Cứ 8 giờ có 1 trẻ bị xâm hại nhưng khó điều tra
Số vụ xâm hại trẻ em đang gia tăng. Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại.
Bà Trần Thị Ngọc Nữ (phải – chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) và bà Đào Thị Bích Liên (giữa – chi hội phó) lắng nghe một người mẹ đang đau khổ vì con mình là nạn nhân trong một nghi án bị xâm hại – Ảnh: UYÊN TRINH
Trẻ bị xâm hại đang chiếm tới trên 70% trẻ bị xâm hại nói chung và đang ở mức báo động.
Nhiều vụ “chìm xuồng”
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình và trẻ em (CSAGA), cho hay đang có nhiều vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu “chìm xuồng” hoặc bị xử lý theo hướng làm nhẹ.
“Cơ quan chức năng đòi hỏi chứng cứ, nhưng có những vụ trẻ em bị xâm hại thì tìm chứng cứ rất khó. Như vụ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thì có lời khai của trẻ em chứng kiến, có những dấu hiệu, chứng cứ nhất định, nhưng người có trách nhiệm lại cho là lời của trẻ em chưa đáng tin” – bà Vân Anh cho hay. Bởi vậy nên sự việc xảy ra đã hai tháng nhưng việc xử lý chưa tới đâu.
Đồng tình với nhận định này, cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam cũng cho rằng quy định hiện hành còn chưa rõ ràng, trong khi tìm chứng cứ những vụ xâm hại trẻ em khó khăn nên nhiều nghi can hại trẻ em chậm bị điều tra, xử lý.
“Vụ ở Vũng Tàu chúng tôi cũng thúc giục các cơ quan tư pháp, họ cũng nói rằng đang thu thập chứng cứ chứ không phải là chìm xuồng.
Nhưng phải đặt câu hỏi là vì sao ở Lào Cai cũng đã có 2 vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý mà ở Vũng Tàu lại chưa xử lý được? Đến độ Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải lên tiếng” – ông Nam nói.
Theo ông Nam, không những tăng về số lượng, các vụ việc gần đây còn gia tăng về mức độ phức tạp, như cha đẻ/cha dượng xâm hại trẻ hay trẻ bị người thân quen xâm hại.
“Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng” – ông Nam nhận định.
Cảnh giác cao độ
Ông Lê Minh Tấn (giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) cho rằng đã đến lúc phải cảnh giác cao độ với tình trạng xâm hại trẻ em.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2016, TP.HCM có tới gần 100 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 24 vụ hãm hại, 47 vụ giao cấu.
Video đang HOT
Nạn nhân là trẻ em, dễ chịu những tổn thương tâm sinh lý khó hồi phục. Do đó cần phải đặt mục tiêu phòng ngừa là trên hết.
Theo ông Tấn, cần phải tuyên truyền rộng rãi, nâng cao cảnh giác cho phụ huynh và trang bị kiến thức cho con trẻ.
Trường học cần phối hợp với ngành công an hoặc chuyên gia tâm lý để tập huấn, trò chuyện với học sinh ngay từ lứa tuổi tiểu học để hướng dẫn những nguyên tắc giúp các em tự bảo vệ thân thể, giao tiếp với người lạ.
Các đoàn thể đưa nội dung này vào các lớp tiền hôn nhân, hướng dẫn phụ huynh cách giáo dục con cái phòng tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Bà Phạm Thị Duyên (thẩm phán cao cấp của TAND cấp cao tại TP.HCM):
Không được “hồn nhiên” với cả người thân
Việc điều tra, xét xử hành vi xâm hại đối với trẻ em hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều vụ xâm hại đối với trẻ em mà do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc xử lý hành vi phạm tội đã không được thực hiện rốt ráo.
Thậm chí, không đủ căn cứ để buộc tội khiến kẻ thủ ác nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật.
Cho nên, ngoài hình phạt của pháp luật thì gia đình, cộng đồng xã hội phải nâng cao ý thức đề phòng, bảo vệ trẻ em. Đó là điều là rất quan trọng. Cẩn thận ngay cả với những người thân xung quanh vì trẻ em luôn có nguy cơ bị xâm hại.
Ở một số nước phương Tây, cha mẹ không bao giờ để con cái của mình ở nhà với người khác giới, dù là người thân hoặc người thân quen. Nhưng ở Việt Nam thì cha mẹ hồn nhiên gửi con gái của mình cho chú hàng xóm hoặc ở nhà với anh họ, chú họ, chú ruột.
Chắc cũng ít người dạy con mình khi vào thang máy thì không được đi chung với một người đàn ông khác. Điều đó cho thấy việc phòng ngừa còn lơi lỏng.
Theo Tuổi trẻ
Hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em
Làm thế nào để trẻ nhận biết, tự bảo vệ mình khi kẻ xấu có ý định xâm hại?
Các bậc cha mẹ có thể dạy trẻ một vài kỹ năng, kiến thức giới tính để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước một số tình huống.
1. Quy tắc bàn tay giao tiếp
Cha mẹ cần dạy bé biết quy tắc bàn tay giao tiếp (mỗi ngón tay là 1 quy tắc) sau đây:
- Ôm hôn (ngón cái): Chỉ dùng với những người thân ruột thịt trong nhà như: anh chị em ruột, bố mẹ, ông bà.
- Khoác tay, nắm tay với người thân, thầy cô, bạn bè (ngón trỏ).
- Bắt tay khi gặp người quen biết (ngón giữa).
- Vẫy tay nếu gặp người lạ (ngón áp út).
- Xua tay (ngón út) để phòng tránh xâm hại trẻ em, hãy dạy trẻ phải biết xua tay không tiếp xúc hoặc nếu cần, phải biết hét to để cầu cứu, báo động và bỏ chạy nếu những người xa lạ tiến lại gần và có những cử chỉ thân mật khiến trẻ bất an, khó chịu.
2. Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm
Kỹ năng đầu tiên mà bạn nên dạy cho trẻ là kiến thức về giới tính và 4 vùng nhạy cảm trên cơ thể là: miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông.
Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác nếu trẻ không thích.
3. Không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm
Các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve nếu trẻ không thích.
Vùng nhạy cảm là của riêng bé, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ. Hãy dạy cho bé cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu.
4. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác
Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình thì các bậc phụ huynh cũng cần dạy trẻ chú ý không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
5. Tránh xa người lạ mặt
Dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ.
Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.
6. Không cho người lạ mặt vào nhà
Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.
7. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác
Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, bạn nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn, cầu cứu người xung quanh.
Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy, chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn.
Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
8. Báo ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào
Cần dạy cho trẻ rằng các bé không phải cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết.
Ngoài ra, khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm.
Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Bộ Giáo dục nên bãi bỏ xếp loại giáo viên bằng các giấy tờ vô bổ Những loại giấy tờ vô bổ, chẳng có tác dụng gì đang làm khổ giáo viên ở cơ sở nhưng đó đã là quy định của Bộ nên bắt buộc người thầy phải thực hiện. Trong bài viết Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp, chúng tôi đã phản ánh những khó khăn trong...