Chàng sinh viên khuyết tật vượt khó
Sau 6 năm bươn chải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, chàng thanh niên Dương Ngọc Chung (quê ở Đắk Lắk) quyết tâm thực hiện ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.
Sinh viên Dương Ngọc Chung . Ảnh: Hải Yến
Là sinh viên thuộc diện khuyết tật, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Chung đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, tiếp sức từ Trường đại học Lạc Hồng. Dù phía trước còn nhiều gian nan nhưng chàng thanh niên này tin rằng mình đã lựa chọn hướng đi đúng và sẽ có được tương lai sáng lạn hơn.
* Khó khăn nhưng không từ bỏ ước mơ
Năm 2012, Dương Ngọc Chung (sinh năm 1995) tốt nghiệp lớp 12 và đã lựa chọn 2 trường đại học ở Đà Nẵng để dự thi. Kiến thức, tinh thần đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng lại thiếu kinh phí nên Chung đành phải gác lại giấc mơ đại học.
Sau đó, Chung đến Gia Lai để làm thuê với nghề trồng tiêu, chăn bò… Chung quyết tâm tiết kiệm tiền để năm sau đi thi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu thi đậu đại học , Chung chỉ có thể tiếp tục theo học nếu như được cấp học bổng. May mắn đã một lần nữa từ chối Chung. Em không xin được học bổng nên đã không nhập học.
Về quê, Chung được hỗ trợ 1 con bò cái để chăn nuôi. Nhưng vận may không đến với chàng trai này khi con bò không thể sinh sản. Chung chuyển sang dạy kèm và gắn bó với công việc này 2 năm. Sau đó, Chung đến TP.Buôn Mê Thuột để tìm việc làm và bắt đầu với nghề rửa xe .
“Quãng thời gian này, em nhớ nhất có 1 khách hàng, mỗi lần ông đến rửa xe đều tặng cho em 1 tờ vé số. Ông mong rằng em sẽ gặp may mắn để có tiền đi học đại học” – Chung nhớ lại.
Sau 6 năm lận đận như vậy, Chung quyết định theo một người bạn đến Đồng Nai tìm kiếm cơ hội. “Ngày xếp quần áo đi, cuốn sổ tay mà Trường đại học Lạc Hồng tặng cho học sinh khi đi tư vấn tuyển sinh rơi ra. Giấc mơ đại học lại lóe lên trong em và em quyết tâm dù khó khăn cách mấy cũng sẽ thực hiện ước mơ này” – Chung tâm sự.
Với chưa đến 2 triệu đồng trong tay, năm học 2019-2020, Chung đến Trường đại học Lạc Hồng làm thủ tục nhập học vào ngành Công nghệ thông tin. Không đủ tiền nộp học phí, Chung tâm sự với các thầy cô trong trường, xin gia hạn thời gian nộp học phí… và đã nhận được sự hỗ trợ. Em còn được sắp xếp ở miễn phí trong ký túc xá của trường. Về tiền học phí, Chung làm đơn xin gia hạn rồi gom góp cả tiền học bổng, tiền làm thêm để đóng sau.
Nỗ lực vượt lên chính mình
Dương Ngọc Chung là sinh viên khuyết tật , có hoàn cảnh khó khăn. Do liệt dây thần kinh ngoại vi số 7 nên Chung gặp khó khăn trong cử động cổ, tay, khó khăn trong phát âm. Những năm qua, Chung đã cố gắng để rèn luyện thể lực, luyện phát âm để có thể nói rõ, dễ nghe hơn.
* Bằng mọi giá sẽ tốt nghiệp đại học
Để có tiền trang trải, ngoài giờ học, Chung tranh thủ làm thêm nhiều công việc. “Thời mới vào trường, em đi làm thêm còn tìm nhầm đến chỗ kinh doanh đa cấp. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng em tin tưởng rằng mình sẽ có nhiều cơ hội hơn và tương lai sẽ tươi sáng hơn” – Chung chia sẻ.
Được biết, hiện nay, mỗi tuần Chung đi làm thêm được 24 giờ với tiền công 20 ngàn đồng/giờ. Thời gian còn lại, Chung dành thời gian để đọc sách, học thêm các khóa học online để trau dồi thêm kiến thức.
Tháng 10-2020, vì sức khỏe của mẹ ở quê ngày càng yếu nên Chung đã quyết định đón mẹ xuống TP.Biên Hòa. Hai mẹ con Chung thuê 1 phòng trọ với giá 900 ngàn đồng/tháng. Chung xúc động bày tỏ: “Vì sức khỏe của mẹ yếu nên không thể làm việc được, công việc làm thêm của em cũng chỉ kiếm được ít tiền nên không đủ trang trải. Em may mắn được thầy Lâm Thành Hiển, Quyền Hiệu trưởng nhà trường hỗ trợ thêm chi phí. Đối với em, thầy giống như là một người cha. Thầy rất tận tâm, giúp đỡ e. Vì vậy, em vô cùng biết ơn thầy”.
Sức khỏe yếu, phải dành nhiều thời gian để đi làm thêm nhưng Chung vẫn nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt nhất. Năm học 2019-2020, Chung đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Chung cho biết, bản thân sẽ cố gắng hơn nữa để duy trì kết quả học tập. Em cũng hy vọng sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm tại TP. Biên Hòa.
Về khó khăn hiện tại của mình, Chung chia sẻ: “Em thuộc diện sinh viên khuyết tật , hộ nghèo do đã quá tuổi nên không được hưởng chính sách học bổng theo quy định của Nhà nước. Tuy vậy, nhà trường đã giảm cho em 25% tiền học phí theo diện sinh viên nghèo vượt khó. Ngoài ra, nhà trường cũng xét để em vay quỹ Mabuchi mỗi năm 10 triệu đồng, khi nào ra trường đi làm sẽ hoàn trả sau. Ngoài ra, em cố gắng làm thêm để có tiền đóng học phí và sẽ vượt qua 4 năm đại học”.
Đăng ký hiến tạng
Mới đây, Dương Ngọc Chung đã làm đơn và hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng. Chung chia sẻ: “Mình khó khăn, không có gì để giúp đỡ người khác nên có thể cho đi được cái gì thì sẽ cho đi. Do đó, em thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo và đã đăng ký hiến tạng. Em không mất nhiều thời gian để thuyết phục mẹ vì mẹ luôn luôn ủng hộ mọi việc em làm”.
Muốn viết tốt phải đọc nhiều
Năm 2019, với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng nằm trong tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Năm nay, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì đều đặn công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) này.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: T.VI
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được kết quả đó, bản thân các giảng viên trong trường phải có nhiều cố gắng. Nhà trường cũng có chiến lược và chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động NCKH.
Công bố quốc tế tập trung vào khối ngành kỹ thuật
Trường đại học Lạc Hồng có hoạt động NCKH khá sôi nổi. Đâu là yếu tố khích lệ để cán bộ, giảng viên nhà trường tích cực tham gia hoạt động này, thưa ông?
- Đối với trường đại học, hoạt động đào tạo và NCKH là không thể tách rời. Trường chúng tôi quy định mỗi giảng viên có 280 giờ chuẩn giảng dạy và 150 giờ làm NCKH trong 1 năm học. Như vậy, hoạt động NCKH chiếm hơn 1/3 thời gian so với giờ chuẩn giảng dạy. Bên cạnh đó, nếu giảng viên phải tập trung cho hoạt động NCKH thì cũng có thể quy đổi số giờ này cho nhau.
Xác định hoạt động NCKH là quan trọng và góp phần tạo nên uy tín cho nhà trường, ngay từ năm 2014, trường chúng tôi đã ban hành Quy chế về hoạt động KHCN của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng và Quy chế khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, các công trình CNKH được công bố trong nước và quốc tế đều được khen thưởng, tùy theo chất lượng. Hiện nay, mức thưởng cao nhất dành cho bài công bố khoa học quốc tế là 180 triệu đồng.
Việc khen thưởng trong công tác NCKH được nhà trường duy trì ổn định, mức tiền thưởng chỉ có tăng chứ không giảm. Đây chính là một yếu tố khuyến khích giảng viên nhà trường tham gia NCKH.
Thưa ông, hiện nay, số lượng bài báo khoa học quốc tế của Trường đại học Lạc Hồng chủ yếu thuộc khối ngành nào?
- Hiện nay, khối ngành kỹ thuật của trường gồm các ngành như: cơ điện tử, điện điện tử, tự động hóa, hóa thực phẩm, dược, công nghệ thông tin, xây dựng... đang có số lượng công bố khoa học nhiều hơn so với khối ngành kinh tế, xã hội. Riêng khối ngành kinh tế, chúng tôi có thầy Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế thường xuyên có bài báo quốc tế.
Đối với khối ngành xã hội, trường chúng tôi có ngành Đông Phương học, đào tạo tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật... Giảng viên của những ngành này rất giỏi ngoại ngữ nhưng tiếng Anh lại không phải là thế mạnh của họ. Trong khi đó, công bố bài báo quốc tế bắt buộc phải viết bằng tiếng Anh. Vì vậy, hiện nay khối ngành này chúng tôi vẫn chưa có bài báo quốc tế.
Muốn đi xa phải đi cùng đồng đội
Theo tôi được biết, đa phần các công bố khoa học quốc tế của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đều là các công trình viết chung. Đây liệu có phải là "chiến lược" của nhà trường?
- Để thúc đẩy hoạt động NCKH, nhất là trong việc công bố các bài báo khoa học quốc tế, nhà trường phải dựa vào đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt. Đó hầu hết là những người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài về. Họ chính là đầu tàu dẫn dắt thế hệ tiếp theo, là thuyền trưởng chỉ đạo các nhóm nghiên cứu, giúp nhóm nghiên cứu mạnh hơn.
Người ta vẫn nói rằng "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Theo tôi, trong hoạt động NCKH điều này là rất chính xác. Bởi vì nếu làm theo nhóm thì các thành viên có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Mỗi người phụ trách một phần việc, như vậy sẽ nhanh có kết quả hơn. Còn nếu làm việc một mình thì sẽ phải tự xoay xở. Nếu giỏi lắm, một người cũng chỉ có thể thực hiện được 1-2 bài nghiên cứu/năm.
Ngoài phối hợp cùng giảng viên trong trường, chúng tôi còn liên kết với các trường bạn (cả trong nước lẫn quốc tế) trong hoạt động NCKH. Hợp tác quốc tế trong NCKH giúp đội ngũ giảng viên nhà trường nâng cao trình độ. Lĩnh vực hợp tác này thường thông qua mối quan hệ của các tiến sĩ đã đi du học ở nước ngoài. Họ thường hợp tác với các giáo sư hoặc bạn bè, đồng nghiệp ở trường được đào tạo. Thông qua các hội thảo quốc tế, chúng tôi cũng có thể gặp được những người có cùng chung hướng nghiên cứu và chủ động liên hệ với nhau để lập nhóm nghiên cứu. Khi đủ tốt, các cá nhân trong nhóm có thể tách ra để thành lập nên nhóm nghiên cứu khác.
Là tác giả có nhiều bài báo công bố quốc tế, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của ông trong hoạt động này?
- Tôi học đại học và cao học ở Việt Nam. Thời điểm đó, ngay cả giảng viên hướng dẫn của tôi cũng chưa quen với việc viết bài báo khoa học quốc tế. Gần đây, khi quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng, chúng ta có nhiều nhà khoa học đi du học đã đưa kiến thức, cách thức NCKH theo chuẩn quốc tế về Việt Nam.
Bản thân tôi, năm 2010 tham gia làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan (Trung Quốc). Khi đó, tôi mới biết được những tiêu chuẩn viết bài báo khoa học quốc tế. Tôi cũng may mắn gặp được giáo sư hướng dẫn là người rất chuyên tâm NCKH. Ông có rất nhiều bài báo quốc tế. Tôi đã tìm đọc tất cả các bài báo đó của thầy. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình. Tôi cũng tìm đọc các cuốn sách hướng dẫn viết bài báo khoa học. Sau đó tôi tập viết các bài báo cho hội thảo khoa học. Ban đầu, để có được một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế rất gian nan. Nhưng dần dần, tôi nâng được kiến thức và kỹ năng viết bài.
Theo tôi, nếu như yêu cầu cao nhất của đề tài chuyển giao công nghệ là tính ứng dụng thì yêu cầu quan trọng của một bài báo khoa học chính là tính mới của đề tài nghiên cứu. Muốn vậy, người viết bài phải làm rõ tổng quan tính hình nghiên cứu, nêu rõ ưu, nhược điểm của các công trình đi trước. Với khối ngành kỹ thuật của chúng tôi, nhiều khi tính mới chính là chỉ ra được nhược điểm của vấn đề nghiên cứu và cách khắc phục nhược điểm đó.
Tóm lại, theo tôi, muốn viết được một bài công bố khoa học quốc tế, việc đầu tiên chính là phải đọc nhiều công trình nghiên cứu quốc tế. Ngay cả những người đã có nhiều công trình công bố rồi thì vẫn phải thường xuyên đọc. Có như vậy mới cập nhật được xu hướng nghiên cứu mới để tìm ra hướng đi cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Nghị lực của cô trò nhỏ vùng lũ Thủ khoa đầu vào Khoa Đông phương học, trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) năm 2020 là cô gái Nguyễn Kim Anh nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực đến từ vùng rốn lũ Ba Đồn (Quảng Bình). Nguyễn Thị Kim Anh Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ cuối năm lớp 10, cô học trò nhỏ Kim Anh đã...