Cây đổ đè chết học sinh, nhiều phụ huynh lo lắng!
Vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng , Q.3, TP.HCM bật gốc sáng nay khiến một học sinh tử vong, nhiều em bị thương làm nhiều người quá xót xa, phụ huynh lo lắng.
Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4 – THÚY HẰNG
Nhiều trường rà soát, cắt tỉa cây xanh
Sáng nay, 26.5, chúng tôi có mặt tại nhiều trường học tại TP.HCM, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn lo âu sau vụ cây phượng bật gốc khiến học sinh tử vong.
Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, N.T.M.H, có con học tại trường này, lo lắng: “Trường con tôi có 2 cây phượng rất lớn và nhiều cây sa kê. Cây phượng mùa này trổ hoa đẹp, nhưng bây giờ sau vụ tai nạn sáng nay tôi lo lắng quá, không biết làm sao ”.
Chị Phạm Thanh Thảo, phụ huynh học sinh học tại Trường THCS Lý Thánh Tông , Q.8, TP.HCM, cho biết sáng nay 26.5, chị rất xót xa khi biết tin một bạn học sinh tử vong vì cây phượng trong trường bật gốc ở Q.3. “Trường học của con tôi không có nhiều cây lớn, chỉ có một số cây nhỏ. Nhưng sáng nay, các thầy cô cũng nhắc nhở các con trời mưa không nên đứng dưới những khu vực có cây, dù ở trường học hay ở các nơi khác”, chị Thảo nói.
Học sinh một trường THPT tại Q.1 tập thể dục dưới tán cây sáng nay 26.5 – ẢNH THÚY HẰNG
Đang là mùa mưa ở TP.HCM, nguy cơ cây xanh gãy đổ rất lớn, học sinh đi học mùa này càng phải chú ý an toàn – ẢNH THÚY HẰNG
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4 có nhiều cây cổ thụ lớn khiến phụ huynh không khỏi lo lắng, ảnh chụp trưa 26.5 – ẢNH THÚY HẰNG
Anh Hoàng Anh, giáo viên Trường THPT Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong mùa mưa, bão nhà trường luôn đảm bảo thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành cây, những cây có nguy cơ đổ gãy mục ruỗng đều cưa thân, trồng các cây mới… “Trong sáng 26.5, khi vừa biết tin Trường THCS Bạch Đằng có học sinh tử vong vì cây phượng trong trường bật gốc, tôi thấy Ban giám hiệu Trường THPT Lê Minh Xuân tiếp tục cho người kiểm tra các cây xanh trong trường”.
Một giáo viên tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết ban giám hiệu nhà trường luôn có một bộ phận chuyên đảm nhiệm việc chăm sóc cây cối trong trường, tỉa cành cây… “Trong sáng 26.5, sau khi vụ việc đau lòng ở Trường THCS Bạch Đằng xảy ra, ban giám hiệu và người phụ trách cũng đã kiểm tra, rà soát các cây cối tại trường một lần nữa”, giáo viên này cho biết.
Anh Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM chia sẻ thực sự sáng nay rất buồn khi đọc tin học sinh Trường THCS Bạch Đằng tử vong, nhiều em bị thương vì cây phượng sân trường bật gốc. Đến trường, đi học, không ai ngờ các em bị tai nạn như thế…
Chú ý nguy cơ rò rỉ điện
Anh Nguyễn Quang Hùng, phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, làm trong ngành điện tại Q.5, cho hay không phải sau vụ việc học sinh tử vong vì cây phượng bật gốc trong sân trường anh mới nhắc con chú ý an toàn khi đến trường mùa mưa bão. “Khi đang mưa lớn tôi không chở con ra đường, kể cả trễ học cũng được, lúc mưa lớn mà ra đường dễ bị cuốn xe vào các bãi ngập, lọt xuống cống, gió tạt cũng khiến mình dễ ngã hơn, cây cối rớt đổ, dây điện rớt người, nguy cơ sét đánh”, anh Hùng nói.
Không chỉ nguy cơ tai nạn vì cây xanh đổ, bật gốc trong mùa mưa, bão, khi đi học mùa này, các học sinh cần chú ý trước nguy cơ rò rỉ điện , tránh bị điện giật.
Trường THPT Trần Khai Nguyên cũng có nhiều cây lớn – ẢNH THÚY HẰNG
Anh Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Ngô Quyền, Q.7, TP.HCM, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên : “Nếu xảy ra sự cố rò rỉ điện (thiết bị dây dẫn bị tróc, bị hở mạch do cũ, lâu ngày) thêm yếu tố mùa mưa, bão thì rất nguy hiểm nếu không may các em tiếp xúc với nước mưa hay dòng nước có nguồn điện rò rĩ sẽ bị điện giật. Lời khuyên tốt nhất dành cho các em là không chạy nhảy, vui đùa dưới mưa, không đứng dưới các cột điện hay thiết bị điện khi trời mưa, giông, bão. Không đi chân trần, phải mang giày dép mủ, dép nhựa, cao su … (đây là các vật liệu cách điện đơn giản nhất …)”, anh Thanh nói.
“Khi phát hiện dây dẫn điện bị sự cố tróc võ, hay xước, trầy, hay dây điện đứt rơi xuống đất bất thường, có nguy cơ rò rĩ điện phải báo ngay cho thầy cô, các bác bảo vệ trường học, nhân viên điện máy bảo trì nhà trường… để khắc phục và sửa chửa ngay, không tự ý chạm, sờ và sửa điện. Khi phát hiện bạn bè bị sự cố điện giật phải dùng giẻ lau, cây, gậy, hay những vật liệu cách điện mà các em đã được học để lôi nhanh người bị nạn ra khỏi nguồn điện, không được chạm hay đụng trực tiếp vào nạn nhân bị điện giật. Các em phải có ý thức bảo đảm an toàn cho chính mình và bạn bè để tránh những nguy hiểm đáng tiếc chết người nơi học đường”, anh Thanh khuyến cáo.
Sinh viên nhiều trường TP.HCM cũng học dưới bóng cây cổ thụ
Không chỉ học sinh mà sinh viên nhiều trường ĐH ở TP.HCM như Trường ĐH Sài Gòn (Q.5), Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (Q.5), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (cơ sở Thủ Đức), Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Q.10) đang học dưới những tán cây lâu năm, thân cây lớn.
Khu vực trung tâm Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM (Q.Thủ Đức) sáng 26.5 – ẢNH TRẦN HẰNG
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (Q.5) cũng có nhiều cây xanh lớn – ẢNH THÚY HẰNG
Sáng 26.5, chia sẻ với chúng tôi, Trần Thị Hằng, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Thi thoảng tôi có thấy nhân viên của trường cắt tỉa cành cây. Sinh viên cũng ít khi thấy cành cây gãy đổ hay cây bật gốc trong sân trường nên cũng không mấy lo lắng. Tuy nhiên, sáng nay em đọc báo thấy vụ em học sinh tử vong vì cây phượng bật gốc trong sân trường thì thấy sợ quá”.
Cây đổ đè chết học sinh, làm gì để tránh gặp nạn khi đi học mùa mưa?
Quay trở lại trường vào mùa hè, cũng là thời gian bắt đầu mùa mưa ở TP.HCM, học sinh cần phải chú ý tránh xa các gốc cây, cột điện, những nơi nguy hiểm... để tránh gặp nạn trong trường học.
Sáng nay một cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) đã bị bật gốc khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương - NGỌC DƯƠNG
Học sinh nên tránh xa các gốc cây, cột điện
Là một trong những trường có khuôn viên rộng với rất nhiều cây xanh, bà Võ Thị Hồng Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho biết để đảm bảo an toàn cho học sinh trường đã thực hiện rất nhiều công tác, trong đó đặc biệt là thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cây xanh trong trường.
Những năm trước thường tới mùa hè thì học sinh sẽ nghỉ học, tuy nhiên năm này vì phải nghỉ học kéo dài để phòng dịch nên học sinh sẽ học tới 15.7 mới kết thúc chương trình, đồng nghĩa với việc các em sẽ đi học trong mùa mưa. Theo bà Lan, khi đi học trong thời gian này học sinh nên chú ý đảm bảo an toàn cho mình.
Mỗi tiết sinh hoạt lớp, giáo viên đều nhắc nhở các em, vào mùa mưa thì không nên tụ tập dưới sân trường mà chỉ nên sinh hoạt ở trong lớp, tránh xa các gốc gây, cột điện có nguy cơ bật đổ, tránh đứng dưới đường dây điện.
Ban giám thị của trường cũng thường xuyên theo dõi nhắc nhở khi có học sinh vi phạm những quy định an toàn này. Ngoài ra, mỗi tháng trường đều nhờ công ty chăm sóc cây xanh tới cắt tỉa bỏ bớt những cành lớn, dễ gây nguy hiểm...
Trước đó, trường cũng có trồng khá nhiều cây phượng - cây được hầu hết các trường trồng vì nó gắn liền với tuổi học sinh. Tuy nhiên, theo bà Lan: "Thường trồng cây gì trong trường chúng tôi đều nhờ tư vấn của các công ty cây xanh. Trường hiện còn 2 cây phượng, chúng tôi vẫn theo dõi thường xuyên".
Đừng đùa giỡn dưới sân khi trời mưa, trơn trượt
Tương tự, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cũng cho rằng học sinh đi học lại đợt này ngoài việc phòng chống dịch Covid-19 thì các trường còn phải tăng cường đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.
Phượng trong trường bật gốc khiến 1 học sinh tử vong - P.H
"Khi trời mưa, các em nên di chuyển vào lớp, không xuống dưới sân, hay đứng dưới các gốc gây. Chúng tôi cũng căn dặn các em rằng, khi trời mưa gió, sân trường rất dễ trơn trượt cần phải tránh chạy giỡn. Lúc ra về cũng vậy, khi gặp mưa to, gió lớn thì các em nên đứng trong khu vực an toàn của trường để đợi phụ huynh đến đón, không tự động ra về hay ra khỏi trường", ông Khoa nói.
Vào mùa mưa, trường tiến hành kiểm tra tất cả các vấn đề có thể gây nguy hại cho học sinh, như gốc cây, các vật dụng và ngay cả những cửa sổ, đường dây điện...
"Hiện nay, trước vụ việc đau lòng học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị cây đổ đè lên người gây tử vong, ngay chiều nay chúng tôi sẽ nhờ người bên công ty cây xanh sang kiểm tra ngay các gốc cây ở trong sân trường, vì hôm qua trời mưa rất lớn, nếu gốc cây bị hỏng mục thì rất dễ bị bật gốc", ông Khoa nói và cho biết trường cũng sẽ cho cắt, tỉa bớt các nhánh để cây không cao quá và không dễ bị đổ khi có mưa gió.
Trong khi đó, anh Hữu Dương có con học tại Trường tiểu học Lam Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cảm thấy rất lo lắng trước thông tin một học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị thương khi cây trong trường bật gốc. Anh đã lập tức nhắn nhủ con giữ an toàn ở trường, nhất là vào giờ ra chơi và tan trường.
"Mình nhắc con tránh xa các gốc cây, vì hôm qua trời mưa lớn, đất mềm, với những cây rễ cạn, mục gốc rất dễ bị đổ xuống. Tối nay, khi con đi học về mình sẽ lưu ý thêm các vấn đề an toàn khác như ngồi tránh xa các tủ gỗ cao, thận trọng khi chơi dưới gốc cây mùa mưa gió, không đứng gần cột điện, đường dây điện...", anh Dương nói.
Sáng nay, tại sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), một cây phượng bất ngờ bật gốc vào thời điểm nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết có 13 học sinh lớp 6 bị thương, sau khi đến bệnh viện, 1 học sinh nam bị thương nặng đã tử vong.
Khám nghiệm vụ cây bật gốc đè nhiều học sinh ở TP.HCM Sau vụ cây xanh trường THCS Bạch Đằng bật gốc đè chết một học sinh và làm 12 em khác bị thương, cảnh sát đến khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân sự việc. 'Tụi em đang ngồi ăn sáng thì bị cây phượng đè' V.T.H., 12 tuổi, học sinh Trường THCS Bạch Đằng, một trong 13 nạn nhân bị cây...