Chủ tịch Fed cảnh báo tiếp tục tăng lãi suất
Trong bài phát biểu ngày 25/8, Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ ( Fed) Jerome Powell kêu gọi cần tiêp tục cuộc chiến chống lạm phát và cảnh báo việc tăng lãi suất có thể vẫn chưa dừng lại.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ cho biết lạm phát vẫn ở trên mức mà các nhà hoạch định chính sách chấp nhận được. Ông nhấn mạnh Fed vẫn sẽ linh hoạt trước động thái tiếp theo.
“Mặc dù lạm phát đã không còn đạt đỉnh, và đấy là một diễn biến đáng hoan nghênh, nhưng nó vẫn còn quá cao. Chúng tôi sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn nữa nếu phù hợp và dự định giữ ở mức hạn chế cho đến khi chúng tôi tin rằng lạm phát đang giảm dần theo mục tiêu”, Chủ tịch Powell phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole của cơ quan này ở Wyoming.
Bài phát biểu này tương tự với bài phát biểu mà ông Powell đưa ra hồi năm ngoái. Cũng tại hội nghị đó, ông Powell cảnh báo Fed tiếp tục nỗ lực giảm lạm phát xuống mục tiêu 2%, làm các nhà đầu tư gia tăng quan ngại.
Với những dữ liệu công bố trong hè qua khi lạm phát có xu hướng giảm, Chủ tịch Powell cho biết còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tháng 6 và tháng 7 đều chứng kiến tốc độ tăng giá giảm bớt, với lạm phát cơ bản tăng 0,2% mỗi tháng.
Video đang HOT
“Số liệu lạm phát cơ bản hàng tháng thấp hơn trong tháng 6 và tháng 7 là điều đáng hoan nghênh, nhưng dữ liệu tốt trong hai tháng chỉ là bước khởi đầu để xây dựng niềm tin rằng lạm phát đang giảm dần theo hướng mục tiêu của chúng tôi”, ông Powell nhấn mạnh.
Sau bài phát biểu, thị trường chứng kiến nhiều biến động nhưng đến cuối ngày, cổ phiếu và lãi suất trái phiếu kho bạc hầu hết đều tăng. Năm 2022, chứng khoán lao dốc sau bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị Jackson Hole.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed diễn ra sau 11 lần tăng lãi suất đã đẩy lãi suất cơ bản của Fed lên phạm vi 5,25% -5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm. Ngoài ra, Fed đã giảm bảng cân đối kế toán xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, tung ra thị trường khoảng 960 tỷ USD trái phiếu từ tháng 6/2022.
Truyền thông Mỹ dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm qua
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 26/7 đưa tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua.
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, được cho là sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi 5,25% đến 5,5%. Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là lần tăng thứ 11 kể từ đầu năm 2022 và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2001. Điều này sẽ góp phần hạn chế hoạt động kinh tế với chi phí vay mua nhà, ô tô và các mặt hàng khác tăng cao.
Fed sẽ đưa ra quyết định vào lúc 2 giờ chiều (giờ địa phương). Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến tổ chức họp báo sau đó 30 phút.
Các nhà đầu tư gần như chắc chắn rằng Fed sẽ ra quyết định nâng lãi suất vào ngày 26/7. Theo Fox News (Mỹ), Phố Wall được cho là sẽ tập trung hơn vào cuộc họp báo của ông Jerome Powell để tìm kiếm thêm manh mối về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Chủ tịch Powell có thể để ngỏ khả năng tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế được công bố sắp tới, ngay cả khi có dấu hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Các nhà hoạch định chính sách dự kiến có thêm 3 cuộc họp nữa trong năm nay, vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12.
Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán KPMG trụ sở tại Hà Lan nhận xét: "Fed đã tưởng lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2021. Sau đó, lạm phát đảo ngược hướng đi và tăng lên". Do đó bà cho rằng Fed sẽ không muốn tái diễn điều này bằng cách tuyên bố chiến thắng quá sớm.
Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt từ mức đỉnh 9,1% nhưng vẫn trên mốc trung bình của thời kỳ trước đại dịch COVID-19 và mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Nhà kinh tế Veronica Clark tại công ty Citigroup (Mỹ) nhận định: "Họ sẽ để ngỏ tất cả các lựa chọn. Họ chắc chắn sẽ thận trọng sau chỉ vài tháng dữ liệu lạm phát yếu hơn và không đủ để họ tin rằng công việc đã hoàn thành".
Giá thực phẩm được niêm yết tại một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 14/2. Ảnh: THX/TTXVN
Sau 10 lần tăng liên tiếp, vào tháng 6 vừa qua, Fed đã quyết định tạm dừng lộ trình tăng lãi suất cơ bản để các nhà hoạch định chính sách có thời gian đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bloomberg cho rằng Chủ tịch Powell cùng các nhà hoạch định chính sách khác sẽ muốn tỏ ra cương quyết để tránh tái diễn tình trạng giá cả tăng vọt.
Nhà kinh tế học Kathy Bostjancic tại công ty Nationwide Life Insurance (Mỹ) cho rằng: "Họ muốn tránh sai lầm của những năm 1970 và 1980 khi dừng quá sớm".
Trong khi đó, nhà kinh tế học Anna Wong tại Bloomberg dự đoán: "Với dữ liệu kinh tế gần đây dường như củng cố cơ hội hạ cánh mềm, FOMC khó có thể xoay chuyển tình thế. Ông Powell sẽ áp dụng cách tiếp cận đợi chờ và quan sát".
Chủ tịch Powell nói rằng ông ấy nhìn thấy một con đường hẹp để hạ cánh mềm - giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp gần đây của FOMC, nhân viên tại Fed đã dự đoán về suy thoái tại Mỹ.
Thế giới đau đầu với đồng USD mạnh Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 20 - 21/9 không còn là chuyện phải bàn cãi. Nhưng khi Fed tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục mạnh lên, với phần còn lại của thế giới, đó thực sự là vấn đề. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong...