Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Đừng để lợi bất cập hại
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
ây là một trong những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, phù hợp xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để triển khai tốt quy định này đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ theo những nội quy chặt chẽ.
Nhiều ý kiến trái chiều
Giữa tháng 9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Ảnh minh họa: P.T
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong Thông tư liên quan đến quy định sử dụng điện thoại trong giờ học. Cụ thể, nếu Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT là “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Ngay lập tức, quy định này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Theo đó, một phần đánh giá là hợp lý với yêu cầu đổi mới giáo dục, những cũng không ít người cho rằng, quy định này tích cực nhưng chưa phù hợp với nhận thức của học sinh.
Là phụ huynh của 2 học sinh, anh Bùi Văn Kỹ (phường Đức Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không phủ nhận những giá trị mà thiết bị công nghệ thông minh mang lại trong thời đại công nghệ số nhưng nó chỉ phù hợp với từng lứa tuổi. Trên mạng xã hội còn đầy rẫy những tệ nạn chưa thể kiểm soát.
Cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là độ tuổi các con tò mò tìm hiểu về cuộc sống, nhu cầu sinh lý. Liệu có bao nhiêu phần trăm học sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cho việc học sau giờ học bắt buộc và trong giờ học bắt buộc, có bao nhiêu phần trăm các con học thực sự?”.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Lê Quỳnh (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Các em học sinh thường rất hào hứng, thậm chí rất dễ “nghiện” điện thoại. Do đó, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong giờ học, những vấn đề chưa biết, chưa hiểu, thay vì tập trung suy nghĩ thì các em lập tức tra cứu thông tin trên mạng.
Điều này vô tình khiến các em trở nên thụ động và lười tư duy. Hay thay vì tập trung nghe cô giảng bài thì các em lại sử dụng điện thoại để nhắn tin, nói chuyện với nhau và không phải lúc nào giáo viên cũng có thể kiểm soát tốt việc này. Đó còn chưa kể đến việc những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo không được mua điện thoại thông minh sẽ cảm thấy mặc cảm, tự ti với bạn bè của mình.
Trách nhiệm từ 3 phía
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Sự đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay khiến học sinh không phải chỉ cần nghe thầy giảng, mà còn phải kiến tạo nên kiến thức để nhận thức. Do đó, các em được quyền đi tìm những nguồn tư liệu và không có nguồn nào nhanh chóng, phong phú bằng Internet. Điện thoại di động là một công cụ giúp học sinh có điều kiện học tốt hơn, vì vậy không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại.Tuy nhiên, bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào để việc sử dụng điện thoại trong trường học được đúng mục đích là giúp cho việc học tập của học sinh chứ không phải để chiều học sinh, để học sinh dùng điện thoại và muốn làm gì thì làm. Hai khái niệm phải tách biệt.
“Để làm được điều này, trước hết, chúng ta cần giáo dục để học sinh tự nhận thức ra việc phải sử dụng điện thoại cho mục đích học tập. Theo đó, các nhà trường nên tổ chức hội thảo cho học sinh được nói hết những suy nghĩ của mình về việc được sử dụng điện thoại hiện nay, những mặt tích cực cũng như tiêu cực và đặt ra bài toán cho học sinh tự giải là làm thế nào để giảm đi được những hạn chế trong sử dụng điện thoại.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải tạo điều kiện để giúp thầy cô giáo có đủ năng lực và làm chủ được việc sử dụng công nghệ thông tin. Đối với những thầy cô giáo chưa nắm công nghệ thì nhà trường cần hướng dẫn, đào tạo để thầy cô làm chủ được công nghệ. Có như vậy mới hướng dẫn được học sinh. Song song với đó, thầy cô giáo phải có năng lực sư phạm, biết cách tổ chức lớp học trong những giờ cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động. Trên cơ sở tạo điều kiện để giáo viên làm tốt thì giáo viên sẽ sáng tạo ra những cách dạy, cách quản lý mới” – Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, phụ huynh nên tạo điều kiện cung cấp thiết bị học tập cho các con, vì đây là phục vụ cho việc học; đồng thời tham gia cùng nhà trường, giáo viên để động viên, khuyến khích và ngăn chặn những biểu hiện chưa đúng khi sử dụng điện thoại của học sinh.
“Để học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích dành cho việc học, cần trách nhiệm của cả ba phía, từ bản thân học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt được việc này chứ không phải vì ngại khó mà chúng ta không làm” – Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) Đoàn Minh Châu cũng cho rằng, học sinh có thể sử dụng điện thoại di động ở một số môn học học đòi hỏi tra cứu, tìm thông tin trên mạng, chụp lại bài giảng… Tuy nhiên, giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại di động của học sinh, đặc biệt là trong kiểm tra, nếu không sẽ dẫn đến mặt trái.
Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học không chỉ có những ý kiến trái chiều ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng như vậy. Nhưng phải thừa nhận, nếu học sinh làm chủ được công nghệ, làm chủ được cách sử dụng điện thoại thông minh của mình thì lợi ích về kiến thức và kỹ năng thu về là không nhỏ. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tiếp cận, nhìn nhận việc này ở góc độ tích cực và tìm cách giảm bớt những tác hại, những tiêu cực do dùng điện thoại gây nên./.
Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Phó hiệu trưởng - con gái cố PGS Văn Như Cương nói gì?
Bà Văn Liên Na (con gái cố PGS Văn Như Cương) - Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho rằng, bà không ủng hộ quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học trong thời điểm này khi chưa có một sự chuẩn bị gì cả.
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên". Quy định này được nhiều bạn teen cũng như các thầy cô giáo quan tâm.
Thông tin này đã thu hút được sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều các nhà giáo dục cũng như các thầy cô giáo, học sinh thì cảm thấy hào hứng với quy định mới này. Mặt khác, dư luận xã hội lo ngại về vấn đề kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học.
Dùng điện thoại, quên bài nhanh hơn?
Trao đổi về vấn đề này, sinh viên Lê Vũ Anh Thư , đang học tại trường Đại học La Trobe, Úc nêu quan điểm, không ủng hộ việc sử dụng điện thoại trong lớp.
Anh Thư cho rằng, ở trường Đại học của em cũng rất nhiều lần thầy đã lấy đề tài này ra bàn luận.
Cũng chính Thư thừa nhận, thật sự việc kiềm chế bản thân không dùng điện thoại trong giờ là rất khó. Kể cả người lớn cũng nhiều người vẫn chưa kiềm chế được thời lượng sử dụng điện thoại trong ngày.
Đối với nhiều bạn, dùng điện thoại rất tiện lợi. Từ việc ghi âm, chụp bài, tra từ điển. Nhưng theo ý kiến của Thư thì việc ghi âm, chụp bài, tra từ điển và nhất là tra cứu thông tin bài trên mạng sẽ giảm hiệu suất của giờ học đi rất nhiều.
"Em có thời gian dài từng chụp rất nhiều bài vào máy điện thoại, ghi âm bài giảng , việc đấy rất nhanh và tiết kiệm thời gian ghi chép bài, nhưng lại làm em ỷ lại, ko chú ý nghe giảng và về nhà rất ít khi giở ra xem lại bài học"- Thư nói.
Cũng theo Thư, Giáo sư của em từng giải thích nếu cháu vừa nghe, vừa đọc, vừa chép bài và vừa suy nghĩ thì cháu sẽ học rất nhanh. Nhưng nếu chụp bài hay ghi âm bài thì em chỉ nghe giảng bài nên sẽ quên rất nhanh.
"Hồi cấp 3 em rất hay có bài dịch, nhiều bạn quét bài rồi dịch bằng điện thoại rồi nộp luôn ạ, chưa kể gian lận trong thi cử rất nhiều. Em từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, các bạn cũng dùng điện thoại để làm công cụ bắt nạt luôn"- Anh Thư chia sẻ.
Anh Thư cho rằng, cách đây mấy năm, em cứ bước vào cổng trường là bạn bè đã chụp ảnh và nói ra nói vào về cái giày cũ, quần không bó, kính không xịn,... của em.
Chưa nên áp dụng
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Văn Liên Na - Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và tích cực nếu điện thoại sử dụng trong lớp học chỉ phục vụ cho việc học tập và thầy cô quản được với học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Na, về mặt chủ trương đây là quy định đúng nhưng mặt thực hiện như thế nào mới là quan trọng.
Bà Na chỉ ra, với đối tượng của học sinh cấp 3 thì việc cho sử dụng trong lớp học có thể hợp lý vì ở độ tuổi này các em ý thức được việc sử dụng đúng- sai. Nhưng với học sinh trung học thì các học sinh chưa tự giác được thì đưa vào cần cân nhắc hơn.
Vị Phó hiệu trưởng cho rằng, học sinh trung học thì sức cám dỗ của game của các trò chơi mạnh hơn rất nhiều việc học tập. Và nếu áp dụng ở một lớp khoảng 30 học sinh thì kiểm soát tốt hơn các lớp đông học sinh lên tới 40-50 học sinh"- bà Na Nhấn mạnh.
Cũng theo bà Na, chuyện cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học cần tiến hành một cách cẩn trọng.
"Chủ trương cho học sinh được sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập là rất đúng nhưng nó có thể đúng với trường này nhưng không đúng với trường khác. Những ngày qua các chuyên gia phân tích rất hay nhưng để áp dụng đại trà ở thời điểm này theo tôi thì chưa ổn lắm, nhất là ở trong giai đoạn này khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị trước mà áp dụng ngay thì hiệu quả không cao"- bà Na nhấn mạnh.
Bà Na cho rằng, bất kể một đề xuất khi đưa ra quyết định thì phải có nghiên cứu khoa học, thống kê thì mới đưa ra được quyết định đúng đắn. Điều này mới tránh được sự cảm tính, lý thuyết, còn thực tế thì còn xa vời lắm.
"Tôi cho rằng, nếu bộ GD&ĐT đưa ra một cuộc khảo sát không chỉ bên trong học sinh kể cả phụ huynh thì sẽ có một quyết định đúng đắn hơn. Việc Bộ đưa ra quyết định này cần phải xem xét kĩ. Cần có một cuộc khảo sát, thống kê mà ở đó chuyên gia đưa ra nhiều câu hỏi để tính hết được những hệ lụy từ quyết định này"- bà Na nêu quan điểm.
HỌC SINH DÙNG ĐIỆN THOẠI TRONG LỚP: Sửa đổi để học sinh được an toàn! Một quy định gây quá nhiều tranh cãi thì nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sớm xem lại để sửa đổi cho thật phù hợp là lẽ đương nhiên Từ ngày 24-9 đến nay, thông qua diễn đàn "Học sinh (HS) dùng điện thoại (ĐT) trong lớp", Báo Người Lao Động đã nhận được hàng trăm ý kiến góp ý,...