Cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực vì hòa bình Syria
Đặc phái viên chung Liên hợp quốc – Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan và các cường quốc chủ chốt sẽ xúc tiến nỗ lực được xem là cuối cùng nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria.
Khói lửa do xung đột tại Bab Amro, khu vực lân cận thành phố Homs, Syria ngày 19/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà ngoại giao Liên hợp quốc tiết lộ Đặc phái viên Annan muốn Nga, đồng minh lớn nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Mỹ, nước kêu gọi nhà lãnh đạo Syria từ chức, phối hợp với các nước khác ủng hộ nỗ lực thuyết phục ông al-Assad tham gia đàm phán.
Trước đó, ông Annan đã có các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Anh William Hague và Ngoại trưởng Mỹ để thảo luận kế hoạch tổ chức cuộc họp bàn nhằm tìm cách đạt được sự đồng thuận về biện pháp tiếp theo để giải quyết tình hình Syria. Mục tiêu của đặc phái viên quốc tế này là một kế hoạch hành động nhằm buộc các bên phải chấm dứt ngay các vụ bạo lực và bắt tay vào thực hiện một giải pháp chính trị để chấm dứt khủng hoảng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác nhận, ông Annan đang soạn thảo “một lộ trình chuyển giao chính trị” cho Syria.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, ông Annan sẽ đưa đề xuất trên với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia liên quan để tìm kiếm sự ủng hộ đối với bản lộ trình nói trên, đồng thời gia tăng sức ép đối với Chính quyền Damacus cũng như phe đối lập nước này.
Ông Annan hy vọng sẽ công bố kế hoạch mới của ông tại một cuộc họp ở Geneva vào ngày 30/6 tới.
Video đang HOT
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố thông tin của giới báo chí cho rằng, quốc gia này cùng với Anh đồng ý lập hành lang an toàn cho Tổng thống al-Assad đến Thụy Sĩ để đàm phán với phe đối lập là hoàn toàn sai sự thật.
Bộ Ngoại giao Anh cũng bác bỏ thông tin về việc Anh và Mỹ thảo luận khả năng miễn truy tố cho ông al-Assad nếu ông chấp nhận từ chức trong khuôn khổ một tiến trình chuyển giao quyền lực.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy ông al-Assad đã sẵn sàng rời bỏ quyền lực và chấp nhận tiến trình chuyển giao quyền lực như Mỹ yêu cầu.
London cũng khẳng định hiện tại không có bất cứ đề xuất mới nào được đưa ra liên quan đến số phận chính trị của ông al-Assad.
Trước đó, các nguồn tin báo chí Anh tiết lộ Washington sẽ xúc tiến một kế hoạch mới cho Syria sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có những dấu hiệu chấp nhận sự ra đi của ông al-Assad.
Về phần mình, Nga tiếp tục khẳng định quan điểm rằng bất kỳ kế hoạch nào yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức đều không khả thi vì vị tổng thống này sẽ không ra đi.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, ít nhất một nửa dân chúng Syria đã bỏ phiếu bầu ông Assad trong các cuộc bầu cử gần nhất, vì vậy tương lai của nhà lãnh đạo này phải do người dân Syria quyết định.
Lần đầu tiên Nga xác nhận vụ chiếc tàu chở hàng của Nga bị buộc phải rời lãnh hải Anh, trên tàu chở ba máy bay trực thăng quân sự mà Nga đã sửa chữa cho Syria theo hợp đồng ký từ năm 2008.
Ông Lavrov chỉ trích việc Công ty bảo hiểm Standard Club hủy hợp đồng với chiếc tàu nói trên, nhấn mạnh rằng việc thực hiện đúng hợp đồng đã ký là sự thật không thể bác bỏ.
Nga cũng thông báo sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký trước đây với Damacus về cung cấp vũ khí, đồng thời tuyên bố các hợp đồng này không vi phạm quy định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moo đã thảo luận tình hình Syria với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. Iran được xem là quốc gia được xem có ảnh hưởng lớn với Syria,
Trong khi đó, một phi công quân đội Syria đã xin tị nạn chính trị tại Jordan sau khi đáp xuống Sân bay Quân sự Mafraq của Jordan sáng 21/6.
Bộ trưởng Thông tin đồng thời là người phát ngôn của Chính phủ Jordan đã xác nhận thông tin trên và cho biết chính quyền Jordan chấp nhận yêu cầu này.
Nhà chức trách Syria mất liên lạc với chiếc máy bay tiêm kích MIG-21 nói trên khi máy bay đang thực hiện chuyến bay huấn luyện gần biên giới Jordan.
Hãng thông tấn Nhà nước Syria SANA dẫn một nguồn tin chính quyền cho biết, chiếc máy bay do Đại tá Hasan Hammadeh điều khiển.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh có tin nói Mỹ đang tìm cách kích động quân đội Syria chống lại Tổng thống al-Assad.
Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford nói rằng, quân đội Syria nên xem xét lại sự ủng hộ dành cho ông al-Assad, đồng thời cảnh báo những đối tượng “phạm phải các hành động tàn bạo sẽ bị truy lùng và xét xử.”
Trong một thông điệp ngỏ gửi quân đội Syria đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook, ông Robert Ford viết: “Washington nhận thấy quân đội Syria sẽ đóng vai trò vô giá và không thể thiếu đối với tương lai của một đất nước Syria dân chủ và các quân nhân Syria nên cân nhắc lại sự ủng hộ dành cho chế độ của Tổng thống al-Assad.”./.
Theo TTXVN
Mỹ ủng hộ động thái của chính quyền Syria
Ngày 28/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, việc Syria cho phép các nhà hoạt động tiến hành thảo luận về thay đổi chính trị tại nước này là một bước đi tích cực, nhưng chính phủ Syria cần phải làm nhiều hơn nữa để triển khai những cải cách thực tế.
Một cuộc biểu tình tại Syria
Người phát ngôn Nuland cho biết, các thành viên đối lập tại Syria đã được phép gặp nhau để thảo luận về tình hình chính trị tại nước này, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Nó là một bước đi mới và quan trọng cho tiến trình dân chủ tại Syria. Tuy nhiên, theo ông Nuland, chính quyền nước này cần phải chấm dứt ngay các vụ bạo lực nhằm vào những người phản đối, và một tiến trình công khai mở rộng nên được bắt đầu.
Một số tri thức hàng đầu tại Syria đã sử dụng cuộc họp hôm 27/6 vừa qua để kêu gọi một sự thay đổi chính trị sâu rộng. Chính phủ Syria tuyên bố sẽ mời các nhân vật đối lập tham dự một cuộc thảo luận vào ngày 10/7 tới, nhằm hình thành khuôn khổ cho một cuộc đối thoại, theo cam kết của Tổng thống Syria al-Assad./.
Theo VOV