Công ty thí điểm làm sạch sông Tô Lịch không hợp tác
Thành phố yêu cầu công ty thí điểm công nghệ nano làm sạch đoạn sông Tô Lịch cung cấp văn bản pháp lý từ cuối năm 2019, nhưng không nhận được phản hồi.
Trả lời báo chí chiều 16/6, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, từ tháng 11/2019, thành phố đã họp yêu cầu Công ty Việt Nhật, đơn vị thí điểm công nghệ nano làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, báo cáo rõ kết quả thí nghiệm, các văn bản pháp lý liên quan đến công ty và công nghệ xử lý.
Sở Xây dựng Hà Nội sau đó yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu theo chỉ đạo của thành phố, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được và công ty không liên hệ lại. “Vậy chúng tôi hiểu là công ty đã từ bỏ việc xử lý nước trên sông Tô Lịch”, Phó giám đốc Thắng nói.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng phát biểu chiều 16/6. Ảnh: Võ Hải.
Video đang HOT
Ngoài thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, Công ty Việt Nhật còn quây một khu vực Hồ Tây để thí điểm làm sạch. Đến nay, khu vực này vẫn chưa dỡ bỏ.
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ giữa tháng 5/2019 trên đoạn sông 300 m. Công nghệ Nano-Bioreactor gồm hai yếu tố là máy sục khí nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.
Sau gần 6 tháng, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu: xử lý mùi hôi thối; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông; bảo tồn hệ sinh thái.
Đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano hạ thiết bị xuống sông hồi tháng 5/2019. Ảnh: Võ Hải.
Tuy nhiên, trả lời cử tri quận Thanh Xuân cuối tháng 11/2019, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đánh giá việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano “chưa thành công” và thành phố sẽ thực hiện dự án xây dựng cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Một tuần sau, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay đã có buổi làm việc và đề nghị đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cung cấp hồ sơ như tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ nano. Thành phố giao Sở Xây dựng giới thiệu hồ nước đọng trên địa bàn để đơn vị thí điểm làm sạch nước, xử lý mùi, bùn bằng công nghệ Nano-Bioreactor đồng thời mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành của thành phố tham gia để đánh giá kết quả thử nghiệm.
Một số người đưa ra các ý tưởng để cải tạo môi trường sông Tô Lịch, nhưng Chủ tịch Hà Nội khẳng định không có công nghệ nào xử lý được 180.000 m3 nước thải đang xả xuống sông Tô Lịch mỗi ngày mà không thu gom.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Sông Tô Lịch ngày nay dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ, đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải.
Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra trong hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả. Tháng 5/2020, thành phố đã động thổ xây cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sau đó đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Giải pháp này được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ xử lý triệt để ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Dự kiến, việc xây cống gom nước thải sẽ hoàn thành sau bốn năm.
Hà Nội chủ động phòng, chống ngập úng, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão
Chiều 16/6, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, nhằm khắc phục tình trạng úng ngập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão năm 2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, năm 2020, trên toàn địa bàn thành phố còn tồn tại 12 điểm úng, ngập, ngoài ra còn tồn tại những điểm ngập, úng nhỏ lẻ khác.
Trước tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch đối với các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì và phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên Thoát nước Hà Nội, các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước tăng cường công tác duy tu, duy trì, đặc biệt kiểm tra, giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để đôn đốc, xử lý, giải quyết kịp thời.
Sở cũng đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công dự án có ảnh hưởng đến công tác thoát nước đô thị; phối hợp với các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi rà soát, đề xuất bàn giao các kênh mương không còn chức năng phục vụ canh tác nông nghiệp chuyển mục đích phục vụ thoát nước đô thị và phối hợp điều tiết, vận hành các công trình đầu mối thoát nước nông nghiệp kết hợp với tiêu thoát nước khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố là đơn vị chủ lực, trực tiếp thực hiện kế hoạch; phối hợp với các Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện để phục vụ vận hành an toàn các trạm bơm thoát nước.
Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai ứng trực, tăng cường kiểm tra, phát hiện khắc phục sự cố thoát nước; phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra các sự cố thiên tai, úng ngập trên địa bàn.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã xử lý ô nhiễm môi trường nước ở 90 hồ trong khu vực nội thành, lắp đặt bè thủy sinh trên 66 hồ và máy sục khí trên 52 hồ, đồng thời thực hiện công tác nạo vét bùn lắng đối với 10 hồ. Ngoài ra, công tác điều tiết mực nước hồ đã đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thoát nước và cân bằng sinh thái môi trường, qua đó góp phần làm không gian xung quanh các hồ trở thành nơi vui chơi, thư giãn của người dân.
Nhằm hạn chế việc nước thải chứa nhiều dầu mỡ ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, đến nay đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh, hộ gia đình lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ, góp phần loại bỏ dầu mỡ ngay tại nguồn phát sinh, nâng cao hiệu quả xử lý của các trạm xử lý nước thải và cải thiện chất lượng môi trường của nguồn tiếp nhận (sông, hồ).
Đáng chú ý, liên quan đến công tác cắt tỉa cây xanh, chỉnh trang đô thị nhằm hạn chế tối đa những vụ việc gãy đổ gây nguy hiểm về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Ngay từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, phối hợp cùng các đơn vị thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống cây bóng mát, lập kế hoạch, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao.
Sở Xây dựng cũng chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, nâng cao vòm lá, khống chế chiều cao cây bóng mát và thực hiện gia cố cọc chống các cây mới trồng trong hệ thống cây xanh 12 quận nội thành.
Sở Xây dựng đã đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát ở ngoại thành, rà soát, kịp thời chặt hạ cây sâu mục, cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông.
Để chủ động trong trường hợp mưa bão xảy ra, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tại úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gãy, đổ, cung cấp nước sạch mùa mưa bão trên địa bàn thành phố năm 2020.
Các đơn vị có liên quan sẽ phải huy động 100% quân số, thực hiện giải tỏa 24/24 giờ/ngày khi có cây gãy, đổ. Trong đó, các đơn vị chức năng sẽ ưu tiên xử lý các cây đổ, nguy hiểm đe dọa đến tài sản, tính mạng nhân dân, gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính... và trồng cây thay thế sau 10 ngày.
Hà Nội: Đảm bảo cấp nước trong mùa Hè, xét tuyển giáo viên hợp đồng Sản lượng khai thác 1.520.000 m3/ngày đêm sẽ cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội trong Hè năm 2020 với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu khoảng 100-150 lít/người/ngày. Người dân một số khu vực ở Hà Nội lấy nước miễn phí tại Nhà máy nước Hạ Đình trong sự cố môi...