Cậu bé nghịch dại lỡ làm cháy nhà, hoảng sợ bỏ trốn rồi thất lạc gia đình suốt 30 năm
Chỉ vì một phút nghịch ngợm, gây ra chuyện không may mà cậu bé 10 tuổi quyết định bỏ trốn, để rồi thất lạc gia đình suốt hơn 30 năm. Mãi về sau mới có thể đoàn tụ với người thân trong nước mắt.
“ Như chưa hề có cuộc chia ly” với sứ mệnh kết nối những người thân lạc mất nhau đã giúp hơn 1.800 gia đình với 2.500 trường hợp thất lạc được đoàn tụ. Mới đây nhất, chương trình tiếp tục là cầu nối giúp anh Hùng tìm gặp lại cha mẹ sau hơn 30 năm thất lạc.
Tháng 5/1987, cậu bé Hùng (SN 1977) khi ấy mới 10 tuổi đang phụ mẹ bóc lạc. Vì nghịch ngợm, Hùng vô tình làm cháy nhà. Sợ bị cha mẹ mắng, bị ăn đòn nên cậu bé quyết định bỏ đi. Đi được một đoạn thì gặp nhóm người đi đào vàng, Hùng theo nhóm người này rồi thất lạc gia đình từ đó.
Công việc ở bãi vàng vô cùng vất vả. Trong 3 năm làm việc ở đây, Hùng nhiều lần bị tai nạn, gãy chân, gãy xương đùi. Sau này, có một người ở bãi vàng vì thương hoàn cảnh của Hùng đã dẫn cậu về Ninh Vân, Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho anh trai làm nghề giáo nuôi dưỡng. Cha nuôi cho cậu họ Lê, đặt tên là Lê Hùng.
Hùng may mắn được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ nuôi. Tuy nhiên thời ấy cuộc sống khó khăn, cậu phải tự lực kiếm sống, từ chăn dê, bán kem, vé số… để kiếm tiền. Sau này khi đã trưởng thành, Hùng tới Nha Trang làm phụ hồ. Ở đây, chàng thanh niên gặp gỡ và nên duyên với bà xã.
Anh Hùng trở thành người đàn ông hiền lành, chất phác, thật thà, chăm chỉ nên được gia đình bên vợ rất quý mến. Mọi người giúp đỡ vợ chồng anh rất nhiều. Đến hiện tại, vợ chồng anh đã cất được ngôi nhà, có 2 con một trai, một gái, vợ chồng sống với nhau thuận hòa, hạnh phúc, cùng vun đắp cho tổ ấm nhỏ.
Sâu trong tâm trí, anh Hùng vẫn luôn nhớ về gia đình, nơi có bố mẹ đã từng rất yêu thương mình, có những người em. Anh chỉ nhớ mẹ anh tên Phương, bố có thể tên là Tem, nơi anh từng sống là một huyện phía Tây Nghệ An, nhà trồng lạc, quế, gần bản dân tộc, cách chợ Nghĩa Đàn khá xa, phải đi bằng xe trâu; rồi đằng sau nhà là một con suối mà anh vẫn thường ra tắm mát, chơi đùa.
Anh từng về thị xã Thái Hà (ở phía Tây Nghệ An) một tuần để tìm cha mẹ, anh em nhưng không có tin tức gì. Anh Hùng để lại nhiều tờ rơi rồi quay về Nha Trang.
Anh Hùng trăn trở: “Khi chưa có vợ tôi rất mặc cảm, sau này có 2 con tinh thần mới lạc quan hơn. Tôi cố gắng làm lụng có tiền để vươn lên, quyết tâm tìm lại bố mẹ, vì con người ai cũng phải có cội nguồn. Tôi muốn tìm tổ tiên cho các con, không muốn các con phải thiệt thòi như mình. Nếu được gặp bố mẹ, tôi sẽ nói cảm ơn bố mẹ đã tìm mình và cảm ơn bố mẹ đã tha thứ cho lỗi lầm năm xưa của con”. Năm 2017, anh viết thư gửi về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhờ giúp đỡ.
Thông tin tìm kiếm thân nhân của anh Hùng được phát sóng trên truyền hình đã giúp anh Trương Xuân Hoàng, em trai ruột của anh Hùng nhận ra anh trai. Anh Hoàng nhanh chóng báo tin cho gia đình để liên lạc với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Ngoài anh Hùng, anh Hoàng, gia đình còn có những người con là anh Nam, anh Thưởng. Anh Hùng là con riêng của bà Phương.
Bố ruột của anh Hùng bỏ đi khi anh mới được 6 tháng tuổi. Hai năm sau, bà Phương đi bước nữa với người đàn ông tên là Tam (anh Hùng nhớ nhầm bố tên là Tem – PV). Dù là bố dượng nhưng ông Tam rất yêu thương con riêng của vợ. Đến khi ông và bà Phương có thêm những người con chung thì ông vẫn quý mến, chiều chuộng anh Hùng nhất. Mỗi khi mua quần áo cho các con, ông Tam đều mua cho anh Hùng trước, ông bảo: “Anh cả phải vậy”.
Cả nhà hay tin ai cũng vui mừng, vì ai cũng thương anh Hùng. Bao năm qua, bố mẹ của anh chưa bao giờ thôi nhớ về cậu con trai ngoan ngoãn, siêng năng, cần cù. “Ngày xưa gia đình nghèo khổ, anh Hùng là anh cả đã làm lụng để nuôi chúng em. Chúng em ngày đêm mong được gặp anh sớm”, anh Trương Văn Nam nói.
Thì ra, nhà anh Hùng ở xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vào cái đêm anh Hùng bỏ đi, bố mẹ tưởng anh bị bắt cóc. Bà Phương lặn lội lên Nghĩa Đàn tìm con, ông Tam mắt kém nên ở nhà trông mấy đứa nhỏ. Nhờ hàng xóm láng giềng giúp đỡ mỗi người một ít, gia đình ông bà mới sống được sau đám cháy. Ông Tam bảo, ông vẫn nghĩ ai đó đốt nương đốt rẫy, không may tàn bay vào rồi cháy nhà chứ không nghĩ là do Hùng.
Năm 1991, ông bà dẫn các con về quê ông ở xã Diễn Trường sinh sống cho đến bây giờ. 32 năm xa cách, đến năm 2019, anh Hùng đã được gặp lại gia đình.
Tiểu thư phố cổ đi lạc, 46 năm sống cơ cực khẳng định: "Tôi không bị bắt cóc"
Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng về câu chuyện của bà Triệu Lệ Cần thất lạc gia đình 46 năm bất ngờ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền chóng mặt câu chuyện "Tiểu thư phố cổ lạc mất gia đình, 46 năm sống cơ cực mới được đoàn tụ với cha mẹ" gây xôn xao dư luận. Hoàn cảnh của bà Triệu Lệ Cần, hiện 62 tuổi, thực chất được trích từ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" số 23, được phát sóng hồi tháng 10/2009.
Nhiều luồng thông tin khác nhau liên tục xuất hiện liên quan hoàn cảnh của bà Cần. Có người nói "bà bị bố mẹ nuôi hiếm muộn bắt cóc xin vía đẻ con rồi đối xử tệ bạc", "từ một tiểu thư phố cổ bị bắt cóc, không được nuôi nấng tử tế, không được đi học, rồi trở thành nghèo khổ". Người khác lại tung tin đồn, "bà Cần vốn là tiểu thư Hà Nội bị bắt cóc mang về quê sống khổ sở, đến lúc bố mẹ nuôi sinh con thì hắt hủi bà, chịu một đời cơ cực".
Làn sóng thương cảm bà Triệu Lệ Cần kèm sự chỉ trích nặng nề bố mẹ nuôi của bà, dấy lên mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo lời bà Cần, ông Đoành và bà Oong kết hôn sớm khi mới 14 tuổi, nhưng gần 20 năm không có con. Ngày đưa bé gái 3 tuổi về nhà, ông bà xem Cần như con đẻ, yêu thương hết mực.
Bà Cần chia sẻ: "Đến giờ, tôi khẳng định mình không bị bắt cóc, chỉ là đi lạc ra phố, được mẹ Oong dẫn về nuôi dưỡng và chăm sóc đủ đầy", bà Cần nói lớn lên tự nhận ra mình là con nuôi, nhưng vẫn luôn vô tư và hồn nhiên. Về thông tin tại sao bố mẹ nuôi không trình báo Công an khi nhặt được mình, bà lý giải có thể do ông bà hiếm muộn, khát khao có con nên đã nhanh chóng mang bà về nuôi dưỡng và chăm sóc, chứ không có ý đồ xấu".
Đến năm 1970, sau sinh một bé trai, bà Oong bị liệt người suốt hai năm. Do hoàn cảnh, bà buộc phải cho bé Cần thôi đến trường khi vừa học hết lớp 4, ở nhà phụ mẹ chăm em. 5 năm sau, người mẹ tiếp tục sinh con trai thứ hai.
Năm 19 tuổi, "cô thiếu nữ" Triệu Lệ Cần kết hôn, chuyển về nhà chồng sinh sống, vừa buôn bán vừa làm việc trong một cơ sở sản xuất lược sừng - vốn là nghề truyền thống của làng Thuỵ Ứng. Nhưng "hồng nhan bạc phận", cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Cần mang theo con gái đến sống ở mảnh đất công xã cấp cho.
Bà Cần khẳng định: "Mọi người bảo tôi bị bố mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà, nương nhờ hàng xóm chăm sóc, rồi sống trong căn nhà hoang. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Con gái lấy chồng phải theo chồng, ra ngoài ở riêng. Năm 2002, tôi tự xây nhà mới, vẫn được anh em họ hàng giúp sức".
Một người dân làng Thụy Ứng kể, thông tin "bà Cần được hàng xóm láng giềng hỗ trợ khi bị bố mẹ nuôi bỏ rơi" là không chính xác. Theo người này, tục lệ ở làng, con gái/trai lấy chồng/vợ kiêng không ở lại nhà bố mẹ.
"Hai ông bà vẫn quan tâm, chăm sóc bà Cần. Nếu mà gia đình bắt cóc, đối xử tệ bạc, tại sao Cần vẫn sống vui vẻ và hiếu thảo đến bây giờ. Cả Cần và con gái đều rất hiền lành, sống tình cảm", người làng cho hay.
Trong khi đó, gia đình ông Triệu Đạt Quang - bố mẹ ruột bà Cần sau này sang Canada định cư, nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ con gái nhỏ. Mỗi năm, đôi vợ chồng đều đặn về Việt Nam, trở lại căn nhà cũ số 34 Hàng Buồm, vừa thăm bà con, vừa tìm kiếm Cần.
Ông Triệu Trọng Lễ, em trai ruột bà Cần, đăng ký tìm nhân thân trên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Bức ảnh chụp cô bé Cần, được cắt ra từ tấm ảnh chụp chung với mẹ, là tín vật duy nhất và cũng mong manh nhất.
Năm đó, bà Nguyễn Thị Lệ, hàng xóm bà Cần, vô tình xem được đoạn thông tin của chương trình, thốt lên "Ôi sao giống cô Thủy (Cần) thế". Nhận tin, bà Cần bật tivi, xem lại chương trình, ngờ ngợ về gốc gác của bản thân.
Bà Lệ đã nhờ chị dâu là bà Lê Thị Thúy Hương (ngày xưa công tác tại Viện Giám định Pháp y tâm thần) liên lạc với Như chưa hề có cuộc chia ly. Các thông tin liên tục trùng khớp, đặc biệt là bí mật về vết sẹo nơi cổ chân trong một lần bé Cần được cha chở đi bằng xe đạp không may bị xước lớn. Chương trình cũng xin mẫu tóc của bà để làm xét nghiệm ADN.
Tháng 9/2009, bà Cần và con gái liên tục ra vào Sài Gòn, làm việc với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Hôm đó, mẹ con bà Cần đi tàu hỏa, gặp trúng cơn bão, buộc phải dừng lại ở Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Hai mẹ con kẹt trên tàu hơn 1 ngày, rồi bắt xe khách ngược ra Hà Nội dù còn cách TP.HCM nửa đoạn đường.
"Tôi tự nhủ số mình vất vả, đến ngày đoàn tụ gia đình cũng chưa hết khó khăn", bà Cần nhắc lại. Hai ngày sau, bão tan, mẹ con bà đi máy bay vào TP.HCM, đến trường quay bí mật của Như chưa hề có cuộc chia ly, mà không biết rằng bất ngờ lớn nhất cuộc đời đang chờ đợi.
Bà Cần bước vào trường quay trong bộ áo mới, bước ra từ ô cửa "bí mật" để trở về với gia đình. Ngỡ cũng ô cửa xưa ấy mà bà bước chân ra ngoài và đi lạc, giờ đây lại được mở ra để đón bà trở về.
Cả gia đình ôm chầm lấy người con, người em, người chị. Sau những tiếng khóc, câu đầu tiên bà thốt lên lời "Con nhớ mẹ". Nỗi nhớ dài đằng đẵng 46 năm.
Sau khi nhận lại gia đình, bà Cần đổi tên và giấy khai sinh từ Nguyễn Thị Thủy sang Triệu Lệ Cần. Con gái Nguyễn Thị Lệ Quyên (sinh năm 1994), cũng được đổi cái tên mới là Triệu Tú Quyên.
Ông Quang ngỏ ý đón mẹ con Cần qua Canada sinh sống, nhưng bà không đồng ý. Phần vì giấy tờ thủ tục rất rắc rối, phần khác đã quen cuộc sống ở Việt Nam. Để thỏa nỗi nhớ mong con, từ đó, hàng năm, vợ chồng ông Quang đều đặn về Việt Nam từ tầm tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Hơn 1 năm sau chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bố nuôi bà Cần qua đời vì bệnh tật. Mãi đến năm 2017, lần đầu tiên bà sang Canada theo dạng visa du lịch 1 năm, chính thức đoàn tụ với gia đình.
Mẹ bỏ con vì quá khổ, 50 năm sau đi tìm và phút lướt qua nhau nhói lòng Dù bị mẹ ruột bỏ rơi nhưng anh Hải không trách mẹ, thậm chí rất thương và khao khát tìm thấy bà. Còn đối với người mẹ ấy, có lẽ bà cũng đã rất dằn vặt, đau khổ vì quyết định năm xưa. Là một người mẹ, ai cũng thương yêu đứa con mình dứt ruột sinh ra. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh...