Chuyên gia nói báo chí phương Tây thổi phồng tình trạng kinh tế Trung Quốc
Một chuyên gia nhận định trong một bài viết cho đài RT rằng Mỹ muốn khuếch đại mọi rắc rối mà Trung Quốc đang phải đối mặt để làm nản lòng các các nhà đầu tư và hạn chế tăng trưởng.
Theo nhà phân tích chính trị Timur Formenko, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang gặp một số khó khăn. Thị trường bất động sản chậm lại, kết hợp với tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ và sụt giảm các khoản vay mới. Đây đúng là không phải là dấu hiệu lạc quan.
Hồi tháng 1, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa sau nhiều năm thực hiện biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt, người ta dự báo kinh tế nước này sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và thay vào đó kinh tế Trung Quốc mất đà.
Không có gì đáng ngạc nhiên, những khó khăn kinh tế này đã gây ra làn sóng bình luận mạnh mẽ trên truyền thông phương Tây khi liên tục có dự báo “u ám” về nền kinh tế Trung Quốc, khẳng định rằng quá trình trỗi dậy và bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã kết thúc và hiện tại không còn gì ngoài suy thoái đang ở phía trước. Theo ông Formenko, việc đưa tin như vậy luôn mang tính chất tiêu cực có mục đích và đây là điều cần lưu ý khi đánh giá mọi thứ đang diễn ra như thế nào ở Trung Quốc. Mỹ không muốn gì hơn ngoài việc ngăn cản đầu tư nước ngoài, hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc và giới truyền thông đang tích cực giúp thực hiện chương trình nghị sự đó.
Mỹ không muốn chứng kiến Trung Quốc trỗi dậy thành siêu cường kinh tế, ở bất kỳ khả năng nào, sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để cố gắng ngăn chặn quá trình phát triển của nước này. Các biện pháp của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao, tiếp tục gia tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Mới đây nhất, ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác.
Video đang HOT
Lệnh này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Động thái này được cho là có thể gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia “nguy hiểm nhất” và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.
Nhưng trên hết, ông Formenko cho rằng Mỹ không muốn thấy Trung Quốc thành công dưới bất kỳ hình thức nào vì biết rằng nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động tâm lý của điều đó sẽ rất lớn.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 10/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Do đó, trong thời gian gần đây, truyền thông phương Tây đưa tin về Trung Quốc một cách tiêu cực, ngay cả khi điều đó không có giá trị. Công bằng mà nói, trong bối cảnh chiến lược này, môi trường để Trung Quốc tăng trưởng và phát triển quả thực đã trở nên kém thuận lợi hơn. Mỹ đã áp đặt thêm các mức thuế trị giá hàng trăm tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và từ chối thay đổi. Đây là một phần của chiến lược rộng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thay đổi chuỗi cung ứng. Truyền thông phương Tây đang cố ý leo thang căng thẳng địa chính trị nhằm khiến các nhà đầu tư nước ngoài tránh xa Trung Quốc. Cuối cùng, Mỹ đã đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen và tìm cách ngăn chặn Trung Quốc mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia đồng minh.
Ông Fomenko nhận định Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện nhằm vào Trung Quốc trên mọi mặt trận. Một phần quan trọng của nỗ lực đó là làm xói mòn niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc. Đây là lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào thị trường và sự phát triển của chính nước này, thay vì các giao dịch ở nước ngoài.
Trong thực tế, môi trường kinh tế toàn cầu nói chung hiện nay rất kém. Trước hết, khu vực sử dụng đồng euro phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ và đang đứng trên bờ vực suy thoái. Lạm phát tràn lan đã kìm hãm mức tiêu dùng toàn cầu trên toàn thế giới. Do đó, nhìn chung có ít đầu tư và thương mại hơn với Trung Quốc, do đó kéo tăng trưởng của nước này đi xuống. Đây là điều bình thường và dễ hiểu.
Trong mấy tuần gần đây, báo chí phương Tây cũng liên tục đưa tin về tình trạng giảm phát của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không thừa nhận nền kinh tế nước này đang giảm phát. Ngày 15/8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm chỉ là biến động bình thường và ngắn hạn. Nền kinh tế Trung Quốc không giảm phát và sẽ từng bước cải thiện trong thời gian tới.
Tóm lại, nhà phân tích Fomenko nhận định: Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vừa mang tính tâm lý vừa mang tính kinh tế và chiến lược.
Kinh tế Trung Quốc: Còn sớm để lo ngại giảm phát kéo dài
Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 đang dần mất đà. Kim ngạch thương mại với phần còn lại của thế giới đang sụt giảm mạnh. Và sự tăng mạnh của giá nhà kéo dài 10 năm qua cũng đang khép lại. Biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt là việc nước này chính thức rơi vào tình trạng giảm phát.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone), giá cả đang tăng lên, dù không còn mạnh như vài tháng trước, nhưng tình hình lại đang diễn biến theo chiều ngược lại tại Trung Quốc.
Số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Trung Quốc sắp rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài, như trường hợp của nước láng giềng Nhật Bản sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào cuối những năm 1980.
Tuy nhiên, còn quá sớm để lo ngại về điều đó, ít nhất là ở thời điểm này. Có nhiều yếu tố chỉ xảy ra một lần ảnh hưởng đến giá thực phẩm dẫn đến sự sụt giảm giá cả trong tháng trước. Lạm phát cốt lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, không những không giảm, mà trên thực tế còn tăng từ 0,4% lên 0,8%.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc rõ ràng đang lo ngại về thể trạng của nền kinh tế, và nỗi lo này là có lý do. Những nỗ lực để xoay chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, sang dựa trên chi tiêu tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các nhà máy đang ghi nhận nhu cầu sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Không chỉ có giá tiêu dùng giảm, mà giá sản xuất tại Trung Quốc cũng giảm hơn 4% trong năm qua, điều này sẽ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của nước này giảm xuống. Bất cứ yếu tố nào có khả năng khiến lạm phát giảm xuống đều là tín hiệu đáng mừng đối với ngân hàng trung ương ở các nước phát triển.
Giới chức Trung Quốc đang đón nhận thêm nhiều tin xấu. Tương tự những diễn biến dẫn đễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá nhà tại Trung Quốc đang giảm xuống và giá bất động sản nói chung cũng bị ảnh hưởng. Country Garden, một trong những công ty phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, đã quá hạn thanh toán hai hạng mục trái phiếu trong tuần này.
Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với giới chức Trung Quốc là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của nước này hiện đang ở mức 20% và có thể còn tăng cao hơn nữa, với một lứa sinh viên mới tốt nghiệp phải chật vật tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch.
Trong dài hạn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên trì với chiến lược tái cân bằng nói trên của mình. Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trước đại dịch COVID-19 là chính phủ nước này duy trì thanh khoản cao trên thị trường. Nhà nước đầu tư mạnh tay để tăng cường năng lực sản xuất, còn các công ty bất động sản khởi sắc nhờ nguồn cung vốn lãi suất thấp dồi dào. Hệ quả là, Trung Quốc hiện có một lượng lớn các nhà máy vận hành dưới công suất và nhà ở không có người mua.
Vậy tình trạng này có khiến Chính phủ Trung Quốc tránh can thiệp vào nền kinh tế hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là không. Giảm phát, kể cả khi chỉ là tạm thời, sẽ buộc giới chức nước này phải kích thích nhu cầu bằng cách hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, rất có thể là chính phủ sẽ chỉ có những can thiệp nhỏ hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn trước đây.
Mỹ tin tưởng có thể xây dựng mối quan hệ 'lành mạnh' với Trung Quốc Ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ tin tưởng nước này và Trung Quốc đã đạt được một số tiến triển và có thể xây dựng mối quan hệ "lành mạnh" dựa trên sự công bằng, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (phải) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ...