Cứu trợ người dân vùng sạt lở núi Trà Leng
Sau trận lũ quét gây sạt lở kinh hoàng , 15 hộ dân bị vùi lấp. Cuộc sống của người dân vùng cao xã Trà Leng, huyện Nam Trà My , tỉnh Quảng Nam đã khó khăn nay càng cơ cực hơn.
Trận sạt lở kinh hoàng vào chiều 28/10 khiến 11 ngôi nhà của 15 hộ gia đình ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My bị vùi lấp dưới lớp bùn đất. Lẫn trong lớp bùn, đất đá vương vãi những mảng tường gạch, mảnh ván còn sót lại. Lực lượng cứu nạn đã ứng cứu được 33 người, khẩn trương tìm kiếm người mất tích nhưng vẫn còn 14 người chưa được tìm thấy. Gần một tuần nay, Trà Leng liên tiếp có mưa khiến việc bố trí nơi ăn, chỗ ở tạm thời cho bà con gặp nhiều khó khăn.
Anh Hồ Văn Thanh, 35 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My nhớ lại giây phút kinh hoàng khi con lũ từ trên khe đổ về cuốn bay ngôi làng của mình. Nước lũ kéo theo bùn, đất, đá và cả những thân cây hàng chục năm tuổi chảy ầm ầm. Cả 5 người trong gia đình anh may mắn chạy kịp, thoát nạn. Thế nhưng, nhà cửa, tài sản đều bị lũ cuốn trôi. Bây giờ cả nhà anh tạm nương nhờ bà con xóm giềng gần đó chờ ngày định cư.
Các đoàn thiện nguyện hỗ trợ ban đầu cho bà con
Tất cả đều trắng tay, nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi. Mấy hôm nay, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội , bà con hàng xóm và các nhà hảo tâm, anh Hồ Văn Thanh cùng bà con nơi đây đã phần nào vượt qua những ngày khó khăn.
“Vừa rồi nhà tôi bị sạt lở, bị cuốn trôi hết cả căn nhà, tài sản cũng không còn. Nhà 5 người nhưng rất may chạy thoát. Được hỗ trợ nên nhà tôi có được ít gạo thóc để ăn. Xin cảm ơn các nhà từ thiện đã giúp cho chúng tôi tạm ổn định cuộc sống trong thời gian khó khăn này”, anh Hồ Văn Thanh nói.
Già làng Hồ Văn Đề luôn đứng bên ngôi mộ của người thân với niềm mong mỏi.
Những ngày qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay hỗ trợ đồng bào vùng bị sạt lở núi . Chị Vòng Thị Yến Vân, 25 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi nghe tin nhiều gia đình ở xã Trà Leng bị sạt lở núi vùi lấp, chị đã vận động bà con ở Đồng Nai cùng các mạnh thường quân giúp đỡ bà con gặp nạn, ai cho gì lấy đó. Thông qua chính quyền địa phương, Đoàn của chị Vân mang nến, dầu gội, dầu gió và thuốc chữa bệnh ngoài da, cảm sốt cùng các phần gạo… hỗ trợ đồng bào Trà Leng.
“Trước mắt cũng cấp nhu yếu phẩm và sau đó sẽ đến từng nhà bị sạt lở rồi gửi tặng bà con đồ dùng gia đình gồm: bếp ga, nồi niêu, chén đĩa. Tiền bạc do gấp quá, chưa có được nhiều nhưng sẽ trích các phần quà cho gia đình có con bị thương hoặc những gia đình của các bé mất bố và mẹ”, chị Vòng Thị Yến Vân nói.
Hàng chục người sống nhờ căn lều tạm
Trong những ngày qua, mưa lũ và cơn bão số 9 đã gây thiệt hại rất lớn cho bà con ở các huyện miền núi Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My. Với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đến chia sẻ, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần giúp đồng bào vùng gặp nạn vượt qua đau thương, mất mát.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời, cuộc sống bà con Nam Trà My nói chung và các hộ khó khăn đã ổn định hơn. Tuy nhiên, khó khăn chung là vẫn chưa tìm kiếm được những người bị vùi lấp dưới đất. Nhu yếu phẩm phục vụ cho bà con tương đối đảm bảo. Nhu yếu phẩm thì nhiều rồi, bây giờ cần tiền, tôn, xi măng để làm lại nhà cửa cho họ”.
Sạt lở Trà Leng: Nỗi đau này biết bao giờ mới nguôi
Những người mẹ đã tự cứu con mình trong vụ sạt lở núi ở xã Trà Leng, rồi cứu hàng xóm.
Trong vụ sạt lở núi Trà Leng, có những người mang đầy thương tích trên mình vẫn dùng nghị lực để cứu người thân, hàng xóm trong cơn đau thấu xương tủy.
Đau thấu xương vẫn cõng con bò lên núi
Ngày 1-11, chị Trần Thị Liễu vẫn còn đau khắp người, đang điều trị tại BV đa khoa Quảng Nam.
Nằm điều trị tại đây, chị vẫn chưa hết hoàn hồn về chuyện hôm 28-10, gia đình chị sang nhà người hàng xóm tên Nguyễn Thành Sơn được xây kiên cố để trú bão.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, một tiếng nổ lớn trên núi. Chị nhìn lên thấy đất đá, nước trên núi cao hàng trăm mét nhắm thẳng ngôi làng văng xuống rất nhanh. Nghe tiếng nổ, chị chạy vào nhà. Lúc này đất đá cũng lùa thẳng vào, căn nhà đổ sập.
Chị bị cây gỗ, tôn trên mái nhà đập xuống đè người. Chị cố gượng dậy ngoi lên, tiếp tục một lớp đất đá khác lùa xuống khiến chị bị cuốn trôi hơn 50 m. May mắn, lần này chị vẫn gượng dậy được. Bùn đất khắp người, mắt chị mờ đi do bùn đất dính đầy trên mặt.
Sau hai lần bị lùa đi, nhiều cây gỗ, đất đá đập trúng đùi, vai, chân, đầu..., chị Liễu quá đau đớn. Với nghị lực người mẹ, chị bò trên lớp bùn đất để tìm con.
Chị liên tục gọi: "Châu ơi! Kim ơi!...", đó là hai đứa con gái của chị. Chị lao tới dỡ từng khúc gỗ, mái tôn để kéo con gái lớn Trần Thị Mỹ Kim (17 tuổi) thoát ra được. Lúc này, chị cũng thấy đứa út Trần Thị Minh Châu (học lớp 9) ngoi lên từ đống đất đá.
"Mẹ ơi, con đi không nổi mẹ ơi!" - Châu nói. Rất đau vì chấn thương khắp người nhưng chị vẫn bò đến. Chị đưa Châu lên lưng, cõng trong tư thế bò đi về phía núi không bị sạt lở.
Còn về phần bé Châu, em bị một khúc gỗ đập vào ống quyển, đau không đi được. Thấy mẹ cõng mình bò đi, còn chị gái chưa được đến nơi an toàn, Châu nói: "Mẹ ơi, bỏ con xuống con tự đi". Thế nhưng khi được bỏ xuống, Châu vẫn không thể đi được nên chị Liễu phải tiếp tục cõng bò.
Sau khi cõng Châu bò đi hơn 100 m đến nơi an toàn, chị Liễu lại lết bò quay lại để cứu Kim. Lúc này chị đã không còn sức để cõng Kim. Chị gác tay Kim qua vai mình để dìu con gái, hai mẹ con cùng cố bò lên núi.
Chị Liễu vẫn nhớ như in ngày hôm đó bão vào, mưa to gió lớn, con suối cạnh nước lớn, chảy xiết. Ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng, đi ra ngoài ghi lại hình ảnh, cập nhật tình hình để báo cáo. Anh Trần Cao Nam, chồng chị Liễu, cầm dù đi theo để che cho ông Việt. Sau tiếng nổ, đất đá tuôn xuống, ông Việt và chồng chị đứng đúng ngay vị trí khối đất đá lớn nên bị vùi lấp. Hiện thi thể họ vẫn chưa được tìm thấy. Nỗi đau trong chị không biết bao giờ mới nguôi...
Một nỗi đau khác cũng ám ảnh chị Liễu không kém là khi chị bị trôi, chị thấy nằm cạnh chị là chị Hồ Thị Mai bị ghế salon bằng gỗ đập trúng ngực nên tử vong tại chỗ. Chị đã không cứu được người phụ nữ cùng làng...
Cháu Châu đã được mẹ cứu thoát trong trận lở núi. Ảnh: HẢI HIẾU
Chị Liễu đang được điều trị tại BV đa khoa Quảng Nam. Ảnh: TỰ SANG
Cứu con xong, lo cứu hàng xóm
Nằm điều trị tại BV đa khoa Bắc Trà My, chị Hồ Thị Thim (cô ruột của cháu Châu) ngày hôm đó cũng trú trong nhà ông Sơn.
Khi đất đá trút xuống, chị bị mái nhà úp quanh, nhiều khúc gỗ đè lên người. Chị cố xoay xở để thoát ra với chi chít vết thương trên người.
Vài phút để choàng tỉnh, chị liên tục gọi tên hai đứa con. Thấy một cánh tay của đứa con gái tám tuổi đưa lên trong đống đổ nát, chị cố moi lên. Chị gọi khản giọng tên đứa còn lại: "Hải ơi!" nhưng không nghe trả lời. "Đến lúc nghe hàng xóm nói lại thằng Hải đã kịp chạy lên núi, tim tôi mới đập trở lại bình thường được. Rồi tôi đi cứu thêm hai người hàng xóm la hét gần đó vì bị các thứ đè lên" - chị Thim nói.
Lúc này, chồng chị - anh Lê Hoàng Lợi khi nghe tiếng nổ lớn đã ra ngoài leo lên cây. Khi cây ngã, anh ôm theo cây và trôi theo dòng nước rồi may mắn vướng lại nên thoát chết. Anh Lợi lội ngược lại xóm mình cùng vợ cứu thêm được ba người nữa...
Làng còn 14 người mất tích chưa tìm thấy
Ngôi làng ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có 11 căn nhà, thời điểm xảy ra vụ sạt lở có 55 người ở làng. Vụ sạt lở khiến 33 người thoát chết (trong đó có 16 người bị thương phải nằm viện, nằm ở hai BV đa khoa Bắc Trà My và đa khoa tỉnh Quảng Nam). Hiện tìm được tám thi thể, 14 người mất tích chưa được tìm thấy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sáng nay 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ. Ngày 2-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế...