Đến năm 2030, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km
Bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km.
Tàu khách LP6 xuất phát Hải Phòng đi qua cầu Long Biên vào Ga Long Biên sáng 13/10. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, với tổng chiều dài 2.362km.
Quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, với một số mục tiêu cụ thể như sau:
Về vận tải: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40%.
Về kết cấu hạ tầng: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (Hà Nội-Vinh, Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế; duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Theo Quyết định, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km, gồm:
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm với chiều dài khoảng 1.545km.
Tuyến Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân với chiều dài 129km.
Tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi-Lạc Đạo-Bắc Hồng với chiều dài khoảng 59km; chuyển đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên, Gia Lâm-Lạc Đạo thành đường sắt đô thị phù hợp với lộ trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội và đường sắt vành đai phía Đông.
Video đang HOT
Ga Long Biên (Hà Nội). (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Tuyến Hà Nội-Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện: Chiều dài khoảng 102km.
Tuyến Vũng Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam-Lào (đèo Mụ Giạ) với chiều dài khoảng 103km.
Tuyến Biên Hòa-Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu với chiều dài khoảng 84km.
Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng: Chiều dài khoảng 174km.
Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam-Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư): Chiều dài khoảng 128km.
Tuyến Thủ Thiêm-Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách: Chiều dài khoảng 38km.
Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp chính sách chủ yếu.
Về cơ chế, chính sách: Xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất (nhất là tại các ga đường sắt) để huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Về nguồn lực đầu tư: Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; sử dụng nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình đường sắt có tính lan tỏa.
Đồng thời, Quyết định cũng đề cập đến giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải (kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…); tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt.
Về môi trường, khoa học và công nghệ, công nghiệp đường sắt: Từng bước kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải đường sắt nhất là xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp; hạn chế các tuyến đường sắt đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường; trường hợp bắt buộc cần có phương án bồi hoàn hệ sinh thái phù hợp.
Về phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý, xây dựng, vận hành đường sắt thông qua thành lập cơ sở đào tạo, nghiên cứu, thực nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt; hợp tác đào tạo, thu hút chuyên gia về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi…; ưu tiên dành chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành đường sắt.
Bên cạnh đó, các giải pháp khác gồm mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là với những nước có đường sắt phát triển để tiếp thu khoa học công nghệ và kinh nghiệm phát triển đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế để ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong ứng dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống giao thông đường sắt ./.
Cầu Long Biên sẽ không "thay áo mới" vì thiếu kinh phí
Đơn vị duy tu cầu Long Biên (Hà Nội) cho biết hàng chục công nhân đang gấp rút thực hiện hai hạng mục chính của cầu trong năm nay là sơn lan can bộ hành và thay thế các thanh tà vẹt đã bị mục nát.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 4/10, hàng chục công nhân trên cầu Long Biên đang tiến hành sơn sửa lan can cầu, khảo sát các thanh tà vẹt đã bị mục ruỗng, cũ nát theo thời gian. Các dầm chính và phụ của cầu Long Biên bị han gỉ ở các khớp nối cũng được công nhân tiến hành sửa chữa và sơn lại để chống tác động ăn mòn của môi trường. Gần 40 công nhân được chia thành 4 tổ làm việc theo ca để duy tu cầu Long Biên. Dự kiến, việc duy tu cầu cơ bản sẽ được hoàn thành trong tháng 11 năm nay.
Toàn bộ lan can bộ hành cả hai bên của cầu Long Biên sẽ được sơn phủ 2 lớp chống gỉ, với tổng chiều dài gần 4.600m.
Các kết cấu thép của cầu Long Biên đã bị han gỉ từ lâu, các vị trí hư hỏng nặng nhất là tại các khớp nối giữa các dầm ngang và dầm dọc của cầu.
Các công nhân tiến hành sửa trụ chính của cầu, các dầm chịu lực của cầu Long Biên.
"Cục Đường sắt Việt Nam hợp đồng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, công ty CP Đường sắt Hà Hải để tiến hành duy tu bảo dưỡng và vận hành cầu Long Biên. Tổng chi phí năm 2021 là khoảng hơn 6 tỷ đồng. Với khoản chi phí này, chúng tôi chỉ có thể sơn lại một phần các dầm cầu bị hư hỏng, ăn mòn theo thời gian. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành sơn lại toàn bộ lan can cầu và thay các thanh tà vẹt đã cũ, hỏng. Kinh phí để sơn lại toàn bộ cầu Long Biên là rất lớn, chúng tôi chưa có kế hoạch cho việc này", ông Tô Đình Lãng, Phó phòng Quản lý kỹ thuật, đơn vị duy tu cầu Long Biên cho biết.
Tốp công nhân của công ty CP Đường sắt Hà Hải rà soát các thanh tà vẹt đã cũ hỏng để chuẩn bị thay mới.
Qua khảo sát, toàn bộ cầu Long Biên có khoảng 1.000 thanh tà vẹt gỗ đã cũ hỏng, mục nát nghiêm trọng cần được thay thế.
Sau 6 tháng đầu năm, tổng số thanh tà vẹt đã được thay mới là 500 thanh. Trong quý III, đơn vị duy tu tiếp tục thay thế thêm 200 thanh tà vẹt khác để đảm bảo an toàn cho đường sắt vận hành qua cầu Long Biên.
Trải qua hơn 100 năm sử dụng, cầu Long Biên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các kết cấu thép của cầu hiện nay đã han gỉ, đặc biệt là các nút của dầm ngang kết nối với dầm dọc, lan can của cầu.
Toàn cảnh cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm.
Hiện nay, cầu Long Biên chỉ cho phép các phương tiện xe máy, xe đạp đi qua cầu để đảm bảo an toàn.
Bạch Thái Bưởi: Huyền thoại "vua tàu thuỷ" khởi nghiệp từ khúc củi khô Khát vọng làm giàu của Bạch Thái Bưởi thể hiện đậm nét tính đua tranh, sự bất bình của người Việt trước những thế lực ngoại bang. Khởi nghiệp từ khúc củi khô Đầu thế kỷ 20 người Hà Nội xếp hạng "tứ hổ" đất Tràng An là "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi". Người thứ tư trong danh sách này...