- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Cuộc trốn chạy dài nửa đời người của một tù vượt ngục
On 04/05/2013 @ 1:48 AM In Pháp luật
Từ một thanh niên ngoài đôi mươi khi vượt ngục, lúc bị bắt, Hồng đã là một ông lão 60 tuổi. Mái tóc trắng như cước và trán chằng chịt nếp nhăn.
Nguyễn Văn Hồng
35 năm quay lại điểm xuất phát
Cuối cùng thì Nguyễn Văn Hồng SN 1954, ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, kẻ được coi là tên tù trốn trại lâu nhất cũng phải quay về đúng cái nơi đã từng bỏ trốn. Khoác lại tấm áo kẻ sọc sau 35 năm mai danh ẩn tích, Hồng bây giờ là một ông lão đầu tóc bạc phơ chứ không còn là chàng thanh niên 25 tuổi đầy sức sống, hào hoa ngày nào. Thoạt nhìn, Hồng giống như một "lão nông" hiền lành, chân chất, ít ai ngờ rằng đó là một tên tù vượt ngục, mang trên mình cái lệnh truy nã đặc biệt từ hơn ba chục năm nay.
Ngồi trong trại giam, Hồng liên tục lắc đầu ngán ngẩm. Có lẽ ông ta đang tiếc cho "nửa đời lang bạt", chẳng có lấy một giấc ngủ ngon, cuối cùng tội lỗi không được "xí xóa" mà còn chồng thêm tội. 60 tuổi, người ta đã lên chức ông, được hưởng những ngày thanh nhàn, vui vầy cùng con cháu thì Hồng lại quay về điểm xuất phát ban đầu của một việc làm tội lỗi. Hồng bảo trong suốt thời gian chạy trốn, cuộc sống lang bạt, đa nghi và những đêm ngủ chập chờn trong lo sợ đã khiến ông ta mắc chứng bệnh mất ngủ kinh niên, lúc nào tinh thần cũng thổn thức, bấn loạn.
Cách đây 35 năm, Hồng tuy là một công nhân nhưng được cái biết ăn nói, cộng thêm dáng dấp khỏe mạnh nên đi đến đâu cũng có người xiêu lòng. Lập gia đình với chị Trần Thị Liêm, một phụ nữ quê tảo tần nhưng cuộc sống gia đình chỉ yên ả được mấy năm đầu còn sau đó là những bữa cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt mà nguyên do xuất phát từ cái thói trăng hoa của Hồng.
Sáng 18/12/1978, vì chuyện Hồng đi léng phéng bên ngoài mà giữa hai vợ chồng xảy ra cãi vã. Không kiềm chế được cơn tức giận, Hồng cầm dao xông vào chém vợ. Khi thấy chị Liêm ngã gục, tưởng vợ đã chết, Hồng cũng định tự tử nhưng không thành. Lĩnh án 12 năm tù, Hồng về cải tạo tại Trại giam Đồng Sơn, Quảng Bình, tuy nhiên chưa đầy 1 năm sau, ngày 11/9/1979, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ trại, Hồng bỏ trốn.
Hồng kể sau khi trốn trại thành công, ông ta vào Tây Nguyên, lang thang, vạ vật trong các cánh rừng, mãi hắn mới dám lần mò đến các khu có dân cư sinh sống nhưng cũng chỉ dám quẩn quanh ở những lán trông nương, rẫy. Trộm hoa màu của dân để sống cầm hơi, cuộc sống của Hồng cứ như con khỉ, con chuột tìm chỗ không người để chui rúc cho đến gần 1 tháng sau, khi đã quen đường đi lối lại mới dám đi tìm việc.
Thời gian đầu Hồng đi trồng thuê cà phê, tiêu, điều cho một số gia đình để kiếm tiền sinh sống nhưng cũng không ở đâu lâu, chỉ dăm bữa nửa tháng, thấy ai tò mò hỏi thăm về gia đình, quê quán là Hồng lại chuyển địa bàn. Cứ thế, cuộc sống của Hồng cô độc chẳng khác gì một kẻ du mục không bạn đồng hành, nay đây, mai đó. Hồng bảo thời gian đó vừa sợ bị bắt lại, vừa lang thang một mình sống thất thểu nên chẳng đêm nào anh ta ngủ trọn giấc. Dù ban ngày làm việc vất vả nhưng khi đêm xuống, Hồng lại chỉ dám ngủ chập chờn, nghe tiếng chó sủa là tỉnh như sáo, mắt trước mắt sau tính chỗ nấp. Cho đến một hôm tình cờ nhặt được một túi hành lý, thấy trong đó có tấm CMND mang tên Nguyễn Trường Lâm (SN 1944), quê Nghệ Tĩnh thường trú ở Tân Xuân, Xuân Bảo, Xuân Lộc, Đồng Nai, Hồng tận dụng ngay cơ hội hiếm có. Kể từ đó, đi đâu Hồng cũng xưng tên là Lâm, sử dụng CMND nhặt được như một tấm giấy thông hành. Với thân phận mới, lại tỏ ra hiền lành, chăm chỉ, Hồng cưới được cô vợ là Nguyễn Thị Hạnh, có hộ khẩu ở thành phố Pleiku. Cuộc đời Hồng tưởng như đã có một chỗ trú bình yên với một gia đình yên ấm và 3 đứa con ngoan, không còn lo lộ tung tích nhưng cuộc đời vốn có vay phải có trả, mấy ai quỵt được tội lỗi một khi chưa từ giã cuộc đời. Sau hơn 3 thập kỷ trốn chạy, tưởng như số phận đã an bài khi tuổi già đến, Hồng không ngờ quá khứ vẫn chưa ngủ yên, vẫn bắt phải đền tội cho dù từ khi bỏ trốn, lúc nào ông ta cũng tỏ ra là người vô hại, được láng giềng đánh giá là tốt bụng, sống mẫu mực.
12 lần đổi chỗ ở vẫn không thoát
Hơn ba thập kỷ trốn chạy nhưng những thông tin về Hồng luôn được các trinh sát bắt truy nã cập nhật. Mỗi chuyến vào Nam công tác, các anh lại không quên dò hỏi về kẻ vượt ngục có dáng người cao gầy và đặc biệt có vết sẹo giữa trán này. Rất nhiều trinh sát có kinh nghiệm được huy động vào cuộc nhưng việc tìm Hồng cứ như "bóng chim, tăm cá", đến đâu cũng chỉ là dấu vết của kẻ đào tẩu vừa đi khỏi. Rồi một ngày, các anh nhận được thông tin Hồng đang sống tại Pleiku nhưng làm sao tìm một kẻ chạy trốn khi trong tay chỉ có tấm hình một thanh niên của 32 năm trước giữa phố núi Pleiku có diện tích hơn 26.000ha, với 23 xã, phường. Nhẩm tính kẻ bỏ trốn giờ đã 60 tuổi, chân cũng mỏi, gối đã chồn, chắc giờ này không còn sức để sống chui lủi, các trinh sát quyết định bằng mọi giá phải tìm cho được. Lần lượt các nơi mà Hồng đã từng sinh sống đều được các trinh sát tìm đến, qua dấu vết nhận diện có một không hai là vết sẹo giữa trán, sau nhiều ngày tìm kiếm, được sự giúp đỡ của lực lượng Công an sở tại, tổ công tác mới biết Hồng lúc này tên là Lâm.
Ngay lập tức, những người mang tên Lâm trong suốt một khu vực rộng lớn được các trinh sát đưa vào "tầm ngắm" và bằng phương pháp loại trừ, các anh thấy nổi lên một cái tên đáng lưu ý là Nguyễn Trường Lâm, trước trú ở khu phố 16, phường Phù Đổng, Tp. Pleiku. Cách đây 10 năm, Lâm đã bán nhà và chuyển về sinh sống ở thôn 6 Trà Đa, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định Nguyễn Trường Lâm đúng là kẻ đã phạm tội giết người, trốn truy nã ròng rã suốt hơn 30 năm qua. Kế hoạch bắt Nguyễn Văn Hồng được triển khai.
Hôm đó, Hồng đang ở nhà, nghe cháu đọc báo bỗng giật bắn người khi có người gọi đúng tên mình. Đôi tay run lẩy bẩy, Hồng chết lặng khi chiếc còng số 8 kêu lên khô khốc, bập vào tay. Lệnh bắt tên giết người, trốn trại của hắn được công bố trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương và nỗi bàng hoàng của hàng xóm và gia đình. Vợ Hồng nước mắt chảy tràn trên mặt, mãi mới nói được mấy từ: "sao ông giấu tôi". Hóa ra suốt bao năm chung sống, Hồng chưa một lần nói thật về tên tuổi cũng như quê quán và tội lỗi của mình. Không chỉ giấu tiệt vợ con, hàng xóm về thân thế, quê hương bản quán, Hồng còn nhiều lần kiếm cớ thoái thác mỗi khi vợ con muốn được ra Bắc thăm quê nội. Hơn 30 năm trôi qua, Hồng cứ ngỡ tội lỗi của mình xã hội đã nguôi quên khi mái tóc đổi màu, nào ngờ... Hồng bảo điều ông ta day dứt nhất không phải là chuỗi ngày dài sắp tới trong lao tù mà không biết con cháu sẽ sống ra sao trước sự thật nghiệt ngã này.
Theo xahoi
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/cuoc-tron-chay-dai-nua-doi-nguoi-cua-mot-tu-vuot-nguc-20130504i767046/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.