Đến trường trong tiếng mõ trâu
Một tiếng trống báo vào lớp học là điều xa lạ ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Trong thiếu thốn đủ bề, sự học vẫn được duy trì và phát triển với âm vang của tiếng mõ trâu.
Từ điểm trường chính của Trường Tiểu học Bắc Lý 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), phải mất gần một buổi trầy trật trên những con đường rừng ngoằn ngoèo lởm chởm đất đá, vượt qua mấy khe nước cạn trơ đáy, chúng tôi mới đến được điểm trường lẻ Keo Phà Tú. Ngôi nhà xập xệ của điểm trường Keo Phà Tú nằm lọt thỏm giữa bản làng của người Khơ – Mú.
Điểm trường lẻ Keo Phà Tú.
“Keo Phà Tú là một trong những điểm trường lẻ xa nhất của Trường tiểu học Bắc Lý 2. Ở đây có 49 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng chỉ có 4 giáo viên thay nhau đứng lớp. Tất cả học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc Khơ – Mú”, thầy Ngô Anh Quyền giới thiệu vắn tắt với khách. Thầy Quyền đã có 6 năm gắn bó với điểm trường này
Video đang HOT
Với những phòng học tạm bợ.
Ngôi trường bằng tre, dựng chênh vênh ở lưng chừng đồi. Nếu không có tấm bảng ghi dòng chữ “Trường Tiểu học Bắc Lý 2 – điểm trường Keo Phà Tú” đã phai màu sơn, có lẽ chúng tôi sẽ nhầm với những ngôi nhà tuềnh toàng của người dân trong bản. Đứng trong lớp học, ngước lên, có thể thấy cả bầu trời xanh qua những lỗ thủng trên mái. “Đầu năm học nào trường cũng huy động phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo vào rừng chặt tre tu sửa nhưng chỉ vài trận mưa là mục nát hết cả” – thầy Quyền phân trần.
Thấy có khách lạ đến thăm, hơn chục em học sinh đứng dậy khoanh tay chào rồi cắm cúi xuống những quyển sách đã sờn hết gáy. Những đứa trẻ khuôn mặt lấm lem, quần áo sờn rách, cáu bẩn nhưng đôi mắt lại háo hức với những con chữ một cách lạ thường. Các phòng học được ngăn bởi những tấm phên nứa đã mục nát, thủng lổ chỗ và có cửa thông nhau bởi hầu như giáo viên ở điểm trường này đều phải dạy ghép một lúc 2 lớp.
Cô và trò học trong lớp học ngăn bằng phên.
Hiếm hoi để tìm được một bộ bàn ghế cho đúng nghĩa bởi tất cả bàn ghế ở các phòng học đều đã hư hỏng, xiêu vẹo. “Đồng bào còn khó khăn lắm, kiếm một ngày 2 bữa ăn đã là may mắn lắm rồi lấy đâu ra tiền đóng góp xây dựng trường lớp cho kiên cố được nên thầy trò phải vượt khó thôi. Người dân ở đây nghèo lắm, dù các khoản đóng góp, sách vở, đồ dùng học tập được miễn nhưng cho các con đến trường là cả một kỳ tích rồi.
Gần như đầu năm học nào chúng tôi cũng phải đến từng nhà vận động các phụ huynh cho các em tới lớp còn vào mùa giáp hạt thì gần như phải “giành” học sinh bởi đói quá, các em phải vào rừng phụ bố mẹ kiếm củ mài, củ sắn. Chỉ thương các em, vào mùa nắng thì nóng, mặt trời dọi thẳng vào lớp. Vào mùa mưa, thầy và trò lại phải chuyển bàn ghế hết góc này qua góc khác để tránh mưa ướt. Khó khăn là thế nhưng các cháu ham học lắm…” – thầy Quyền cho biết thêm.
“Trống trường” là chiếc mõ trâu.
3 tiếng mõ vang lên, các em học sinh gấp sách đứng dậy. “Ở đây đến cả các trống cũng không có nên phải dùng mõ để báo hiệu giờ học”, cô giáo Nguyễn Thị Thiện đọc được sự ngạc nhiên ở những người khách mới đến. Một cậu học sinh ôm chiếc mõ (loại người dân vẫn buộc vào cổ bò trước khi thả vào rừng để tránh đi lạc nhưng lớn hơn chút xíu – PV) đi ra sân. Sau một hồi mõ, các em học sinh lớp 5 đứng ngay ngắn thành hàng và bắt đầu bài tập thể dục. Các động tác thể dục được thực hiện đều đặn, nhịp nhàng theo tiếng mõ. Rồi cũng tiếng mõ ấy vang lên, tất cả học sinh lại trở vào lớp học.
Giấc mơ con chữ vẫn được miệt mài gieo nơi ngôi trường vùng biên này
Rời Keo Phà Tú trong buổi chiều nhạt nắng, tiếng mõ báo hết buổi học cứ khiến những người khách lạ chúng tôi chùng lòng. Mơ ước có một tiếng trống trường đúng nghĩa cũng còn xa vời với ngôi trường nơi biên giới này…
Hoàng Lam – Lộc Nghi
Theo dân trí