Cậu bé 8 tuổi hai lần cứu mẹ thoát chết
Cậu bé 8 tuổi đã trở thành người hùng vì hai lần cứu sống người mẹ mắc bệnh động kinh thoát khỏi cái chết.
Cũng giống như 3 năm trước, Parry bị ngã, toàn thân bị tê liệt. Bà bị mắc bệnh động kinh. Những cơn co giật mỗi lúc một mạnh hơn, lưỡi bị đẩy ra ngoài không thể nói được.
Theo các bác sĩ đã điều trị cho Parry, bệnh động kinh là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây tử vong: có trường hợp tử vong ngay trong cơn động kinh nặng do ngạt thở, chết do nhiều cơn động kinh kéo dài, liên tục gây suy tim cấp.
Cậu bé 8 tuổi dũng cảm và người mẹ mắc bệnh động kinh
Nhờ sự thông minh, nhanh trí, cậu bé đã nhanh chóng gọi cấp cứu, chỉ đường cho cán bộ y tế đến sơ cứu cho người mẹ đáng thương. Ewan nói, bé biết nên làm gì và bé sẽ làm rất tốt những việc đó để cứu sống người mẹ của mình.
Ewan nhiều lần đến bệnh viện chuyên khoa gặp các bác sĩ, y tá để hỏi tình hình sức khỏe của mẹ. Và cậu cũng không quên hỏi các bác sĩ về cách xử trí khi mẹ cậu lên cơn co giật.
May mắn, các bác sĩ đã đưa cho cậu bé một cuốn sách có hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc người bị động kinh và khuyên cậu bé để điều trị bệnh động kinh, điều quan trọng là bệnh nhân và gia đình bệnh nhân phải kiên nhẫn, cần có sự hợp tác giữa gia đình, thầy thuốc.
Trên thực tế, ở độ tuổi lên 8 sẽ chẳng có đứa trẻ nào chịu đọc và tìm hiểu những tài liệu y khoa như cậu bé Ewan. Điều đáng quý hơn, Ewan không chỉ đọc nó mà cậu bé còn biết thực hành mỗi khi mẹ cậu bé bị lên cơn động kinh.
Video đang HOT
Lần lên cơn động kinh gần đây nhất, Parry bị ngã, rách 3 dây chằng ở chân, tổn thương phần xương. “Trước đây Ewan đã nhìn thấy tôi co giật, và tôi đã dặn bé nên gọi điện thoại đến số của mẹ tôi hoặc gọi cấp cứu khẩn cấp”. Parry nói.
Parry vẫn đang trong quá trình hồi phục nhưng bà rất tự hào về cậu con trai của mình. (Ảnh minh họa)
Neil Watson, bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu North East Ambulance rất ấn tượng bởi sự trưởng thành của cậu bé 8 tuổi. “Ewan gọi điện đến trung tâm cấp cứu và mô tả bệnh của mẹ rất rõ ràng, mọi câu hỏi của tôi về tình trạng bệnh của mẹ, cậu bé đều trả lời rất tốt, bé đã lắng nghe và hướng dẫn chính xác những gì tôi nói. Nếu tất cả những người gọi đến cho chúng tôi mà làm được giống như Ewan thì công việc của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ewan đã được nhận giải thưởng dũng cảm lần thứ hai từ dịch vụ xe cứu thương Đông Bắc.
theo khám phá
Giật mình những tình huống gây họa cho trẻ
Nhiều tai nạn đau lòng, thậm chí dẫn đến cái chết ở trẻ, bắt nguồn từ bất cẩn của người lớn đã được cảnh giác. Song gần đây người ta vẫn đau lòng khi cứ biết đây đó vẫn có trẻ chết vì ngạt thở, sặc sữa...
Nằm trên giường bệnh tại khoa phỏng - chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM ngày 27-3, bé N.S.H., 5 tuổi, ở Tri Tôn, An Giang, được quấn băng trắng gần như khắp người, chỉ trừ cặp mắt. Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, trưởng khoa phỏng - chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bé H. bị phỏng độ 2, độ 3, diện tích phỏng trên 90% và hiện vẫn nguy kịch.
Bất cẩn một li, đi một dặm
Đứng từ bên ngoài phòng bệnh nhìn vào giường bệnh con trai đang nằm, chị N.D., 23 tuổi, thất thần kể sáng 23-3 chị cho một gia đình khác mượn sân để nấu tiệc tân gia. Một nồi cháo to được nấu trên bếp củi đặt ở giữa sân. Con chị trong lúc đùa nghịch với những trẻ khác đã bị ngã vào giữa nồi cháo... Chị D. không thể kể tiếp vì không muốn nhớ lại cảnh tượng đau lòng đó. Theo bác sĩ Bảo Tường, đây là trường hợp bị phỏng rất nặng.
PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, trưởng khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho rằng những bất cẩn của người lớn đã dẫn đến nhiều tai nạn ở trẻ. Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận những trường hợp khi trẻ đang ngủ, cha mẹ khóa trái cửa đi ra ngoài. Lúc trở về phát hiện trẻ bị té cầu thang hoặc té từ trên lầu xuống đất.
Bác sĩ Diệp còn nhớ trường hợp một bé gái 5 tuổi ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM đang ngủ trong nhà thì người mẹ khóa trái cửa lại để đi chợ. Lúc trẻ ngủ dậy hốt hoảng tìm mẹ, ra tới bancông đã bị rớt từ ban công lầu một xuống đất. Cháu bé được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở và tử vong ngay sau đó.
Người lớn cần cảnh báo những nguy hiểm khi chạy xe ngoài đường để trẻ tránh hậu quả đáng tiếc - Ảnh: Châu Anh
Một trường hợp đau lòng khác đã xảy ra lúc gần 1g sáng 4-3. Đó là con bà N.T.T., 1 tháng tuổi, ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Bé trai này được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do người cha sơ ý để tay lên mũi con gây ngạt thở. Bác sĩ Diệp cho biết thời gian gần đây khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận vài trường hợp tương tự như trên.
Qua những trường hợp này, bác sĩ Ngọc Diệp khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ ngủ riêng trong nôi gần với giường ba mẹ. Tuy vậy cần sắp xếp chăn mền trong nôi để đảm bảo an toàn cho trẻ trong khi ngủ.
Ngăn ngừa nguy cơ
Ngạt nước vì hòn non bộ
Gần đây, nhiều người có xu hướng xây hòn non bộ trong nhà và không lường trước đây là một nguy cơ gây tai nạn cho trẻ nhỏ. Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng cấp cứu một bé trai 22 tháng tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM bị ngạt nước do ngã vào hồ nước có hòn non bộ.
Rất may người nhà phát hiện sớm và đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị kịp thời.
Bác sĩ Bảo Tường nhận xét những sơ ý, bất cẩn của người lớn đã làm nhiều trẻ em bị tai nạn phỏng. Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận, điều trị cho khoảng 600 trẻ em bị phỏng do sinh hoạt, trong đó 3/4 là trẻ dưới 5 tuổi.
Có rất nhiều tình huống thường gặp gây phỏng cho trẻ như người lớn đốt rác và bỏ đi, không canh chừng trẻ, trẻ đùa nghịch gần đó rớt vào đống rác đang đốt, bị phỏng.
Có người chị, người mẹ vừa bồng em, bồng con vừa nấu bếp, trong khi mải mê nấu ăn, trẻ đã với tay vào thức ăn đang nấu gây phỏng. Có những trẻ còn bị phỏng trong lúc mẹ chuẩn bị cho trẻ ăn, do để chén cháo vừa mới nấu xong gần tầm tay trẻ và trẻ đã nhúng cả bàn tay vào chén cháo.
Có một số bà mẹ mới sinh thường nằm than, khi để trẻ nằm trên chõng tre dễ gây phỏng cho trẻ. Và bất cẩn thường gặp là nhiều bà mẹ pha nước tắm cho con thay vì lấy nước lạnh trước rồi pha thêm nước ấm thì lại đổ nước nóng vào trước, có bà mẹ lúng túng làm rớt trẻ vào chậu nước khiến trẻ phỏng nặng...
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết khoa hồi sức cũng gặp nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc, hóa chất do người lớn để trong vỏ chai nước suối, gần tầm tay của trẻ. Trẻ lấy uống đều gây ra ngộ độc.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bé trai 3 tuổi rưỡi phải khâu ba mũi ở đầu vì bị máy tập thể dục của mẹ đổ vào người. Những ngày trước mẹ bé đưa máy chạy bộ ra tập, tập xong là cất ngay vào nhà kho. Lần này người mẹ quên không cất nên bé trai trèo lên và làm máy đổ vào người.
Các bác sĩ đều cho rằng trẻ em nhỏ tuổi chưa có ý thức nhiều nhưng lại rất hiếu động, do vậy chỉ cần người lớn sơ ý trong tích tắc có thể gây ra những nguy hiểm cho trẻ. Để tránh những nguy cơ trên, các bậc cha mẹ phải có ý thức tạo một môi trường an toàn cho trẻ, luôn để mắt đến trẻ và ngăn ngừa trước những nguy cơ có thể xảy ra nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Theo Thùy Dương (Tuổi trẻ)
Mẹo hay "thông" mũi Không khí lạnh thất thường khiến hệ miễn dịch của cơ thể cũng bị ảnh hưởng nhiều và hậu quả là chứng ngạt mũi sẽ có cơ hội tìm đến. Sau đây là một số mẹo đơn giản để giữ cho mũi luôn được thông thoáng trong thời tiết này. Tư thế ngủ Tư thế này sẽ làm giảm sự hình thành dịch...