Có thật Lạc Việt bị “mất” 50 triệu USD trong 18 năm qua?
Một thông tin khá sốc do ông Hà Thân-CEO của Cty Lạc Việt-đưa ra trong cuộc họp báo cùng Microsoft công bố vụ kiện Cty Gold Long John mới đây là: Chỉ tính riêng thiệt hại vì Từ điển Lạc Việt bị dùng lậu dùng “chùa”, Cty này đã “mất” 50 triệu USD…
Ông Hà Thân (cầm micro) cho rằng Lạc Việt bị “mất” 50 triệu USD vì Từ điển Lạc Việt bị dùng lậu
Phép tính… siêu thực tế
Theo ông Hà Thân, cơ sở để tính ra số thiệt hại 50 triệu USD là: Việt Nam hiện có khoảng 18 triệu máy tính, thiết bị cầm tay, smartphone.v.v…Từ điển Lạc Việt được ra mắt từ năm 1995, đến nay đã 18 năm. Trong khoảng thời gian trên, có năm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam do Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố đứng ở mức 99%. Tuy nhiên ông Thân cho biết chỉ lấy mức tính trên tỉ lệ vi phạm là 90%, với khoảng 10 triệu máy tính, thiết bị cầm tay và smartphone dùng “chùa” Từ điển Lạc Việt, nhân với số tiền 5USD/thiết bị, thì mức thiệt hại/tổn thất trong 18 năm qua của Lạc Việt là 50 triệu USD.
Trả lời câu hỏi cách tính cụ thể ra sao thì ông Hà Thân cho rằng con số đó là đã tính sát và dựa vào tỉ lệ vi phạm bản quyền hàng năm do BSA công bố. Thế nhưng đối với báo giới và dư luận, những con số công bố theo kiểu “định tính trong định lượng” và chỉ do một bên công bố, thì chưa có gì bảo đảm về độ chính xác và thuyết phục.
Từ điển Lạc Việt ra đời từ năm 1995, khi ấy chắc chắn số máy tính, thiết bị số cầm tay và smartphone chưa đạt tới con số 18 triệu chiếc như ngày nay, và Từ điển Lạc Việt cũng chưa được dùng rộng rãi ngay mà phải mất rất nhiều năm tháng để làm thương hiệu mới được người dùng biết đến. Trên thực tế, Từ điển Lạc Việt được dùng để khuyến mãi hay biếu tặng cũng không ít trong những năm qua.
Vài năm trở lại đây khi bùng nổ xu hướng máy tính bảng và smartphone, thì trên các kho ứng dụng dành cho Android là Google Play hay dành cho iOS là Apple App Store.v.v…, có khá nhiều phiên bản từ điển miễn phí cho tải về và cài đặt. Còn trước đó, trên nhiều website, các loại từ điển với nhiều ngôn ngữ khác nhau cũng được cho tải dùng miễn phí khá phổ biến.
Vì thế theo chúng tôi, cách tính như ông Hà Thân, vốn chỉ dựa vào tỉ lệ vi phạm bản quyền do BSA công bố-vốn cũng là một cách tính chưa có gì bảo đảm chính xác-để kết thành con số 50 triệu USD thiệt hại, e rằng quá…siêu thực tế, vì đã bỏ qua rất nhiều yếu tố về tiến trình phát triển của xã hội, thị trường, thiết bị, ứng dụng và người dùng…
Video đang HOT
Cần nhớ lại rằng, vào tháng 5/2010 khi BSA và IDC cùng công bố tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam năm 2009 đứng ở mức 85%, không có thay đổi gì từ năm 2007, đã khiến cho dư luận cũng như giới truyền thông phản ứng gay gắt, mà trong đó vấn đề được soi xét nhiều nhất là phương pháp luận, các tiêu chí.v.v…trong cách tính của BSA và IDC vốn chưa bao giờ được công bố. Khiến cho BSA, vào năm sau đó, đã công bố, theo đó tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam của năm 2010 đã hạ xuống còn 83%.
Tỉnh táo trước những công bố về con số vi phạm
Theo một quan chức chính phủ, cách tính của một số hiệp hội nước ngoài không phải lúc nào cũng xác thực, nhưng vì tổ chức đó thuộc Hoa Kì nên thường được Chính phủ Hoa Kì sử dụng kết quả đó để áp đặt chính sách đối ngoại, thương mại đối với các quốc gia khác. Thế nhưng đáng tiếc là, nhiều phóng viên khi thông tin các con số kiểu như thế lên mặt báo, cứ như đã mặc nhiên thừa nhận mà thiếu sự xem xét, phản biện, gây ra dư luận không hay về môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
BSA dù muốn phớt lờ truyền thông Việt Nam trong vụ tranh cãi năm 2010 cũng không thể một khi giới truyền thông và các hiệp hội phía Việt Nam cùng đồng lòng phản bác bằng lập luận sắc xảo và tiếng nói mạnh mẽ. Cơ quan chức năng, dù không chính thức xuất đầu lộ diện nhập cuộc nhưng cũng không muốn mãi mãi bị áp đặt nhiều kiểu tính vô lí và thiếu thực tế từ bên ngoài. Không lẽ Lạc Việt lại muốn trượt theo cách tính đó?
Những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm chẳng có gì đáng tự hào mà ngược lại, chúng ta cần luôn có giải pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu. Tuy nhiên, một quốc gia còn kém phát triển như Việt Nam, không thể trong một vài năm là có thể đẩy tỉ lệ vi phạm xuống thấp ngang bằng với thế giới và khu vực, mà phải có lộ trình. Và một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, cũng không thể móc hết hầu bao ra để mua bản quyền phần mềm của Microsoft hay của Lạc Việt được, bởi chính phủ và người dân còn rất nhiều thứ để lo toan và chi tiêu. Ngay cả Hoa Kì, quốc gia đi trước Việt Nam cả trăm năm về văn minh xã hội và thương mại, thì tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn còn trên dưới 25% đấy thôi.
Trong khi ông Tarun Sawney- Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA-bình luận rằng: “Việc vi phạm bản quyền phần mềm không phải do giá phần mềm quá đắt, bởi trường hợp Từ điển Lạc Việt chỉ có 5USD thôi”. Quá dễ để thấy lời bình luận này thiếu thực tế đối với những quốc gia kém phát triển mà chỉ với 5USD, nhiều người-trong đó có rất nhiều đối tượng là sinh viên học sinh-có thể sống được vài ngày, thì sao có thể bảo họ phải chịu đói để “nâng cao nhận thức” về bản quyền phần mềm?
Thêm nữa, mỗi một chiếc máy tính nếu phải cài đặt tương đối đầy đủ các phần mềm để phục vụ cho công việc, thì trong trường hợp phổ dụng chi phí cho phần mềm Microsoft là lớn nhất, có thể lên đến hàng trăm USD, còn những phần mềm tiện ích như Từ điển Lạc Việt…, thì mỗi máy tính có khi phải cài từ vài chục đến cả trăm thứ, chi phí lúc đó tăng lên hàng trăm USD chứ không chỉ là 5USD cho tất cả như cách ông Tarun nói!
Theo ông Vũ Ngọc Hoan-Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, các hãng phần mềm cũng cần tìm ra những giải pháp hạ giá sản phẩm để người dùng dễ tiếp cận hơn. Điều này hoàn toàn hợp lí.
Đơn cử, gần đây khi Microsoft Office 365 dùng trên đám mây được đưa ra có gói dịch vụ dùng cả năm chỉ vài USD. Chính hướng đi này sẽ góp phần rất lớn giảm thiểu dần sự vi phạm bản quyền phần mềm Microsoft, chứ không thể nhờ vào cách hiểu và cách nói cứng như ông Tarun.
Sử dụng Microsoft Office 365 có chi phí giảm đi rất nhiều
Bởi nếu các hãng cứ giữ quan điểm cứng như thế để làm thương mại tại các quốc gia nghèo, thì tỉ lệ vi phạm bản quyền chưa chắc đã giảm, sản phẩm khó đến với người dùng theo kênh chính thống, và thậm chí họ không tranh thủ được thiện cảm của giới truyền thông, cơ quan chức năng cũng như người dùng tại quốc gia đó.
Chính vì thế, khi công bố những con số thiệt hại tiền triệu USD, điều trước tiên là nên đưa ra những con số đầy trách nhiệm.
Theo Laodong
"Nóng" cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm
Lần đầu tiên, một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã bị khởi kiện ra tòa do hành vi sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Có thể nói, tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam hiện vẫn còn phổ biến và đòi hỏi có những nỗ lực lớn hơn của các cơ quan chức năng nếu muốn đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm xuống bằng với mức chung của khu vực Đông Nam Á là 55% trong những năm tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: thompsonhall.com
Cuộc chiến mới...
Ngày 17/6/2013, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Phòng 4/C50 (Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm) tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Dong Nai) - một công ty Đài Loan chuyên sản xuất vải dùng để làm giầy dép cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Etc... Kết quả cho thấy, các cơ quan chức năng đã tìm thấy một lượng lớn phần mềm sử dụng bất hợp pháp. Cụ thể, có 69 máy tính đã cài đặt phần mềm Lạc Việt và Windows XP sever để sử dụng cho mục đích kinh doanh của công ty này.
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, đại diện Long John Dong Nai đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ước tính, tổng giá trị các phần mềm ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng (nếu trả tiền bản quyền). Hiện nay, đơn kiện của công ty Lạc Việt và công ty Microsoft đã được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết.
Điều đáng nói là Công ty Microroft tại Việt Nam đã phát hiện Long John Dong Nai vi phạm bản quyền từ lâu và trước đó đã từng tuyên truyền phổ biến về việc sử dụng bản quyền phẩn mềm cho DN này. Tuy nhiên, trước thái độ bất hợp tác của Long John Dong Nai và vẫn tiếp tục sử dụng phần mềm của Microsoft bất hợp pháp nên Microft tại Việt Nam đã khởi kiện.
Ông Tarun Sawaney, giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm (BSA) cho biết, với trường hợp đầu tiên được khởi kiện do vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam, BSA hy vọng tòa án sẽ là một kênh xử lý hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam xuống 70% trong năm 2013. Việc khởi kiện này cũng được coi là đột phá mới trong cuộc chiến vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
... vẫn còn nỏng bỏng
Nhiều năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ bản quyền tác giả. Số liệu từ BSA cho thấy vào năm 2004, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 92%, nhưng đến nay con số này đã giảm xuống còn 81%. Số lượng vụ vi phạm, số lượng DN kinh doanh máy tính có vi phạm về việc cài đặt những phần mềm chưa có bản quyền trên các máy tính của mình đều có xu hướng giảm. Thống kê của BSA cũng cho thấy, hiện tại mỗi năm, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam đang giảm 2 điểm phần trăm.
Trong những năm qua, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường chế tài xử phạt, các cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Riêng 8 tháng đầu năm 2013, cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 64 DN, kiểm tra 3.958 máy tính. Tỷ lệ vi phạm bản quyền của các DN này là rất lớn với giá trị thương mại của các phần mềm mà các DN này vi phạm vào khoảng 11 tỉ đồng, tương đương 537.000 USD. Cơ quan thanh tra cũng đã xử phạt các DN này số tiền gần 1,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền về việc sử dụng các phần mềm có bản quyền cũng như khuyến khích các chủ sở hữu quyền tác giả kiện ra tòa để xử lý và cảnh báo, ngăn ngừa các DN vi phạm.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận song tỷ lệ vi phạm ở Việt Nam vẫn ở mức cao, chưa đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và các DN sản xuất phần mềm trong việc thúc đẩy quyền bảo hộ bản quyền ở góc độ quốc gia và hội nhập quốc tế. Theo số liệu từ BSA, hiện tại, với tỷ lệ 81% vi phạm bản quyền phần mềm, Việt Nam được coi là một quốc gia có tỷ lệ vi phạm cao so với trung bình các quốc gia trong khu vực. Khảo sát của Công ty Lạc Việt cho thấy hiện Việt Nam có trên 10 triệu máy tính đang sử dụng phần mềm Lạc Việt không bản quyền, nếu 10 triệu máy này mua bản quyền (5 USD cho 1 sản phẩm) thì Lạc Việt sẽ thu về khoảng 50 triệu USD để dùng vào việc nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời nhiều sản phẩm khác.
Điều khá ngạc nhiên là nếu như việc tôn trọng bản quyền phần mềm được thực thi một cách nghiêm túc ở khối cơ quan chính phủ thì tình trạng vi phạm hiện chủ yếu diễn ra ở các DN và người dùng cá nhân. Cụ thể, khá nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Australia hay Nhật Bản, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ da giày, điện tử, lập trình máy tính đến xây dựng công nghiệp. Thậm chí, có những DN sử dụng phần mềm vi phạm có giá trị lên tới 500.000 USD. Bên cạnh đó, vi phạm bản quyền phần mềm cũng diễn ra phổ biến tại một số DN, các cơ sở bán lẻ máy tính và người dùng máy tính cá nhân.
Theo BSA, sử dụng phần mềm có bản quyền đầy đủ sẽ làm giảm rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động của các DN. Phần mềm có bản quyền không chỉ có lợi cho DN mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Cụ thể, việc tăng mức sử dụng phần mềm có bản quyền tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên 1% sẽ làm cho nền kinh tế cua khu vực tăng thêm được 18,7 tỷ USD, so với mức 6 tỉ USD mà phần mềm lậu có thể đem lại (chênh lệch lên tới 12,7 tỷ USD). Bên cạnh đó, theo các chuyên gia công nghệ, việc sử dụng phần mềm có bản quyền sẽ giúp cho DN và người dân hạn chế được các nguy cơ bị nhiều loại virus và tin tặc tấn công cũng như tránh được nguy cơ bị tấn công qua mạng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Theo Tapchitaichinh
Top 5 sự kiện ICT trong tuần qua Lac Viêt va Microsoft Viêt Nam khơi kiên Gold Long John Viêt Nam vê hanh vi vi pham ban quyên la môt sư kiên chưa tưng co tai Viêt Nam va xưng đang co măt trong Top 5 sư kiên ICT tuân qua. Đưt cap quang biên AAG Tuyên cap quang biên AAG la huyêt mach kêt nôi vung Đông Nam A vơi...