Đạt được thứ hạng cao trong xếp hạng ĐH – Bài 2: Những thách thức hiện hữu và tiềm ẩn
Như Báo GD&TĐ đã thông tin, năm 2019 là một năm ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU). Trường được xếp vào TOP 200 các ĐH phát triển bền vững nhất thế giới năm 2019; được Hệ thống xếp hạng ĐH Academic Ranking for World Universities (ARWU), xếp vào TOP 1.000 trường ĐH xuất sắc nhất thế giới năm 2019; được Web of Science (WoS, Clarivate, Mỹ) xếp vào nhóm 25 đại học/cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN…
SV TDTU trong một buổi học thực hành. Ảnh NTCC
Bên cạnh đó, TDTU cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức nhất định về các quan điểm đối với cơ chế tự chủ ĐH. Xung quanh vấn đề này, TS Võ Hoàng Duy – Phó Hiệu trưởng TDTU, thông qua tổ tư vấn pháp lý của trường tiếp tục có cuộc trò chuyện với PV Báo GD&TĐ.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn về các quy định hiện tại mà TDTU đang phải đối diện nói riêng và các ĐH trong nước nói chung?
TS Võ Hoàng Duy: Trong những năm qua, nhờ chủ trương, chính sách tự chủ đại học đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã và đang phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đại học tinh hoa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TDTU cũng đang đối diện với những khó khăn lớn khi thực hiện cơ chế tự chủ. Đó là sự bất cập, chưa phù hợp của một số quy định pháp lý, cơ chế, chính sách dẫn đến có thể xảy ra việc quản lý, can thiệp sâu của cơ quan chủ quản; làm vô hiệu vai trò Hội đồng trường.
Chúng ta đã có Nghị quyết 19-NQ/TW của Đảng là Nghị quyết rất tiến bộ, có tính cách mạng và bao phủ rất nhiều vấn đề; từ cơ chế quản lý, đến cách thức tổ chức, tự chủ về nhân sự, tài chính, chuyên môn… đều có đề cập. Điều đó thể hiện ý thức của hệ thống chính trị; rất quyết tâm đổi mới sự nghiệp công lập, mà cụ thể ở đây là trường đại học công lập. Từ đó chúng ta mới có sự sửa đổi, bổ sung của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14), Luật Viên chức… Nhưng hiện nay các luật, nghị định hay văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan đến những đối tượng được điều chỉnh theo Luật 34 lại đang sửa chưa kịp thời như Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật kiểm toán,…, nên khi vận hành luật này thì lại bị vướng vì những luật chưa sửa. Cụ thể:
- Thứ nhất, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư công vẫn chưa được ban hành; trong đó quan trọng nhất là việc xác định lại nguồn vốn đầu tư của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là nguồn vốn gì? (vốn do ngân sách để lại, vốn có nguồn gốc ngân sách hay vốn khác). Việc xác định nguồn vốn và quyền quyết định sử dụng nguồn vốn (đầu tư, mua sắm trang thiết bị) có tầm quan trọng đặc biệt; vì nó tạo điều kiện cho trường đại học công có sự tự chủ về tài chính theo chỉ đạo của Nghị quyết 19; hay không tự chủ gì về tài chính. Xác định không đúng sẽ tất yếu bóp chết quyền tự chủ về tài chính.
Tôi thí dụ: Điều 1, Khoản 34 (sửa đổi-bổ sung Điều 66) của Luật 34/2018/QH14 qui định như sau: “Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học: 2. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc sử dụng nguồn tài chính như sau:
a) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;
b) Quyết định nội dung và mức chi từ nguồn học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo qui định của Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học.
3. Cơ sở giáo dục đại học được nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo qui định của pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công.”
Như vậy, chỉ có nguồn thu nào của trường đại học công tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên mà từ ngân sách nhà nước thì mới quản lý, sử dụng theo qui định pháp luật về tài chính công, tài sản công. Các nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước hoàn toàn do hội đồng trường quyết định việc đầu tư, mua sắm; nói chung là việc sử dụng; và thể hiện vào qui chế chi tiêu nội bộ.
Nhưng nếu Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư công không khớp, không đồng bộ với qui định này của Luật số 34/2018/QH14, thì lập tức trường đại học công tự bảo đảm hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên sẽ bị hạn chế ngay quyền tự chủ về sử dụng nguồn tài chính tự có của mình.
- Thứ hai, nguồn khấu hao tài sản hình thành từ vốn vay thương mại được trích lập vào quỹ phát triển sự nghiệp thì được tính vào nguồn vốn nào?
- Thứ ba, việc Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí, cũng như giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy theo chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 19; thì đến nay Luật, Nghị định về thuế, phí vẫn chưa được sửa đổi; gây cản trở cho trường đại học tự chủ trong hoạt động.
Thí dụ: thuế thu nhập (đặc biệt để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ phát triển hoạt động nghiệp cứu thì đối với nguồn thu có được từ hoạt động nghiên cứu có được miễn, giảm thuế thu nhập hay không?); thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ, Nghị định 16/2016/NĐ-CP,…
- Thứ tư, đối với việc thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học thì đến nay Luật doanh nghiệp vẫn chưa sửa đổi, chưa cập nhật theo chỉ đạo của Đảng và nhà nước.
- Thứ năm, Nghị quyết 19/QN-TW chỉ đạo rằng những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư, chi thường xuyên được thực hiện quản lý, kế toán, hạch toán như doanh nghiệp. Nhưng đến nay Luật, nghị định hướng dẫn về kế toán, kiểm toán vẫn còn như cũ. Nghĩa là không sửa kịp theo chỉ đạo của Đảng.
- Thứ sáu, thực tế, Luật 34/2018 đã trao quyền cho Hội đồng trường, Hội đồng đại học của cơ sở giáo dục đại học tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước; nhưng trong thực tế thì các đại học tự chủ lại bị ràng buộc bởi quy định đấu thầu tại Luật Đấu thầu 2013 như dự án sử dụng vốn nhà nước thông thường chỉ vì có chữ “công” trong trường đại học công lập.
Video đang HOT
Trong bối cảnh quy trình thực hiện đấu thầu còn nhiêu khê, ràng buộc quá nhiều điều kiện, nhiều thứ giấy tờ nhưng rất không hợp lý; khiến cho quá trình thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học bị chậm trễ, đình trệ, không phát huy được thế mạnh tự chủ. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chủ quản còn vin vào các quy định này để gây khó dễ cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hoàn toàn; thì rõ ràng quy định của Luật Đấu thầu 2013 đang mâu thuẫn với quy định của Luật số 34/2018/QH14, trái với chủ trương về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; mà việc chậm sửa đổi đã và đang kìm hãm đại học tự chủ hoạt động và phát triển.
- Thứ bảy, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật 34/2018/QH14 vẫn còn nhiều điều không ổn; trong đó có cách tiếp cận. Lẽ ra cách tiếp cận phải là nội dung nào Luật đã ghi rõ rồi thì văn bản này không cần nhắc lại nữa; mà chỉ cần hướng dẫn thi hành điều này, điều kia (những điều chưa rõ hoặc những điều Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn). Thay vì ta làm như vậy, thì nay ta lại viết tràn lan, đả động gần như tất cả các điều; luôn cả những chuyện mà Luật đã quy định chi tiết rồi cũng bê vào. Trong khi có những chỗ cần làm rõ vì các trường cần điều đó để vận hành, thì dự thảo lại né hoặc là không làm rõ.
- Thứ tám, là tình trạng các bộ, cơ quan chủ quản đang muốn tập quyền trở lại; không muốn buông cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Điển hình là ngày 16/10/2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ: “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với cán bộ trong tổ chức Công đoàn” có nhiều quy định đối với các trường trực thuộc không đúng với một số điều của Luật 34/2018; dẫn đến việc cản trở tự chủ đại học.
Cụ thể, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ có ghi “Phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn”; “Tổng Liên đoàn công nhận chức vụ Phó hiệu trưởng trường đại học”; “Đối với chức danh phó hiệu trưởng, kế toán trưởng phải có ý kiến của Tổng Liên đoàn trước khi bổ nhiệm”; “Nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng phải được Tổng Liên đoàn giới thiệu để bầu”;… trong khi quyền hạn này thuộc về Hội đồng trường trường ĐH công lập theo Luật 34/2018.
Theo quan điểm của tôi, nếu các bộ ngành và tương đương chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ đúng chỉ đạo của Đảng; và tương đồng với nội dung của Luật 34/2018/QH14, thì chủ trương tự chủ đại học của Đảng, nhà nước sẽ không thực hiện được. Ngoài ra, việc các bộ, ngành có thể đưa ra những văn bản quy định một cách tùy tiện, thậm chí làm sai cả luật mà vẫn kí ban hành, thì rõ ràng là Luật này không thể đi vào thực tế được. Thậm chí, nếu tình trạng này kéo dài và phổ biến thì Nghị quyết 19 và cả Luật 34/2018 cũng có thể sẽ phá sản.
Hiện tại Luật GDĐH mới (Luật 34) đã có hiệu lực từ 1/7/2019, hình như ông còn những băn khoăn trong việc diễn giải các thuật ngữ hướng dẫn trong nghị định hướng dẫn thi hành sắp được ban hành?
TS Võ Hoàng Duy: Ngoài các nội dung vừa trao đổi, tôi thực sự còn băn khoăn việc diễn giải các thuật ngữ trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sắp được ban hành. Nếu thuật ngữ không rõ ràng, nội dung trong Nghị định sẽ rơi vào tình trạng nhiều ý mập mờ, khó hiểu, đa nghĩa, dễ suy diễn theo nhiều cách hiểu khác nhau và khó thực thi. Điều này sẽ tạo sự khó khăn, trở ngại cho các trường trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH.
Dự thảo Nghị định đã sử dụng các từ và cụm từ như “theo qui định của pháp luật” nhưng không nói rõ là qui định nào? pháp luật nào? điều khoản nào?; cụm từ “cơ quan quản lý trực tiếp”, “cơ quan quản lý có thẩm quyền” hay cụm từ “tỷ lệ biểu quyết theo qui định của pháp luật”, cụm từ “thủ tục quyết định nhân sự”, đều là những cụm từ đã và đang không có sự hướng dẫn cụ thể; có thể tạo ra suy diễn. Thí dụ:
Thứ nhất, khi đọc tới các nội dung: “Cuối mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng trường chỉ đạo thực hiện quy trình lập Hội đồng trường ở nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định pháp luật, và quy chế tổ chức hoạt động của trường đại học.”
Việc chúng ta đưa thêm chữ “theo quy định pháp luật”, lập tức có thể tạo ra sự diễn giải là theo quy định pháp luật nào?. Trong Luật người ta ghi rõ là quy chế tổ chức hoạt động của trường đại học; thì rõ ràng quy chế đấy của Hội đồng trường chính là quy phạm pháp luật, một quy phạm pháp luật nhỏ của trường.
Bây giờ lại thêm chữ “theo quy định của pháp luật” mà không nói rõ là “Qui chế tổ chức và hoạt động của trường đại học”, hoặc qui định pháp luật cụ thể nào đấy; thì nếu lỡ quy định của pháp luật mâu thuẫn với Luật 34/2018/QH14, hoặc mâu thuẫn với chính Quy chế của trường đại học thì chúng ta phải làm sao?. Cách viết ghép như vậy, tưởng là an toàn, không ai cãi được và dễ ban hành; nhưng thực ra khi đi vào thực tế nó không thực hiện được và sẽ gây tranh cãi. Lâu ngày, áp lực xã hội sẽ buộc văn bản pháp qui vừa mới ban hành phải sửa đổi, thay thế.
Thứ hai, việc “Thay thế thành viên Hội đồng trường”, ở đây quy định là thay thế phải phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp quy chế hoạt động của trường đại học. Lại thêm lần nữa có chữ “theo quy định của pháp luật”.
Thay thế thành viên là những gì thuộc về thẩm quyền của Hội đồng trường, không cần cơ quan quản lý trực tiếp công nhận. Do vậy, thủ tục, qui trình thay thế chỉ cần được qui định trong quy chế tổ chức và hoạt động một cách công khai, minh bạch là đủ. Nhưng ở đây có thêm chữ “theo quy định của pháp luật”, là lập tức tạo ra vùng “mờ” gây tranh cãi. Rồi sẽ có những cơ quan người ta dẫn các quy định pháp luật không ăn nhập vào đâu so với Luật 34/2018 để làm khó Nhà trường.
Thứ ba, từ trên xuống dưới, Dự thảo có chỗ dùng từ “cơ quan quản lý trực tiếp”, nhưng có chỗ thì lại dùng từ “cơ quan quản lý có thẩm quyền”. Như vậy tôi không hiểu chỗ nào là cơ quan quản lý có thẩm quyền và chỗ nào là cơ quan quản lý trực tiếp? Cả hai câu đó đều có trong một Dự thảo.
Thứ tư, khi nói đến thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường, người ta có viết cuộc họp phải bảo đảm về tỷ lệ thành phần tham gia, tỷ lệ biểu quyết theo quy định pháp luật.
Vậy tỷ lệ biểu quyết là bao nhiêu? Như trong Luật 34/2018 ghi là đa số; và do vậy, có thể hiểu là trên 50%; trừ trường hợp Qui chế tổ chức và hoạt động của trường đại học muốn qui định cao hơn. Nhưng không hướng dẫn rõ, thì có cơ quan chủ quản sẽ nói là “phải trên 2/3 mới được tôi công nhận”; và như vậy là đã tạo “vùng mờ” cho bên ngoài can thiệp vào quyền tự chủ nhân sự của hội đồng trường và gây ra tranh cãi.
Vậy nên Luật chỉ nói là đa số, nhưng đến Dự thảo nghị định hướng dẫn thì lẽ ra phải giải thích đa số là bao nhiêu”, là trên 50%? hay từ 51% trở lên?. Việc hướng dẫn không rõ sẽ làm cho chủ thể thực hiện rất khổ trong tương lai.
Thứ năm, thủ tục quyết định nhân sự Hiệu trưởng được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức hoạt động của trường đại học. Như vậy ở trên thì nói “theo quy định của pháp luật” rồi mới đến “theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học”. Nhưng ở dưới thì lại bỏ cụm từ theo “quy định pháp luật”; mà chỉ còn là “theo qui chế tổ chức và hoạt động của trường đại học”. Như vậy là trong một văn bản đã rất không nhất quán.
Thứ sáu, khi nói đến thủ tục quyết định nhân sự Hiệu trưởng thì ở đây thủ tục là cái gì? Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chữ thủ tục không thôi, mà không giải thích, thì dễ hiểu lầm thủ tục là biểu mẫu, tức là các mẫu giấy tờ thế này, thế kia; còn công tác quy hoạch nhân sự, làm quy trình nhân sự là của một chủ thể khác. Như thế thì cũng chẳng còn gì là quyền tự chủ nhân sự của hội đồng trường.
Việc sử dụng thuật ngữ diễn giải trong Nghị định hướng dẫn thật sự rất quan trọng, bởi khi thuật ngữ dùng rõ ràng, cụ thể, đúng nghĩa thì nội dung trong qui định mới chi tiết và nội dung hướng dẫn thi hành mới dễ hiểu; và ai cũng có thể chấp hành tốt và thực hiện đúng Nghị định, tránh được sự tranh cãi.
Xin cám ơn ông.
——————-
Bài 3: Phỏng vấn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quyết định 1584/QĐ-TLĐ về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đổi với cán bộ trong tổ chức công đoàn… đe dọa sự phát triển của trường. Cụ thể Quyết định 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn LĐ VN có những bất cập so với Luật GDĐH hiện hành và những luật định khác…?
Công Chương (thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Đánh giá các cơ sở giáo dục đại học: Cần thay đổi quan điểm
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: Chúng ta cần thay đổi quan điểm trong cách đánh giá các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Đây có thể nói là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững. Cách làm dễ nhất là vận dụng các tiêu chí xếp hạng, kiểm định ĐH vào việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Cùng nỗ lực để phát triển là yêu cầu cốt lõi để nâng tập hệ thống GDĐH. Ảnh: NT
Cần cố gắng nhiều hơn
- Ông nhìn nhận thế nào khi 2 năm gần đây, Việt Nam liên tiếp có cơ sở GDĐH lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế uy tín trong khu vực và quốc tế?
- Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho hệ thống ĐH Việt Nam. Như vậy, một số ĐH của Việt Nam cũng đã được nhận biết và được xếp hạng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu so về tỷ lệ các ĐH trên tổng số ĐH của Việt Nam được xếp hạng kết quả sẽ rất khiêm tốn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam có 235 ĐH và vừa rồi chúng ta có 8 ĐH được QS xếp hạng châu Á năm 2020, và tỷ lệ chỉ có 3,4%.
Trong khi đó, láng giềng của chúng ta là Malaysia có 61 ĐH (theo Bộ ĐH Malaysia) nhưng họ có tới 29 ĐH được QS châu Á xếp hạng, chiếm 47,5%. Đây là một tỷ lệ rất cao so với Việt Nam.
Và nếu theo Hệ thống xếp hạng ARWU 2019, Việt Nam chỉ có duy nhất Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đại diện trong tốp 1.000, chiếm tỷ lệ 0,42%; Malaysia có tới 8,1% được AWRU xếp hạng và thuộc tốp 400 - 800...
Những thông tin trên cho thấy, hệ thống ĐH Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể theo kịp các ĐH trong khu vực, và cũng cần lưu ý là chúng ta "chạy" thì họ có thể "chạy" rất nhanh so với chúng ta.
- Ngoài các cơ sở giáo dục ĐH lớn, có uy tín lâu năm, trong danh sách xếp hạng quốc tế bắt đầu xuất hiện tên tuổi của các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Tôi cho rằng, đó là điều đáng mừng và đáng trân trọng, bởi lẽ Việt Nam hiện đang có 27,6% ĐH ngoài công lập. Hơn nữa, khi đánh giá các ĐH, chúng ta nên tập trung vào chất lượng bằng thước đo cụ thể, chứ không nhất thiết phải quan tâm nhiều về loại hình.
Thực tế, các ĐH công lập có nhiều thuận lợi hơn và lẽ ra họ phải được xếp hạng và hạng phải cao hơn. Một ĐH ngoài công lập, nghĩa là phải tự thu, tự chi và còn phải đóng thuế theo quy định, nhưng lại hiệu quả đã tiết kiệm rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Thông thường, các tổ chức xếp hạng và kiểm định có uy tín ít khi phân biệt công lập hay ngoài công lập, mà họ đánh giá thông qua những tiêu chí cụ thể về học thuật và nghiên cứu.
Từ đó cho thấy, cuộc cạnh tranh giữa các trường ĐH ở Việt Nam, bất kể loại hình nào, từng bước sẽ lành mạnh hơn, công bằng hơn. Và đây sẽ là áp lực rất lớn cho những trường ĐH vẫn còn sống nhờ vào bầu sữa ngân sách.
- Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019 - 2025 đặt ra mục tiêu: Có ít nhất 2 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH tốt nhất châu Á, 10 cơ sở GDĐH được xếp hạng trong số 400 trường ĐH tốt nhất châu Á. Thực tế diễn tiến trong thời gian qua, theo ông mục tiêu này có đạt được?
- Việc đặt mục tiêu như thế là cần thiết. Nhưng so với quy mô của ĐH Việt Nam mục tiêu đó còn là khiêm tốn. Hiện nay, chúng ta đã có 8 ĐH được vào top châu Á, nên tới năm 2025, tôi nghĩ mục tiêu tăng lên 10 là hoàn toàn khả thi.
Và mục tiêu có ít nhất 2 ĐH được vào top 100 của châu Á cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc vào top 100 nghĩa là phải loại ít nhất 2 ĐH hiện có trong top 100 ra khỏi top này; việc này cần sự nỗ lực rất lớn vì nói chung những ĐH trong top 100 châu Á là rất uy tín.
TS Lê Văn Út
Yếu tố quyết định sức cạnh tranh của các trường ĐH
- Theo kết quả mới nhất của QS châu Á, so với năm trước có trường trụ hạng, nhưng cũng có trường tụt hạng. Theo ông, giải pháp gì để giáo dục ĐH Việt Nam có mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế một cách thực chất, từ đó tác động trở lại để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong nước?
- Như tôi đã nói ở trên, xếp hạng ĐH giống như một cuộc chạy đua, mình chạy thì người ta cũng chạy và có khi chạy nhanh hơn mình. Do đó, được vào các bảng xếp hạng đã khó và việc duy trì cũng như tăng hạng càng khó hơn. Thực tế, có trường ĐH giảm hạng hoặc tăng hạng thì cũng là bình thường.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trong Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019 - 2025, tôi cho rằng các cơ quan hữu quan phải tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho các cơ sở GDĐH. Trước đây, có lẽ chúng ta rất khó khăn về tài chính; nhưng trong bối cảnh hiện tại vấn đề mà các trường ĐH gặp phải là vướng cơ chế.
Những chủ trương, nghị quyết của Trung ương rất phù hợp với xu hướng phát triển chung và dù đã cụ thể hóa thành luật nhưng khi triển khai xuống lại vướng quy định của các cơ quan chủ quản, đặc biệt là về vấn đề tự chủ ĐH.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm trong cách đánh giá các cơ sở GD ĐH. Đây có thể nói là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững. Cách làm dễ nhất là chúng ta nên vận dụng các tiêu chí xếp hạng, kiểm định ĐH vào việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho các trường ĐH Việt Nam.
Tiêu biểu là bộ máy quản trị ĐH, việc bổ nhiệm các chức vụ chuyên môn và đánh giá năng lực nghiên cứu tại các trường ĐH; các yếu tố này có thể nói là quyết định sức cạnh tranh của các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới.
Việc lựa chọn nhân sự quản trị tại các trường ĐH Việt Nam bị chi phối bởi nhiều tiêu chí mang tính hình thức, không liên quan gì đến quản trị ĐH. Ban Chấp hành Trung ương đã có nghị quyết hướng tới xem hiệu trưởng các trường ĐH là các CEO và đây có thể nói là một cách tiếp cận phù hợp thông lệ quốc tế theo hướng hiệu quả.
Ngoài ra, chúng ta phải xem lại việc đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH, bởi nghiên cứu khoa học quyết định chất lượng và đẳng cấp các trường ĐH.
Trong thời gian dài, việc đánh giá thành tựu này không phù hợp với thông lệ quốc tế, chúng ta không có định chuẩn một cách đúng nghĩa cho các ấn phẩm khoa học theo từng loại hình từ cơ bản, ứng dụng và chuyển giao.
Hiện nay, các trường ĐH muốn nâng đẳng cấp thì phải nâng chất nghiên cứu khoa học thông qua việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí ISI/Scopus (thuộc loại uy tín của thế giới), nhưng những mẫu báo cáo thì lại yêu cầu trả lời có bao nhiêu bài báo trong nước, bao nhiêu bài báo quốc tế một cách rất mơ hồ.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể nói, việc thay đổi cơ chế chính sách đối với ĐH mang tính chất quyết định. Trong thời gian qua, một số trường ĐH đã được giao quyền tự chủ và đã mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Điều này cho thấy, việc tự chủ ĐH ở Việt Nam cần được tạo điều kiện nhiều hơn nữa.
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Tự chủ đại học: Tháo gỡ... điểm nghẽn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) (Luật số 34) có hiệu lực đã giải quyết được nhiều vấn đề đang là điểm nghẽn để phát triển hệ thống GDĐH công lập Việt Nam. Tự chủ ĐH là yếu tố mấu chốt của việc Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật số 34 lần này....