Chuyện đưa vợ đi đẻ hài hước và xúc động qua góc nhìn của ông bố trẻ khiến chị em tấm tắc: “Muốn biết lòng dạ đàn ông, hãy đến khoa Sản”
Lời kể của ông bố trẻ đã khiến nhiều chị em cảm thấy xúc động, mừng thay cho chị vợ có người chồng tâm lý.
Hành trình sinh nở của mỗi chị em luôn trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi người một câu chuyện khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều là một hành trình được miêu tả bằng hai từ gian nan.
Người xưa có câu “cửa sinh là cửa tử”, đủ hiểu khi bước vào cuộc vượt cạn , chị em phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy hiểm chừng nào. Trong hành trình ấy, họ luôn rất cần sự đồng hành của người thân, đặc biệt là người bạn đời – người cùng chung sức tạo nên em bé nhưng lại không phải chịu cảnh đau đớn để đưa bé ra đời.
Mới đây, ông bố trẻ Trần Trung Thông (26 tuổi, hiện đang sống tại TP. Vinh, Nghệ An ) đã có những chia sẻ về câu chuyện đi đẻ của bà xã. Không quá đau đớn, không quá kịch tính, mọi thứ diễn ra với vợ chồng anh Trung cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, sự bỡ ngỡ trong lần đầu đưa vợ đi đẻ của anh Thông khiến người đọc vừa thấy hồi hộp, vừa đan xen cảm giác vui vẻ, hài hước qua từng lời kể của ông bố trẻ.
Vợ chồng anh Thông – chị Hạnh.
Chia sẻ của anh Thông đã nhận được rất nhiều sự yêu thích của mọi người, đặc biệt là những bà mẹ bỉm sữa . Nhiều chị em công nhận rằng trong lúc lâm bồn, họ rất muốn có sự đồng hành, thấu hiểu của chồng. Điều đó vừa khiến họ cảm thấy an tâm, vừa là để cánh mày râu có thể tận mắt chứng kiến những đau đớn của vợ mà trân trọng vợ nhiều hơn.
Trò chuyện thêm với với anh Thông, anh tâm sự bà xã đã sinh con được 3 tháng. Từ khi có con, anh cảm thấy bản thân có trách nhiệm hơn về mọi mặt. Thời gian đầu ông bố trẻ có hơi bỡ ngỡ vì bà xã muốn dùng dịch vụ và sắm đồ xịn, mà năm qua lại vướng dịch bệnh nên kinh tế cũng hơi khó khăn.
Khi vợ mới sinh, anh Thông cũng lo lắng vợ bị trầm cảm sau sinh nhưng đến giờ mọi thứ vẫn ổn. ” Bà xã của mình chỉ việc ăn và ngủ, chăm con nên chưa thấy có dấu hiệu gì đáng lo, trái lại chị còn rất vui vẻ, phấn khởi ” – anh Thông chia sẻ.
Từ khi con trai chào đời, anh Thông cảm thấy mình có trách nhiệm hơn về mọi mặt.
Nguyên văn bài đăng của anh Trần Trung Thông:
” Hãy bên vợ bạn lúc vợ bạn đẻ. Vì chẳng lúc nào vợ cần bạn hơn lúc này.
Hi anh em. Nay mình than thở vài lời về hành trình vượt cạn của vợ. Mình đã chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ cùng vợ vượt cạn , hỏi cả phòng dịch vụ ở Bệnh viện (BV) Sản nhi, hỏi cả việc có được vào cạnh vợ lúc sinh, có được quay phim , chụp hình không… Nhưng tất cả đều khác trên Youtube.
12h đêm ngày 10/11 vợ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, ra máu hồng. Mình thì đang cố gắng làm cho xong việc và bàn giao công việc lại cho nhân viên. Ráng đợi thêm 1 chút xem tình hình như thế nào.
1h30 sáng 11/11, máu ra ngày càng nhiều, mình chở vợ nhập viện luôn. Trên đường, mình tìm bài hát của Đông Nhi để mở cho vợ nghe nhưng mãi không nhớ ra tên nên bật tạm bài “Nhật ký của mẹ” cho vợ đỡ căng thẳng. Sau tới viện mới nhớ ra bài của Đông Nhi là “Khi con là mẹ”. Các anh sau này nhớ bài này mà mở, giảm căng thẳng ngay.
Bà xã của anh Thông đã có một ca sinh thuận lợi nhưng cả hành trình đi đẻ cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Vì 2 vợ chồng ở Vinh nên quyết định không gọi cho 2 bà ở quê, sợ nửa đêm tội bà. Thế rồi nhập viện, mọi thứ cũng đơn giản, nhận bộ đồ huyền thoại và đi siêu âm. Nhưng hình như vợ lo, không ngủ được, còn phải đo cơn gò nữa, mất 30 phút. Mình cố gắng đánh 1 giấc để chuẩn bị cho ngày mai nhưng vì tiếng máy kêu nên cũng không ngủ được. Cả phòng chờ mỗi mình con trai, còn lại toàn bà già hoặc mẹ đẻ đi chăm con.
Sáng ra hỏi vợ muốn ăn gì, chưa kịp nói thì mình đề xuất ngay súp lươn, cũng không biết vợ ăn vì đói hay ăn để lấy sức chuẩn bị mà thừa mỗi hành.
Vợ đau râm râm chứ không quằn quại như mấy bà hàng xóm hay đồng nghiệp doạ. Sáng ra báo tin cho 2 bà ở quê, 2 bà nhanh chóng xuống, nhưng nội quy BV Sản nhi là chỉ ai có chiếc áo vàng huyền thoại mới được vào thăm. Vì vậy 2 bà về nhà nghỉ ngơi, khúc này đúng thực sự mẹ chăm con không bằng chồng chăm vợ đâu vì những lúc này chồng là chỗ dựa tốt nhất.
Đến 15h vợ bắt đầu có cơn co thắt, mở đến 6 cm rồi vào phòng sinh. Cứ nghĩ là lên sẽ đẻ liền như trong phim . Nhưng trời ơi, lên phải chuyền rồi đợi. Một mình mình là đàn ông đợi vợ sinh cùng tập thể phụ nữ là các bà các mẹ. Mọi người còn bảo đàn ông con trai không nên ở đây vì sợ phải vía, vợ sẽ không đẻ được. Lại thấy khác khác trong phim rồi, nhưng mình cũng không quan tâm lắm, cứ đi qua đi lại. Đợi mãi cũng nóng ruột, và do mệt quá nên mình dựa tường ngủ luôn.
Anh Thông ngủ gục trong lúc chờ vợ sinh.
“Hãy bên vợ bạn lúc vợ bạn đẻ. Vì chẳng lúc nào vợ cần bạn hơn lúc này” – câu nỏi của anh Thông khiến nhiều mẹ bỉm sữa xúc động.
Nhìn qua khe cửa thấy vợ mình nằm 1 mình, chỉ có 1 cô điều dưỡng đứng bên tiếp nước và sữa, không phải nguyên ê-kíp động viên: “Hạnh ơi cố lên, em làm được” đâu, mà là ai mở trước, rặn khoẻ sẽ đc ưu tiên đỡ trước, còn nếu không thì cứ thế mà rặn.
Cứ lần lượt bác sĩ ra báo tin chúc mừng chị Hoa, chị Hữu… mà mình lại càng lo. Thế rồi chị bác sĩ mà vợ mình nhờ từ trước nhắn tin cho mình là: “Chị đang ở bên Hạnh, em nó mạnh mẽ lắm, lát bé ra chị quay clip lại cho. Nghĩ tới khúc này mình vui thực sự”.
18h38 chị bác sĩ ra khỏi phòng sinh tìm mình để lấy quần áo cho bé. Lúc đó cảm xúc khó tả lắm, mình vui quá chỉ kịp hỏi bé sinh lúc mấy giờ. Chị báo bé sinh lúc 18h25, nặng 3,5kg. Cả bà ngoại, bà nội đều vui tột độ và mừng khoé mắt đỏ hoe. Sau đó mình vẫn chưa được gặp vợ con mà phải đợi 30 phút để làm các thủ tục sau sinh.
Vậy đó, mình đã đồng hành cùng vợ ở cái thời điểm vui nhất của cuộc đời. Mọi thứ trôi qua thật nhẹ nhàng nhưng những người trong cuộc thì đó là thời điểm của tình yêu thương, gia đình và mẫu tử “.
Chân dung mẹ bỉm sữa hai con trầm cảm sau sinh "lột xác" thành hot gymer
Nếu không nói, chắc ít ai biết Loan Hoàng là mẹ bỉm sữa của 2 con nhỏ, bé lớn 7 tuổi và bé thứ hai 2 tuổi. Cô sở hữu vóc dáng cao ráo cùng số đo 3 vòng đáng mơ ước.
Sự thay đổi ngoạn mục của cô gái Loan Hoàng sau khi tập gym
Loan Hoàng chia sẻ, có được thân hình nóng bỏng như hiện tại cũng nhờ 1 phần vào việc tập luyện Gym. Cô đến với Gym khi bản thân đang rơi vào trạng thái stress nặng nề hay như mọi người thường gọi đó là trầm cảm sau sinh.
"Lúc đó, bầu bé thứ 2 mình lên cân quá nhiều vì nghén cơm, mình ăn rất nhiều cơm và chỉ thèm cơm, từ 50kg lúc chưa bầu đến lúc đi sinh lên tới 78kg, ai cũng kêu béo quá, bản thân mình tự thấy rất tự ti vì béo, xấu, lên mụn nhiều nên không dám gặp ai cả", bà mẹ 2 con kể lại.
Sinh bé thứ 2, Loan Hoàng có khá nhiều sữa và phải thường xuyên hút sữa, đến nỗi cho cả bé lớn hồi đấy 6 tuổi uống mà vẫn đầy 1 tủ lạnh trữ sữa.
Nhờ việc chăm hút sữa mà chỉ sau 3 tháng cô đã trở lại được số cân nặng như ban đầu là 50 -51kg. Tuy nhiên lúc này cô bị trầm cảm sau sinh, thường có những suy nghĩ tiêu cực, lúc nào cũng cảm thấy buồn bực, lo lắng vì con, sợ con ốm, sợ con thiếu sữa, sợ con khóc, sợ mình béo, sợ xấu,... Vì thế nên cô gầy rộc đi, người xanh xao, mặt quắt lại, rất đáng sợ. Càng hút sữa, cô càng sụt giảm cân nặng hơn hồi chưa bầu, đỉnh điểm là xuống tận 47kg. Lúc đó, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên cô nên hút ít sữa lại, nghỉ ngơi và đi khám theo dõi tình hình sức khỏe, tránh suy nhược cơ thể và uống 1 số thuốc bồi bổ thần kinh do bác sĩ kê cho.
Như một cơ duyên, Loan Hoàng tìm đến với Gym. Nhờ chăm chỉ luyện tập, cô đã cân bằng được mọi thứ, tinh thần thoải mái hơn, năng lượng tích cực hơn, vóc dáng cải thiện rõ rệt.
Loan Hoàng chia sẻ rằng: Hồi mới đi tập, có những hôm cô đã phải dậy từ 5 rưỡi sáng để kịp 7 rưỡi quay trở về với công việc bận rộn. Những hôm mưa tầm tã phòng tập không một bóng người, cứ kiên trì như thế 1 tuần 5 buổi tập, chỉ sau 6 tháng thân hình của cô thay đổi lột xác hoàn toàn, sở hữu body đáng ngưỡng mộ. Cũng chính từ đó, mà những bộ đồ cô mặc lên khiến ai cũng thích thú và hỏi chỗ mua, công việc bén duyên với nghề kinh doanh quần áo tập cũng từ đây.
Cô cho rằng "phụ nữ muốn yêu người khác trước hết phải yêu chính bản thân mình, và những ai đang gặp vấn đề về stress thì hãy lựa chọn cho mình 1 môn thể thao, nó có thể giúp ích rất nhiều. Ngoại hình cũng là một yếu tố quan trọng, không cần phải quá cầu kì nhưng đã là phụ nữ thì nên ăn mặc gọn gàng, thơm tho và để ý điều chỉnh cân nặng của mình".
Từ chính câu chuyện của bản thân, nhờ sự đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn đã từng trải qua của một người mẹ, sự tự ti về ngoại hình, Loan Hoàng chia sẻ trên Facebook cá nhân và nhận được sự đồng cảm cũng như nể phục của các mẹ bỉm sữa.
Chia sẻ gây sốt của cô vợ Việt sống trên đất Mỹ từng trầm cảm sau sinh rồi "vẫy vùng" tìm ra phương cách để vợ chồng vẫn thiết tha như ngày son rỗi Làm thế nào để không phải than thân hay hờn trách ai khác, đỉnh cao hơn là vẫn nhàn nhã, vợ chồng không vì đứa con nhỏ mà xào xáo hạnh phúc? Bí quyết của Thủy đơn giản lắm... Trong khi có nhiều bà mẹ trầm cảm sau sinh, vật vờ với những giấc ngủ chập chờn và những cáu bẳn của đứa...