Địa phương truy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên mong Bộ sớm “giải vây”
Giáo viên chỉ biết cầu mong Bộ Giáo dục sớm ra văn bản để chúng tôi không bị làm khó cũng là để chúng tôi đỡ mất một khoản tiền vô ích.
Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ – đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tại đây, Bộ trưởng đã thông tin, thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ Chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên [1].
Các trường thuộc khối trung học phổ thông ở tỉnh Đăk Nông đồng loạt lập danh sách những giáo viên thiếu chứng chỉ phải bổ sung trước ngày 31/12/2020 về Sở Giáo dục. (Ảnh CTV)
Thông tin trên cũng được ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức về việc này tại Công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và Công văn số 5646 ngày 27/10/2020.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hiện thực hóa trong nhóm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.
Ông Bình cho biết thêm, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ; Không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; Không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.
Do đó, giáo viên chưa học hoặc chưa có những loại Chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2 (với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoàn toàn có thể yên tâm không cần học thêm chứng chỉ để “hợp thức hóa”.
Giáo viên tỉnh Đắk Nông chưa kịp mừng lại hoang mang, lo lắng tìm cách đi học lấy chứng chỉ
Trước thông tin bỏ chứng chỉ từ những người có trách nhiệm cao nhất ngành của giáo dục thì gần như tất cả các nhà giáo đều rất vui mừng, hồ hởi.
Vui vì sẽ không bị mất một khoản tiền không hề nhỏ chỉ để nhận về 2 tờ giấy chứng nhận có dấu đỏ kẹp hồ sơ.
Vui vì sẽ không bị day dứt vì bản thân là nhà giáo mà lại phải gian lận và tiếp tay cho sự gian dối trong thi cử.
Từ thực tế người viết quan sát thấy, phải nói thẳng ra rằng, có những thầy cô một chữ ngoại ngữ cắn đôi không biết nhưng nộp tiền xong chỉ một buổi là vào thi ngon lành và đỗ ngay chứng chỉ loại khá.
Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang khi nhà trường lại bất ngờ thông báo sẽ lập danh sách những giáo viên, nhân viên không có chứng chỉ gửi về Sở Giáo dục.
Cô giáo M. (đã đổi tên nhân vật) công tác tại một trường phổ thông trên địa bàn huyện Đakr’lap, tỉnh Đắk Nông cho biết: Ngày 22/12/2020, tất cả các trường thuộc khối trung học phổ thông ở tỉnh Đăk Nông gửi danh sách những giáo viên thiếu chứng chỉ phải bổ sung trước ngày 31/12/2020 về Sở Giáo dục.
Tin nhắn của giáo viên Đắk Nông
Lần này, Sở Giáo dục không gửi công văn mới mà họ căn cứ những công văn gửi hồi tháng 6/2020 (Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC về việc đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp; Công văn 785 về việc rà soát điều kiện tiêu chuẩn vị trí việc làm nhân viên; Công văn 848 rà soát điều kiện tiêu chuẩn vị trí việc làm cán bộ quản lý các đơn vị trực thuộc).
Trên cơ sở đó, các trường lập danh sách gửi lên Sở những giáo viên thiếu chứng chỉ thì phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Nhân viên có 58 người, giáo viên có 343 người thiếu chứng chỉ”.
Cô M. cho biết thêm: “Trước thông tin này, nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng vì chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn nộp chứng chỉ, giáo viên chúng tôi phải làm gì đây? Họ làm thế, chẳng khác nào ngấm ngầm tạo cơ hội để các trung tâm liên kết để đào tạo chứng chỉ cấp tốc ăn tiền của chúng tôi”.
Tin nhắn của giáo viên Đắk Nông
Thầy giáo T. (xin được giấu tên) cũng nói rằng: “Giáo viên bị lập danh sách vì thiếu chứng chỉ lại tìm cách có được chứ chẳng ai dám lên tiếng vì họ sợ”.
Để có Chứng chỉ tin học giáo viên phải bỏ ra 1.5 triệu đồng còn Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam có giá từ 6 triệu đồng trở lên.
Ngày nộp chứng chỉ cận kề, làm sao chúng tôi có thể học được? Trong khi các trung tâm trên mạng lại liên tục chào giá? Nếu không có sẽ thế nào đây? Liệu có bị thu hồi quyết định tuyển dụng như nhiều người đang đồn? Nếu có thì thật là bất công cho hàng trăm con người.
Bộ cần thông báo rõ ràng đến các địa phương, “giải vây” cho giáo viên
Trước thông tin sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục đưa ra cùng với trả lời của ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo thì gần như chắc chắn giáo viên không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Những thông tin này đã được các tờ báo lớn, nhỏ đăng tải trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông lại tiếp tục yêu cầu lập danh sách giáo viên, nhân viên thiếu chứng chỉ gửi về Sở và còn ghi rất rõ thời hạn cuối cùng phải hoàn thành chứng chỉ trước 31/12/2020?
Chỉ sau động thái lập danh sách giáo viên, nhân viên thiếu chứng chỉ của các trường thì giáo viên lại phải đôn đáo tất tả tìm nguồn tiền thậm chí chấp nhận vay nóng để tìm nơi “học” còn các trung tâm lại có cơ hội ngồi đếm tiền?
Ngày 9/1 vừa qua, hơn 200 giáo viên các môn học đã phải tất tả đi thi chứng chỉ tiếng dân tộc. Mỗi chứng chỉ nộp vào 1.500.000 đồng. Dù ai người trong cuộc tiết lộ, các đồng nghiệp này ai cũng xót ruột vì phải bỏ tiền vô ích nhưng không đi lại sợ. Số giáo viên còn lại vẫn đang nấn ná chờ động thái chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ Bộ Giáo dục và Đào tạo như đã hứa.
Tin nhắn của một giáo viên ở Đắc Nông
Và rồi, những tờ chứng chỉ giáo viên lấy về có lẽ sẽ “đoản thọ” khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới, xóa bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.
Thầy giáo H. cho biết: “Sau khi nghe thông tin nhà trường lập danh sách giáo viên thiếu chứng chỉ, một số giáo viên cũng rất sợ nên đã đăng ký đi học lấy chứng chỉ Tin học vì chỉ nộp 1.500.000 đồng và lấy ngay chứng chỉ trong một buổi.
Riêng chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2 thì rất khó vì phải về thành phố và số tiền nộp vào để học thi khá lớn, một số thầy cô nói cứ để liều chờ quy định của Bộ xem sao ”.
Giáo viên chỉ biết cầu mong Bộ Giáo dục sớm ra công văn để chúng tôi không bị làm khó cũng là để chúng tôi đỡ mất một khoản tiền vô ích trong khi cuộc sống của đa phần các nhà giáo còn rất nghèo và vất vả.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7093
Từ chuyện miễn chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ cho thầy cô, bao giờ hết cảnh nhà nhà đi kiếm chứng chỉ?
Sau 12 năm tồn tại, Bộ Nội vụ vừa thống nhất với đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc không quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Hơn 1 triệu thầy cô sẽ được miễn chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ từ tháng 2/2021. (Ảnh minh họa)
Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư về xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên vào tháng 12/2020. Sau khi ban hành sau 45 ngày, thông tư sẽ có hiệu lực vào tháng 2/2021.
Tin vui cho hơn 1 triệu giáo viên
Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và viên chức năm 2019, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.
Theo Bộ trưởng, về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định mới của Chính phủ đã quy định đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi.
Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, về việc rà soát chứng chỉ, ngoại ngữ và tin học nằm trong kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, nằm trong thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non và giáo dục phổ thông. Theo kế hoạch, thông tư này sẽ ban hành vào tháng 12/2020 và sau khi ban hành sau 45 ngày sẽ có hiệu lực vào tháng 2/2021.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã làm việc, trao đổi và đi đến thống nhất với Bộ Nội vụ về việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Với nội dung trên, Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại Công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và Công văn số 5646 ngày 27/10/2020; sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ hiện thực hóa trong chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập sắp được ban hành.
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Đã có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực.
Trước đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Thông tin này đem đến niềm vui cho hơn 1 triệu giáo viên khắp cả nước.
Bao giờ hết cảnh nhà nhà đi lấy chứng chỉ?
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT phân tích, mỗi chứng chỉ từ một vài triệu đến 5-7 triệu đồng đã trở thành gánh nặng cho nhiều nhà giáo. Đáng nói, khi có những chứng chỉ này liệu có giúp ích được bao nhiêu cho công việc giảng dạy hàng ngày? Câu trả lời chắc chắn là không vì học trong thời gian ngắn, học để đối phó về mặt bằng cấp còn không sử dụng thực chất thì khó có động lực thực chất để học nghiêm túc.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thừa nhận nếu toàn dân biết ngoại ngữ thì quá tốt. Nhưng yêu cầu giáo viên nào cũng phải biết ngoại ngữ là điều không tưởng. Nên khi đặt ra quy định vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng đối phó.
Ngay cả những giáo viên có học ngoại ngữ chăm chỉ, thực chất để lấy bằng B, bằng C, chứng chỉ... nhưng không dùng đến một thời gian sẽ rất dễ quên. Vì vậy, việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đang đâu đó gây lãng phí tiền bạc, thời gian của giáo viên.
Thực tế, có nhiều câu chuyện bi hài như cán bộ, công chức chỉ còn 1-2 năm nữa là về hưu nhưng thời gian đi học nhiều hơn thời gian ở cơ quan. Có người khi đi học để chuẩn hóa bằng cấp lại học với "thầy" là học sinh cũ của mình.
Có người làm phóng viên 20-30 năm, giành hàng chục giải thưởng báo chí từ cấp Quốc gia đến địa phương, sắp về hưu vẫn phải đi học chuẩn hóa lớp phóng viên hạng 3 (hạng cơ bản nhất để được công nhận là phóng viên)... không còn là chuyện hiếm trong các lớp học về chính trị, quản lý hành chính, phóng viên hạng 2, phóng viên hạng 3 và cả chục lớp học khác để chuẩn hóa hồ sơ cán bộ.
Và điển hình là những sai phạm trong đào tạo "chui" của ĐH Đông Đô đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015, trường đã tự tuyển sinh, đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã đăng tải đề án tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Cơ quan điều tra cũng đã thông tin rằng, phát hiện một số trường hợp không qua thi tuyển, không học, nhưng vẫn được hô biến để sở hữu tấm bằng cử nhân tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô.
Trong khi đó, chứng chỉ tiếng Anh, tin học là điều kiện cần của các cuộc tuyển dụng viên chức, công chức, thi nâng hạng, nâng lương hiện nay. Cũng bởi vậy, mà nhiều người chạy đua để có được bằng tiếng Anh cho đủ hồ sơ, chứng chỉ.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương, TP HCM cho rằng, nhiều chứng chỉ hiện nay vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất, nhưng không có lại không được. Với những chứng chỉ ngoại như TOEIC, IELTS hay Vstep cũng chỉ có thời hạn trong 2 năm. Do đó, nhiều người bằng mọi cách để "sắm cho được" tấm bằng cử nhân ngoại ngữ vô thời hạn. Khi có cầu, ắt sẽ có kẻ lách luật để cung.
Đào tạo tiến sĩ nhiều khi mất 7-8 năm, nhưng chứng chỉ ngoại ngữ lại chỉ có thời hạn 2 năm. Nhiều người vì vậy mà tìm mọi cách để chạy văn bằng 2. Từ thực tế của bản thân, PGS.TS Đỗ Văn Xê cho biết, từng có 4 năm làm việc tại Philippines, 4 năm học tại Mỹ, nhưng đến khi về Việt Nam làm giảng viên cao cấp, vẫn phải thi lại chứng chỉ tiếng Anh.
Có thể nói, cùng với việc ngành giáo dục tiên phong miễn chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, việc tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí, sẽ không yêu cầu chứng chỉ nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng thể hiện trong các kỳ thi, kiểm tra trên máy vi tính.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhận định: Đúng là đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng máy móc và hình thức chủ nghĩa trong tuyển dụng, nâng hạng, bổ nhiệm khi chỉ căn cứ vào văn bằng. Bởi, văn bằng nhiều khi không có thực, mà đánh giá trình độ cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tế.
Có người có trình độ thật nhưng lại phải đi làm chứng chỉ, hoặc đôi khi phải học lại để được cấp... Do vậy, chủ trương mới này sẽ giúp giảm rất nhiều gánh nặng, bớt thủ tục phiền hà cho công chức, lại tránh được nhiều tiêu cực nhất là chuyện mua bằng bán điểm.
Thay vì yêu cầu cung cấp chứng chỉ, cần kiểm tra năng lực thực tiễn, quan trọng nhất là phải đánh giá trên hiệu quả công việc thực tiễn. Dù vậy, với chủ trương của Bộ Nội vụ sẽ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng việc kiểm tra này cần hết sức coi trọng năng lực thực.
Đặc biệt để tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ kiểm tra, khi chọn hội đồng kiểm tra, ai là người kiểm tra, phương thức kiểm tra thế nào thì cần rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đắn. Nếu không làm được điều đó, công tác tổ chức kiểm tra sẽ không có ý nghĩa gì. Kết quả kiểm tra phải là kết quả thực, phù hợp và đúng với năng lực, trình độ thực tế của công chức, chứ không phải là hình thức và sự đối phó về bằng cấp. Hy vọng, nhà nhà sẽ không còn cảnh... mòn mỏi đi học...
Thay chứng chỉ bằng thi ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, thăng hạng cũng lo Nhà nước cần có tổ chức độc lập trong việc thi tuyển, đánh giá viên chức, công chức. Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian sắp tới khiến nhiều giáo viên vui mừng. Thế nhưng vẫn còn đó rào cản bắt buộc giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ, tin...