Canada chỉ trích Trung Quốc ‘ngoại giao cưỡng ép’
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng “chính sách ngoại giao cưỡng ép” của Bắc Kinh đang phản tác dụng với chính họ và phần còn lại của thế giới .
“Chúng tôi cam kết tuyệt đối sẽ làm việc với các đồng minh để đảm bảo rằng cách tiếp cận ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc , việc họ tùy tiện bắt hai công dân Canada cùng với các công dân của các quốc gia khác trên thế giới , không được coi là một chiến thuật thành công”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói trong cuộc họp báo ở Ottawa hôm 13/10.
Tuyên bố được ông Trudeau ra trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Canada – Trung Quốc .
Trudeau cũng bày tỏ “mối quan tâm của Canada liên quan vấn đề bảo vệ nhân quyền và những nơi như Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ”, thêm rằng Ottawa sẽ “tiếp tục hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng trên khắp thế giới , để nhấn mạnh với Trung Quốc rằng cách tiếp cận của họ đối với các vấn đề nội bộ và các vấn đề toàn cầu không phải là con đường đặc biệt hữu ích cho chính họ hoặc tất cả chúng ta”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại họp báo ở Ottawa hôm 13/10. Ảnh: AP.
Quan hệ giữa Canada và Trung Quốc được cho là “chạm đáy” sau khi Bắc Kinh hồi tháng 6 truy tố tội gián điệp đối với nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.
Nhiều nước phương Tây cho rằng việc Trung Quốc bắt hai công dân Canada là nhằm trả đũa việc Ottawa bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái của Nhậm Chính Phi, người sáng lập “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc. Mạnh bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ cuối năm 2018 và bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay cáo buộc gián điệp chống lại hai công dân Canada không liên quan đến việc Canada bắt bà Mạnh. Bắc Kinh nhiều lần tố Ottawa là “kẻ đồng lõa với Mỹ” nhằm nỗ lực hạ bệ tập đoàn công nghệ Huawei khi ra phán quyết bất lợi cho bà Mạnh, đồng thời chặn hàng tỷ USD nông sản xuất khẩu của Canada.
Thủ tướng Canada im lặng khi được hỏi về Trump Thủ tướng Canada tự cách ly Thủ tướng Canada làm việc và chăm ba con khi cách ly 17 Thủ tướng Canada quỳ gối cùng người biểu tình 12
Canada gác lại giấc mơ thương mại tự do với Trung Quốc
Canada đã quyết định từ bỏ ý tưởng xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, đây vốn một thời được Thủ tướng Justin Trudeau xác định là một trong những ưu tiên chính sách của nước này.
Cờ Canada (trái) và cờ Trung Quốc (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ của Thủ tướng Trudeau từng đặt mục tiêu đưa Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Trung Quốc năm 2020 không phải là Trung Quốc năm 2016
Đó là phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne. Hồi tháng 9/2016, chưa đầy một năm sau khi đắc cử, Thủ tướng Trudeau đã có chuyến công du Trung Quốc với trọng tâm là xây dựng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Canada để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực.
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược Canada-Trung Quốc", trong đó có "các biện pháp mạnh mẽ để mở rộng thương mại", tăng gấp đôi trao đổi thương mại song phương vào năm 2025, cùng một loạt kế hoạch gắn kết trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, hợp tác chống khủng bố và diễn tập quân sự.
Cộng đồng doanh nghiệp Canada ở thời điểm đó lạc quan dự báo FTA giữa Canada và Trung Quốc có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Canada tăng thêm 7,7 tỷ CAD (5,7 tỷ USD) vào năm 2030 và kiến tạo được 25.000 việc làm mới.
Nhưng nay Ngoại trưởng Champagne cho rằng toàn bộ những sáng kiến và chính sách được thực hiện ở thời điểm năm 2016 với Trung Quốc cần được xem xét lại. Những bình luận của ông Champagne cho thấy quan điểm cứng rắn hơn của Ottawa đối với Trung Quốc sau khi những nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu mối quan hệ song phương đã thất bại.
Ottawa cài đặt lại chính sách với Bắc Kinh
Rốt cuộc, Canada đã chọn đồng hành cùng Mỹ, Australia và một số nước trong Liên minh châu Âu, khi bày tỏ một thái độ ít thiện chí hơn đối với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Champagne đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh sử dụng biện pháp "ngoại giao ép buộc".
Mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng từ tháng 12/2018, sau khi Canada theo đề nghị của Mỹ bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu. Bà Mạnh bị cáo buộc lừa gạt ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trung Quốc sau đó đã giam giữ hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp.
CFO Tập đoàn Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu (giữa) rời Tòa án Tối cao ở British Columbia, Canada sau phiên tòa xem xét việc dẫn độ bà về Mỹ, ngày 20/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Một diễn biến đáng lưu ý là Canada hồi đầu tháng 7/2020 tuyên bố dừng thực thi hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời không cho phép xuất khẩu các sản phẩm quân sự nhạy cảm sang Khu hành chính đặc biệt này với lý do Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới tại Hong Kong.
Vụ dẫn độ bà Mạnh và các vấn đề liên quan đến Hong Kong, đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã đưa quan hệ Ottawa-Bắc Kinh xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù lịch sử cho thấy tình trạng đổ vỡ quan hệ giữa Canada và Trung Quốc hiếm khi kéo dài, nhưng theo một số chuyên gia phân tích, trong tương lai gần hai nước khó có thể quay lại bầu không khí hữu nghị để dẫn tới một cam kết thương mại tự do.
Giới doanh nghiệp Canada nghi ngại "người khổng lồ" châu Á
Trong quá trình theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, Canada đã phải chịu nhiều "ấm ức" khi Bắc Kinh từ chối đáp ứng những yêu cầu của Ottawa liên quan đến vấn đề môi trường, các quyền của người lao động và vấn đề giới.
Các cuộc thảo luận mang tính thăm dò đã không được triển khai trong vài năm. Mặc dù vậy, đến thời điểm giữa tháng 11/2018, Chính phủ Canada vẫn hy vọng đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng vụ bắt giữ bà Mạnh đã đẩy quan hệ song phương tuột dốc không phanh.
Liên quan đến vụ bà Mạnh, Bắc Kinh được cho là đã tiến hành trả đũa Ottawa trên mặt trận thương mại khi chặn đường vào thị trường Trung Quốc đối với một số nông sản của Canada.
Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Canada ngày càng hoài nghi về độ tin cậy của đối tác này, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục áp đăt các biện pháp trả đũa thương mại khi có bất đồng về chính trị.
Goldy Hyder, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Canada, thẳng thắn bày tỏ: "Tôi nhất trí với Ngoại trưởng Champagne" và khuyến nghị các doanh nghiệp ở "xứ sở lá phong" "tìm kiếm các địa chỉ khác để kinh doanh, những nơi không có nhiều vấn đề phải xử lý như Trung Quốc".
Trong khi đó, ông Gordon Houlden, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta, nhận định từ bỏ ý tưởng xây dựng quan hệ thương mại tự do với Trung Quốc là quan điểm thực tế. Tuy nhiên, theo Giáo sư Houlden, những khúc mắc chính trị không cản trở dòng chảy thương mại song phương, khi hai nước tiếp tục chứng kiến trao đổi thương mại gia tăng dù trong đại dịch.
Một minh chứng sinh động đó là trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2020, kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc tăng 23,6%, trong khi nhập khẩu từ cường quốc châu Á này tăng 13,9%.
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi Chính phủ của cựu Thủ tướng Pierre Trudeau (người cha của đương kim Thủ tướng Justin Trudeau) khởi động chính sách quan hệ giao bình thường với Trung Quốc, nhưng con đường để hai nước tiến tới một FTA song phương vẫn còn mịt mờ và nhiều chông gai./.
Canada từ bỏ đàm phán thương mại với Trung Quốc Ngoại trưởng Canada tuyên bố không muốn tiếp tục đàm phán về thương mại tự do với Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai bên có nhiều rạn nứt. "Chúng tôi không thấy có đủ điều kiện để tiếp tục các cuộc đàm phán vào lúc này", Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne nói trong cuộc phỏng vấn với Globe and Mail hôm 18/9....