- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Cha mẹ giải quyết thế nào phía sau câu chuyện đỗ, trượt của con?

On 13/07/2021 @ 4:34 PM In Học hành

Sau kỳ thi quan trọng như vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học... nhiều trường hợp thí sinh đã quá áp lực nếu như có kết quả không tốt, không đúng kỳ vọng của phụ huynh.

Cha mẹ giải quyết thế nào phía sau câu chuyện đỗ, trượt của con? - Hình 1

Áp lực trong thi cử hiện nay đang là vấn đề nhức nhối chưa có biện pháp hữu hiệu. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Q.Anh

Bắt con quỳ gối vì thiếu điểm vào lớp 10

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin một nữ sinh bị mẹ bắt quỳ giữa sân trường vì không đậu vào lớp 10 trường dân lập. Không ít những ý kiến trái chiều đã nổ ra xung quanh câu chuyện. Nhiều người phê phán việc làm của người mẹ, cách trừng phạt con ngay tại trường học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con cái đang trong độ tuổi "bồng bột".

Hình ảnh bé gái sợ hãi quỳ gối ở khuôn viên trường trước gương mặt giận dữ của người mẹ cho thấy, sự kỳ vọng của cha mẹ vào sự học của con cái là rất lớn nên khi kết quả thi cử không như mong muốn, cha mẹ bị sốc và thất vọng.

Còn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1) vừa qua, dù kỳ thi được Bộ GD&ĐT đánh giá an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đề thi ra phù hợp với chương trình hiện nay vừa có mục đích xét tốt nghiệp, vừa giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, kỳ thi này cũng chứng kiến những áp lực không hề nhỏ đối với thí sinh, có em ra khỏi phòng thi với tâm trạng buồn bã, bật khóc khi gặp người thân do làm bài chưa tốt...

Không phải hiện nay, mà đã nhiều năm qua, tính chất căng thẳng của các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT để vào đại học cũng được quan tâm bởi sức ép rất lớn tới các học sinh dự thi. Do sự kỳ vọng từ gia đình, sự tự ti của bản thân dẫn đến tình trạng thí sinh bị trầm cảm và có các hành vi dại dột.

Thi trượt vẫn chưa phải dấu chấm hết

Chỉ ra một thực tế thí sinh bị áp lực nhiều sau mỗi kỳ thi, tuyển sinh, thầy Nguyễn Quốc Bình nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trên thực tế nhiều học sinh đã rất áp lực trong học tập, đối với các kỳ thi còn áp lực hơn nhiều bởi chính sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Trượt đại học, trượt thi vào 10... trở thành nỗi ám ảnh đối với các thí sinh trước và sau kỳ thi. Nguyên nhân cũng là bởi sự kỳ vọng quá từ gia đình, "bệnh thành tích" từ các trường học hiện nay. Vì vậy, thí sinh nếu trượt sẽ rơi vào trạng thái suy sụp, đã có em nghĩ quẩn làm điều dại dột. Dù đã được cảnh báo, song đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

"Bệnh thành tích của một số nhà trường, từ chính các thí sinh khác liên tục khoe điểm cao, họ hàng, người quen liên tục hỏi điểm thi, nếu thi trượt sẽ dễ có suy nghĩ thất bại. Thời gian này, dù kết quả thi ra sao, phụ huynh hãy ở bên cạnh con, động viên, tìm các phương án cho con, dù đỗ hay chưa đỗ vẫn còn nhiều lựa chọn, con đường khác nhau. Đâu phải đỗ vào trường nào đó mới là thành công, bởi có nhiều con đường cùng dẫn đến thành công, kết quả mới là quan trọng. Nếu thi có kết quả chưa tốt, bị trượt, học sinh cũng đừng quá buồn chán, nếu có quyết tâm, ham học tập thì học môi trường nào cũng có thể thành công", thầy Nguyễn Quốc Bình đưa ra lời khuyên.

Dưới góc độ tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, phụ huynh đặt niềm tin, kỳ vọng vào con cái cũng là điều hết sức bình thường, bởi không có cha mẹ nào lại không muốn con mình thành công, chăm ngoan... Tuy nhiên, việc kỳ vọng quá mức vào con cái dẫn đến áp lực cho chính phụ huynh và học sinh. Nếu có kỳ vọng thì là từ chính các em mới là điều quan trọng, phụ huynh chỉ nên đóng vai đồng hành, hỗ trợ con cái để giúp các em biến ước mơ thành hiện thực.

"Học sinh có kết quả thi chưa tốt, cha mẹ thiếu động viên, giúp đỡ mà liên tục trách móc, than thở sẽ khiến học sinh bị tổn thương tâm lý, luôn có ý nghĩ mình là người thất bại. Vì thế, phụ huynh chưa nên đặt ra cho các con là đỗ hay trượt, trường cao hay thấp mà phải chấp nhận các kết quả. Nếu không may con bị điểm thấp, thi trượt vẫn còn nhiều con đường khác ở môi trường học tập khác để lựa chọn. Phụ huynh cần dựa trên mong muốn của con, đánh giá năng lực thực sự của con em mình để tìm nơi học tập phát huy được năng lực, sở trường đó", TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức công bố thực hiện một khảo sát nhỏ trên 290 học sinh THCS và THPT của Hà Nội về cách ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp. Trong tổng số 290 học sinh được khảo sát có độ tuổi trung bình 16, có hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Học sinh ngoại thành cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một chút so với học sinh nội thành.


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/cha-me-giai-quyet-the-nao-phia-sau-cau-chuyen-do-truot-cua-con-20210713i5886696/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.