Cơ hội có con là bao nhiêu khi tinh trùng yếu?
Chồng tôi 30 tuổi, đi kiểm tra được biết tinh trùng yếu, bìu thì bên rất nhỏ bên rất to và được chẩn đoán là thoát vị bẹn – bìu, cần phải phẫu thuật.
Xin hỏi bác sĩ, sau khi phẫu thuật, chồng tôi có khả năng có con không? (Như Tâm)
Trả lời:
Chào bạn,
Tinh trùng yếu có rất nhiều nguyên nhân, có thể do bẩm sinh hay mới bị bệnh. Thoát vị bẹn bìu có thể một hay hai bên có thể ảnh hưởng một phần lên thừng tinh hoặc tinh hoàn vì các cấu trúc này đi cùng nhau trong một ống bẹn. Tuy nhiên ảnh hưởng trên các mạch máu thừng tinh khi bị giãn cũng gây tác động trực tiếp lên khả năng sinh tinh và biệt hóa tinh trùng.
Do vậy, việc phát hiện có thoát vị bẹn – bìu nên được phẫu thuật sớm để tránh biến chứng nghẹt ruột gây hoại tử. Khi điều trị thoát vị bẹn, nếu thấy các tĩnh mạch tinh bị giãn, bác sĩ có thể giúp tiến hành cột các tĩnh mạch này nhằm nâng cao khả năng có con cho bệnh nhân. Quá trình phục hồi sau đó cần được theo dõi và kiểm tra tinh dịch đồ mỗi 3 tháng để biết được khả năng phục hồi của tinh trùng sau phẫu thuật.
Đối với tình trạng giãn tĩnh mạch tinh hai bên khi được điều trị bằng phẫu thuật vi phẫu, khả năng có con có thể đạt 43% trong năm đầu và 60-69% trong hai năm đầu.
Video đang HOT
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn
Trưởng khoa Niệu – nam khoa, Bệnh viện quốc tế Thành Đô
VnExpress
Làm sao biết tinh trùng đủ tốt
Em 31 tuổi, chồng 36 tuổi, đã cưới nhau được 2 năm nhưng chưa có con. Chồng em bị tinh trùng yếu đã đi khám 2 lần.
Lần đầu kết quả là: thể tích 4ml, ly giải 25ph, pH 7,5, mật độ 16x10^6/ml, tiến tới nhanh 1%, tiến tới chậm 28%, không tiến tới 16%, không di động 55%, tỷ lệ sống 45%, hình dạng bình thường 18%.
Đợt 2 chồng em đi khám sau 3 tháng thì được kết quả là: thể tích 1ml, ly giải 15ph, PH 7,5, mật độ 5x10^6ml, tổng số tinh trùng 5x10^6ml, tỷ lệ tinh trùng sống 41%, di động tiến tới 7%, di động không tiến tới 28%, bất động 65%, hình thái bình thường 3%, đầu 59%, cổ 45%, đuôi 26%.
Với kết quả khám 2 lần như vậy chất lượng và số lượng tinh trùng của chồng em có tăng lên ở lần 2 không hay giảm đi so với lần 1? Liệu chúng em có thể có con tự nhiên không hay phải thụ tinh trong ống nghiệm? Kính mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ. (Thương)
Ảnh minh họa: Givinglifeonline.com.
Trả lời:
Bạn thân mến,
Để trả lời những thắc mắc của bạn tôi xin chia sẻ đôi điều về xét nghiệm tinh dịch đồ. Đứng về chuyên môn, đây là xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong điều trị hiếm muộn nhưng nó luôn gây ra những rắc rối cho các nhà chuyên môn bởi xét nghiệm này luôn có một tỷ lệ sai số đáng kinh ngạc. Theo một khảo sát năm 2006 về chất lượng xét nghiệm tinh dịch đồ được thực hiện ở 144 phòng xét nghiệm ở Australia với cùng một mẫu tinh dịch, kết quả đếm số lượng tinh trùng từ các cơ sở trên đưa ra có biên độ rất rộng từ 3,7 đến 102 triệu/ml.
Như vậy, sai số từ kết quả tinh dịch đồ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả những nước có nền y học tiên tiến nhất với hệ thống xét nghiệm rất hiện đại. Để hạn chế được sai số này, các nhà chuyên môn đều thống nhất rằng xét nghiệm tinh dịch đồ phải được làm đúng quy chuẩn (từ thời gian kiêng giao hợp đến cách thức lấy tinh dịch, phương pháp làm, người làm được đào tạo quy chuẩn, trang thiết bị máy móc chuẩn, điều kiện phòng xét nghiệm...). Đã có rất nhiều máy móc hỗ trợ cho xét nghiệm này, nhưng cho đến bây giờ đa số nhà chuyên môn vẫn tin tưởng vào kết quả đánh giá bằng mắt thường của những nhân viên được đào tạo thuần thục hơn là các máy móc đắt tiền.
Do đó xét nghiệm tinh dịch nên được làm tại một cơ sở chuyên khoa về sinh sản hay hỗ trợ sinh sản quy chuẩn và xét nghiệm tinh dịch đồ đem so sánh nên đến từ một phòng xét nghiệm để đảm bảo cùng một điều kiện chuẩn. Còn khi làm ở hai hay nhiều cơ sở khác nhau, với các phương pháp khác nhau, người làm khác nhau thì sự sai số này không thể kiểm soát nổi và do đó không đem chúng ra so sánh được.
Về câu hỏi thứ nhất của bạn muốn biết chất lượng tinh trùng tăng lên hay giảm đi ở lần xét nghiệm thứ hai, thực sự khó trả lời bởi xét nghiệm của chồng bạn làm chưa đồng nhất. Kết quả của chồng bạn làm với hai phương pháp khác nhau (lần một theo chuẩn WHO 1999 (tiến tới nhanh, chậm...) và lần 2 theo chuẩn WHO 2010 (di động tiến tới, di động không tiến tới...) và tôi không rõ là hai lần xét nghiệm này trong cùng một cơ sở hay hai cơ sở khác nhau? Vì vậy chúng ta không đem so sánh được về sự tiến triển của tinh trùng mà chỉ lấy làm tham khảo.
Về câu hỏi thứ hai liệu vợ chồng bạn có con tự nhiên hay không, qua phân tích tôi thấy cả hai kết quả trên của chồng bạn đều chưa đạt được chuẩn ở ngưỡng giới hạn tối thiểu của tiêu chuẩn WHO tương ứng (bạn xem ngưỡng này trong tờ kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ mà các cơ sở khám bệnh đó trả phiếu cho chồng bạn).
Mặc dù tinh trùng của chồng bạn yếu, ít và chưa đạt ngưỡng tối thiểu nhưng không phải vợ chồng bạn hết hy vọng thụ thai tự nhiên. Chồng bạn nên đến khám ở các cơ sở nam khoa có uy tín để điều trị tình trạng tinh trùng ít, yếu. Để sớm có con, điều kiện lý tưởng nhất là vợ chồng bạn nên tìm tới một trung tâm hỗ trợ sinh sản (ở đó có cả phòng khám nam khoa, phụ khoa và đơn vị hỗ trợ sinh sản).
Những trung tâm như thế họ sẽ đánh giá chính xác toàn diện từ hai phía và tìm rõ nguyên nhân từ đâu để can thiệp trúng đích ngay. Hơn nữa, ở đó vợ chồng bạn có nhiều cơ hội lựa chọn điều trị, chẳng hạn điều trị nội khoa làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng của chồng bạn kết hợp theo dõi và hỗ trợ sự phát triển, trưởng thành của trứng một cách chủ động (phía vợ) để tăng hiệu quả thụ thai tự nhiên. Đồng thời trong trường hợp xấu nhất khi không thành công với điều trị này vợ chồng bạn có thể áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản luôn để đi đến đích sớm mà không mất thời gian làm lại từ đầu cũng như bỏ phí quãng thời gian vàng của độ tuổi sinh sản.
Chúc vợ chồng bạn luôn hạnh phúc và sớm có tin vui.
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng
Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
Theo VNE
Muốn xin tinh trùng bạn để thụ tinh nhân tạo Tôi nói chồng đi làm tinh dịch đồ (chuyện hoàn toàn bình thường) để làm thủ thuật thụ thai nhưng anh ấy gạt đi. Tôi buồn, muốn xin tinh trùng của bạn. Vợ chồng tôi chưa có con, đã đi bác sĩ mấy tháng rồi mà vẫn chưa đậu thai. Tôi bị đa nang buồng trứng, bác sĩ cho uống thuốc kích trứng...