Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm nếu địa phương có đốt pháo
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại hiệu quả chưa cao, một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn chồng chéo, chưa phù hợp, bị các đối tượng lợi dụng.
Việc buôn lậu, hàng giả không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, gây thất thu lớn ngân sách nhà nước mà còn tác động xấu đến tình hình anh ninh, trật tự xã hội và sức khỏe người dân.
Hình ảnh đường phố tràn xác pháo tại tỉnh Hải Dương trong dịp Tết Quý Tỵ 2013.
Để làm tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành TƯ và UBND các tỉnh thành tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, địa bàn để có kế hoạch, biện pháp cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Cơ quan chức năng cần có phương án phù hợp để điều tra, phát hiện, làm rõ các đường dây “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trong đó chú ý các tuyến, địa bàn trọng điểm, các loại hàng cấm hoặc dễ bị buôn lậu, kinh doanh trái phép như: đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm, gia cầm, xăng dầu…
Video đang HOT
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác này; chủ động luân chuyển, điều động, xử lý nghiêm hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện vi phạm, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình thị trường, xu hướng tiêu dùng để kịp thời có các phương án hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Các Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn triệt để thực phẩm nhập lậu, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, không để xảy ra dịch bệnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; địa bàn nào để xảy ra buôn lậu thì lực lượng nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là nếu để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ ở địa phương.
Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 vừa qua, nhiều tỉnh đã bị phê bình, kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng đốt pháo đỏ đường, thậm chí dẫn tới việc có người bị thương do đốt pháo nổ, trong đó có Hải Dương. Khi đó, chính báo Hải Dương phản ánh thông tin, ảnh về việc trong đêm Giao thừa, tiếng pháo nổ râm ran khắp các xã ở huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến người dân đổ ra đường xem. Sáng mùng 1, trước cửa các gia đình trên quốc lộ 5 rải đầy xác pháo đỏ và trắng.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, khi đó cho biết, tỉnh đã báo cáo lên Chính phủ không có hiện tượng đốt pháo. Tuy nhiên, một ngày sau, Chủ tịch tỉnh này lại xác nhận trong dịp Tết địa bàn tỉnh xảy ra đốt pháo.
P.Thảo
Theo Dantri
Hơn 1.700 học sinh, giáo viên cam kết không đốt pháo
Trước sự chứng kiến của các thầy cô giáo, cán bộ công an, hơn 1.700 học sinh trường THPT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã kí cam kết không đốt pháo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng... các vật liệu nổ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Các em học sinh cam kết "không tiếng pháo, không vật liệu nổ".
Tại buổi chào cờ đầu tuần ngày 30/12/2013, thầy - trò trường PTTH huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã tham dự buổi học tuyên truyền "không tiếng pháo".
"Lứa tuổi học sinh như chúng em thường hay "nghịch dại" và tò mò, đặc biệt là thích đốt pháo trong các dịp tết. Hôm nay được các chú công an giảng dạy về mức độ nguy hiểm và tác hại của việc đốt pháo, sử dụng vật liệu nổ khiến chúng em hiểu thêm mức độ nguy hại có thể phải trả giá bằng tính mạng. Chúng em sẵn sàng ký cam kết "không tiếng pháo, không vật liệu nổ", Khuất Duy Tùng, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phúc Thọ cho biết.
Công an huyện Phúc Thọ xuống từng hộ dân kinh doanh để kiểm tra pháo và vật liệu nổ.
Theo thầy Khuất Cao Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Thọ, đây là hoạt động cần thiết để nâng cao ý thức của học sinh về tác hại của pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, giúp các em tự phòng tránh và vận động người thân không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép... đặc biệt khi dịp tết cổ truyền sắp đến.
Phó Trưởng CA huyện Phúc Thọ - Trung tá Khuất Mạnh Thuyết cho hay, việc phổ biến tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các em học sinh là điều hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh về nhận thực pháp luật còn nhiều hạn chế và rất dễ vi phạm pháp luật. Việc phổ biến giáo dục kí cam kết "không tiếng pháo, không sử dụng vật liệu nổ...", góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa thủ đô.
Sau lễ ký cam kết ở Trường THPT Phúc Thọ, Công an huyện Phúc Thọ cử cán bộ đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn kiểm tra việc tàng trữ, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ; đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết...
Được biết, hoạt động kí cam kết nói không với tiếng pháo, vật liệu nổ, nằm trong chủ trương chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, và Phòng Quản lí Hành chính về Trật tự xã hội (PC64 CATP Hà Nội).
Dự kiến từ ngày 30/12/2013 đến ngày 10/1/2014 lực lượng Công an huyện Phúc Thọ sẽ hoàn thành việc ký cam kết "nói không" với pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại 23 xã, thị trấn; 4 trường THPT, 1 Trung tâm dạy nghề và 24 trường THCS... trên địa bàn.
Hồng Ngân
Theo Dantri
Thư chúc mừng năm mới Các đồng chí thân mến! Nhân dịp năm mới 2014 và đón mừng Xuân Giáp Ngọ, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, tôi thân ái gửi tới toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên, học viên, cán bộ hưu trí, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ Công an...