- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Đề nghị xem lại thi trắc nghiệm Toán: Đừng loại tư duy
On 09/11/2019 @ 1:12 PM In Học hành
Theo GS Phạm Tất Dong, thi cử sử dụng công nghệ nhưng lại thiếu kiểm soát, hệ quả là xảy ra gian lận.
Trước những lo lắng của GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đối với môn Toán và một số môn khác, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở.
Theo GS Dong, hiểu một cách đơn giản, thi trắc nghiệm (test) là những bài tập ngắn hạn được đưa ra mà người làm bài thi ấy chỉ được lựa chọn đúng hay sai. Cách làm ấy đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, và đánh giá một cách công bằng, thi trắc nghiệm có cái hay cái dở, tùy từng hoàn cảnh.
"Nhiều khi người làm bài thi trắc nghiệm trả lời đúng là do ăn may. Một bài tập đưa ra 3 đáp án trả lời, người thông thạo thì chọn được đáp án đúng, người không biết nhưng "mèo mù vớ cá rán" cũng chọn được đáp án đúng và ăn điểm.
Cái dở của hình thức thi này là tòan bộ quá trình tư duy của người làm bài thi không thể kiểm soát được. Tại sao lại chọn câu ấy?
Nếu làm một bài toán phải có lời giải, có xử lý để đi đến đáp án thì mới biết tư duy toán học của người đó, phương pháp giải bài toán ấy có hay hay không. Có người giải rất dài dòng nhưng cũng có người giải rất ngắn mà vẫn chính xác, qua đó biết được không những về lý thuyết mà năng lực của mỗi người rất rõ", GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.
Vũ Trọng Lương, nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT Hà Giang đã mở cửa phòng chứa bài thi mang bài thi đi sửa. Lương được xác định đã trực tiếp sửa (nâng) điểm hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang. Ảnh: GĐ-XH
Chính vì thế, theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khi kiểm tra hay thi tốt nghiệp bao giờ cũng phải kiểm tra cả lý thuyết lẫn thực hành, trong khi đó thi trắc nghiệm chủ yếu là thực hành.
Thi trắc nghiệm, theo GS Dong, có lợi nhất là cho các môn kỹ thuật. Ông dẫn ví dụ, đưa ra một tín hiệu, thí sinh nhớ được tín hiệu ấy ra sao thì biết ngay trí nhớ của người đó dài hạn hay ngắn hạn. Hay muốn đo trong 1 giây một người có thể nhìn được bao nhiêu đối tượng, tốc độ phản ứng của tài xế đến đâu..., khi ấy trắc nghiệm là cần thiết.
"Người làm về kỹ thuật sẽ thích thi trắc nghiệm, nhưng máy móc sử dụng hình thức này để chọn người thì nhiều khi bản thân thí sinh không bộc lộ hết được năng lực, tầm tư duy, khả năng nắm lý thuyết thế nào. Đi học phải dựa trên cơ sở lý thuyết rồi mới thực hành, thực hành nhiều tạo nên kỹ năng, nếu thực hành ngay thì dễ hỏng việc.
Ngay như môn tiếng Anh cũng không nên thi trắc nghiệm hoàn toàn. Nếu thi trắc nghiệm hoàn toàn môn này thì không thể kiểm tra được khả năng nói của thí sinh, trong khi đối với ngoại ngữ, khả năng nói vô cùng quan trọng", PGS.TS Phạm Tất Dong nhận xét.
Bởi thi trắc nghiệm có cả lợi và hại nên việc GS Phùng Hồ Hải không tán thành việc thi trắc nghiệm 100% môn Toán và một số môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia, theo GS.TSKH Phạm Tất Dong là điều dễ hiểu.
Một lý do khác khiến Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ với quan điểm của GS Phùng Hồ Hải, đó là môn Toán nhiều khi phải dựa vào các định lý, nếu học theo kiểu đối phó, chỉ cần nhớ nhầm một vài chữ thì vô cùng đáng ngại.
Sau cùng, ông cho rằng, mặc dù kỳ thi sử dụng công nghệ thông tin nhưng lại không hiểu bản chất, thiếu sự kiểm soát, dẫn đến xảy ra gian lận.
"Đã không hiểu công nghệ thông tin mà lại dùng nó thì khác nào dùng dao hai lưỡi. Thế nên mới có chuyện mở cửa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm, rút bài đem đi sửa", GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.
Về vấn đề này, trước đó, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng bày tỏ lo ngại rằng thi trắc nghiệm 100% môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia không mang lại kết quả gì trong việc đánh giá học sinh đó.
Theo ông, hình thức này tạo điều kiện cho quay cóp rất nhanh và cuối cùng khi một người sai sẽ dẫn đến những người khác sai cả loạt, không phản ánh được chất lượng thực sự của người học.
Cũng bởi lo ngại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gây hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục, trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào năm ngoái, GS Phùng Hồ Hải đã đề nghị xem xét lại mô hình này.
Ông cho rằng cần tổ chức các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra biện pháp cho năm tới. Đối với những vấn đề liên quan chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học.
Thành Luân
Theo baodatviet
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/de-nghi-xem-lai-thi-trac-nghiem-toan-dung-loai-tu-duy-20191109i4434244/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.