ĐẰNG SAU VỤ RỚT MÁY BAY TU-134 Ở NGA: Năm nhà khoa học Nga bị ám sát?
Trong số 45 người chết trong vụ máy bay TU-134 rớt ở Petrozavodsk đêm 20-6, có 5 nhà khoa học Nga liên quan đến bí mật hạt nhân của Iran
Chiếc máy bay TU-134 của Hãng Hàng không RusAir thực hiện chuyến bay thông thường từ Moscow đến Petrozavodsk (thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Karelia thuộc Liên bang Nga) đã bất ngờ đáp xuống một đường cao tốc cách sân bay Petrozavodsk chừng 700 km. Cuộc tiếp đất không thành, chiếc máy bay vỡ tan và bốc cháy khiến 44 người chết, 8 người bị thương. Lúc đó là 23 giờ 40 phút ngày 20-6-2011. Thời tiết khi đó rất xấu, dày đặc sương mù lại có mưa lớn.
Liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Iran
Hãng tin RIA Novosti ngày 23-6 dẫn nguồn tin Ủy ban Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) cho biết theo cuộc điều tra sơ khởi, lý do khiến phi công đáp khẩn cấp không rõ ràng. Điều này dấy lên tin đồn có âm mưu giết chết các chuyên gia hạt nhân Nga trong bối cảnh Iran bị các nước phương Tây nghi ngờ tiến hành chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân dưới lớp vỏ bọc điện hạt nhân phục vụ dân sinh.
Video đang HOT
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AFP
Các nguồn tin an ninh Nga đã xác nhận 5 nhà khoa học Nga thiệt mạng từng làm việc cho Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr nằm sát vịnh Ba Tư của Iran. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Trung Đông, do người Đức xây dựng vào từ năm 1975 và tạm dừng năm 1979 sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran.
Năm 1995, Chính phủ Iran và Bộ Năng lượng Hạt nhân Nga ký hợp đồng tiếp tục dự án. Chủ thầu chính là Công ty Atomstroyexport (Nga). Công trình này sau đó bị đình hoãn nhiều lần bởi các lý do kỹ thuật, tài chính và sức ép chính trị của các nước phương Tây.
Năm 2007, Iran và Nga đạt tới một thỏa thuận mới. Nga bắt đầu cung cấp nhiên liệu hạt nhân. Ngày 21-8-2010, Iran đã chính thức khánh thành Nhà máy Bushehr dưới sự điều hành của các chuyên gia Nga. Theo kế hoạch, tháng 7 năm nay, điện sản xuất sẽ được lên lưới, bảo đảm 2% nhu cầu về điện của Iran.
Chính thức mà nói, theo đài BBC, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không nghi ngờ gì về Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr chừng nào nó được người Nga cung cấp thanh nhiên liệu, tổ chức điều hành nhà máy và thu hồi thanh nhiên liệu đã sử dụng.
Tuy nhiên, Mỹ và Anh vẫn nghi ngờ chương trình hạt nhân khác bí mật làm giàu uranium lên 20% của Iran. Trong khi Iran nói cần nhiên liệu này để sử dụng trong ngành y tế thì các chuyên gia phương Tây nói rất đáng nghi ngờ vì Iran giấu giếm IAEA (Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế) nhiều điều về chương trình này.
Toàn chuyên gia hàng đầu
Năm nhà khoa học Nga chết thảm trong vụ rớt máy bay nói trên gồm có 3 người từng tham gia thiết kế Nhà máy Bushehr là Sergey Ryzhov, Gennady Banyuk và Nikolay Trunov. Cả ba là cán bộ cao cấp của OKB Gidropress, một công ty Nga tham gia công trình xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr và từng xuất khẩu các lò hạt nhân cho 5 nước, trong đó có Iran.
Từ trái sang phải: Sergey Ryzhov, Gennady Banyuk và Nikolay Trunov. Ảnh: DAILY MAIL
Ngày 22-6, Công ty OKB Gidropress đã chính thức làm lễ truy điệu 3 nhà khoa học và công khai chức vụ của họ. Ông Sergey Ryzhov, 52 tuổi, là tổng công trình sư của công ty và một nhà xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi tiếng của Nga. Ông Gennady Banyuk, 65 tuổi, là phó tổng công trình sư và ông Nikolay Trunov, 52 tuổi, là trưởng phòng thiết kế.
Trang tin trực tuyến DEBKA của Cơ quan Tình báo Quân đội Israel tiết lộ 3 nhà khoa học nói trên đã có mặt ở Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr hồi tháng 2 và tháng 3 vừa qua sau khi nhà máy này bị sâu máy tính Stuxnet tấn công vào hệ thống điều hành cách đây 2 năm. Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Nga đã phải rút các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng để tránh thiệt hại do Stuxnet gây ra. Sau đó, các thanh nhiên liệu đã được nạp trở lại và tháng 5 vừa qua, nhà máy đã tiếp tục chạy thử.
Hai nhà khoa học còn lại là Andrei Trokinov, một trong những chuyên gia hàng đầu của Nga về công nghệ hạt nhân và Valery Lalyn, cũng là một chuyên gia hạt nhân lỗi lạc của Nga. Cái chết của 5 nhà khoa học kể trên là một tổn thất lớn cho ngành công nghiệp hạt nhân Nga và Iran.
Theo tờ Daily Mail của Anh, không rõ 5 nhà khoa học kể trên có tham gia các chương trình hạt nhân bí mật nào khác của Iran hay không. Họ đến thành phố Petrozavodsk để dự một hội nghị chuyên đề về hạt nhân thì gặp nạn.
Điều tra đặc biệt
Ngay sau thảm họa nói trên, chính quyền Nga đã ra lệnh tiến hành điều tra xem đằng sau vụ rớt máy bay này có điều gì mờ ám hay không. Câu hỏi đặt ra là tại sao đã có quy định của ngành an ninh Nga, theo đó, không được đăng ký cho quá một người thuộc diện chính khách cao cấp, tướng lĩnh hoặc các nhà lãnh đạo đầu ngành công nghiệp nhạy cảm đi cùng một chuyến bay, nhưng trên chiếc TU-134 gặp nạn có đến 5 nhà khoa học hạt nhân gạo cội của Nga?
Tại sao các loại máy bay TU dòng 134 chế tạo từ thời Liên Xô đã quá cũ nên thường gặp tai nạn lại được sử dụng để chở các nhà khoa học? Sau vụ này, Tổng thống Medvedev đã ra lệnh “đóng băng” tất cả các chuyến bay sử dụng máy bay TU-134.
Tám hành khách bị thương nặng (một người đã chết sau đó) đang nằm viện cũng được thẩm vấn để biết chuyện gì đã xảy ra trên máy bay trước khi rớt. Bởi theo kết quả khảo sát chiếc hộp đen, các động cơ của chiếc TU-134 không bị hỏng hóc, theo tuyên bố của Ủy ban Hàng không Liên bang hôm 23-6.
Theo Người Lao Động