‘Đại gia’ dầu khí UAE công bố hợp đồng lớn về cơ sở hạ tầng khí đốt
Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngày 9/8, đã công bố một hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt.
Hệ thống đường ống dẫn dầu tại Fujairah, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn chính thức WAM, thỏa thuận này được trao cho liên doanh giữa hai công ty chuyên về kỹ thuật dầu khí là National Petroleum Construction Company của UAE và tập đoàn Tecnicas Reunidas của Tây Ban Nha.
WAM cho biết hợp đồng này bao gồm việc vận hành cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt mới sẽ giúp tối ưu hóa nguồn cung cấp năng lượng cho khu liên hợp công nghiệp Ruwais, ở phía tây của tiểu vương quốc Abu Dhabi.
WAM khẳng định đây là một phần trong chiến lược của UAE nhằm “tăng cường khai thác khí đốt từ các mỏ hiện có và phát triển các nguồn tài nguyên chưa được khai thác”.
Video đang HOT
ADNOC Gas – công ty con của ADNOC hiện sở hữu trữ lượng khí đốt được ước tính lớn thứ bảy thế giới. ADNOC Gas tiếp cận 95% trữ lượng khí đốt tự nhiên của UAE và cung cấp hơn 60% nhu cầu khí đốt của quốc gia vùng Vịnh này.
Giám đốc điều hành của ADNOC Gas, ông Ahmed Alebri, tuyên bố dự án này sẽ giúp hiện thực hóa các khoản đầu tư mới nhất của công ty vào cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt và nhấn mạnh cam kết trong việc đáp ứng một cách có trách nhiệm nhu cầu năng lượng ở hiện tại và trong tương lai của các khách hàng.
Ông đánh giá thêm rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt cũng sẽ cung cấp thêm năng lượng cho khu vực công nghiệp đang phát triển của đất nước, đồng thời kích thích tăng trưởng và đa dạng hóa kinh tế của UAE.
Đầu năm nay, ADNOC đã huy động được khoảng 2,5 tỷ USD từ việc bán 5% cổ phần của ADNOC Gas.
Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, khu vực Trung Đông dự kiến sẽ chi tới 120 tỷ USD để tăng sản lượng khí đốt tự nhiên lên hơn 19% vào năm 2030. Theo đó, sản lượng khí đốt tự nhiên của khu vực này sẽ tăng lên 86 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào cuối thập kỷ này, từ mức 72 bcfd hiện nay (1 feet khối = 0,028 mét khối).
Tháng trước, ADNOC đã bày tỏ tham vọng “tăng tốc” nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045 thay vì năm 2050 như công bố trước đây.
Canada trước cơ hội lấp đầy khoảng trống nguồn cung khí đốt tạo ra từ xung đột Nga - Ukraine
Năm 2021, Nga cung cấp gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng xung đột Nga - Ukraine dẫn tới các biện pháp trừng phạt Nga của EU đã dẫn tới khoảng trống về nguồn cung khí đốt từ Nga, tạo ra cơ hội cho Canada.
Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn đa quốc gia Enbridge Inc., có trụ sở tại Canada, sở hữu hệ thống đường ống dẫn năng lượng dài nhất ở Bắc Mỹ, ông Al Monaco cho rằng, Canada đã từng bỏ lỡ cơ hội cung cấp khí đốt tự nhiên cho thế giới, khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu tăng cao và cảnh báo Canada không nên lãng phí cơ hội thứ hai, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và châu Âu đang vật lộn để thu hẹp khoảng trống về nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga đã cung cấp gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Ông Monaco bày tỏ lạc quan rằng Canada có thể giúp củng cố thị trường.
Cơ sở khai thác dầu thô Syncrude ở phía Bắc Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Enbridge Inc. đang "đặt cược" vào dự án Woodfibre LNG ở tỉnh British Columbia, với vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD cho 30% cổ phần. Khi hoàn thành, hệ thống kho cảng này sẽ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á.
Theo ông Monaco, lưu vực Tây Canada có nhiều lợi thế so với Gulf Coast (Mỹ) để xuất khẩu nhiên liệu, khi nắm giữ nguồn cung khí đốt tự nhiên rẻ hơn; thời gian vận chuyển LNG đến châu Á ngắn hơn từ 2 tuần đến 4 tuần; và năng lượng thủy điện dồi dào, sẽ làm giảm lượng khí thải tổng thể của Woodfibre. Ông gọi kho cảng này là "viên ngọc quý" trong hoạt động đầu tư của Enbridge.
Nhiều tổ chức môi trường đã chỉ trích cách các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng thúc đẩy LNG như một nguồn năng lượng trong giai đoạn chuyển đổi thân thiện với khí hậu. Nhưng ông Monaco bày tỏ tin tưởng rằng các dự án năng lượng thông thường như Woodfibre sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng của thế giới. Ông cho biết, trong khi Enbridge đã là một "người chơi" quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần có nhiều nguồn năng lượng khác nhau để quản lý các rủi ro địa chính trị toàn cầu. Ông lưu ý rằng có thể giảm lượng khí thải từ năng lượng truyền thống bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ carbon hoặc các phương pháp khác. Ông dự báo khả năng xuất khẩu khí tự nhiên phát thải thấp của Canada có thể có tác động lớn đến lượng khí thải toàn cầu.
Chính phủ Canada đang có kế hoạch thực hiện giới hạn phát thải đối với ngành dầu khí thông qua một hệ thống định giá carbon mới, khiến ngành này lo ngại sẽ bị tính phí phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao hơn các ngành công nghiệp nặng khác. Theo chính phủ Canada, lĩnh vực dầu khí chiếm hơn 1/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính của Canada, nhưng cũng đóng góp tới 16% xuất khẩu và gần 6% GDP của Canada.
Công ty năng lượng Pháp tham gia dự án khí đốt khổng lồ của Qatar Ngày 12/6, công ty dầu khí TotalEnergies của Pháp đã ký kết thỏa thuận tham gia dự án phát triển mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới ở Qatar, giữa lúc quốc gia vùng Vịnh này có kế hoạch tăng mạnh sản lượng khai thác khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về khí đốt...