‘Cú sốc’ 2020: Hàng vạn gia đình giảm thu nhập, điều kiện sống thấp hơn 2019
Mặc dù số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập đã thu hẹp lại, điều kiện sống của trên nửa số hộ gia đình thấp hơn so với năm 2019.
Dần hồi phục nhưng còn yếu
Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khảo sát tập trung vào các khía cạnh: thu nhập hộ gia đình, tình trạng việc làm và tiếp cận trợ giúp từ chính phủ.
Trong đợt khảo sát lần hai, WB đã thực hiện phỏng vấn qua điện thoại với gần 4.000 hộ gia đình trên toàn quốc từ ngày 27/7 đến 12/8 – thời điểm bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ hai.
Kết quả cho thấy 1/3 số hộ gia đình có mức thu nhập giảm so với tháng trước. Con số này 70% là tại lần khảo sát trước, chứng tỏ kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục.
Covid-19 làm nhiều gia đình giảm thu nhập.
Mặc dù số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập đã thu hẹp lại, song điều kiện sống của trên nửa số hộ gia đình thấp hơn so với năm 2019. Trên một nửa số hộ gia đình cho hay thu nhập bị giảm trong tháng trước đó so với cùng kỳ năm ngoái. Việc một số nhóm hộ gia đình vẫn có điều kiện sống thấp hơn chứng tỏ một số thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều hơn do đại dịch. Các hộ kinh doanh gia đình gần như đều bị giảm thu nhập so với năm trước đó.
Theo Ngân hàng Thế giới, phần lớn các doanh nghiệp gia đình vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng một phần nhỏ đang gặp khó khăn. Số lượng các doanh nghiệp gia đình dừng hoạt động cũng tăng lên trong khảo sát Vòng 2 (thời gian tham khảo: Tháng 6/Tháng 7). So với kết quả từ Vòng 1 vào thời điểm tháng 5/tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động trong tháng 6/tháng 7 đã giảm từ 95% xuống 90%.
Một số cũng quan ngại cho rằng những doanh nghiệp tạm thời đóng cửa có thể sẽ chuyển sang trạng thái đóng cửa vĩnh viễn. Tỷ lệ doanh nghiệp gia đình dừng hoạt động không có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng, lĩnh vực hoạt động hoặc theo vị trí thành thị – nông thôn. Tuy nhiên, doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn hơn, số lượng nhân viên nhiều hơn có nhiều khả năng tiếp tục hoạt động.
Chính phủ đã ban hành “gói” hỗ trợ kinh tế lần thứ nhất khá kịp thời, ngay trong tháng 3-4/2020. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách nói chung còn chậm. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả là tác động của gói hỗ trợ chưa như mong đợi, còn nhiều hạn chế.
Theo khảo sát của WB, khả năng người dân tiếp cận các gói cứu trợ Covid-19 của Chính phủ vẫn còn thấp. Trong khoảng 13% số hộ nộp đơn đề nghị hỗ trợ từ tháng 2, chỉ 2,3% nhận được hỗ trợ trong tháng 7/8.
Còn theo điều tra diện rộng của Tổng cục Thống kê, chỉ chưa tới 18% doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng
Có cần gói hỗ trợ lần hai?
Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý III, cũng đánh giá: Số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách không đáng kể do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020. Việc thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho thấy nhiều bất cập, còn DN muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn.
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, cho rằng: Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.
Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy, đồng thời nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội ”, ông Phạm Thế Anh nói tại tọa đàm.
Trái ngược quan điểm trên, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, tại Diễn đàn kinh tế 2021 mới đây cho rằng: “Bối cảnh khó khăn chung cộng dịch Covid-19 tái bùng phát càng cho thấy phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới – gói hỗ trợ lần thứ hai. Quan trọng nhất là cần đảm bảo thực thi ‘nhanh – đúng và minh bạch’ các gói hỗ trợ này”.
Bên cạnh nỗ lực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt “bão dịch” với quy mô đủ lớn, dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn, TS Võ Trí Thành lưu ý: Tính ít nhất cho cả năm 2021, “gói” hỗ trợ lần hai phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế , bắt nhịp được với xu hướng phát triển (công nghệ, nhất là chuyển đổi số; kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới,… ). Mục tiêu ở đây chính là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.
Dù khẳng định trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng, song TS Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh “dù như thế nào nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định”. Bởi theo chuyên gia này, “thảm họa Covid-19 là biến cố không ai mong đợi, song đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và doanh nghiệp”.
Chuyên gia: COVID-19 khó lường, doanh nghiệp cần gói hỗ trợ lần 2
Các chuyên gia cho rằng cần sớm có gói hỗ trợ lần 2 để "cứu" doanh nghiệp do COVID-19 vẫn diễn biến khó lường và các gói cứu trợ lần 1 chưa hiệu quả như kỳ vọng.
Tuy COVID-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam nhưng những diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong kinh doanh. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lần đầu đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, doanh nghiệp chờ đợi gói hỗ trợ lần 2 không chỉ đủ lớn, đủ mạnh, đủ nhanh mà còn phải thực chất để hồi sức cho nền kinh tế.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Chia sẻ với VTC News, ông Vương Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt.
Doanh nghiệp hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Nguyên nhân do khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP của nền kinh tế với trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tạo việc làm cho gần 15 triệu lao động với mức thu nhập bình quân tháng đạt khoảng 9 triệu đồng/lao động.
Do đó sự phục hồi, tiến tới ổn định và phát triển của doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
"Với thực trạng sức khỏe doanh nghiệp và những hệ luỵ từ đại dịch COVID-19, gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung đặc biệt vào khu vực doanh nghiệp để thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế", ông Lâm nói.
Tuy vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ, Chính phủ cần rà soát các điều kiện. Thực tế trong thời gian thực thi gói hỗ trợ trị giá 250.000 tỷ đồng, nhiều điều kiện chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và không sát thực tế đã khiến chỉ khoảng 20% doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Vẫn theo ông Lâm, trong lần hỗ trợ này, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, đồng thời xem xét cắt giảm giá điện để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn.
Đặc biệt cần ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như du lịch, hàng không...
Nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để "lôi kéo" doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do COVID-19, với thực tế kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời. Chính sách được thực hiện muộn sẽ không còn tác dụng", ông Lâm nhấn mạnh.
Tránh dàn trải, đại trà
Đồng tình với quan điểm cần thêm gói hỗ trợ mới ngay lúc này nhưng PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh: Gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, tài chính minh bạch, khả năng phục hồi cao và có tính lan tỏa.
"Chính phủ đã có những giải pháp rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng quá trình thực thi chưa hiệu quả như kỳ vọng, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Gói hỗ trợ lần 2 cần xác định đúng đối tượng, trúng vấn đề, triển khai nhanh và thực chất. Muốn vậy, các điều kiện đưa ra phải phù hợp, sát với thực tế để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận", ông Long nói.
Theo ông Long, kinh tế nước ta còn nghèo, do đó việc thiết kế gói hỗ trợ lần 2 cần chọn lọc hơn, tránh đại trà, dàn trải. "Các chính sách và giải pháp của Chính phủ cần thực hiện kịp thời, đúng thời điểm vì chính sách được thực hiện muộn không còn tác dụng như mong muốn", ông Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt song hiệu quả của gói hỗ trợ lần 1 còn khá thấp.
"Cần xem xét gói kích thích, hỗ trợ kinh tế lần 2 với quy mô đủ lớn, có kéo dài sang cả năm 2021 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới", ông Thành cho hay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, gói hỗ trợ lần 2 cần triển khai cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Theo đó, xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo...
Tiếp đến là thúc đẩy cho vay tiêu dùng (cơ bản là cơ chế) theo hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong việc phân rõ hơn giữa cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng thương mại; hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính ngân hàng số.
Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tái cấp vốn và xem xét giảm phí bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở phân loại tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (từ quý 4/2020 đến hết năm 2021), để các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị Chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém.
"Về gói tiền tệ, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi. Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng", ông Thọ nhấn mạnh.
Tiếp sức để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19 Những giải pháp linh hoạt, gói hỗ trợ doanh nghiệp cùng Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kỳ vọng như liều thuốc trợ lực cho các doanh nghiệp. Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (thành phố Cần Thơ). (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN) Dịch COVID-19 kéo...