- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Để hội nhập không ‘dập’ chăn nuôi

On 11/09/2015 @ 10:23 PM In Tin nổi bật

Nông nghiệp được xem là lĩnh vực chịu nhiều áp lực nhất trước tiến trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là với các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề.

Để hội nhập không dập chăn nuôi - Hình 1

Câu chuyện đối với nhiều khu vực trong ngành nông nghiệp sẽ không chỉ xoay quanh việc lo có tăng được xuất khẩu hay không mà là làm sao trụ vững được trên chính sân nhà.

Trường hợp ngành chăn nuôi là một ví dụ. Theo báo cáo đánh giá về tác động của TPP và AEC đến ngành chăn nuôi của Việt Nam, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) công bố mới đây, TPP có những tác động tiêu cực khá mạnh. Đáng chú ý, báo cáo nhận định sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng ngành thịt (lợn, gia cầm...) bị thiệt hại mạnh nhất.

Với TPP, các loại thịt gia súc, gia cầm, sữa... từ các đối thủ rất mạnh trong TPP như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada sẽ "tràn ngập" thị trường với giá rẻ và chất lượng đảm bảo hơn. Trong khi các DN nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm này và người tiêu dùng được lợi thì các hộ gia đình chăn nuôi, các DN đang hoạt động trong lĩnh vực này sẽ phải đối chọi với một cuộc cạnh tranh thực sự, mang tính một mất một còn.

Lúc đó, có thể nhiều hộ sẽ phải từ bỏ nghề chăn nuôi vốn là sinh kế của họ bấy lâu, hoặc nếu có thì cũng chỉ còn mang tính chất "nuôi cho vui", chứ không thể nói đến yếu tố thương mại. Luật chơi của hội nhập, của cạnh tranh công bằng buộc chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Nhưng khoảng 8 triệu hộ nông dân Việt Nam đang "sinh tử" nhờ chăn nuôi liệu có dễ chấp nhận?

Theo các chuyên gia, yếu thế lớn nhất trong cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay chính là vấn đề giá cả và chất lượng. Tất cả các yếu tố khác từ chính sách, quy mô (nhỏ lẻ), giá nguyên liệu đầu vào cao (giống, thức ăn, thuốc thú y...), an toàn toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa được chú trọng...

Vì vậy, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi sẽ càng hạn chế hơn khi chúng ta tham gia vào cuộc chơi hội nhập.

Bàn về "cửa lách" cho chăn nuôi, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng nhóm nghiên cứu của VERP cho biết, tâm lý và thói quen tiêu dùng của đa số người Việt vẫn thích dùng đồ thịt tươi, hay các đồ đặc sản như lợn mán, gà đồi mà chỉ Việt Nam mới có.

Đây chính là một trong những rào cản phi thuế quan rất hữu ích để mà chúng ta có thể tận dụng trong quá trình cải cách, tổ chức lại sản xuất và nâng cao chất lượng của ngành chăn nuôi. Cùng với thị trường trong nước, xuất khẩu dù không phải là thế mạnh của ngành chăn nuôi nhưng chúng ta không phải không có cách để vươn ra thị trường thế giới.

TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ câu chuyện: Trong cuộc gặp với đại diện hiệp hội thức ăn Mỹ gần đây, họ có đề nghị tại sao với các sản phẩm gia cầm đạt tiêu chuẩn ATVSTP, Việt Nam không nghiên cứu để xuất khẩu vào Mỹ. Như với thịt gà, người Mỹ chỉ ăn phần ức. Vậy tại sao Việt Nam không cắt phần ức xuất sang Mỹ, phần còn lại cung ứng tại thị trường nội địa. Đấy chính là thế mạnh mà chúng ta có thể khai thác.

Tuy nhiên theo ông Khanh, để tận dụng được những thế mạnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là cần tháo gỡ là chính sách. Bởi cho đến khi nào tình trạng kiểu như một quả trứng phải "cõng" tới 14 loại phí thì rõ ràng khi đó, ít nhất về mặt giá cả, hàng hóa của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước.

Cố nhiên, chính sách chỉ là một vấn đề. Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện năng suất, nâng chất lượng và hạ giá thành trong ngành chăn nuôi cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, có nhiều giải pháp có thể làm ngay như tìm mọi cách giảm giá nguyên liệu đầu vào chăn nuôi (thực phẩm, thuốc thú y...), tiến hành các biện pháp để thực hiện nghiêm vấn đề ATVSTP.

Về trung và dài hạn, việc tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi là rất cần thiết. Ở đây, không phải một chốc một lát chúng ta có thể tiến lên chăn nuôi quy mô lớn mà theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, hãy lưu ý tới các giải pháp để kết nối, liên kết các hộ chăn nuôi.

Đồng quan điểm, TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và ATVSTP, có thể truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Trên thực tế, khảo sát của Hội Chăn nuôi Việt Nam năm 2014 cho thấy, việc liên kết giữa người chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã góp phần hạ giá thành từ 5-8% do bỏ các đại lý cấp 1, 2, 3; liên kết khép kín từ chăn nuôi sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ có thể hạ giá thành từ 12-15%...

Theo Thời báo Ngân hàng


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/de-hoi-nhap-khong-dap-chan-nuoi-20150911i2108921/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.