Công nghệ pin lithium ion mới có thể sạc một chiếc xe điện chỉ trong 10 phút
Các nhà khoa học hiện đang phát triển một loại pin lithium ion mới được cho có thể giúp một chiếc xe điện di chuyển trong khoảng cách lên đến hơn 300km dù chỉ cần sạc trong vòng 10 phút.
Loại pin này được các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Pennsylvania tuyên bố trên tạp chí Joule mới đây.
Thiết kế mô phỏng của loại pin lithium mới.
Thực tế các nhà khoa học đã nhận ra nhu cầu thiết kế pin xe điện có khả năng sạc cực nhanh để đáp ứng nhu cầu của người lái xe là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, tốc độ sạc nhanh như vậy sẽ đòi hỏi pin phải nhanh chóng tiêu thụ 400 kilowatt năng lượng, một kỳ tích mà các phương tiện hiện tại không thể thực hiện được vì nó có nguy cơ mạ lithium (sự hình thành của lithium kim loại xung quanh cực dương), sẽ làm giảm nghiêm trọng tuổi thọ pin.
Trong khi pin lithium thông thường được sạc và xả ở cùng nhiệt độ, các nhà nghiên cứu nhận thấy họ có thể tránh được vấn đề mạ lithium nhờ phương án sạc pin ở nhiệt độ cao 60 độ C trong vài phút, sau đó xả ở nhiệt độ thấp hơn.
“Ngoài việc sạc nhanh, thiết kế này cho phép chúng tôi giới hạn thời gian tiếp xúc của pin với nhiệt độ sạc cao, do đó tạo ra tuổi thọ rất dài. Điều quan trọng là nhận ra sự gia nhiệt nhanh chóng, nếu không pin sẽ ở nhiệt độ cao quá lâu sẽ gây ra sự xuống cấp nghiêm trọng”, Chao-Yang Wang, nhà nghiên cứu- kỹ sư cơ khí tại Đại học bang Pennsylvania nói.
Để rút ngắn thời gian liên quan đến nhiệt và làm nóng toàn bộ pin ở nhiệt độ đồng đều, Wang và các đồng nghiệp đã trang bị một thiết kế pin lithium ion với cấu trúc niken tự làm nóng trước trong vòng chưa đầy ba mươi giây.
Các nhà nghiên cứu tiết lộ đã sạc ba túi than chì được thiết kế cho xe điện hybrid ở 40, 49 và 60 độ C, cũng như điều khiển ở 20 độ C, sử dụng các cách làm mát khác nhau để duy trì nhiệt độ sạc không đổi. Để chắc chắn hiện tượng mạ lithium không xảy ra, sau đó họ đã xả hoàn toàn và bắt đầu phân tích.
“Trước đây, mọi người đều tin rằng pin lithium ion nên tránh hoạt động ở nhiệt độ cao do lo ngại phản ứng phụ tăng tốc. Nhưng nghiên cứu này cho thấy lợi ích của việc mạ lithium giảm nhẹ ở nhiệt độ cao với thời gian phơi nhiễm hạn chế vượt xa tác động tiêu cực liên quan đến các phản ứng phụ trầm trọng hơn”, Wang nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng công nghệ này hoàn toàn có thể mở rộng được và nó thực sự làm giảm chi phí sản xuất trong tương lai.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm của Wang hiện đang lên kế hoạch đưa thiết kế của họ tiến thêm một bước nữa: “Chúng tôi đang làm việc để sạc pin xe điện chỉ trong năm phút mà không làm hỏng nó. Điều này sẽ đòi hỏi các chất điện phân và vật liệu hoạt động rất ổn định bên cạnh cấu trúc mới mà chúng tôi đã phát minh ra”.
Minh Long
Theo dantri.com.vn/Techxplore
Trục vớt cá mập trắng khổng lồ nặng nửa tấn với 2 vết cắn lớn sau gáy: Hung thủ là con quái vật to cỡ nào cơ chứ?
Một con cá mập được tìm thấy tại ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ, với 2 vết cắn kinh khủng phía sau đầu.
Bạn biết đấy, cá mập trắng khổng lồ vẫn luôn là những sinh vật săn mồi hàng đầu, một ông hoàng đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn của đại dương. Vậy mà mới đây, các nhà khoa học vừa kéo lên một "ông hoàng" bị thương nghiêm trọng với 2 vết cắn lớn đằng sau gáy, và có vẻ như nó đến từ một sinh vật săn mồi còn to lớn hơn.
Cụ thể câu chuyện, con quái vật do đội nghiên cứu từ OCEARCH - một tổ chức phi lợi nhuận tìm ra. Họ đã cảm thấy rất shock khi kéo lên con cá mập dài hơn 4m, nặng 527kg với những thương thế hết sức trầm trọng. Vimy (tên họ đặt cho con cá mập) đã được gắn thẻ theo dõi từ trước đó vài tháng.
"Rõ ràng là có thứ gì đó đã cắn vào đầu nó," - Chris Fischer, chủ tịch OCEARCH chia sẻ. " Đó phải là một sinh vật khổng lồ, một con quái thú còn to lớn hơn thế. Rõ ràng, thứ có thể tóm cổ một sinh vật khổng lồ phải là một con còn ấn tượng hơn."
Nhưng thủ phạm rốt cục là ai?
Xét nghiệm cho thấy có 2 vết cắn trên đầu Vimy, trong đó 1 vết từ hơn một năm trước còn 1 vết rất mới, chỉ xuất hiện trong chưa đầy 1 tuần. Thủ phạm phải dài ít nhất là gần 5m, bởi vậy có khả năng đó là một con cá mập trắng khác mà thôi.
Fischer chia sẻ thêm rằng đội nghiên cứu của ông đã nhìn thấy một con cá mập dài khoảng 5,1m ở cùng một khu vực vớt được xác Vimy, nhưng nó đã trốn thoát trước khi được gắn thẻ đánh dấu.
Theo các nhà sinh vật học, nhiều khả năng các vết cắn trên xuất hiện khi Vimy chiến đấu với một con quái vật khác để tranh giành bạn tình. Một giả thuyết khác là vì Vimy đã quá nóng vội khi muốn "mây mưa" cùng một chị cá mập cái to lớn hơn, dẫn đến việc phải nhận vết thương quá lớn.
"Cá mập là loài có tập tính giao phối hết sức... bạo lực. Việc chúng cắn đầu nhau là điều thường thấy chứ chẳng có gì hiếm cả."
Video ghi lại quá trình gắn thẻ theo dõi cá mập
Vimy được gắn thẻ theo dõi vào ngày 4/10 vừa qua. Các chuyên gia nhờ vậy có thể theo dõi khu vực nó di chuyển. Đến ngày 14/10, nó mò đến khu vực ngoài khơi New Jersey (Hoa Kỳ) và phải nhận vết cắn nghiêm trọng tại đây.
Được biết, chương trình gắn thẻ theo dõi cá mập của OCEARCH được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, họ đã gắn thẻ cho 417 con cá, nhằm tìm hiểu về thói quen và hành vi của sinh vật kỳ vĩ này.
Tham khảo: Daily Mail
Theo Helino
Jerusalem xây dựng nghĩa trang khổng lồ trong lòng đất Lấy cảm hứng từ phong tục của người Do Thái cổ đại, Thủ đô của Israel đã xây dựng nghĩa trang khổng lồ trong lòng đất bên dưới nghĩa trang Har Hamenuchot. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 23.000 ngôi mộ cho một quốc gia đang lo "đất chật người đông". Công nhân tại công trường xây dựng nghĩa trang ngầm...