CLB V-League đau đầu vì lương ngoại binh
Nhìn vào ý kiến đề xuất các phương án cho ngày LS V-League 2020 trở lại từ các đội bóng, có thể thấy rằng vấn đề nổi cộm khiến nhiều CLB trăn trở là kinh phí hoạt động sẽ đội lên nếu mùa giải kéo dài.
Do vậy, biện pháp được coi là vô cùng tế nhị là cắt giảm lương cầu thủ cũng đã được tiến hành trong sự hợp tác và chia sẻ của các thành viên.
Tuy nhiên, vấn đề gây bối rối hơn lại nằm vào việc trả lương cho ngoại binh . Chính những bản hợp đồng cầu thủ ngoại thật sự là gánh nặng kinh phí hiện nay. Cũng có thể hiểu vì sao lại có đội bóng đề xuất ý kiến rằng nếu LS V-League 2020 không có đội xuống hạng thì không còn phải chịu áp lực, qua đó các đội có thể thanh lý ngoại binh .
Thực tế, việc trả lương cầu thủ ngoại chiếm một khoản kinh phí không nhỏ dù mỗi đội chỉ có 3 suất ngoại binh. Chưa kể, phí lót tay bao nhiêu hay lương tháng cụ thể ra sao , đó đều là điều khoản bí mật trong hợp đồng.
Chúng ta hãy thử làm phép tính đơn giản trên bình diện chung sẽ thấy được vấn đề. Mỗi ngoại binh hiện nay ở V-League, tiền lương mỗi tháng dao động trên dưới 5.000 USD/ cùng với đó khoản phí lót tay vào mức 50.000 USD. Đấy là con số cho các ngoại binh trình độ vừa phải. Những cầu thủ trình độ cao sẽ nhận mức lương lớn hơn, lên đến 10.000 USD mỗi tháng.
Nhìn vào con số đó, có thể thấy rằng nếu đề xuất LS V-League 2020 đá không xuống hạng, áp lực thành tích hay nỗi lo rớt hạng không còn, thì khi đó chắc hẳn những CLB không mấy rộng dài về tiền nong sẽ nghĩ tới phương án thương thảo để thanh lý hợp đồng sớm với các ngoại binh, cho dù vấn đề này không hề đơn giản và có thể gặp rắc rối về thủ tục pháp lý.
Khi không phải đối mặt với nỗi lo xuống hạng, các CLB có thể sớm thanh lý hợp đồng với ngoại binh và cầu thủ nhập tịch . Nếu thỏa thuận mọi việc êm xuôi với ngoại binh trên giả thiết vừa đưa ra như thế, kinh phí sẽ rút giảm là điều rõ ràng.
Lúc đó, con số tiết kiệm được mỗi tháng của các CLB rơi vào khoảng từ 15.000 đến 20.000 USD. Rõ ràng, đây là con số không nhỏ trong bối cảnh các nguồn thu bị co hẹp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc LS V-League 2020 kéo dài ngoài dự kiến sẽ khiến những CLB như Nam Định (trái) gặp khó khăn với vấn đề trả lương cho ngoại binh. Ảnh: Hoàng Linh
Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Đây là thời điểm khó khăn nhất với tôi nên vừa rồi trên cương vị Chủ tịch CLB, cá nhân tôi đã có những dòng email gửi cho thành viên đội bóng, với những con người luôn chiến đấu hết mình vì màu áo quê hương.
CLB luôn hướng mình tới thứ bóng đá đẹp và sạch. Chúng tôi là doanh nghiệp, chúng tôi có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, sử dụng nguồn thu từ các hoạt động bán vé, quảng cáo.
Trong bối cảnh này thì các nhà tài trợ hay đối tác cũng đều gặp khó khăn nên sự hỗ trợ sẽ ảnh hưởng. Vậy nên, các thành viên đội bóng phải thật sự hiểu được điều đó, cảm thông và cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm các thành viên (từ lãnh đạo, ban huấn luyện, cầu thủ) đã đồng ý cắt giảm lương ở các mức khác nhau (20% – 25% – 30%).
Ông Dũng nói: “Với ngoại binh, chúng tôi đã cố gắng thỏa thuận qua trợ lý ngôn ngữ để truyền đạt được ý kiến của lãnh đạo cho họ hiểu và chia sẻ khó khăn để không xảy ra hiểu nhầm và áp đặt. Từ đó, các cầu thủ ngoại cũng đều vui vẻ chấp thuận với những cắt giảm như thế”.
Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành cho biết: “Mùa bóng này, chúng tôi đã dự trù kinh phí đến hết tháng 10, tức là giải V-League 2020 khép lại. Tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, các khoản chi phí phát sinh, mình phải trả cho cầu thủ ngoài lương, còn ăn ở, kế hoạch di chuyển đảo lộn.
Hợp đồng với cầu thủ thì Sài Gòn FC ký từng mùa, hết mùa giải đội sẽ thỏa thuận, tái ký nếu các bên có được thống nhất với nhau. Riêng về ngoại binh cũng vậy, nếu giải không kết thúc vào tháng 10 như dự kiến chúng tôi sẽ phải trả thêm vào tháng 11, tháng 12/2020.
Như vậy, quỹ lương sẽ cao lên, vấn đề phát sinh cũng khá khó khăn. Việc tiền lương, thưởng hợp đồng là bảo mật của đội bóng. Nếu thống kê chi phí phát sinh thì bộ phận tài vụ kế toán sẽ làm, nhưng trên nguyên tắc thì chi phí sẽ phải bảo mật”.
GĐĐH SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cũng chia sẻ tương tự như vậy. Ông Hòa nói: “Chuyện trả lương bao nhiêu, chi tiêu thế nào là là thông tin được phép không cho con số cụ thể. Chỉ có điều, kinh phí trả cho ngoại binh đương nhiên cao hơn rất nhiều cầu thủ nội.
Từ lương, chi phí chuyển nhượng cũng cao hơn. Giờ mà tập chay mấy tháng cũng tốn khoản tiền lớn. Đá sớm không sao chứ đá muộn phía VFF cần tính toán để chúng tôi còn tính”.
GĐĐH CLB SLNA Hồ Văn Chiêm thừa nhận: “Nếu giải không tổ chức thì càng khó khăn hơn khi ảnh hưởng đến nguồn thu, nguồn tài trợ. Lý do là bởi chỉ khi giải tiếp tục và hoàn thành, CLB mới có thể đáp ứng quyền lợi cho nhà tài trợ như hợp đồng ký kết, khi đó tiền mới được giải ngân”.
Có thể thấy rất rõ rằng, vào lúc này, với đa phần các đội bóng không phải vào nhóm dư dả về kinh phí thì họ không chỉ quan tâm tới chuyện đảm bảo chuyện ăn tập, sẵn sàng trở lại cho ngày bóng lăn, mà cũng dành rất nhiều ưu tư cho vấn đề làm sao để hài hòa và cân đối được áp lực tài chính.
Trần Tuấn
Ngoại binh đình đám một thời của V.League giờ ra sao?
V.League luôn được xem là mảnh đất "màu mỡ" dành cho các ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Rất nhiều trong số đó sau này đã luôn được NHM nhớ đến bởi tài năng kiệt xuất và những màn thể hiện đầy ấn tượng trong suốt quãng thời gian tung hoành khắp Việt Nam.
Sau khi rời dải đất hình chữ S, nhiều người đã tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở những nền bóng đá khác. Số còn lại quyết định "treo giày" để rẽ sang một hướng đi mới trong cuộc sống. Vậy cụ thể, họ đang ở đâu và làm gì ngay lúc này?
Đặng Amaobi | Huấn luyện viên đào tạo trẻ
Ngay trong năm đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, Amaobi đã lập tức tỏa sáng rực rỡ khi giúp Nam Định cán đích ở vị trí thứ hai tại V.League 2004, và đồng thời "cuỗm" luôn danh hiệu Vua phá lưới mùa giải năm đó với 15 bàn thắng.
Sau Nam Định, chân sút gốc Nigeria tiếp tục khóac áo SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, V.Ninh Bình, An Giang, SQC Bình Định và Thanh Hoá.
Hiện tại, Amaobi đang làm công tác huấn luyện tại Trung tâm bóng đá cộng đồng của cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng. Bên cạnh đó, anh còn là khách mời quen thuộc trong một chương trình bình luận bóng đá trên truyền hình.
Denilson | Bình luận viên bóng đá
Tháng 6/2009, bóng đá Việt Nam đã trải qua một phen chấn động với thương vụ chiêu mộ Denilson của CLB Xi Măng Hải Phòng. Thế nhưng, những gì mà cầu thủ đắt giá nhất thế giới năm 1998 để lại tại V.League chỉ là một bàn thắng và 50 phút có mặt trên sân.
Denilson đã phải sớm rời Hải Phòng do chưa hoàn toàn bình phục chấn thương đầu gối. Nhà vô địch World Cup 2002 tuyên bố giải nghệ chỉ một năm sau đó, và trở về quê nhà Brazil để làm BLV cho một kênh truyền hình.
Đến năm 2017, anh tiếp tục ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu cho một hệ thống sòng poker trực tuyến.
Philani Kubheka | Huấn luyện viên đội trẻ Orlando Pirates
Sau gần một thập kỷ khoác áo B.Bình Dương, Philani đã gây dựng nên một sự nghiệp vô cùng hoành tráng. Sở hữu kèo trái cực dị và kỹ thuật điêu luyện, chân sút người Nam Phi đã giúp đội bóng đất Thủ giành hai chức vô địch V.League và một lần tiến đến vòng bán kết AFC Cup.
Ở chặng cuối sự nghiệp, cầu thủ người Nam Phi chia tay Việt Nam để sang Malaysia khoác áo Negeri Sembilan FA. Đến năm 2017, anh trở về nước và bắt đầu sự nghiệp huấn luyện của mình tại đội trẻ Orlando Pirates.
Victor Ormazabal | Chủ tiệm bánh ngọt
Tiền vệ người Argentina là một trong những ngoại binh được yêu thích bậc nhất bởi các ủng hộ viên CLB Hà Nội. Thủ lĩnh người Argentina từng có hai mùa giải gắn bó với đội bóng Thủ đô, giành một chức vô địch V.League và một lần Á quân.
Sau thành công này, anh chuyển sang CLB TP.HCM và tiếp tục để lại dấu ấn đậm nét trong chiến tích trụ hạng ở mùa giải 2017 của CLB Sài thành.
Chia sẻ với GOAL, Victor - người hiện đã trở về quê nhà và mở một tiệm bánh ngọt - thừa nhận vẫn còn rất yêu bóng đá và mong muốn được trở lại Việt Nam thi đấu.
Leandro de Oliveira | Chơi bóng nghiệp dư
Leandro có thể được xem là ngoại binh xuất sắc nhất mà Hải Phòng từng sở hữu. Lối chơi đậm chất nghệ sĩ cùng với cái chân trái đầy ma thuật đã tạo nên thương hiệu của "King Lean" trong màu áo đội bóng đất Cảng.
Năm 2012, Leandro chia tay Hải Phòng để gia nhập B.Bình Dương. Sau đó, anh sang Thái Lan chơi bóng trong những năm tháng cuối sự nghiệp.
Hiện tại, ngôi sao một thời của Hải Phòng đang sinh sống cùng gia đình tại quê nhà Brazil và thi đấu cho một đội bóng nghiệp dư ở địa phương.
Thiago Dos Santos | Zebbug Rangers (Malta)
Được xem là "người kế vị" Leandro tại Hải Phòng, song chuyến hành trình của Thiago chỉ gói gọn trong vỏn vẹn hai mùa giải, song chừng đó là đủ để giúp anh chiếm được tình cảm trong lòng NHM đất Cảng.
Rời Việt Nam hồi năm 2013, tiền vệ người Brazil trở về quê nhà chơi bóng một thời gian rồi lại ngược sang Nam Phi khoác áo Moroka Swallows. Hiện tại, Thiago đang là người của Zebbug Rangers tại giải hạng Nhất Malta.
Kiatisak Senamuang | Huấn luyện viên - Kinh doanh
Gia nhập HAGL năm 2002, Kiatisak được xem là "công thần khai quốc" của đội bóng phố Núi. Ông góp công lớn giúp CLB giành hai chức vô địch V.League và xây dựng một quyền lực cũng như tầm ảnh hưởng cực lớn ở Pleiku.
Sau ngày giải nghệ, huyền thoại người Thái chuyển sang công tác huấn luyện, và từng có đến hai giai đoạn dẫn dắt HAGL. Từ năm 2013 đến 2017, ông đảm nhận vai trò thuyền trưởng ĐTQG và U23 Thái Lan, và gặt hái được nhiều thành công lớn nhỏ.
Hiện tại Kiatisak đang tham gia một số dự án bóng đá cộng đồng và kinh doanh cá nhân.
Uche Iheruome | Định cư ở Australia
Sở hữu thân hình mảnh khảnh, dáng đi vật vờ, nhưng bù lại Uche lại có kỹ thuật cá nhân rất tốt và khả năng đánh hơi bàn thắng cực nhạy.
Khi còn thi đấu cho Than Quảng Ninh, Sanna Khánh Hòa BVN và Thanh Hóa, chân sút người Nigeria đã ghi tổng cộng 52 bàn thắng và luôn nằm trong danh sách những "cây săn bàn" hàng đầu của từng mùa giải.
Sau khi V.League 2017 hạ màn, với những kỷ niệm không mấy vui vẻ cùng HLV Ljupko Petrovic và CLB Thanh Hóa, Uche đã quyết định rời Việt Nam để sang Australia định cư cùng gia đình.
Lee Nguyễn | Inter Miami
Đến Việt Nam với nhiều sự kỳ vọng, song dấu ấn mà Lee Nguyễn để lại trong màu áo HAGL và B.Bình Dương lại không thật sự đáng kể. Cuối mùa giải 2011, tiền vệ sinh năm 1986 đã phải khăn gói ra đi lặng lẽ, chỉ sau vỏn vẹn hai năm chơi bóng tại V.League.
Hiện tại, Lee Nguyễn đang là người của Inter Miami, đội bóng của danh thủ David Beckham. Trước đó, cầu thủ gốc Việt này đã thi đấu khá thành công cho New England Revolution và Los Angeles.
Trong sự nghiệp, Lee Nguyễn từng vài lần được gọi tập trung ĐT Mỹ, nhưng không có nhiều cơ hội để chứng minh khả năng.
Marko Simic | Persija Jakarta (Indonesia)
Từng thi đấu tại V.League cho B.Bình Dương, Đồng Tháp và Long An trong hai mùa giải, song dấu ấn mà Marko Simic để lại lại không thật sự đáng kể.
Hiện tại, chân sút người Croatia đang là tiền đạo chủ lực của đội bóng Indonesia, Persija Jakarta. Mùa giải 2019, Simic đã ghi đến 28 bàn thắng cho đội bóng của mình tại giải VĐQG Indonesia, đồng thời giành luôn danh hiệu Vua phá lưới.
Danny van Bakel | Kinh doanh
Trung vệ người Hà Lan đã có nhiều năm chơi bóng ở Việt Nam cho B.Bình Dương, Đồng Nai và Thanh Hóa, trước khi giải nghệ vào cuối năm 2018. Trong thời gian thi đấu cho đội bóng xứ Thanh, van Bakel từng hai lần giành Á quân V.League và một lần về nhì ở Cúp Quốc gia.
Sau khi "treo giày", anh bắt đầu thử sức mình ở nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh bất động sản, tham gia một số dự án bóng đá kết nối các CLB hàng đầu châu Âu với Việt Nam, đồng thời đảm nhận thêm công việc môi giới cầu thủ từ châu Âu đến Việt Nam, và ngược lại.
Chaher Zarour | Tập duy trì tại Khánh Hòa
Sau khi Sanna Khánh Hòa BVN xuống hạng ở mùa giải năm ngoái, Chaher Zarour vẫn chưa tính đến chuyện giải nghệ dù cho anh đã bước sang tuổi 37.
Hậu vệ người Pháp vẫn đón chuyến bay sang Việt Nam trước thềm mùa giải mới, xin tập nhờ cùng đội bóng cũ và chờ đợi một cuộc gọi từ các CLB V.League. Dẫu vậy, đến hiện tại, tham vọng vẫn chưa trở thành hiện thực.
Trong một chia sẻ mới đây, cựu binh Ligue 1 thừa nhận có thể sẽ "treo giày" trong năm nay để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp huấn luyện.
Nguyễn Quốc Thiện Esele
Thủ thành nhập tịch gốc Nigeria này đã có nhiều năm thi đấu ở V.League cho B.Bình Dương và TP.HCM, trước khi tuyên bố giải nghệ trong màu áo Nam Định vào cuối mùa giải 2018.
Được biết sau khi treo găng, Quốc Thiện Esele đã tham gia các khóa đào tạo HLV thủ môn do AFC tổ chức.
Cristiano Roland | Điều phối viên kỹ thuật CLB Benfica
Gia nhập CLB bóng đá Hà Nội ở tuổi 32, song Cristiano Roland vẫn cho thấy đẳng cấp của một cầu thủ từng thi đấu tại UEFA Champions League. Sau 5 mùa giải chơi bóng ở Việt Nam, cựu trung vệ Benfica đã cùng đội chủ sân Hàng Đẫy giành 2 chức vô địch V.League và một danh hiệu Cúp Quốc gia.
Hậu giải nghệ, hậu vệ người Brazil từng đảm nhận vai trò trợ lý cho bầu Hiển về lĩnh vực bóng đá. Tuy nhiên sau đó ít lâu, Cris đã rời Việt Nam để trở lại Bồ Đào Nha. Hiện tại, anh đang là điều phối viên kỹ thuật tại trung tâm bóng đá trẻ thuộc CLB Benfica.
Phan Văn Santos | Huấn luyện viên đào tạo trẻ
Thi đấu ở vị trí thủ môn, song Phan Văn Santos lại được người hâm mộ Việt Nam nhớ đến bởi những bàn thắng mà anh ghi được trong suốt hơn 10 năm chơi bóng tại V.League. Trong sự nghiệp, anh từng khoác áo Long An, Bình Dương, An Giang và Navibank Sài Gòn.
Sau khi "treo găng", thủ thành sinh năm 1977 từng có thời gian ngắn làm công tác huấn luyện tại Bình Dương. Hiện tại, anh đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM, và đảm nhận vai trò HLV thủ môn cho một trung tâm bóng đá cộng đồng.
PV
Giảm lương, chuyện của sẻ chia và trách nhiệm Hôm nay (16/4) là tròn đúng một tháng kể từ ngày LS V-League 2020 tạm dừng. Diễn biến gần nhất là nhiều đội bóng đã đồng loạt giảm lương cầu thủ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Giảm lương cầu thủ được coi như xu hướng chung của bóng đá thế giới hiện thời. Chuyện này buộc phải làm...