Dẹp loạn xe khách liên tỉnh
Bộ GTVT vừa quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tỉnh tại các TP Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM và tỉnh Nghệ An
Nhiều bến cóc, xe dù gắn chặt với quyền lợi của không ít cán bộ địa phương nên việc dẹp bỏ không dễ. Ảnh: Tấn Thạnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-6, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết từ ngày 21-6 đến 20-10, cơ quan này tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tỉnh tại các TP là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM và tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi thanh tra sở GTVT các địa phương còn lại đề nghị đồng loạt ra quân kiểm tra, giám sát hoạt động của xe khách.
Hiện, đoàn thanh tra do ông Thạch Như Sỹ dẫn đầu đang thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định ở TP Cần Thơ. Ông Sỹ cho biết thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định còn nhiều bất cập như tranh giành khách giữa các phương tiện; bến cóc, xe dù xuất hiện phổ biến ở hầu hết các địa phương; chất lượng phục vụ ở một số doanh nghiệp chưa bảo đảm yêu cầu của Nghị định 91/2009 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. “Hy vọng qua đợt thanh tra này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ được nguyên nhân của các vụ tai nạn, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT áp dụng nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời” – ông Sỹ nói.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Như Trúc cho rằng nhiều doanh nghiệp vận tải còn kinh doanh theo hình thức chụp giật, không coi trọng việc giáo dục đạo đức cho tài xế và phụ xe. Từ đầu năm tới nay, Bến xe Gia Lâm đã đình chỉ hoạt động 61 phương tiện do vi phạm về dừng đỗ, không có vé, treo biển sai tuyến, xuất bến sai giờ…
“Chúng tôi công khai biểu đồ, phương tiện của các doanh nghiệp vận tải trên tuyến để họ giám sát lẫn nhau và kiên quyết không cho các phương tiện không đủ điều kiện vào bến đón khách” – ông Trúc khẳng định. Theo ông Trúc, sắp tới, Bến xe Gia Lâm sẽ lắp đặt hệ thống camera để giám sát hoạt động của xe khách. Thông tin thu được từ camera sẽ được chuyển tới Công an quận Long Biên và Cảnh sát 113 để xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết sau một thời gian phân cấp quản lý và cấp phép kinh doanh vận tải cho sở GTVT các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực. Đặc biệt, nạn bến cóc, xe dù ngày càng rầm rộ ở Hà Nội và TPHCM. “Nhiều bến cóc, xe dù gắn chặt với quyền lợi của không ít cán bộ địa phương nên việc dẹp bỏ không dễ” – ông Hùng nhận định. Theo ông Hùng, việc thanh tra hoạt động xe khách tại 5 tỉnh, TP lớn là rất cần thiết nhưng cần tránh hình thức và phải nhìn thẳng vào thực trạng kinh doanh xe khách hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp.
Video đang HOT
Dẹp “đầu gấu” bến xe
Công an quận Long Biên – Hà Nội vừa phối hợp với Bến xe Gia Lâm giải tán nhóm “đầu gấu” được một doanh nghiệp vận tải thuê để dọa dẫm doanh nghiệp khác nhằm tranh giành khách. Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó trưởng Công an quận Long Biên, doanh nghiệp cạnh tranh phải văn minh, lịch sự chứ không thể dùng những biện pháp “lỗi thời” như thuê “đầu gấu” dọa dẫm. “Chúng tôi sẽ làm quyết liệt để tình trạng này không tái diễn trên địa bàn. Nếu phát hiện có trường hợp nào vi phạm thì sẽ áp dụng các chế tài mạnh nhất để xử lý” – ông Khanh kiên quyết.
Theo NLD
Hà Nội: Dẹp đầu gấu bến xe, "trảm" hàng loạt phương tiện
Hàng loạt phương tiện và nhóm bảo kê "đội lốt" nhân viên điều hành của một số doanh nghiệp vận tải vừa bị xử lý vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự công cộng và ATGT tại bến xe Gia Lâm (Hà Nội).
Thuê đầu gấu... đón khách
Tình trạng một số doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến Quốc lộ 5 chiều Hải Phòng - Hà Nội có hành vi dùng xã hội đen can thiệp vào hoạt động kinh doanh, tranh giành khách gây mất trật tự công cộng (TTCC) và an toàn giao thông (ATGT) vẫn chưa được giải quyết triệt để, thì mới đây Công an quận Long Biên và Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) lại phát hiện một số nhóm tội phạm bảo kê dưới danh nghĩa nhân viên điều hành của một số doanh nghiệp vận tải thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, gây rối tại khu vực bến xe này.
Xe khách gây mất trật tự ở khu vực bến Gia Lâm và đường Ngô Gia Khảm
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Trưởng Công an quận Long Biên - hồi cuối tháng 5/2012, Công an quận nhận được tin báo của bến xe Gia Lâm về việc một số nhóm đối tượng có hành vi gây rối. Qua điều tra cho thấy, các đối tượng này là đầu gấu do Công ty TNHH Thương mại Đoàn Xuân (Hải Phòng) thuê với danh nghĩa là nhân viên của doanh nghiệp đến bến làm "nhiệm vụ" đón khách, lôi kéo, thậm chí là dọa dẫm các doanh nghiệp khác để tranh giành khách.
"Công an quận Long Biên ngay sau đó đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và giải tán nhanh chóng nhóm đối tượng đầu gấu, côn đồ nói trên" - ông Khanh cho biết.
Được biết, không chỉ dùng đầu gấu để đón khách đi xe, trong thời gian qua, tại khu vực bến xe Gia Lâm tình hình an ninh trật tự và ATGT có chiều hướng phức tạp, tình trạng xe khách vi phạm quy định về dừng đỗ đón trả khách gia tăng.
Vì vậy, Công an quận Long Biên, Công an phường Gia Thụy đã phối hợp với bến xe Gia Lâm mở đợt cao điểm lập lại TTCC, trật tự ATGT và văn minh đô thị tại khu vực bến xe, đường Ngô Gia Khảm và ATGT tuyến quốc lộ vận tải hành khách số 5 Hà Nội - Hải Phòng.
Hàng loạt xe khách bị "trảm"
Ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc Bến xe Gia Lâm - cho biết: "Việc giáo dục lái phụ xe của một số doanh nghiệp còn lỏng lẻo, kinh doanh chộp giật, khi vắng bóng lực lượng quản lý bến và lực lượng chức năng thì nhiều xe khách (trong đó có xe của doanh nghiệp Đoàn Xuân) từ bến ra cố tình dừng dỗ đón khách trên đường Ngô Gia Khảm, dù không được phép nhưng điều hành xe của doanh nghiệp cố tình vào bến và có những động thái điều khiển lái xe chùng chình, đón khách vô tổ chức gây ùn tắc và lộn xộn trong sân bến...".
Theo ông Trúc, không chỉ xe khách liên tỉnh mà xe buýt công cộng cũng vi phạm những quy định, trong đó có tuyến buýt số 202 thường xuyên đỗ quá số lượng quy định tại quảng trường bến, đỗ sai vị trí, khi rời bến vẫn chùng chằng để đón khách trên đường Ngô Gia Khảm, đường Ngọc Lâm...
Một xe khách khác cố tình chần chừ khi đã có lệnh xuất bến, vi phạm quy định
Tính đến ngày 18/6, đã có 61 phương tiện bị đình chỉ hoạt động do vi phạm về dừng đỗ đón trả khách, không có vé, treo biển sai tuyến, xuất bến sai giờ... Hàng loạt lều quán bị dỡ bỏ, xử phạt hành chính 71 trường hợp, phạt tiền 74 triệu đồng.
Những doanh nghiệp vận tải bị xử lý vi phạm như: Công ty CP khách Thanh Long, Công ty CP khách Bắc Giang, Công ty Vân Thanh, Công ty Xuân Sơn, Công ty Bus Hải Phòng, Công Ty Đoàn Xuân, Công ty Triệu Phố, doanh nghiệp tư nhân Đại Việt...
"Chúng tôi công khai biểu đồ, phương tiện của các doanh nghiệp vận tải trên tuyến Hải Phòng để giám sát lẫn nhau, kiên quyết không cho các phương tiện không đủ điều kiện vào bến đón khách, từ chối nhân viên điều hành của doanh nghiệp vào mở lệnh xuất bến, không cho tăng chuyến tăng xe vào các ngày cuối tuần..." - ông Trúc cho hay.
Đặc biệt, giám đốc bến xe Gia Lâm cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ cao là camera trong thời gian tới để giám sát và xử lý phương tiện tái diễn vi phạm. Hệ thống camera này sẽ được lắp đặt ở cổng khu vực cổng ra vào bến và trên trục đường Ngô Gia Khảm. Thông tin camera ghi lại sẽ được kết nối giữa bến xe Gia Lâm với công an quận Long Biên, công an phường Gia Thụy, cảnh sát 113 để xử lý tất cả mọi vi phạm theo quy định của pháp luật.
"Đã qua rồi cái thời những chuyến xe "bão táp", doanh nghiệp cạnh tranh thì phải lành mạnh, văn minh, lịch sự chứ không thể dùng những biện pháp "lỗi thời" như xã hội đen, đầu gấu nữa. Từ nay sẽ không có câu chuyện tương tự xảy ra trên địa bàn quận Long Biên, nếu phát hiện có trường hợp nào vi phạm thì sẽ áp dụng các chế tài mạnh nhất để xử lý." - Phó trưởng Công an quận Long Biên - ông Nguyễn Hồng Khanh khẳng định.
Ông Đàm Xuân Lũy - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hải Phòng khẳng định, các trường hợp vi phạm gồm: Không niêm yết đầy đủ chất lượng dịch vụ tạn tải tại BX cũng như trên phương tiện theo quy định, không triển khai bộ phận theo dõi, quản lý an toàn giao thông; Cố tình sử dụng các hành vi không lành mạnh như gọi điện đe dọa, chặn dừng xe, hành hung lái xe, nhân viên phục vụ của đơn vị vận tải khác bị cơ quan công an xử lý hành chính, hình sự và có thông báo gửi về thì doanh nghiệp sẽ ngay lập tức bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và giấy chấp thuận khai thác tuyến đã cấp.
Theo Dân Trí
Giám đốc chi nhánh SCTV tổ chức giết người Không liên quan đến mình nhưng khi nghe đàn em thọc mạch mâu thuẫn với nhóm Việt kiều, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) đã tổ chức cho nhiều thanh niên giết người dã man. Ngày 15-6, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trịnh Cao Minh (tự Minh Béo, SN 1978, ngụ Hải Phòng) 12...