Chủ tịch Trung Quốc thăm Ấn Độ: Sẽ có cam kết hàng tỉ USD
Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ với trọng tâm là cải thiện quan hệ thương mại và giải quyết các bất đồng kéo dài nhiều thập kỷ qua về biên giới hai nước.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài 3 ngày, bắt đầu ở bang miền tây Gujarat – nơi tân Thủ tướng Narendra Modi từng là Thủ hiến Gujarat suốt một thập kỷ, trước khi dẫn dắt Đảng Bharatiya đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 vừa qua và trở thành Thủ tướng Ấn Độ. Việc chọn Gujarat là điểm dừng chân đầu tiên được xem là dấu hiệu cho thấy quan hệ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo. Sau đó ông Tập sẽ tới thủ đô Delhi và sẽ hội đàm với Thủ tướng Modi, tập trung vào các vấn đề thương mại, cơ sở hạ tầng và tranh chấp biên giới.
Chủ tịch TQ và Tổng thống Ấn Độ đã gặp nhau tại Brazil gần đây.
Mặc dù quan hệ thương mại song phương đã đạt tới gần 70 tỉ USD, thâm hụt thương mại của Ấn Độ đã lên tới hơn 40 tỉ USD so với mức 1 tỉ USD trong những năm 2001- 2002 – con số chính thức của Ấn Độ cho biết. Báo chí Ấn Độ nói rằng TQ sẽ cam kết hàng tỉ USD đầu tư vào hệ thống đường sắt rất xuống cấp, vào lĩnh vực sản xuất và các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Tháp tùng ông Tập Cận Bình lần này là đoàn 100 doanh nghiệp hùng hậu của TQ.
Đầu tháng 9 vừa qua, ông Modi đã thăm Nhật Bản 5 ngày và chuyến thăm được xem là nỗ lực của hai nền dân chủ nhằm cân bằng sự vươn lên của TQ ở Châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết tăng đầu tư công và tư và tài trợ của Nhật cho Ấn Độ lên 33,6 tỉ USD trong 5 năm tới. Hai nước cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp của Nhật vào Ấn Độ lên 4 tỉ USD trong cùng thời gian trên.
Các nhà quan sát cho rằng, ông Tập Cận Bình sẽ cam kết các khoản đầu tư trị giá tương đương hoặc vượt Nhật Bản – một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Modi đã sử dụng được sự cạnh tranh giữa TQ và Nhật để đem lại lợi ích tối đa cho Ấn Độ. Jayadev Ranade – chuyên gia của tổ chức tư vấn Trung tâm Phân tích và Chiến lược TQ tại Delhi – nói: “Tôi cho rằng TQ biết rõ là chúng ta có quan hệ tốt với Nhật Bản”.
Ông Modi được xem là người ôn hòa và khôn ngoan, trong lúc ông nói đến sự mở rộng và trỗi dậy của người láng giềng đầy tham vọng, thì ông cũng có những biện pháp cụ thể để Ấn Độ bớt bị tác động từ công cuộc hiện đại hóa quân sự của TQ.
Về tranh chấp biên giới, hai bên có tranh chấp ở các khu vực núi Himalaya và đã có cuộc chiến tranh ngắn năm 1962. Một số cuộc đàm phán biên giới đã được tổ chức song đều không thành công. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm báo chí Ấn Độ đưa tin về các cuộc đối đấu mới ở biên giới với khoảng 200 lính TQ đã vượt qua đường kiểm soát biên giới ở vùng Ladakh vào lãnh thổ Ấn Độ, huy động xe cần trục, máy xúc để xây một đoạn đường khoảng 1km ở đây. Trong 7 tháng đầu năm phía Ấn Độ cho là đã có hơn 300 vụ đột nhập của binh lính TQ vào các vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Việc TQ tăng cường sức mạnh trên Ấn Độ Dương cũng được xem là một thách thức với Ấn Độ.
Thách thức trong quan hệ Trung – Ấn là vô cùng to lớn nhưng cơ hội với hai cường quốc đang lên này cũng rất nhiều, nhất là trong bối cảnh sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ đều đang nổi lên ở cả hai nước. Cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Modi đều biết rõ điều đó và chuyến thăm này là lúc để họ tiếp tục nắm cơ hội và tìm ra những lợi ích tốt nhất có thể cho cả hai bên.
Theo Lao Động