Đảng bộ tỉnh Gia Lai hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương
Đến ngày 20-8-2020, Đảng bộ tỉnh Gia Lai có 21/21 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành đại hội đảng bộ cấp huyện, sớm hơn so với tiến độ yêu cầu tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 248-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy .
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Ia Grai, đồng chí Dương Mah Tiệp tái đắc cử Bí thư Huyện ủy Ia Grai khóa XVIII.
Lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã kịp thời quán triệt và tổ chức thực hiện bảo đảm nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả; đồng thời lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra cũng như thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương, đơn vị.
BTV Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 9-8-2019 triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai. 100% cấp ủy đảng các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai và cụ thể hóa thành các kế hoạch, hướng dẫn để tổ chức thực hiện, đồng thời xây dựng kế hoạch đại hội ở cấp mình; thành lập các tiểu ban, tổ giúp việc phục vụ đại hội, các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn đại hội cấp dưới. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tuyên truyền về đại hội và tổ chức các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020. Các cấp ủy chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; kịp thời định hướng dư luận về những chủ trương của Đảng để ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện của tổ chức, cá nhân thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, hạ thấp uy tín của cán bộ, đảng viên. Trang trí khánh tiết đại hội được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm.
BTV Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện nghiêm công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm chuẩn bị một bước nhân sự đại hội.
Kết quả đạt được
BTV Tỉnh ủy đã chọn 1 đảng bộ (Đảng bộ huyện Phú Thiện) để chỉ đạo đại hội điểm, rút kinh nghiệm và chọn 2 đảng bộ để thực hiện đại hội thí điểm bầu trực tiếp bí thư (Đảng bộ huyện Đak Đoa và Đảng bộ TP. Pleiku).
Về thảo luận các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
BTV Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đại hội cấp huyện và tương đương đã thực hiện nghiêm túc nội dung thảo luận, bố trí thời gian hợp lý để đại biểu tham gia thảo luận.
Về kết quả bầu cử
Đại hội điểm tại Đảng bộ huyện Phú Thiện: Đã bầu được 35 cấp ủy viên, trong đó tham gia lần đầu 9 đồng chí (25,7%), nữ 6 đồng chí (17,14%), dân tộc thiểu số 5 đồng chí (14,28%), không là người địa phương 29 đồng chí. Tuổi đời: dưới 40 tuổi 7 đồng chí. Đại hội đã bầu đủ số lượng và bảo đảm đúng quy định, với tỷ lệ số dư 11,43%; người đạt số phiếu cao nhất là 100%, số phiếu thấp nhất 55,32%. Đại hội đã bầu không đúng dự kiến 1 đồng chí. Có 11 đồng chí trúng cử BTV, trong đó, tham gia lần đầu 2 đồng chí (18,18%), nữ 1 đồng chí (9,1%), dân tộc thiểu số 1 đồng chí (9,1%), không là người địa phương 10 đồng chí. Đồng chí Bí thư Huyện ủy trúng cử với số phiếu đạt 100%.
Đối với 2 đảng bộ thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội: Đã bầu được 80 cấp ủy viên, trong đó tham gia lần đầu 21 đồng chí (26,25%), nữ 17 (21,25%), dân tộc thiểu số 15 (18,75%), không là người địa phương 28. Tuổi đời: dưới 40 tuổi 4 đồng chí. Đại hội đã bầu đủ số lượng và bảo đảm đúng quy định, với tỷ lệ số dư 11,25%; người đạt số phiếu cao nhất 100%, số phiếu thấp nhất 55,32%. 2 đồng chí bí thư được bầu trực tiếp có số phiếu trúng cử đạt trên 90%. 22 đồng chí trúng cử BTV, trong đó, tham gia lần đầu 8 đồng chí (36,36%), nữ 3 đồng chí 13,63%), dân tộc thiểu số 4 đồng chí (18,18%), không là người địa phương 10 đồng chí; tuổi đời dưới 40 tuổi 1 đồng chí.
Đối với đại hội đại trà tại 18/21 đảng bộ: Đã bầu được 556 đồng chí cấp ủy viên (khuyết 24 đồng chí, trong đó Đảng bộ Quân sự có 2 đồng chí chờ cấp ủy chuẩn y do chưa chuẩn bị được nhân sự). Trong đó, tham gia lần đầu 180 đồng chí (32,4%), nữ 104 (18,7%), dân tộc thiểu số 118 (21,2%), không là người địa phương 161. Tuổi đời: dưới 35 tuổi 17 đồng chí; từ 35 đến dưới 40 tuổi 93 đồng chí. Các đại hội đã bầu đủ số lượng và bảo đảm đúng quy định với tỷ lệ số dư trung bình 11,9%. Có 169 đồng chí được bầu vào BTV (khuyết 9 đồng chí, Đảng bộ Quân sự có 1 đồng chí do chưa chuẩn bị được nhân sự), trong đó tham gia lần đầu 50 đồng chí (29,6%), nữ 24 đồng chí (14,2%), dân tộc thiểu số 33 đồng chí (19,5%), không là người địa phương 64 đồng chí. Tuổi đời: từ 35 đến dưới 40 tuổi 18 đồng chí; từ 40 đến 50 tuổi 102 đồng chí. Đã bầu được 17/18 đồng chí bí thư (Đảng bộ Quân sự không bầu Bí thư tại Đại hội), tỷ lệ số dư 0%, trong đó: tham gia lần đầu 4 đồng chí; nữ 1; không là người địa phương 10; dân tộc thiểu số 4; tuổi bình quân 49,3 tuổi; số phiếu trúng cử đạt trên 90%. Có 278 đại biểu được bầu dự đại hội cấp tỉnh, trong đó: chính thức 244; đại biểu dự khuyết 34, bảo đảm đúng quy định.
Hạn chế
Ở các đại hội, báo cáo kiểm điểm có nội dung trùng lắp với báo cáo chính trị, chưa đánh giá sâu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH. Tại đại hội, ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết chưa nhiều. Thảo luận tại đại hội cấp huyện vẫn còn tình trạng đọc tham luận được chuẩn bị trước, chủ yếu kể về thành tích của đơn vị, địa phương mình, chưa bám sát vào báo cáo chính trị của đảng bộ, chưa đi sâu vào phân tích những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua và thảo luận các chỉ tiêu, giải pháp nhiệm kỳ tới cũng như chưa đi sâu vào việc đề xuất, tìm ra những giải pháp cụ thể, thiết thực trong nhiệm kỳ mới. Việc thảo luận chương trình hành động còn mang tính hình thức, ít ý kiến tham gia. Còn có nhân sự dự kiến cơ cấu cấp ủy khóa mới nhưng không trúng cử (2 trường hợp là ở Đảng bộ huyện Phú Thiện và Đảng bộ huyện Chư Păh); kết quả bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên có nơi chưa đúng dự kiến (Đảng bộ huyện Đức Cơ 2 trường hợp, Đảng bộ huyện Đăk Pơ 1 trường hợp); có đơn vị chưa chuẩn bị đủ số lượng nhân sự, do đó bầu thiếu số lượng cấp ủy viên. Có 1 đơn vị tỷ lệ đổi mới cấp ủy không đạt yêu cầu (Đảng bộ huyện Phú Thiện 25,7%).
Một số kinh nghiệm
Một là, quán triệt sâu sắc, đầy đủ những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhất là những điểm mới trong Chỉ thị, Hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong cán bộ, đảng viên; kịp thời cụ thể hóa các văn bản chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động trước, trong và sau đại hội, bảo đảm trang trí khánh tiết, nghi lễ đúng quy định gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Phát huy vai trò giám sát, phản biện và lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Ba là, đề cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác chỉ đạo chuẩn bị và tiến hành đại hội, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy và đảng bộ. Quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi lên của địa phương, đơn vị…
Thanh Hóa: Một số kinh nghiệm rút ra từ đại hội cấp trên cơ sở
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 31 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, gồm 2 đảng bộ thành phố, 2 đảng bộ thị xã, 23 đảng bộ huyện và 4 đảng bộ khác.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 35-CT/TW và các văn bản của Trung ương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quan Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 - đại hội điểm đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Ảnh: Minh Hiếu
Căn cứ tình hình, đặc điểm cụ thể của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn 2 đơn vị cấp huyện để chỉ đạo và rút kinh nghiệm, đó là Đảng bộ TP. Thanh Hóa (đại diện cho vùng đồng bằng, đô thị, ven biển) và Đảng bộ huyện Quan Sơn (đại diện cho vùng miền núi). Ngay sau đại hội điểm cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm và ban hành Công văn số 1727-CV/TU ngày 26-6-2020 về một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Đến ngày 17-8-2020, toàn bộ 31 đảng bộ cấp trên cơ sở đã hoàn thành việc tổ chức đại hội. Nhìn chung, công tác tổ chức đại hội được thực hiện hết sức công phu, nghiêm túc, hoàn thành đầy đủ 4 nội dung của đại hội. Thời gian tiến hành đại hội đều diễn ra trọn vẹn 2 ngày (phiên trù bị 1/2 ngày và chính thức 1,5 ngày); ma-két, trang trí, khánh tiết, nghi lễ đúng quy định, trang trọng; công tác tuyên truyền được tiến hành nghiêm túc, được đông đảo nhân dân theo dõi quan tâm. An ninh, trật tự trước, trong và sau đại hội được bảo đảm.
Công tác bầu cử được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng; bảo đảm tỷ lệ số dư so với số lượng ủy viên BCH, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định (từ 10% trở lên). Tỷ lệ cán bộ nữ 18,2%, cán bộ trẻ 16,2%, đều vượt quy định, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số 17,1% phù hợp tình hình thực tế, tỷ lệ đổi mới trong BCH so với đầu nhiệm kỳ đạt yêu cầu. Trong ban thường vụ cấp ủy đều có nữ.
Số lượng cấp ủy viên đảng bộ các huyện, thị, thành phố, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 giảm 132 đồng chí, bằng 10,9% so với số lượng tối đa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định ở nhiệm kỳ 2015-2020.
Các đại hội đều bầu đủ số lượng cấp ủy khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên; việc kiểm phiếu công tâm, khách quan, không có sai sót (31/31 đảng bộ cấp huyện và tương đương đều được kiểm phiếu bằng máy). Tại các đại hội đã tiến hành bầu 26 đồng chí giữ chức danh bí thư, trong đó tái cử 19 đồng chí, mới có 7 đồng chí, nữ 2 đồng chí; các đồng chí đều trúng cử chức danh bí thư với tỷ lệ phiếu đạt từ 95% trở lên. Đối với chức danh phó bí thư có 55 đồng chí được bầu, trong đó tái cử 38 đồng chí, mới 17 đồng chí, nữ 5 đồng chí.
Việc xây dựng đề án nhân sự bám sát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là khâu rà soát quy hoạch, đánh giá cán bộ, xem xét thẩm tra các điều kiện, tiêu chuẩn và thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với từng người, từng chức danh dự kiến phân công, không quá coi trọng cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng, tiêu chuẩn. Đặc biệt trong xây dựng đề án nhân sự đại hội đã thực hiện đúng quy trình và được bàn bạc kỹ và thống nhất cao mới tiến hành làm quy trình nhân sự.
Công tác xây dựng văn kiện đại hội được thực hiện nghiêm túc. Điểm mới, sáng tạo của Thanh Hóa trong nhiệm kỳ này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1504-CV/TU ngày 28-11-2019 lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của báo cáo chính trị đại hội từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, tạo sự thống nhất về các chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo chính trị của các cấp. UBND tỉnh đã định hướng mục tiêu phấn đấu và phương pháp tính các chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo chính trị đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025. Trong công tác xây dựng báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu xác định rõ chủ đề đại hội, nêu lên được ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ mới, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá có tính khả thi cao. Việc chuẩn bị báo cáo chính trị đã tranh thủ được ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia, có ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách.
Sau đại hội điểm cấp cơ sở, cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời rút kinh nghiệm, có văn bản nhắc nhở về tiến độ đại hội, về chuẩn bị báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm, về nhân sự, trang trí, khánh tiết và tiến hành đại hội, tập trung chỉ đạo các đơn vị có vấn đề phức tạp. Các cấp ủy đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.
Việc xây dựng các văn kiện đại hội, đặc biệt là dự thảo báo cáo chính trị, các cấp ủy trực thuộc đã bám sát các văn bản, đề cương hướng dẫn và căn cứ thực tiễn tình hình địa phương, dự báo những thời cơ, thuận lợi, thách thức để đánh giá sát đúng những thành tựu, kết quả đạt được, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, khâu đột phá trong 5 năm 2015-2020, những hạn chế, yếu kém, đúc rút những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới phù hợp.
Quá trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, các cấp ủy đã coi trọng việc lấy ý kiến nhiều lần của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân để báo cáo chính trị thực sự là sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân, sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, qua các hội nghị Ban Thường vụ duyệt nội dung đại hội các đảng bộ cấp huyện, với sự góp ý cụ thể của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, khâu đột phá và giải pháp cho nhiệm kỳ tới đã được điều chỉnh, bổ sung sát đúng hơn với tiềm năng, lợi thế, tình hình của từng đơn vị, địa phương. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đã được nâng cao hơn, nhiều chương trình trọng tâm, khâu đột phá được rút gọn hoặc thay đổi, vừa phù hợp với thực tiễn của các đơn vị, vừa bảo đảm sự thống nhất trong tổng thể chỉ tiêu kế hoạch trong báo cáo chính trị của các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Trong quá trình triển khai, tổ chức đại hội, các cấp ủy đã thực sự coi trọng công tác nhân sự, các văn kiện trình đại hội, đồng thời coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó là làm tốt công tác tư tưởng chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển theo tinh thần nghị quyết đại hội các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đại hội, đó là: Cấp ủy và người đứng đầu các đảng bộ phải thật sự đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo sát đúng, phân công trách nhiệm rõ ràng, dân chủ trong chuẩn bị và điều hành đại hội. Công tác chuẩn bị đại hội, nhất là công tác nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của đại hội; vì vậy, ban thường vụ cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tuân thủ nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy vì lợi ích chung, không cá nhân, cục bộ, vụ lợi, bè phái... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện và tương đương phải sát sao, nắm chắc tình hình, giải quyết và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp ở cơ sở, nhất là công tác nhân sự, phải biết lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, việc bố trí, sắp xếp cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách đối với các đồng chí cấp ủy viên không tái cử trước đại hội bảo đảm quy định, tạo được sự thống nhất cao. Nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy được thẩm định, thẩm tra bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện. Công tác thẩm định hồ sơ nhân sự bảo đảm khách quan, công tâm, làm việc tập thể và thực hiện đúng quy định. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội tạo được khí thế thi đua sôi nổi và không khí phấn khởi trong nhân dân. Trách nhiệm của các tiểu ban chuẩn bị đại hội phải chủ động, nhất là tiểu ban nhân sự, đồng thời, vai trò lãnh đạo của thường vụ cấp ủy và người đứng đầu phải thật sự sâu sát, trách nhiệm, công tâm, khách quan, nắm vững quy trình, nguyên tắc, quy định, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy cấp trên.
Thanh Hoá đang vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ Nghị quyết 58 đề ra những mục tiêu cụ thể, những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là tỉnh phát triển toàn diện, kiểu mẫu của cả nước. Ngày 31/8/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị...