- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Cấp cứu cho giang hồ, bác sỹ bị doạ… “xử lý”

On 22/05/2015 @ 12:00 AM In Tin nổi bật

Có những ca cấp cứu trong đêm từ Hải Phòng đi lên kéo theo hàng chục người xăm trổ đầy mình. Họ chạy theo một người dính đầy máu me nằm trên cáng...

Chưa kịp kiểm tra, bác sỹ nhận được một cái chỉ thẳng tay vào mặt rằng: "Mày mà không cứu được anh tao thì liệu mà sống".

Guồng quay không ngừng nghỉ

23h đêm, phố phường Hà Nội thưa bớt tiếng người cười nói, tiếng xe cộ qua lại. Nhưng ở bệnh viện Việt Đức, tiếng còi cấp cứu, tiếng kêu khóc của người nhà bệnh nhân, tiếng bước chân vội vã của các y bác sỹ lại phá tan không gian yên tĩnh của đêm khuya.

Chuẩn bị tinh thần thật vững, PV báo Người Đưa Tin đến khu vực phòng Cấp cứu. Ngay lúc ấy, cả phòng đang cấp tập chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhân Phạm Văn Khải (Chí Linh, Hải Dương) bị tai nạn xe máy, dẫn đến chấn thương sọ não. Anh Khải nằm bất tỉnh, trên đầu quấn băng loang lổ máu. Sau khoảng thời gian ngắn hội chẩn, ê-kíp bác sỹ, y tá tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Khải. Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 4 tiếng vì phải mổ phối hợp sọ não và răng hàm mặt, tạo hình và chỉnh sửa do bệnh nhân gặp va chạm quá mạnh dẫn đến biến dạng.

Vừa mổ xong, Ths - bác sỹ Nguyễn Minh Trọng (khoa Cấp cứu bệnh viện Việt Đức) lại quay ra thăm khám cho một người khác phải nhập viện cũng vì tai nạn giao thông. Bệnh nhân này tên là Nguyễn Thị Bình (quê Hà Tĩnh) bị chấn thương sọ não, dẫn đến suy hô hấp và phải thở bằng máy. Tất cả các chức năng hô hấp, tim mạch, ăn uống đều phải nhờ sự trợ giúp bằng máy móc. Tiếc rằng, bệnh nhân được chẩn đoán chỉ còn 5% khả năng sống sót.

Mọi hoạt động như một guồng quay không ngừng. Bởi đôi khi, ngừng nghỉ sẽ khiến sự sống của ai đó vụt bay vào màn đêm trong tích tắc...

Cấp cứu cho giang hồ, bác sỹ bị doạ... xử lý - Hình 1

Các bác sỹ thăm khám cho bênh nhân ở khoa cấp cứu bệnh viện Việt Đức.

Giật mạng sống từ tay "thần chết"

Sau nhiều tiếng chờ đợi, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi của bác sỹ, PV mới có dịp trò chuyện, chia sẻ những vất vả, khó khăn của những người "giật" mạng sống từ tay "thần chết" suốt ngày đêm này. Tiếp chuyện PV là Ths- bác sỹ Nguyễn Minh Trọng.

Làm việc giữa đêm khuya nhưng nhìn anh rất tỉnh táo và linh hoạt?

Làm nghề như chúng tôi quen rồi, chẳng có khó khăn gì cả. Ở bệnh viện Việt Đức, thông thường mỗi ca trực kéo dài khoảng 24 tiếng. Trong ca trực đó, trung bình mỗi bác sỹ phải mổ khoảng 30 ca. Có những ca phức tạp kéo dài đến 12 tiếng đồng hồ.

Thông thường, mỗi ca trực có 16 bác sỹ, kèm theo 7 nội trú viên, trợ tá cho bác sỹ và 3 tổ sinh viên (mỗi tổ 20 người).

Bác sỹ làm lâu thành quen. Nhưng với những sinh viên nội trú thì cũng khó khăn. Tôi còn nhớ, có cậu sinh viên lần đầu tiên đi trực đêm, sau một đêm, cậu về phòng ngủ say như chết. Mọi người gọi, rồi đập cửa rất mạnh mà cậu không biết gì. Có những sinh viên nội trú sau ca trực không còn tỉnh táo để làm được gì.

Vậy anh có gặp khó khăn gì không?

Khó khăn lớn nhất đôi khi nằm ở sự bất hợp tác của bệnh nhân và người nhà của họ. Chẳng hạn như những bệnh nhân gặp phải các bệnh lý ngoại khoa, khi đi các quán bar, rồi những thanh niên đi đêm, chém nhau, khi vào viện làm náo loạn, ầm ĩ cả bệnh viện. Những lúc như thế, các bác sỹ phải nhờ sự trợ giúp từ phía cơ quan an ninh để điều chỉnh hành vi của họ.

Đêm tối thường xảy ra không ít những cuộc hỗn chiến của các băng nhóm. Bệnh nhân là dân anh chị giang hồ tứ xứ gây áp lực với bác sỹ. Có trường hợp bệnh nhân là dân anh chị có tiếng ở bên Long Biên, nhập viện trong tình trạng bị chém đứt động mạch ở tay. Qua sơ khám ban đầu, chúng tôi phải băng bó, ép cầm máu và nối mạch... Bác sỹ và người thân của họ thì lo lắng nhưng bệnh nhân lại hỏi tỉnh queo rằng: "Cầm máu như vậy đã được chưa? Nếu được rồi, để em về chém thằng kia rồi em quay lại chữa sau".

Cũng không ít lần, bệnh nhân là dân anh chị được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo sau họ có rất nhiều đàn em đứng xung quanh, xăm trổ đầy mình. Những cận vệ này vây quanh bác sỹ và đe doạ: "Phải làm nhanh, nếu không cứu được sẽ "xử lý".

Bi đe doa "xư lý" như vậy thi lúc nào cũng phải "ưu tiên" họ?

Thực ra, chúng tôi không để ý nhiều đến những lời đe dọa ấy. Một lần, tôi thăm khám cho bệnh nhân cũng là "dân xã hội" khi người này được đàn em đưa đến viện. Nhất cử nhất động của tôi đều được các chiến hữu của người này theo dõi. Sau khi sơ cứu, tôi thấy chưa nghiêm trọng nên quay sang cấp cứu cho một bệnh nhân khác. Một đàn em trong đám người đó đi ra chỉ thẳng tay vào mặt tôi và bảo: "Mày là bác sỹ mà mày không khám chữa cho người nhà tao, mày liệu tính mạng".

Những trường hợp như vậy nếu là người không có kinh nghiệm thì cũng hơi lúng túng. Nhưng với chúng tôi, ngay lúc ấy phải giải thích, chia sẻ cho họ hiểu được cục diện khi đó. Tâm lý bệnh nhân vào viện ai cũng muốn mình được sơ cứu, cứu chữa ngay. Tuy nhiên, bác sỹ phải giải thích để họ hiểu được cần ưu tiên cứu chữa những bệnh nhân nặng hơn - những người mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ được tính bằng giây.

Trực 24 tiếng, mổ 30 ca mỗi ngày, các anh chị nghỉ ngơi, ăn uống thế nào để đảm bảo sức khoẻ?

Thường những bác sỹ ở đây không có thời gian ăn uống cụ thể. Họ tranh thủ lúc nghỉ ngơi thì ăn thôi. Có những ca trực phải mổ nhiều giờ hoặc cả nửa ngày, mổ xong đã 3, 4h sáng. Khi ấy, ra quán ăn thì không còn bất cứ thứ gì cả. May mắn có gói mỳ tôm là hạnh phúc lắm rồi.

Theo các bác sỹ, để làm tốt một ca trực thì công tác chuẩn bị là vô cùng quan trọng với một bộ máy cực kỳ lớn. Hệ thống điều dưỡng chuẩn bị que nẹp cho bệnh nhân, thuốc cấp cứu, ống thở, máu... Công tác hậu cần có tốt thì việc hỗ trợ cho các bác sỹ mới thành công được.

Đức Anh

Theo_Người Đưa Tin


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/cap-cuu-cho-giang-ho-bac-sy-bi-doa-xu-ly-20150522i1931390/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.