Điểm sáng ở bản mù sương
Đã 12 mùa sương giá, ở nơi đỉnh núi Nậm Ty cao vời vợi, cô giáo mầm non ấy đã gác lại chuyện gia đình và niềm vui của tuổi trẻ để lặng lẽ cống hiến.
Cô giáo Mùa Thị Dương (hàng đầu) trong một lần đến thăm nhà em Hờ A Sùng.
Sự cần mẫn ấy, qua năm tháng ít nhiều đã góp phần thắp sáng những mảnh đời trên đỉnh mù sương.
Quăng mình qua vực thẳm
Cách thành phố Điện Biên Phủ chỉ hơn 40km, nhưng bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (Điện Biên) là điểm bản biên giới đặc biệt khó khăn. Nậm Ty nằm trên độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Đến Nậm Ty chỉ có một con đường độc đạo, đèo dốc quanh co giữa một bên là vách đứng, bên kia là vực thẳm. Mùa mưa, để đến được điểm bản này chỉ có thể là đi bộ.
Chào đón chúng tôi bằng một nụ cười thật tươi và giọng nói “nhẹ như bấc” cô giáo Mùa Thị Dương ( Trường Mầm non xã Hua Thanh, huyện Điện Biên), giáo viên “cắm bản” Nậm Ty B hỏi chúng tôi: “Đường lên bản không quá khó phải không anh?”. Cô hỏi trong khi chúng tôi người nào người ấy đổ mồ hôi hột vì từ trung tâm xã Hua Thanh về bản Nậm Ty khó như đường… lên trời!
Trong căn phòng công vụ chật hẹp, cô Dương kể cho chúng tôi về chặng đường 15 năm nuôi dạy trẻ của mình. Sinh ra và lớn lên ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), năm 2006 cô Dương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương. Sau ngày ra trường, cô được phân công công tác tại Trường Mầm non xã Nà Tấu, huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ).
Hè năm 2009, cô Dương được điều động về dạy ở Trường Mầm non Hua Thanh thuộc xã biên giới Hua Thanh, huyện Điện Biên. Cô được giao “cắm bản” Nậm Ty B theo quy định luân phiên. Ngày lên bản, cô gói ghém đồ đạc, ngấn lệ rời phố, lên rừng khi cậu con trai mới vừa tròn 2 tuổi.
Nhớ về những ngày đầu lên “cắm bản”, cô Dương kể rằng chồng cô – anh Khoàng Văn Thủy là người dân tộc Thái, công tác trong lực lượng Công an tỉnh Điện Biên từng chinh phục bao cung đường đèo dốc, đã rất tự tin khi nói với vợ: “Em chỉ cần ôm anh thật chặt, anh cần sự an toàn của em”.
Cũng bởi câu nói đó khiến cô Dương yên tâm hơn mỗi khi thấy chồng ghì tay lái giữ thăng bằng trên chặng đường về trường. ánh vật gần tám tiếng đồng hồ, hai vợ chồng cô Dương mới đến bản Nậm Ty.
Anh Thủy nhìn vợ rồi quay sang lớp học xiêu xiêu dưới cơn mưa chiều mà nước mắt lưng tròng. Anh Thủy nghẹn ngào động viên: “Hết đợt mưa này anh đón em về luôn, khổ thế này đi không nổi thì sống làm sao được!”.
Để các em mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Video đang HOT
Nước mắt ngừng rơi vì những đứa trẻ không quần
Điều kiện sống vô cùng khó khăn thiếu thốn nơi vùng cao heo hút, đã có lần cô Dương nghĩ đến việc bỏ nghề. Đứng giữa ngã ba đường: Phần thương con, phần thương mình và phần thương học trò vùng cao nghèo khó, chính Dương cứ lưỡng lự chuyện về hay ở. “Thật không ngờ khi em nói những điều khiến em băn khoăn, lưỡng lự thì chồng em đã hiểu và khuyên em ở lại”, cô Dương cười nhẹ. Nhưng rồi nụ cười đó sớm vụt tắt khi cô chợt nhớ lại những ngày xa con.
“Dù đã chuẩn bị tâm lý, dù đã tự động viên vững vàng, vậy mà khi nhìn chồng về em như không còn là em nữa. Em đứng trước thềm lớp học khóc òa, chân cứ muốn bước mà tâm nặng trĩu giống người bị buộc đá níu lại nơi này. Học sinh của em toàn các cháu lên ba, lên bốn, chúng nhìn em và khóc theo em mà chẳng hiểu chuyện gì”… Rồi đến bây giờ, 12 năm “cắm bản”, cô Dương đã hiểu, chính những cặp mắt trong veo của các em đã giữ Dương ở lại, tiếp thêm cho Dương nghị lực để cô vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Nậm Ty B là bản của đồng bào dân tộc Mông, cả bản có trên 50 gia đình với hơn 300 nhân khẩu. ếm trên đầu ngón tay cả bản chỉ có vài nhà kha khá, diện đủ ăn 10 tháng trong năm, còn lại là hộ nghèo, thiếu đói triền miên năm này qua năm khác. Cuộc sống của đồng bào như vậy bởi phần nhiều do tập quán sản xuất lạc hậu.
Nhóm mẫu giáo của cô Dương có 31 cháu thì có hơn nửa số cháu đến lớp đều cảnh có áo không quần. Nhìn cảnh học trò nheo nhóc, thiếu thốn, cô Dương đã tự nhủ: “Gian khó của mình đâu thấm với thiệt thòi của các trò nơi đây” bởi thế mà ngày qua ngày cô Dương đã lấy việc dạy trò làm nguồn vui lẽ sống. Suốt những năm qua, Dương quen với việc sáng sớm dọn dẹp, đón học sinh vào lớp, dạy các em học rồi lại tranh thủ nấu cơm trưa cho các con, cho các con ngủ.
“Mầm xanh” trên đỉnh Nậm Ty
Giữa bốn bề chỉ cây và núi, cuộc sống người giáo viên ở Nậm Ty thiếu thốn trăm bề. Năm điều thiếu cơ bản nhất ở đây là: Điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, cơ sở vật chất và đường đi có cũng như không. Nhưng có lẽ nước sinh hoạt với các cô giáo ở Nậm Ty được xem là khó khăn nhất. Các cô phải tận dụng mọi nguồn nước từ các khe suối, thậm chí là hứng cả nước mưa. Có lúc khan hiếm còn phải đi xa vài cây số đường rừng để xin của bà con dân bản.
“Để có nước sinh hoạt, đặc biệt mùa khô chúng em phải đi xa bản vài cây số mới lấy được nước, nhiều lần chồng em lên thăm phải mang can đi lấy nước về cho vợ tích trữ dùng dần, mà phải rất tiết kiệm, quần áo thay ra phải gấp lại cuối tuần mang về nhà giặt. Nhớ con, gọi điện về đều phải chạy lên đồi, hay chạy ra chỗ có sóng được dò trước đó để nghe giọng con”, cô Dương rơm rớm nước mắt.
Hành trình mang con chữ đến với học trò vùng cao Nậm Ty không chỉ được đo đếm bằng chiều dài những quãng đường, mà hơn hết là sự tâm huyết, lòng yêu nghề. Sự cô lập giữa núi rừng hoang vu, trăm bề khổ nhưng cũng không thể làm nhụt chí người giáo viên mầm non ấy. Cô Dương túc tắc sống giữa mọi thiếu thốn, nhưng đối với các cháu mầm non thì lại rất nhẫn nại và đầy tình thương, vừa dạy, vừa dỗ các cháu tới trường mỗi ngày.
Suốt những năm trong nghề, không ít câu chuyện rơi nước mắt của đám trò nghèo với lòng kiên trì theo học giữa mùa đông giá rét. Lắm em vẫn co ro trong manh áo mỏng để ngồi nghe giảng mãi không thấy chán khiến cô thêm động lực yêu trường. “Dù dạy học trong điều kiện khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào nơi đây đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của giáo viên”, cô Dương chia sẻ.
Ông Ly A Dua, Trưởng bản Nậm Ty bày tỏ: “Với giáo viên vùng cao nói chung, chuyện vượt khó bám trường, bám lớp không còn xa lạ. Nhưng hơn 10 năm liền xa nhà, bám trường, bám lớp, gắn bó với học sinh như cô giáo Dương thì thật đáng khâm phục. Cô giáo Dương thực sự tâm huyết với nghề và yêu thương con em đồng bào dân tộc Mông nơi này. Học được cái chữ, con cháu người Mông Nậm Ty tương lai sẽ bớt khổ”.
Tạm biệt Nậm Ty, dẫu biết hành trình “gieo chữ” phía trước còn không ít gian nan, song bằng sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, những giáo viên “cắm bản” như cô Dương vẫn cứ thầm lặng hi sinh cho sự nghiệp “trồng người”. Mỗi con chữ mà các cô “gieo” hôm nay sẽ là mầm xanh của ngày mai, để ước mơ của học trò nghèo vùng cao Nậm Ty sẽ bay cao hơn, xa hơn, vượt qua đỉnh núi Nậm Ty mờ sương. Để tương lai Nậm Ty không còn nghèo khó.
Cô Khuyên cả tuổi trẻ gắn bó giáo dục vùng cao và niềm đam mê làm thiện nguyện
"Đi riết thành quen, có những cung đường người khác nhìn vào phải " lắc đầu, lè lưỡi" mà mình vẫn chở các em học sinh ngồi sau vô tư", cô Khuyên cười tươi chia sẻ
Sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên năm 2008, cô sinh viên Bùi Thị Minh Khuyên quê ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được phân công lên công tác tại trường Phổ thông cơ sở Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) theo diện cử tuyển.
Đến tháng 10 năm 2010, cô chuyển vào giảng dạy tại trường Phổ thông cơ sở Nậm Khao, huyện Mường Tè, Lai Châu.
Tháng 8/2016, được lãnh đạo đề nghị, cô lại khăn gói lên trường tiểu Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ, xã Pa Ủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng đồng thời mở ra cơ duyên giúp cô gắn bó với công tác thiện nguyện như ngày hôm nay.
Ít được về nhà, cô Khuyên coi học sinh nơi đây như những đứa con, đứa cháu trong gia đình mình. Ảnh: NVCC
Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ bám bản, nhận lớp với biết bao gian nan vất vả không thể kể xiết như địa hình đường xá xa xôi, hiểm trở; đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc, kinh tế kém phát triển, trình độ nhận thức còn hạn chế nên cô Khuyên cùng các đồng nghiệp phải leo rừng, lội suối đến tận nhà vận động từng phụ huynh, phổ biến chính sách của Nhà nước để họ yên tâm cho con em đi học.
"Cứ dịp đầu năm đi nhận mặt học sinh và thuyết phục các em quay trở lại trường đôi lúc học sinh còn bỏ trốn khi thấy cô giáo đến, thậm chí đánh cả các thầy cô. Từ điểm trường cách nhà em gần nhất cũng 4 -5 cây số, bản xa nhất cách 25 cây lại vòng vèo khó đi, không cẩn thận đi xe rất dễ bị trượt ngã, tai nạn.
Nhưng với thâm niên 6 năm công tác tại Nậm Khao đều đi cơ sở nên tôi chỉ lo học sinh bỏ lớp, bỏ trường chứ không lo khó khăn vất vả. Đi riết thành quen, có những cung đường người khác nhìn vào phải " lắc đầu, lè lưỡi" mà mình vẫn chở các em học sinh ngồi sau vô tư", cô Khuyên cười tươi chia sẻ.
Đại đa số các em học nội trú tại trường sau đó cuối tuần đi bộ hoặc bố mẹ đi xe máy đón về, có em vừa đi vừa chơi dọc đường 4 tiếng mới về tới nhà. Đầu tuần hoặc chiều chủ nhật các thầy cô lại đi đón hoặc gặp các em ở dọc đường đi bộ chở về trường.
Năm 2019, trường Phổ thông dân tộc bán trú Pa Ủ được gộp từ hai điểm trường số 1 và số 2, một ở trung tâm xã Pa Ủ và một điểm cách 16 km.
Cuối năm 2015 - đầu năm 2016 mới được kéo điện lên xã, đời sống bớt đi phần nào khó khăn tuy nhiên chỉ được một vài điểm trường còn lại các thầy cô giáo vẫn phải thắp nến soạn bài hoặc vào nhà dân sạc nhờ điện thoại.
Những giáo viên không có gia đình thì ở lại nhà công vụ còn ai có gia đình riêng thì đi thuê hoặc ở nhờ người quen, lại có 2 con nhỏ nên một năm, cô Khuyên chỉ được về thăm nhà vào dịp Tết và nghỉ hè khiến cô càng gắn bó với mái trường và coi học sinh nơi đây như những đứa con, đứa cháu trong gia đình mình. Nhiều khi cuối tháng lĩnh lương cô lại trích ra mua quà cho lũ trẻ để động viên chúng đến trường.
Cô Bùi Thị Minh Khuyên đã có 13 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Tây Bắc. Ảnh: NVCC
Nói về cơ duyên đến với thiện nguyện, cô Khuyên liền nhắc tới chị Ngô Thị Hồng Nhung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ. Qua một chuyến thiện nguyện quyên góp giúp đỡ quần áo và nhu yếu phẩm cho nhà trường đã nhen nhóm trong lòng cô Khuyên sự ngưỡng mộ, từ đó chuyển biến thành hành động lúc nào không hay.
Thông qua nhóm "Chúng tôi là giáo viên Tiểu học", cô chia sẻ những khó khăn khi đi vận động học sinh trở lại trường vào mùa mưa lũ, học sinh phải lội qua suối, đất đá có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào mà không có biện pháp đảm bảo an toàn đã được một số bạn phóng viên báo chí theo dõi phản ánh. Đồng thời chị Nhung cũng chính là người kết nối giúp cô biết tới cộng đồng AVIVA và đăng ký dự án quỹ cộng đồng AVIVA.
Hai trong ba sáng kiến "thắp sáng bản em" dùng quỹ lắp pin năng lượng mặt trời cho điểm bản Cò Lò xã Pa Ủ và " Tuyên truyền kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước" nhằm giúp học sinh có thêm những kiến thức cũng như kỹ năng phản ứng khi có tình huống tai nạn đuối nước xảy ra do cô Khuyên gửi đi tham dự đã được trao giải thưởng và cấp quỹ trong chương trình của Quỹ năm 2019.
Hiện tại, bằng nguồn quỹ được cấp và sự giám sát của Trung Ương Đoàn cô đã triển khai lắp được 6 bộ pin năng lượng mặt trời cho 3 điểm trường với tổng kinh phí 84.000.000 đồng trong tổng số 25 điểm trường chưa có điện trên toàn huyện.
Ngoài thời gian dạy trên lớp, cô Bùi Thị Minh Khuyên còn tranh thủ giờ nghỉ để chia sẻ các hoàn cảnh đáng thương của các học sinh bị khuyết tật có điều kiện khó khăn lên các nhóm mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Gần đây nhất, trong khi đang chuẩn bị cho 6 bé từ độ tuổi 3 -6 tuổi xuống Hà Nội để thăm khám và chữa trị thì trường hợp của bé Vàng Nhù Xa ở bản Chà Kế bị chấn thương đốt sống lưng trong 1 lần đi nương dẫn đến cháu không thể đứng hay ngồi thẳng được mà phải nằm xoài ra bàn học ở lớp đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà từ thiện. Số tiền quyên góp lên tới 160.000.000 đồng vượt xa mức cô mong đợi và gia đình mong đợi.
Đến nay ngoài 2 dự án đang triển khai mang tính dài hơi là lắp pin năng lượng mặt trời cho các điểm trường và lên kế hoạch tập hợp, tổ chức đưa các em bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đi thăm khám theo để kịp thời điều trị. Cô Khuyên còn kết nối thành công với Ban chấp hành Trung ương đoàn thông qua Câu lạc bộ tình nguyện Niềm Tin, và Tổ chức Sao Biển - một tổ chức phi Chính phủ của Thụy Điển thông qua Câu lạc bộ VPV hỗ trợ xây dựng thành công 6 điểm trường tại các xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn), xã Pa Tần,( huyện Sìn Hồ ), Pa Vệ Sử, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).
Để có được kết quả hỗ trợ như thời gian qua, ngoài sự thiện tâm của mình, cô Bùi Thị Minh Khuyên phải xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác thiện nguyện, từ việc nắm bắt, khảo sát các hoàn cảnh cần được trợ giúp đến phương thức đưa thông tin, hình thức cần giúp đỡ, kêu gọi ủng hộ.
Kịp thời và minh bạch mọi sự ủng hộ, cho thấy rõ sự thay đổi tích cực của đối tượng được ủng hộ là điều mà cô Khuyên luôn luôn tuân thủ. Chính vì thế, facebook của cô Khuyên ngày càng được bạn bè gần xa chia sẻ, ủng hộ cùng chung tay giúp đỡ các trường hợp mà cô đưa lên.
Con đường các thầy cô đi đón các học sinh không hề đơn giản. Ảnh: NVCC
Cô Khuyên chia sẻ: "Thời gian đầu, mình chưa nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều người nên vận động từ thiện không hiệu quả. Mình lại hoạt động độc lập nên khó khăn trong việc xác minh lại trường hợp cần trợ giúp khi nhận được thông tin hay trong vận chuyển đồ, quà hỗ trợ... Mình phải tranh thủ ngoài giờlên lớp, có khi giờ nghỉ trưa hay chập tối mình đều tranh thủ đi, thậm chí là cả thứ Bảy và Chủ nhật nữa.
Nhiều khi rất vất vả, rồi cũng có dị nghị của những người không hiểu việc mình làm, rồi băn khoăn của ban giám hiệu trong việc mình có đảm bảo tốt chuyên môn nhưng nghĩ đến những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động, biết ơn của những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, khi con em mình được chữa trị khỏi bệnh, những thầy cô có ánh sáng để soạn bài hay đơn giản là sạc được pin cho chiếc điện thoại gọi về gia đình cũng khiến mình thêm động lực tiếp tục công việc".
Hơn 13 năm làm công tác giảng dạy, hơn 4 năm làm thiện nguyện, giờ đây mong mỏi duy nhất của cô Khuyên là được giúp đỡ của cơ quan chức năng, hỗ trợ về mặt pháp lý, thủ tục, thống nhất cách làm, cách hỗ trợ để gia tăng thêm niềm tin trong kết nối ủng hộ. Làm được điều này sẽ có nhiều em bé được khỏe mạnh đến trường, nhiều người hiểu và lan tỏa giá trị tốt đẹp mà cô đang hướng tới.
Cô giáo miền cao thương quý học trò, đồng nghiệp Công tác ở một nơi sâu xa, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh (trường THPT Hòa Bình, Chi Lăng, Lạng Sơn) không nghĩ nhiều đến khó khăn mà chỉ càng thấy mỗi ngày lại thêm thương quý học trò, đồng nghiệp. Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh tặng quà cho học sinh Là người con dân tộc Nùng của vùng đất Chi Lăng,...