- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Chính sách dành cho khởi nghiệp: Cần tốc độ hay thận trọng?

On 04/02/2019 @ 6:17 AM In Tin nổi bật

Sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017) ra đời và Nghị định số 38/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp (startup) chính thức có hiệu lực, bức tranh về khởi nghiệp đã có nhiều gam màu sáng...

Chính sách quá chậm

Trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN) và Nghị định 38 ra đời, các nhà đầu tư đã đầu tư vào nhiều startup bằng những cách thức khác nhau. Đó có thể là góp vốn mua cổ phần theo Luật DN và Luật Đầu tư, hay có thể hợp tác kinh doanh từ giai đoạn đầu tiên theo Bộ luật Dân sự.

Chính sách dành cho khởi nghiệp: Cần tốc độ hay thận trọng? - Hình 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm các gian hàng sản phẩm ý tưởng thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Ảnh: T.P.O

Tuy nhiên, việc có hành lang pháp lý với sự ủng hộ về chính sách, thống nhất về phương án áp dụng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, nhà đầu tư yên tâm hơn và tất nhiên cộng đồng startup được hưởng lợi nhiều hơn.

Gắn bó nhiều năm với hoạt động hỗ trợ start-up, bà Trương Lý Hoàng Phi- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố có khá nhiều lợi thế phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng sự chuyển biến còn rất chậm. Suốt 1 năm qua, hầu như thành phố không có thêm chính sách gì hỗ trợ khởi nghiệp ngoài chương trình Speed Up hỗ trợ đến 2 tỉ đồng cho các dự án khởi nghiệp được chọn.

"Cộng đồng khởi nghiệp chuyển biến khá nhanh nhưng chính sách quá chậm dẫn đến việc các nhà startup giỏi chuyển hết sang Singapore, Indonesia... lập DN. Chúng ta nên mạnh dạn đệ trình các mô hình thí điểm startup tại TP.HCM. Nên chăng có thí điểm về quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại thành phố và quan trọng hơn là điều hành cộng đồng startup bằng tinh thần khởi nghiệp" - bà Hoàng Phi kiến nghị.

Theo một lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và DN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị định 38 ra đời đã tạo sự đồng thuận rất lớn cho DN. Nhiều nhà đầu tư khi nắm bắt được chính sách của Việt Nam khuyến khích đầu tư khởi nghiệp thì đã đến tìm hiểu. Đây là tín hiệu vui của các DN khởi nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng: "Các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam còn rất mới và thiếu, để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ phải mất khoảng 2-3 năm nữa mới xong. Đơn cử, việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại, gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển. Còn những khoản liên quan đến việc tìm hiểu thị trường, cách thức ra nước ngoài hoạt động ra sao thì vẫn chưa có khoản chính sách hỗ trợ".

Thiếu nhiều khung chính sách

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có các mô hình đầu tư kiểu sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng hay sàn dành cho khởi nghiệp. Chính vì vậy, thị trường khởi nghiệp của Việt Nam còn thiếu nhiều khung chính sách.

Bà Trịnh Thị Hương (Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trước khi có Nghị định 38, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo chủ yếu là quỹ ngoại, các nhà đầu tư trong nước hoạt động dưới hình thức công ty. Bên cạnh đó, nhà đầu tư trong nước muốn lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình thông lệ quốc tế rất khó đáp ứng các điều kiện thành lập, yêu cầu hoạt động của Luật Chứng khoán, và hầu như không tham gia đầu tư cho khởi nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng: Vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm hết sức quan trọng đối với khởi nghiệp, vì bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp cũng là đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, trong 100 dự án được đầu tư chỉ có một vài dự án thành công.

Tại Việt Nam, những quỹ như vậy chưa nhiều, do về mặt thể chế, chính sách, Nhà nước rất khó đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm nên cũng khó có thể đầu tư cho DN khởi nghiệp. Điều này cần phải được thay đổi từ phía cơ chế chính sách. Tuy nhiên vẫn có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm rất mong muốn vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có các ý tưởng khác biệt, có ý tưởng đổi mới sáng tạo để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng của nó.

Nói về việc chính sách không theo kịp tốc độ phát triển của startup, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng: "Mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối". Trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp trong cả nước đã có sự phát triển mạnh. Rất nhiều ý tưởng đã và đang được triển khai với tốc độ nhanh. Cho nên, việc các chính sách về khởi nghiệp đi chậm hơn cũng là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành chính sách cần phải qua nhiều công đoạn, phụ thuộc vào nhiều cơ quan, có vấn đề liên quan đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành... nên trên thực tế cần có nhiều thời gian.

"Ví dụ, cần có cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đưa tiền vào Việt Nam, khi đầu tư thành công cho khởi nghiệp được phép rút vốn và dễ dàng chuyển vốn ra nước ngoài. Nhưng phía Việt Nam cũng phải tính đến khả năng đem tiền vào Việt Nam nhằm mục đích "rửa tiền" thông qua hình thức đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng cần quản lý thật chặt, tránh tình trạng "chảy" ngoại tệ của Việt Nam ra nước nước. Tất cả những vấn đề đó cần được quản lý phù hợp, vừa khuyến khích DN khởi nghiệp nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý của các bộ, ngành" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Theo Danviet


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/chinh-sach-danh-cho-khoi-nghiep-can-toc-do-hay-than-trong-20190204i3755179/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.