COVID-19 tại ASEAN hết 23/1: Malaysia kỷ lục ca nhiễm mới, Thủ tướng Hun Sen sẽ tiêm vaccine Trung Quốc
Trong ngày 23/1, các nước ASEAN ghi nhận gần 18.500 ca mắc COVID-19 , trong khi số ca tử vong tăng thêm trên 270 trường hợp. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh gửi thêm vaccine.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta , Indonesia , ngày 21/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.472 ca mắc COVID-19 và 273 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.881.045 ca mắc COVID-19 trong đó có 41.691 ca tử vong và 1.588.011 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó, riêng Indonesia chiếm phần lớn với trên 200 ca. Với trên 12.000 ca nhiễm mới, tình hình Indonesia chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.
Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh và chỉ xếp sau Indonesia với trên 4.200 ca nhiễm mới trong ngày 23/1, một kỷ lục đáng buồn mới.
Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận 198 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trong ngày 23/1. Timor Leste ghi nhận 11 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 64 người. Các nước Campuchia, Việt Nam, Brunei, và Lào không có ca nhiễm mới nào.
Kiểm tra thân nhiệt tại một lễ cưới ở Makati, Philippines, ngày 15/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia: Thủ tướng Hun Sen sẽ tiêm vaccine Trung Quốc đầu tiên
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 23/1 cho biết dự kiến có khoảng 500.000 người dân nước này được tiêm chủng vaccine COVID-19 trước Tết năm mới Khmer trong tháng Tư tới.
Thủ tướng Hun Sen cho biết lô 300.000 liều vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được chuyển tới Campuchia trong tháng 2/2021 và Bộ Y tế Campuchia sẽ tiến hành cuộc khảo sát để đánh giá có bao nhiêu người dân sẵn sàng tiêm chủng vaccine này.
Nhà lãnh đạo Campuchia tái khẳng định rằng ông sẽ là người đầu tiên ở Campuchia chủng ngừa vaccine của Trung Quốc, và sẽ tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi được tiêm tại Bệnh viện Calmette ở thủ đô Phnom Penh.
Ông cho biết đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi thêm vaccine tới Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cho biết số vaccine nói trên do Chính phủ Trung Quốc tài trợ hoặc do Campuchia đặt mua. Trước đó, Campuchia đã đề nghị Ấn Độ cung cấp các loại vaccine Covaxin và Covashield do Ấn Độ sản xuất cho Campuchia.
Vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Liên quan đến các quy định mới khi nhập cảnh Campuchia, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vadine ngày 23/1 cho biết kể cả những du khách đã chủng ngừa vaccine COVID-19 vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày khi nhập cảnh vào Campuchia. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vadine khẳng định việc làm này là nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan tại Campuchia.
Tính đến hết ngày 23/1, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 456 ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, trong đó có 403 trường hợp bệnh nhân đã hồi phục. Về số lượng lao động di cư Campuchia từ Thái Lan về nước, có 81 người dương tính với virus SARS -CoV-2.
Malaysia lại lập kỷ lục ca nhiễm mới, không huỷ kỳ thi quốc gia
Giới chức y tế Malaysia ngày 23/1 ghi nhận 4.275 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tới nay. Tổng số ca bệnh tại Malaysia đã tăng lên 180.455 ca, bao gồm 667 ca tử vong.
Ngày 23/1 cũng là ngày thứ 10 liên tiếp Malaysia ghi nhận trên 3.000 ca nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới đã ba lần vượt qua ngưỡng 4.000 ca.
Bất chấp tình hình dịch bệnh leo thang, giới chức Malaysia vẫn quyết định tổ chức kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp phổ thông và thi đại học), trong đó đợt thi đầu tiên bắt đầu từ ngày 22/2.
Malaysia vẫn tổ chức kỳ thi quốc gia bất chấp tình hình dịch bệnh. Ảnh: Straits Times
Tổng Giám đốc giáo dục Habibah Abdul Rahim cho biết, sẽ không có việc hạ thấp các tiêu chuẩn của kỳ thi mặc dù các em học sinh đã phải học từ xa trong hầu hết niên học.
Bà Rahim khẳng định ngành giáo dục Malaysia sẽ tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn sức khoẻ trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Philippines: 16 ca nhiễm biến thể COVID-19 mới
Theo Straits Times, Philippines đã phát hiện 16 ca mắc COVID mới nhiễm biến thể mới của SARS -CoV-2. 12 trong số 16 ca này được ghi nhận ở thị trấn Bontoc, cách thủ đô Manila 400 km về phía bắc. Hai ca khác được phát hiện ở La Trinidad, tỉnh Benguet, và Calamba, ở phía nam Manila.
Những ca nhiễm này cho thấy biến thể mới có thể đã lan ra nhiều vùng ở miền nam Philippines.
Biến thể mới của SARS -CoV-2 có thể đã xuất hiện sớm hơn ở Philippines, vào 10/12/2020. Ảnh: Reuters
Philippines phát hiện ca nhiễm biến thể SARS -CoV-2 mới – VUI-202012/01 (hay B117) vào ngày 13/1. Bệnh nhân là một đại lý bất động sản sống ở Manila, đã đến Dubai công tác từ ngày 27/12/2020 đến 7/1.
Tuy nhiên, ngày 23/1, giới chức y tế cho hay, biến thể mới, được phát hiện lần đầu tại Anh hồi tháng 9/2020- nhiều khả năng đã xuất hiện tại Philippines từ ngày 10/12.
Biến thể SARS-CoV-2 ở Anh được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với loại SARS-CoV-2 thông thường. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại London còn cho rằng, biến thể này còn có thể gây tử vong cao hơn, chủng gốc.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE
Thái Lan ghi nhận 198 ca nhiễm mới, 1 ca tử vong
Ngày 23/1, Thái Lan ghi nhận 198 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Như vậy, tính đến hết ngày 23/1, Thái Lan có tổng cộng 13.302 ca nhiễm, trong đó có 72 ca tử vong do COVID-19. Giới chức thủ đô Bangkok đã cho phép một số doanh nghiệp mở lại từ ngày 22/1, bao gồm các trung tâm giải trí, cơ sở làm đẹp , các phòng tập do số ca nhiễm tại thủ đô đã giảm đi.
Có người phụ nữ mắc COVID-19 trong 105 ngày không triệu chứng
Có hơn 50% số người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng lộ rõ, theo báo JDF. Thậm chí có trường hợp mắc bệnh hơn 3 tháng và có khả năng lây nhiễm cho người khác trong 70 ngày.
Xe cứu thương đến cơ sở phục hồi chức năng Life Care Center ở Kirkland, Washington, nơi người phụ mắc COVID-19 trong 105 ngày không có triệu chứng từng được điều trị - Ảnh: AFP
Trường hợp này được xem là hi hữu về thời gian nhiễm bệnh và thời gian lây bệnh. Và với các nhà nghiên cứu, đây là cơ hội để tìm hiểu rõ hơn về cơ chế lây lan của virus corona chủng mới, theo trang pourquoidocteur.fr .
Cụ thể theo tạp chí Cell , một phụ nữ 71 tuổi ở bang Washington của Mỹ đã mắc COVID-19 liên tục trong 105 ngày, chứa các hạt virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho người khác trong 70 ngày nhưng không xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Nữ bệnh nhân này thực ra mắc bệnh ung thư tế bào bạch cầu, vì thế hệ thống miễn dịch của bà bị suy yếu và ít có khả năng loại bỏ virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể.
Dù các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ về việc những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể lây nhiễm virus lâu hơn bình thường, nhưng cho đến nay có rất ít bằng chứng về điều này.
Những phát hiện này mâu thuẫn với hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khi cơ quan này cho rằng những người bị suy giảm miễn dịch với COVID-19 có khả năng không lây nhiễm sau 20 ngày.
Trong bài báo, ông Vincent Munster - nhà virus học tại Viện Nghiên cứu quốc gia Mỹ về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID), tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết các phát hiện mới cho thấy "sự phát triển lâu dài của virus lây nhiễm có thể là mối lo ngại ở một số bệnh nhân suy giảm miễn dịch".
Người phụ nữ bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 2-2020, trong đợt bùng phát COVID-19 được báo cáo đầu tiên của Mỹ, khi được điều trị tại cơ sở phục hồi chức năng Life Care Center ở Kirkland, Washington.
Bà đã phải nhập viện vì thiếu máu liên quan đến bệnh ung thư vào ngày 25-2, và các bác sĩ đã kiểm tra COVID-19 vì bà đến từ trung tâm chăm sóc sức khỏe có ổ dịch. Bà có kết quả dương tính vào ngày 2-3.
Trong 15 tuần tiếp theo, bà được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Các bác sĩ phát hiện virus trong đường hô hấp trên của bà trong 105 ngày; và các hạt virus lây nhiễm - nghĩa là chúng có khả năng lây bệnh - được phát hiện trong ít nhất 70 ngày.
Mối lo của các nhà y tế cộng đồng là những trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng bị phát hiện chậm, lây nhiễm rộng ở cộng đồng - Ảnh minh họa
Theo báo cáo, thông thường những người mắc COVID-19 có thể lây nhiễm trong khoảng 8 ngày sau khi nhiễm bệnh. Trước đây, thời gian phát tán virus lây nhiễm lâu nhất ở bệnh nhân COVID-19 được báo cáo là 20 ngày.
Người phụ nữ này có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài vì cơ thể của bà không có phản ứng miễn dịch thích hợp. Các mẫu máu của bà dường như không chứa kháng thể chống lại virus.
Bà đã được điều trị hai đợt bằng huyết tương từ bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi có chứa kháng thể chống lại COVID-19. Bà đã khỏi bệnh sau lần điều trị thứ hai, mặc dù không thể biết liệu huyết tương có tác dụng hay không vì nồng độ kháng thể của bà vẫn thấp sau khi truyền huyết tương.
Các tác giả cũng thực hiện xác định trình tự di truyền của virus SARS-CoV-2 trong quá trình lây nhiễm của bà và thấy rằng virus này đã phát triển một số đột biến theo thời gian. Tuy nhiên, các đột biến không ảnh hưởng đến tốc độ sao chép của virus.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu phân lập virus từ các mẫu của bệnh nhân và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Họ thậm chí còn có thể chụp được hình ảnh của virus bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử quét và truyền qua.
Ngoài ra, các tác giả không thấy bất kỳ đột biến nào trong số này mang lại lợi thế sống sót cho virus, bởi vì không có biến thể đột biến nào trở nên thống trị trong quá trình lây nhiễm.
Các tác giả cho biết chưa thể xác định chính xác cách cơ thể người phụ nữ loại bỏ virus SARS-CoV-2, và đây là điều cần được tiếp tục nghiên cứu liên quan đến những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không biết tại sao người phụ nữ không bao giờ trải qua các triệu chứng của COVID-19 mặc dù bị suy giảm miễn dịch, trong khi đáng lẽ suy giảm miễn dịch sẽ khiến bà có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hơn.
Nhà nghiên cứu Vincent J. Munster, đồng tác giả bài báo, giải thích với báo Live Science : "Thông thường tình trạng suy giảm miễn dịch sẽ khiến virus SARS-CoV-2 lây lan từ đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới gây viêm phổi. Trong trường hợp này, mặc dù bệnh nhân bị nhiễm ít nhất trong 105 ngày, nhưng hiện tượng nêu trên rõ ràng đã không xảy ra. Và đây vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng tôi".
Các tác giả lưu ý nghiên cứu của họ chỉ liên quan đến một trường hợp duy nhất, và do đó những phát hiện có thể không nhất thiết áp dụng cho tất cả bệnh nhân có tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch.
Các tác giả cho biết ước tính có khoảng 3 triệu người ở Mỹ có tình trạng suy giảm miễn dịch, bao gồm cả những người nhiễm HIV cũng như những người đã được cấy ghép tế bào gốc, cấy ghép nội tạng và hóa trị.
Các tác giả kết luận: "Hiểu được cơ chế tồn tại của virus và sự thanh thải cuối cùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch sẽ là điều cần thiết để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và ngăn ngừa lây lan virus SARS-CoV-2".
Nhà Trắng thúc ép FDA phê duyệt nhanh vaccine Covid-19 Chánh văn phòng Nhà Trắng triệu tập Giám đốc FDA để chất vấn việc cơ quan này không đẩy nhanh quá trình cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer. Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng, hôm 1/12 triệu tập Stephen Hahn, giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Hahn đến Nhà Trắng sát giờ họp lúc 9h30...