Chồng chửi vợ: Phạt chồng càng khổ vợ?
Bản chất việc xử phạt “chồng đánh chửi vợ” là lấy tiền chung của cả hai vợ chồng để nộp phạt cho hành vi do chồng gây ra.
Quy định xử phạt “tội bất hiếu”, “chồng chửi vợ”, “chồng ngăn vợ gặp bạn bè”,… đã tồn tại nhiều năm, nhưng thực tế, hầu như chưa ai bị xử lý.
Từ hôm nay (28/12), Nghị định mới, trong đó có các quy định cũ này chính thức có hiệu lực. Nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi về tính khả thi của những quy định này.
Lấy tiền vợ để phạt chồng
Giải thích cho việc những quy định trên còn thiếu khả thi, Thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân ( Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, hôn nhân và gia đình có tính đặc thù so với các quan hệ xã hội khác, cho nên phương pháp xử lý hậu quả cũng mang tính đặc thù.
Thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân – Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Thạc sỹ Vân phân tích: Người gây bạo lực và nạn nhân sau sự cố vẫn tiếp tục sống cùng nhau. Tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất. Rất ít người có tài sản riêng. Về bản chất, việc xử phạt là lấy tiền chung để nộp phạt cho hành vi của cá nhân thực hiện. Do vậy, tính hiệu quả sẽ không cao, bất lợi vẫn rơi vào nạn nhân và những thành viên khác trong gia đình.
Bà Vân thừa nhận, hành vi bạo lực gia đình vẫn khó xác minh chứng cứ. Có trường hợp được xác minh là vi phạm, nhưng chính nạn nhân lại làm đơn bãi nại trước khiến việc xử phạt không thực hiện được.
“Quá trình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình và tham gia xây dựng các văn bản luật về phòng chống bạo lực gia đình, chúng tôi đã rất băn khoăn về tính khả thi của một số quy định xử phạt.” – Bà Vân cho hay.
Thạc sỹ Hà Thị Thanh Vân vẫn cho rằng, với đặc thù hôn nhân và gia đình, quan trọng nhất không phải là phạt tiền mà nên giúp người có hành vi chưa tốt hướng thiện bằng hình thức “xử phạt” mang tính hài hòa giữa răn đe của pháp luật với đạo lý làm người.
Bà Vân cho biết, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với người có hành vi bạo lực. Thành viên của Hội đã cung cấp thông tin về chức năng, giá trị của gia đình, những bất lợi gia đình phải gánh chịu khi có hành vi bạo lực. Mặt khác cho người ta thấy vai trò của mỗi thành viên gia đình trong việc xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình…
Video đang HOT
“Hầu hết người được chia sẻ đều thừa nhận mình đã sai và cam kết sẽ thay đổi.” – Nữ Phó Phòng Chính sách Pháp luật của Hội Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.
Nên bỏ bớt nếu không khả thi
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thực thi văn bản luật, bà Vân cho rằng, sở dĩ những quy định trên vẫn được ban hành vì được lập luận trên nguyên tắc “răn đe”, phòng ngừa là chính.
Bản chất việc xử phạt “chồng chửi vợ” là lấy tiền chung của cả hai vợ chồng để nộp phạt cho hành vi riêng của chồng. (Ảnh minh họa)
Thạc sỹ Vân tính toán, các cơ quan xây dựng luật cần nghiên cứu để có thể loại bỏ bớt một số quy định dùng tiền để phạt. Thay vào đó là tăng các hình thức phạt hướng vào chính cá nhân người có hành vi bạo lực để không ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình.
“Tuy nhiên, việc làm này cũng không dễ dàng vì Quốc hội đã quyết định bỏ nghĩa vụ lao động công ích.” – Bà Vân băn khoăn.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội) cho rằng, với đặc trưng tập quán văn hóa, xã hội, con người của Việt Nam, việc xử phạt hành chính về bạo lực gia đình rất khó thực hiện.
“Đánh nhau ngoài đường còn khó xử lý nói gì đánh nhau trong nhà(?!)” – Luật sư Thủy nói.
Theo luật sư Thủy, những quy định này chỉ là bước đầu để người dân làm quen. Xã hội phải đạt đến mặt bằng văn minh nhất định về ứng xử, hành vi và đạo đức, những quy định này mới thực thi được. Cũng theo ông Thủy, nên xóa bỏ những chế tài chưa có tính khả thi. Khi xã hội đạt đến sự văn minh cần thiết, thấy những chế tài đó phù hợp, các nhà làm luật hãy bàn đến. Đề ra các quy định mà không thực hiện, chẳng khác nào sự học đòi, rập khuôn kiểu “xã hội khác có, mình cũng phải có”.
“Đặt ra càng nhiều quy định mà không thực hiện càng tạo ra sự nhàm chán. Sự nghiêm minh của luật pháp càng bị giảm đi.” – Luật sư Ngô Ngọc Thủy nhận xét.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, những văn bản, quy định được ban hành sau một thời gian sẽ được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các cơ quan ban hành sẽ có tổng kết, xem xét các nguyên nhân vì sao quy định đưa ra không thực hiện được. Những quy định xử phạt không khả thi sẽ được bỏ đi để sát hơn với thực tế.
Một số quy định đáng chú ý trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” sẽ có hiệu lực từ ngày mai (28/12): Điều 50. Phạt tiền từ trên 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với các hành vi: Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ; Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. Điều 51. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Điều 52. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Theo Khampha
Khách mua dâm sẽ bị phạt cao gấp 3 lần bán dâm
Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, từ ngày mai (28/12), từ ngày mai (28/12), người có hành vi mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng, cao gấp 3 lần bán dâm....
Cụ thể, Nghị định quy định, người có hành vi mua dâm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, thậm chí đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc.
Trong khi đó, người có hành vi bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng và phạt đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
Lăng mạ người thi hành công vụ bị phạt tới 3 triệu đồng
Theo Điều 20 quy định hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ nêu rõ: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Từ ngày mai (28/12), khách mua dâm sẽ bị phạt cao gấp 3 lần bán dâm.
Chồng chửi vợ bị phạt 1 triệu đồng
Để phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định quy định xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình. Theo đó, vợ chửi chồng hoặc chồng chửi vợ sẽ bị phạt tiền đến 1.000.000 đồng. Cụ thể, Điều 51 của Nghị định quy đình phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Những người đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ... sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Điều 52 của Nghị định 167 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có những hành vi: Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh...
Ngoài hình thức phạt tiền, những người có hành vi bạo lực gia đình còn bị buộc công khai xin lỗi khi nạn nhân có yêu cầu.
Tiểu tiện ở đường phố phạt tới 300.000 đồng
Đối với các vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Nghị định có những điểm đáng chú ý như: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với người có hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Người có hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng.
Ngoài những điểm trên, Nghị định 167 còn quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với người không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Đối với vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, Nghị định 167 quy định mực phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng đối với người cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày mai (28/12).
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Nhìn lại những quy định "nghe xong muốn khóc" Trong năm qua, người dân và dư luận đã phải nhiều phen hoảng hốt với những quy định phi thực tế như từ trên trời rơi xuống. Có những quy định sau khi bị dư luận chỉ trích đã được rút lại, nhưng không ít quy định "trời ơi" vẫn được duyệt và thông qua. Từ ngày mai (28/12), nhiều quy định xử...