- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Câu chuyện về Genie – Cô gái hoang dã
On 20/06/2020 @ 9:12 AM In Lạ vui
Trên thế giới từng có nhiều trường hợp trẻ em được nuôi dưỡng trong sự cô lập, rất ít hoặc không được giao tiếp xã hội, tính tình trở nên hoang dã.
Căn phòng nơi Genie bị giam cầm suốt 13 năm trời.
Điển hình là một cô gái được gọi là "Genie", bị nhốt trong phòng kín, bị cô lập và ngược đãi trong hơn 10 năm trời. Câu chuyện bi thương của cô sớm lan truyền đã thu hút sự chú ý của cộng đồng và giới khoa học ở Mỹ trong những năm 1970.
Tuổi thơ trong phòng kín
Vào tháng 10/1970, nhân viên cơ quan phúc lợi của một hạt ở Los Angeles (Mỹ) bị sốc khi nhìn thấy một phụ nữ với đôi mắt sũng nước, dường như không thấy đường, bước vào văn phòng của họ. Bên cạnh bà là một bé gái hốc hác, xanh xao, đang co rúm người lại, hai tay khoanh lên ngực như tư thế của một loài thú hoang. Cô không thể đi mà nhảy loi choi như một con thỏ. Mọi người suy đoán cô khoảng 6 hay 7 tuổi, nhưng hỏi ra thì cô đã gần 14 tuổi.
Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng ở Los Angeles, cô gái được gọi là "Genie" để bảo vệ quyền riêng tư, được nghiên cứu bởi một nhóm bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Nhận định ban đầu, về mặt thể chất, cô chưa phát triển đầy đủ, bị suy dinh dưỡng nặng, bé hơn nhiều so với tuổi, cân nặng chỉ 26kg, không thể đi trên hai chân mà chỉ bò hay nhảy, không thể dang rộng tứ chi.
Mặc dù được xác định có thị lực bình thường ở cả hai mắt, nhưng cô gặp khó khăn khi tập trung nhìn vật gì đó ở khoảng cách 3m. Cô khạc nhổ liên tục, đại tiện và tiểu tiện bất cứ nơi nào khi có nhu cầu. Về mặt tâm thần, cô dường như bị kìm hãm, không thể nói, ngoại trừ một vài từ rất cơ bản và không cho thấy dấu hiệu chứng tỏ hiểu những gì được nói. Ngoài ra, cô hoàn toàn thiếu giao tiếp xã hội, bỏ chạy và tránh tiếp xúc thể chất. Đầu tiên, người ta cho rằng, cô mắc chứng tự kỷ, nhưng sau đó mới biết tình trạng của cô còn tệ hơn thế nữa, khi cảnh sát vào cuộc điều tra.
Theo đó, Genie tên thật là Susan Wiley, khi mới sinh ra đã được chẩn đoán là chậm phát triển. Cha mẹ của cô từng mất hai đứa con do bị bỏ bê, không được chăm sóc đúng mức. Genie chỉ còn một người anh lớn hơn cô 5 tuổi, cũng trong tình trạng èo uột. Khi đứa con gái chậm phát triển được 20 tháng tuổi, người bố, Clark Wiley, xích cô bé trong phòng kín, bắt ngồi trên một ghế bô suốt ngày. Cô hiếm khi được cho ăn, thường bị bỏ quên, không ai ngó ngàng tới.
Clark Wiley là một người đàn ông cực kỳ hung tợn, thường đánh hai con một cách tàn nhẫn. Genie mất toàn bộ thời gian 13 năm đầu tiên của đời mình trong tình trạng bị bỏ rơi và bị ngược đãi như vậy. Cô không được dạy nói, không gặp bất cứ ai, ngoại trừ những lần tiếp xúc ngắn ngủi với cha, anh và mẹ.
Trở thành đối tượng nghiên cứu
Genie, tên thật là Susan Wiley.
Mãi cho đến năm 1970, mẹ của Genie, người bị tổn hại thần kinh từ một chấn thương đầu xảy ra đã lâu, bị đục thủy tinh thể, gần như mù, cũng bị bạo hành từ người chồng, quyết định trốn khỏi nơi này cùng con gái, lúc đó đã được 13 tuổi 7 tháng. Bà dắt Genie ra đi, tìm đường đến với ba mẹ mình ở thành phố Temple, California. Trên đường đi, bà có ý định xin trợ cấp tàn tật cho mình để có tiền làm lộ phí. Chính tại thời điểm đó, bà vô tình lạc vào cơ quan phúc lợi xã hội, cạnh văn phòng hỗ trợ người khuyết tật.
Ngay khi thông tin này lan ra, sự tấn công không thương tiếc của truyền thông và công chúng nhắm vào người cha dồn dập đến mức khiến ông ta không chịu nổi, đã tự sát bằng súng.
Người mẹ không bị buộc tội vì được xác định không có cách nào để bảo vệ con gái và bản thân cũng là một nạn nhân của bạo hành.
Trong lúc đó, các nhà tâm lý học và bác sĩ đã nghiên cứu kỹ cô gái này. Họ phát hiện cô không bị tổn thương não và không thể hiện bất cứ dấu hiệu cơ bản nào về tổn thương tâm thần hoặc tự kỷ. Cô có mức bình thường về thông minh. Tình trạng không nói được là do bị cách ly hoàn toàn trong nhiều năm.
Cô được nhà ngôn ngữ học Susan Curtiss, dạy nói và bà phát hiện cô bé khá thông minh. Dần dần cô có thể hiểu các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản, phát âm những từ rời rạc cùng với những ký hiệu sơ đẳng và các tín hiệu phi ngôn ngữ khác.
Ngoài học ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp, trong chừng mực nào đó, Genie cũng cải thiện các kỹ năng vận động thông thường, tập đi bộ và tự ăn, tự mặc quần áo, cũng như sử dụng toilet đúng cách. Tuy nhiên, cô vẫn thể hiện nhiều hành vi phản xã hội, như thái độ hung dữ về chiếm hữu và không sẵn lòng chia sẻ những món đồ mà cô cảm nhận là của riêng mình, cô cũng cảm thấy thích thú khi đập vỡ mọi thứ.
Genie giờ ở đâu?
Năm 1971, Genie được chuyển đến cho một chuyên gia về phục hồi tên là Jean Butler để tập vận động, rồi được chăm sóc bởi một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, trước khi được đưa về với người mẹ, khi cô lên 18 tuổi. Mẹ cô sau đó tuyên bố bà không thể xử lý các vấn đề bệnh tật và khí chất của Genie, nên tìm cách đưa con gái đến các trung tâm nuôi dưỡng, hỗ trợ người khuyết tật. Tình trạng này càng căng thẳng khi nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu về cô đã cạn kiệt. Trong quá trình chuyển đổi này, Genie đã dần quay về trạng thái hoang dã của mình trước đây, mất đi các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ đã học.
Đáng tiếc là không ai biết điều gì đã xảy ra với Genie sau chuyện này. Nhiều người cho rằng, cô đang ở trong một viện tâm thần tại Los Angeles nhưng không ai biết chính xác địa chỉ. Người ta chỉ biết mẹ của cô qua đời năm 2003 và anh trai cô mất vào năm 2011, còn những gì xảy ra trong cuộc sống của cô sau năm cô 18 tuổi, không ai biết.
Mặc dù trường hợp của cô là cơ sở cho nhiều lý thuyết ngôn ngữ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng điều đáng buồn là tất cả đã mờ dần, cũng như cô bị lãng quên trong những bức tường lạnh lẽo của một viện tâm thần nào đó.
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/cau-chuyen-ve-genie-co-gai-hoang-da-20200620i5022810/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.