Đất đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã được giải phóng
Lâm Đồng đã giải phóng được khối đất đá trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc khiến 3 CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.
Hiện trường xảy ra sạt lở khiến 3 CSGT hy sinh, một người dân tử vong.
Tối 31/7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, khối lượng đất đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc cơ bản được xử lý, giải phóng. Tuy nhiên, nhiều phương tiện còn bị vùi lấp nên lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.
Máy móc cùng nhân lực được huy động dọn dẹp hiện trường sạt lở. Ảnh: Xuân Ngọc.
Sau khi hiện trường được giải phóng hoàn toàn, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ giao Sở GTVT, Công an tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trên đèo Bảo Lộc.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, tuỳ tình hình thực tế sẽ có đánh giá cụ thể mới quyết định cho xe cộ lưu thông để đảm bảo an toàn. Tại 2 chốt đèo sẽ có các lực lượng túc trực 24/24 để kiểm soát xe cộ và chỉ có các lực lượng làm nhiệm vụ mới được phép lưu thông vào đèo Bảo Lộc.
Ô tô bị vùi trong vụ sạt lở. Ảnh: Xuân Ngọc.
Như VietNamNet đưa tin, trước đó, Lâm Đồng chỉ đạo khẩn, hướng dẫn phân luồng, tuyến giao thông tránh điểm sạt lở đèo Bảo Lộc.
Theo hướng TP.HCM về Đà Lạt, các phương tiện rẽ trái tại ngã 3 Madagui (huyện Đạ Huoai) vào huyện Đạ Tẻh. Tiếp đó, phương tiện đi theo đường đèo Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) để qua đèo B40 (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) rồi ra Tỉnh lộ 725, về ngã 3 Lộc Sơn (TP Bảo Lộc), ra lại quốc lộ 20 để tiếp tục hành trình. Hướng Đà Lạt về TP.HCM, các phương tiện cũng sẽ lặp lại lộ trình di chuyển theo chiều ngược lại.
Hiện trường tan hoang sau sạt lở. Ảnh: Xuân Ngọc.
Đồi sầu riêng phía sau chốt CSGT bị sạt phần lớn là đất lâm nghiệp
Bên cạnh việc bàng hoàng trước thông tin 3 chiến sĩ CSGT hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì người dân đang thắc mắc rằng vườn sầu riêng phía sau chốt CSGT đèo Bảo Lộc là của ai.
Ngày 31-7, nguồn tin riêng của PLO cho biết phần lớn vườn sầu riêng trên đồi phía sau chốt CSGT đèo Bảo Lộc thuộc Trạm CSGT Madagui (PC08 Lâm Đồng) được trồng trên đất lâm nghiệp.
Theo đó, khu đất rộng khoảng 1 héc ta này được một người dân tên Bi trong miếu 3 Cô canh tác ổn định hơn 10 năm. Khoảng 3 đến 4 năm trở lại đây, ông Bi chuyển sang trồng sầu riêng.
Khu vực 1 ha đất phía sau chốt CSGT đèo Bảo Lộc được trồng sầu riêng. Ảnh: V.TÙNG
Trên đồi này, ông Bi không khoan giếng mà dong nước từ con suối về để tưới cho vườn sầu riêng. Ông này cũng không làm hệ thống tưới tự động, hồ bạt chứa nước.
Hiện trường vụ sạt lở
Trong khi đó, cũng theo nguồn tin này thì diện tích phía dưới mà Trạm CSGT Madagui sử dụng để làm chốt CSGT đèo Bảo Lộc là đất ngoài lâm nghiệp, nghĩa là không phải đất rừng.
Hàng ngàn khối đất từ vườn sầu riêng phía sau chốt CSGT sạt xuống. Ảnh: VT
Ghi nhận của PLO cho thấy, chiều 30-7, sau nhiều ngày mưa liên tục thì một tảng đất lớn từ trên đồi sầu riêng bất ngờ đổ sập xuống vùi lấp khu vực mái hiên và nhà để xe của chốt CSGT đèo Bảo Lộc.
Lúc này các chiến sĩ CSGT đang điều tiết giao thông phía trước đã bị khối đất đá nói trên vùi lấp và đã hy sinh...
Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở kinh hoàng này.
Thi thể nạn nhân thứ tư được tìm thấy dưới lớp đất, đá Lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã tìm thấy thi thể của nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Trưa 31/7, một lãnh đạo UBND xã Đại Lào (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) xác nhận, lực lượng cứu hộ cứu nạn vừa tìm thấy và đưa được nạn nhân thứ tư ra khỏi lớp đất...