Cháu tôi sáng ý, thỉnh thoảng được “mượn” vào lớp thi giáo viên giỏi…
Thi giáo viên giỏi, chuyện dài nhiều tập âm ỉ theo thời gian cùng ngành giáo dục, bỗng trở nên rôm rả, được dư luận quan tâm như chưa từng được biết.
Ảnh minh họa
Hai luồng dư luận trái chiều
Ủng hộ cái lí của những người ủng hộ là: Thi để giáo viên có động lực. Không thi đồng nghĩa hết phấn đấu. Thi để tìm người tài. Không thi vàng thau lẫn lộn. Thi để phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Không thi sẽ ngàn năm thương hoài phương pháp ông đồ xưa. Thi để nâng cao tay nghề. Không thi tay nghề giáo viên nguy cơ rỉ sét…Cũng thật chí lí.
Phản đối, vì: Thi chỉ để diễn. Diễn đúng qui trình. Cá nhân diễn, tổ chuyên môn chọn diễn cấp trường. Trường chọn diễn cấp quận, huyện. Phòng chọn diễn cấp tỉnh. Sở chọn diễn cấp quốc gia. Quá nhiều hệ luỵ từ những cuộc thi, bệnh thành tích, sự lừa dối, đối phó, gian lận, có cả “nâng đỡ không trong sáng”…
Chỉ xin đơn cử 2 đại diện.
Hệ luỵ trực tiếp: Nề nếp và chất lượng học tập bị phá vỡ. Lớp (đối với cấp Tiểu học), bộ môn (đối với bậc THCS và THPT) thường xuyên bị dạy thay để giáo viên đi thi.
Thi cấp huyện ít nhất cũng vài ngày. Thi cấp tỉnh, quốc gia không còn là vài nữa mà phải phát âm theo giọng Nam bộ “dài” ngày.
Thời gian dạy thay đó, nề nếp và chất lượng hoàn toàn bị thả nổi. Hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách tương lai. Đó là giáo dục học sinh sự dối trá như dạy trước, mớm bài, dặn học sinh đối phó. Cháu tôi học mẫu giáo, nhờ sáng ý, nhanh nhạy, thỉnh thoảng được “mượn” vào lớp giáo viên thi dạy giỏi. Sáng kiến đến thế là cùng. Chào thua!
Video đang HOT
Vậy thì, có nên tổ chức thi giáo viên giỏi không?
Người viết bài này đứng về phe phản đối. Lí do: Tay nghề giỏi là tạo ra được sản phẩm chất lượng nổi trội. Sản phẩm giáo dục không phải phương pháp giảng dạy, không phải là tiết dạy, nó mới chỉ là một công đoạn quan trọng.
Cho nên không thể chỉ thi một công đoạn để xếp loại tay nghề. Sản phẩm giáo dục là chất lượng người học. Sản phẩm có giá trị hay tồi không phải chỉ do một ban giám khảo chấm đôi khi hình thức, cảm tính mà phải được quyết định bởi thị trường.
Hơn nữa giáo dục là ngành dịch vụ, lấy sự hài lòng của khách hàng để đo lường hiệu quả. Bởi vậy, nên bỏ thi giáo viên giỏi.
Thay vào đó, bằng sự khảo sát định kì sự tín nhiệm, sự hài lòng của đối tượng được hưởng thụ giáo dục.
Có như vậy, giáo viên không còn phải diễn trước cấp trên, không còn phấn đấu vì cấp trên, vì để được cơ cấu giáo viên giỏi.
Họ phải luôn không ngừng trau dồi nghề nghiệp để có vị trí xứng đáng với sự tin yêu vốn có đối với nghề dạy học của học sinh, của phụ huynh và của toàn xã hội.
Trương Như Đệ
Theo vietnamnet
Giáo viên thi dạy giỏi cấm học sinh kém: "Cái tát" vào bệnh thành tích
"Giáo viên dạy giỏi thì phải dạy cho các em học sinh yếu kém, cớ sao lại yêu cầu các em yếu kém phải ở nhà để thi giáo viên giỏi?" - đây là câu hỏi mà nhiều phụ huynh đặt ra trước sự việc học sinh yếu kém không được vào lớp vừa xảy ra tại Hải Phòng.
Băng rôn căng trước cổng trường Tiểu học Lê Hồng Phong và tin nhắn những học sinh chỉ định thì được đi học, còn không thì ở nhà. Ảnh: Phạm Đông
"Giáo viên giỏi là phải dạy học sinh kém tiến bộ hơn"
Trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi TP.Hải Phòng cấp tiểu học, những học sinh khá giỏi mới được chỉ định đi học, còn lại một số học sinh học kém phải ở nhà. Đọc những thông tin này trong bài viết "Giáo viên thi dạy giỏi, cấm học sinh kém không được vào lớp" đăng tải trên Lao Động, nhiều phụ huynh bày tỏ sự chua xót.
Chua xót là bởi, không ít người trong thời đi học từng ở trong hoàn cảnh này, hoặc con mình từng bị phân biệt như vậy.
Chị Đỗ Thị Nhung (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, thời còn học tiểu học, chị và một số bạn hay nghịch hoặc học kém trong lớp có vài lần được thông báo cho nghỉ học ở nhà vì lớp có tiết dự giờ. Thời đó, cứ được nghỉ học là thích, không để ý gì cả.
"Nhưng hồi lên cấp 2, trường tôi học có hoạt động thao giảng hay bầu chọn, thi giáo viên dạy giỏi gì đó để chào mừng 20.11, tôi và một số bạn khác bị dồn sang một lớp để các cô thi. Lúc đó mới thấy tủi thân ghê gớm, vì bị phân biệt đối xử.
Không ngờ bao năm qua vẫn tồn tại việc thi thố hình thức thế này. Tôi nghĩ thi giáo viên dạy giỏi mà chỉ tuyển chọn các học sinh ngoan, học giỏi để dạy thì thực sự rất hình thức, làm tổn thương học sinh và cả phụ huynh nữa"- chị Nhung chia sẻ.
Những giờ qua, nhiều độc giả cũng bày tỏ bất bình, cho rằng nếu sự việc ở Hải Phòng là thật, thì thực sự đây là "cái tát vào bệnh thành tích".
Bởi học sinh yếu kém mới cần đến giáo viên giỏi. Đã là giáo viên giỏi là phải làm sao cho học sinh yếu kém tiến bộ hơn, chứ không phải là không cho học sinh yếu kém đến lớp vì sợ ảnh hưởng đến giờ thi, đến thành tích.
Những gì xảy ra trong tiết thao giảng, hay khi có người đến dự giờ đã không lạ với giáo viên và các thế hệ học sinh.
Thi giáo viên giỏi: Khổ học sinh, áp lực với giáo viên?
Trong ngành giáo dục, hằng năm, cứ đến ngày 20.11, nhiều trường tổ chức thi giáo viên giỏi để lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc này kéo dài đến tận năm sau vì hết cấp trường sẽ lên cấp huyện, rồi tỉnh/thành phố.
Nhiều giáo viên tâm sự, mùa thi giáo viên giỏi cũng là mùa áp lực của giáo viên dự thi, giáo viên đi chấm thi và học sinh của trường được ưu tiên làm cụm thi. Dưới áp lực của trường, giáo viên không muốn thi vẫn phải đi thi. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến xét thi đua vào cuối năm học.
Hết chu kì (4 năm) người giáo viên hết giỏi, nên lại phải thi giáo viên giỏi lại từ cấp trường lên cấp huyện, cấp tỉnh, cứ thế lặp lại.
Việc tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi phần nào đó giúp thầy cô thêm động lực thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới sáng tạo. Nhưng nếu tổ chức theo kiểu chỉ chọn lớp có học sinh khá giỏi để cho giáo viên thi dạy thì quả thật mang tính chất "diễn" và không thực chất.
Vì lý do này, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cách đây chưa lâu về việc rà soát bỏ các cuộc thi nặng hình thức để giảm áp lực cho giáo viên. Trong đó có cho rằng thi giáo viên giỏi hiện nay chỉ là diễn, gây áp lực cho giáo viên.
Thạc sĩ Vương hy vọng trên cơ sở tư duy đó, Bộ trưởng sẽ có hành động cụ thể để kỳ thi giáo viên giỏi được thực chất, hoặc cần bỏ ngay cuộc thi này, để giáo viên có nhiều thời gian và sức lực, tinh thần để tập trung vào các hoạt động hữu ích khác như hướng dẫn học sinh đọc sách-tự học, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và nhất là nghiên cứu tạo ra các "thực tiễn giáo dục" có bản sắc của riêng mình.
BÍCH HÀ
Theo laodong
'Cái tát' vào bệnh thành tích Bệnh thành tích trong GD-ĐT là một trong những nguyên nhân khiến một cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh bằng 231 cái tát, gây xôn xao dư luận vừa qua. Phong trào "Hai không" - nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục được phát động và thực hiện hơn 10 năm có vẻ...