nhẹ nhàng, giữ tinh thần thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng đủ, đúng, giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, bảo vệ thai nhi; giúp bé phát triển tối ưu và là nền tảng cho sức khỏe sau khi sinh ra.
Trong Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng Covid -19 của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam, phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, hải sản, sữa, các loại đậu đỗ... Chọn nguyên liệu tươi ngon và nấu chín kỹ.
Bổ sung canxi, photpho từ sữa, chế phẩm sữa, cua đồng, hải sản để hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi. Ăn nhiều rau tươi, trái cây cung cấp vitamin C, beta-caroten và chất xơ dồi dào, hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Uống đủ hai lít nước mỗi ngày.
Đảm bảo cân đối giữa chất béo động vật và thực vật. Ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi. Tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định.
Thay thế các thức ăn trong cùng một nhóm chất dinh dưỡng để đa dạng khẩu phần ăn, nhất là khi bị nghén. Mỗi bữa ăn nên có khoảng 10 loại thực phẩm, trong ngày dùng 20-25 loại thực phẩm khác nhau.
Một thai phụ được siêu âm trong phòng cách ly, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Lê Nga.
Trong ba tháng đầu thai kỳ , bác sĩ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bà bầu, theo dõi cân nặng, chỉ định uống bổ sung sắt, đa vi chất, đặc biệt là acid folic, theo chỉ định. Chú trọng thực phẩm giàu axit folic như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh, đậu nành, cà chua, cam... để tránh dị tật ống thần kinh thai nhi do thiếu axit folic (vitamin B9). Mục tiêu bà bầu tăng 1-2 kg trong ba tháng đầu.
Ba tháng tiếp theo, mẹ hết nghén, chưa mệt mỏi nhiều do thai chèn ép nên có thể tăng khoảng 4-5 kg. Giai đoạn này chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản... để phát triển chiều cao cho trẻ sau này.
Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng. Năng lượng khẩu phần tăng thêm 450 kcal một ngày (tương đương hai bát cơm và thức ăn hợp lý), cân nặng của mẹ tăng khoảng 5-6 kg trong ba tháng này.
Mẹ bầu nên duy trì một số thói quen lành mạnh trong thai kỳ để khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh tật. Cụ thể, thường xuyên tắm nắng mỗi ngày nhằm tổng hợp vitamin D hỗ trợ sự phát triển hệ xương cho thai nhi. Vận động nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày, tập thở đúng cách để khi sinh nở dễ dàng hơn. Không nên làm việc quá sức hoặc thức quá khuya cũng ảnh hưởng đến cân nặng và trí não của thai nhi. Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, áp lực hay cáu gắt...
Tránh ăn thực phẩm không an toàn, nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa như món tái sống, cá biển loại lớn, lươn...
Hạn chế thực phẩm đóng gói sẵn, có chất bảo quản hoặc tẩm ướp màu không đảm bảo; rượu, bia và các chất kích thích khác... Tránh thức ăn có quá nhiều đường và muối.
Thùy An
3 kiểu ăn uống cần phải tránh trong mùa Covid-19 Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Ở nhà thường xuyên cũng dễ hình thành những thói quen ăn uống không lành mạnh. Nếu kéo dài, cách ăn uống đó có thể làm tổn hại sức khỏe. Một chế độ ăn kém lành mạnh, ít trái cây, rau củ tươi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực...