- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Chương trình, SGK mới: Có nên cắt bớt?
On 25/09/2009 @ 10:10 PM In Học hành
(Zing) - Đánh giá về chương trình THPT hiện nay, ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định không ngần ngại khi cho rằng các môn học được thiết kế đều "tham".
Đối với SGK, theo ông Thành, nên in một chương trình nhưng nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, nhiều ở đây là SGK được dịch từ các nước khác, không phải SGK do Việt Nam biên soạn. Như thế an toàn hơn.
Đồng quan điểm với ông Thành, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lào Cai Nguyễn Trường Giang cũng khẳng định với chương trình hiện tại, học sinh học 13 môn sẽ quá tải. Vì SGK luôn trong tình trạng "con rô cũng tiếc, con diếc cũng ham". Bao nhiêu kiến thức đều đưa hết vào SGK, cái gì cũng được học nhưng học xong không biết gì. "Tôi có cảm giác chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng" - vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Đồng thời, theo ông, chính cách dạy của giáo viên cũng làm học sinh quá tải. Việc đổi mới phương pháp dạy và học Bộ mới đưa ra chủ trương chưa có chế tài đối với giáo viên. Chính vì vậy, nhiều giáo viên đang giảng bài, học sinh cắt ngang là "chết".
Chưa hết, nhiều giáo viên còn cho biết việc số tiết dạy ứng với ừng bài ngắn hơn trước khiến cho giáo viên gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Trí Hải, hiệu trưởng trường THPT Kế Sách, Sóc Trăng nói: Tôi đã hỏi một trong những người biên soạn môn Toán, một bài mà soạn số tiết tương ứng là 3.5 tiết thì làm sao mà dạy nổi. Vị này trả lơi: đó là do Bộ GD&ĐT đặt hàng, tôi viết 3.5 tiết nhưng tôi vẫn dạy 7 tiết.
"Nếu như vậy chẳng những không giảm tải được mà còn gây thêm gánh nặng cho học sinh và giáo viên" - ông Hải khẳng định.
Về phía mình, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận ở một số chủ đề trong chương trình một số môn học còn yêu cầu cao. Nội dung một số môn chưa thực sự cơ bản làm cho khối lượng kiến thức gia tăng. Còn có sự trùng lặp nội dung ở một số môn học như Sinh học và Công nghệ, giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông.
3 ban thành 1 ban
Một trong những minh chứng được xem là biểu hiện rõ rệt nhất cho hiệu quả thấp của chương trình mới sau ba năm thực hiện là sự thất bại của phân ban. Dù chương trình thiết kế theo ba ban (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Cơ bản) nhưng kết cục là trong suốt ba năm qua học sinh cả nước đổ xô vào học ban Cơ bản.
Số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy năm học 2008 - 2009, cả nước có 84% học sinh lớp 10 học ban Cơ bản, chưa đến 2% học sinh học ban KHXH&NV.
Nguyên nhân được xác định do mục tiêu của chương trình mới mà Bộ đề ra rất hay nhưng trong thực tế, dù là chương trình mới hay cũ, mục tiêu của đại đa số học sinh là học để thi. Theo thầy Nguyễn Trường Giang, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lào Cai, ngay như việc học sinh chỉ nhằm tới mục đích làm sao làm bài tốt khi thi môn vật lý (thi trắc nghiệm) đã mâu thuẫn với mục tiêu của môn học.
Về vấn đề này, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận hiện tượng thi cái gì, học cái đấy như các Sở GD&ĐT và các cơ sở phản ánh là có thật. Tuy đổi mới thi cử là một chủ trương của Bộ GD&ĐT nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào đột phá và phải làm dần dần.
Cũng theo ông Hiển, dù phân ban không đạt được mục đích ban đầu nhưng Bộ GD&ĐT chỉ xóa sổ ban nào không còn người học và sẽ chưa có thay đổi nào lớn cho đến năm 2015.
Tuệ Anh
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/chuong-trinh-sgk-moi-co-nen-cat-bot-20090925i5604/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.