- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Chăm sóc đôi bàn chân đúng cách

On 09/01/2011 @ 7:40 PM In Sức khỏe

Trên cơ thể con người, chân là một trong những bộ phận phản ứng nhạy cảm khi thời tiết lạnh. Khi trời rét lạnh, các thành mạch trong cơ thể bị co lại, làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, việc cung cấp dinh dưỡng cho các mô bị dán đoạn, khiến cho đôi chân bị lạnh cóng và cơ thể dễ bị cảm lạnh.

Mặt khác, trên hai bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi, có tác dụng làm ẩm bề mặt bàn chân và giữ cho da bàn chân có tính đàn hồi. Nếu lượng mồ hôi tiết ra không đủ có thể khiến da chân bị khô, dẫn đến chứng nứt nẻ da chân.

Chăm sóc đôi bàn chân trước hết phải giữ vệ sinh sạch sẽ, trước khi đi ngủ nên rửa chân bằng nước ấm, lau khô, nếu trời lạnh cần đi tất giữ ấm.

Chọn giầy dép đi phù hợp với bàn chân cũng là một trong những biện pháp giữ gìn đôi chân khỏe mạnh. Nếu bạn thấy một đôi giày đẹp nhưng hơi chật với khổ chân của mình mà vẫn cố sử dụng, sau một thời gian chân bạn sẽ xuất hiện những nốt chai sần, nặng hơn có thể dẫn tới phồng rộp, sưng đau. Ngoài ra bạn cần phải vệ sinh giày để loại trừ các nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh, có hại cho da chân.

Bên cạnh đó, chứng da chân bị nứt nẻ hoặc dày lên không chỉ xuất hiện vào mùa hè mà cả mùa đông. Quá trình chai hóa da đôi bàn chân, thường bắt đầu là hiện tượng bầm đỏ, sưng hay rộp nước, sau đó da chân bị thô và chai cứng. Tốt hơn hết trước khi đi ngủ bạn nên ngâm chân bằng nước ấm, sau đó lau khô và dùng kem dưỡng ẩm bôi đều vào toàn bộ da bàn chân. Nếu các vết nứt nẻ ở da đã xuất hiện, cần ngâm chân bằng nước ấm với các chất khử trùng.

Chăm sóc đôi bàn chân đúng cách - Hình 1

Trước khi đi ngủ bạn nên ngâm chân bằng nước ấm, sau đó lau khô và dùng kem dưỡng ẩm bôi đều vào toàn bộ da bàn chân.

Các vết nứt nẻ trên gót chân sẽ gây đau đớn. Việc điều trị nứt nẻ gót chân cần dùng các loại thuốc kháng sinh mỡ, dạng tuýp như tetraxillin hoặc strepthomycine để bôi. Nếu da chân bị chai dày khiến cho việc sử dụng giày dép khó khăn, bạn có thể thái vài củ hành khô ngâm vào dấm. Sau khi ngâm chân và lau khô, dùng hành đắp lên chỗ da bị chai rồi băng lại, sẽ có tác dụng rõ rệt.

Bên cạnh da chân bị chai sần, nứt nẻ, nhiều người thường bị ra mồ hôi chân. Khi chân bị ra mồ hôi da chân thường mềm và có mùi hôi khó chịu, nhất là vào những ngày trời oi bức, nếu đi giầy hoặc tất, da chân sẽ bị bít lại khiến mùi mồ hôi càng nặng thêm.

Để hạn chế mồ hôi chân bạn có thể ngâm chân bằng nước sắc vỏ sồi hoặc ngâm chân bằng nước muối loãng hay nước ấm có pha thuốc tím sát trùng. Ngoài ra, không nên sử dụng những đôi tất có pha nhiều sợi nilon hay sử dụng giày cao su, khiến bàn chân không thoát mồ hôi.

(Theo Thế giới Phụ nữ)


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/cham-soc-doi-ban-chan-dung-cach-20110109i98102/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.