- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Cuộc đời thăng trầm của game phân chia màn hình (Split-screen)
On 04/10/2010 @ 10:26 AM In Mọt game
Hiện nay, khi vai trò của internet và game online đã trở nên ngày càng to lớn, liệu số phận của các game phân chia màn hình sẽ ra sao?
Đa phần người chơi khi được hỏi về game multiplayer yêu thích đều có thể kể ngay những cái tên quen thuộc như Halo 3, Modern Warfare hay World of Warcraft. Người chơi thường nhắc đến những tựa game trên bởi chúng không chỉ rất nổi tiếng và luôn xuất hiện trên các tạp chí hay diễn đàn game mà còn đem lại trải nghiệm game online thú vị cho game thủ. Đó là chưa kể đến cộng đồng người chơi đông đảo của những tựa game thuộc hàng "bom tấn" này. Tuy nhiên tất cả đều là các game online multiplayer.
Dường như vào thời đại này, khi người chơi muốn đến với multiplayer việc họ làm là kết nối internet và chơi với những game thủ khác đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đã trở nên rất phổ biến, đến mức nhiều người chơi cho rằng "multiplayer" đồng nghĩa với "online". Tuy nhiên, khi internet và game online chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, người chơi sẽ nghĩ rằng game "có chế độ multiplayer" là những tựa game "có tính năng chia màn hình" (split-screen). Thật dễ dàng kể ra một số tựa game hiện nay vẫn còn tính năng này (lấy ví dụ là các game trên Xbox 360) như Gears of War, Halo hay Splinter Cell.
Những sự khác biệt giữa thế hệ game ngày nay với thế hệ trước đó đã làm rõ xu thế chuyển sở thích từ offline multiplayer sang online multiplayer của người chơi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sức hút mạnh mẽ của game online multiplayer: người chơi có thể chơi bất cứ lúc nào, với bất cứ ai; các tựa game loại này thường phát triển nhanh và liên tục; bên cạnh đó là những giải đấu hay các sự kiện lôi cuốn đông đảo người chơi.
Mặc dù vậy, cũng có những lí do nhất định giúp cho các game split-screen mang đến người chơi những trải nghiệm độc đáo và vô cùng thú vị. Chúng cho phép người chơi hợp tác với nhau dễ dàng hơn, và cũng thú vị hơn. Khi chơi những tựa game như vậy, nhiều người chơi sẽ ở cùng một địa điểm, vì thế họ có thể trao đổi ý tưởng và chia sẻ niềm vui với nhau. Điều này cũng có thể được thực hiện thông qua voice chat online, nhưng hình thức này không đảm bảo những nội dung trao đổi sẽ hoàn toàn chính xác. Ngoài ra, game có tính năng chia màn hình còn giúp người chơi không bị phụ thuộc vào chất lượng đường truyền internet.
Cuối cùng, chơi game theo cách này cũng tỏ ra tiết kiệm hơn hẳn. Nhiều người chơi sẽ chỉ phải đầu tư cho một máy console, trả tiền để mua một game thay vì mỗi người phải chi một khoản tương đối lớn để có thể chơi online. Chưa kể đến nhiều game online multiplayer còn được phát hành dưới hình thức thu phí, do đó game thủ phải trả tiền để chơi thay vì được thưởng thức niềm vui cùng bạn bè với những tựa game offline.
Nếu chơi game offline multiplayer có nhiều lợi ích như vậy thì tại sao trên thị trường không có nhiều game loại này, trong khi có rất nhiều game online multiplayer để người chơi lựa chọn? Một vài nguyên nhân chính của thực trạng này là: người chơi cảm thấy bị cuốn hút vào việc giao lưu kết bạn với những người chơi khác trên thế giới; sự phát triển và ngày càng trở nên phổ biến của công nghệ truyền thông; và cuối cùng là giá mà người chơi phải trả cho những dịch vụ như vậy ngày càng thấp.
Kể từ khi tính năng chơi game online lần đầu xuất hiện, thế giới đã chứng kiến sự tăng tốc đến chóng mặt của số lượng người sử dụng. Microsoft và Sony là hai hãng đi đầu trong việc mở rộng thị trường game online trên nền console. Bằng việc liên tục quảng bá về sự hấp dẫn mà online multiplayer có thể mang lại, cộng với việc phát hành các nội dung mở rộng và thêm cách dịch vụ tiện ích như xem TV online, hai "ông lớn" này đã thành công trong việc thu hút một lượng lớn khách hàng.
Chính bởi khả năng tạo ra lợi nhuận cao và hết sức nhanh chóng của các game online multiplayer mà các nhà phát triển game không còn mặn mà với việc đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để tạo ra các tựa game split-screen truyền thống nữa.
Phát triển game suy cho cùng cũng là một phương thức làm kinh tế, và vì vậy các nhà làm game phải cân nhắc kĩ lưỡng giữa chi phí và lợi nhuận. Với những hãng game nhỏ không có kinh phí lớn, việc mạo hiểm đầu tư cho một tựa game có offline multiplayer với khả năng thành công thấp rõ ràng không có nhiều khả năng mang lại lợi nhuận so với việc xây dựng chế độ multiplayer online. Liệu tất cả những điều đó có đồng nghĩa với dấu chấm hết cho game split-screen? Trên thực tế, không những không lụi tàn mà hình thức này còn đang trở nên phổ biến trở lại dưới dạng co-op trong các tựa game sắp tới.
Khi ngành công nghiệp game phát triển "nở rộ" và ngày càng có nhiều các tựa game, hay các phiên bản kế tiếp của chúng xuất hiện trên thị trường thì người chơi lại càng quan tâm đến những tính năng mới lạ và độc đáo được thêm vào. Chính vì thế mà chế độ co-op ngày càng nhận được nhiều khoản đầu tư lớn từ các nhà phát triển game.
Có thể dễ dàng kể ra các tựa game gần đây có chế độ co-op như Modern Warfare 2, Fable 2 và sắp tới là Fable 3, Army of Two, Splinter Cell: Conviction, Borderlands, Kane and Lynch, Left 4 Dead. Cùng với sự gia tăng đáng kể của các game với chế độ co-op, tính năng split-screen cũng đang dần tìm lại chỗ đứng trong lòng người chơi.
Tất nhiên vai trò của online multiplayer với các game hiện nay là không thể thay thế. Vì vậy, trong tương lai hai hình thức multiplayer này sẽ "chung sống" hòa thuận và đem lại cho người chơi những trải nghiệm độc đáo và cuốn hút theo những cách rất khác nhau.
Theo gamek
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/cuoc-doi-thang-tram-cua-game-phan-chia-man-hinh-split-screen-20101004i75634/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.