- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -
Cần quyết liệt di dời các hộ chăn nuôi còn xen kẽ trong các vùng dân cư
On 04/11/2020 @ 9:08 PM In Tin nổi bật
Năm 2020 là năm mà nhiều tỉnh, nhiều địa phương đã hoàn thành việc về đích thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các cấp độ khác nhau.
Nhiều địa phương cũng đã tiến tới các mục tiêu, hoàn thành các tiêu chí nâng cao. Tuy nhiên theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên), bên cạnh những mặt đã đạt được, cần sớm có phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nông thôn.
Theo bà Nguyệt, ô nhiễm môi trường từ rác và nước thải đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân ở rất nhiều vùng nông thôn. Riêng đối với rác thải sinh hoạt, hiện nay các địa phương đã có nhiều giải pháp từ phân loại, thu gom, xử lý nên nguồn ô nhiễm này đã dần được giải quyết. Tuy nhiên, đối với nước thải thì lại khác.
Hiện nay, lượng nước thải ở khu vực nông thôn thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm môi trường sống, làm ô nhiễm các dòng sông, nguồn nước dùng trong sinh hoạt và cả sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Hình ảnh những con sông êm đềm, xanh ngát đã dần dần thay thế bằng những dòng sông chết, bởi chúng phải hứng chịu chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi của người dân, bên cạnh nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu làng nghề.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)
Đã có nhiều cuộc giám sát về chất lượng nước mặt của các cơ quan chức năng cho thấy có nhiều thông số nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Nước tưới tiêu và môi trường ở một địa phương về nước mặt, nước ngầm và hệ thống tưới tiêu cho thấy ở ao, hồ có khoảng 13% mẫu nước ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng và không sử dụng được cho một mục đích nào, có 25% chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy lợi, có 48% có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và chỉ có khoảng 18% có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
Đối với nguồn nước ngầm thì các chỉ tiêu về xitrat, mangan, sắt, chì đều vượt các ngưỡng tiêu chuẩn. Đây không phải là con số đại diện cho tình trạng nguồn nước chung trên cả nước nhưng cũng là những con số rất có ý nghĩa để chúng ta phải suy ngẫm. Bởi ở nông thôn thì đây là nguồn nước chính phục vụ cho tưới tiêu, cây trồng cũng như phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn có tác động rất lớn tới cuộc sống của người dân, theo bà Nguyệt. Đó là ảnh hưởng về cảnh quan môi trường, tới nuôi trồng thủy sản, đối với cây trồng...
Và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Theo số liệu điều tra ở vùng có ô nhiễm cho thấy, phụ nữ ở các khu vực này mắc các bệnh về phụ khoa và da liễu tăng. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư tăng và thực tế chúng ta cũng từng nghe nói tới rất nhiều các làng ung thư.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên cũng có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Theo bà Nguyệt, đó là do lượng rác thải và mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải ngày nay càng tăng, nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn hầu như chưa được xử lý mà đều để tự ngắm hoặc là đổ thẳng ra môi trường. Rất nhiều địa phương chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cũng như là nước thải trong chăn nuôi, vẫn còn tình trạng các hộ chăn nuôi lớn vẫn còn nằm xen kẽ ở trong các khu dân cư.
Tiếng kêu cứu từ các dòng sông, thế nhưng tình trạng bức tử các dòng sông vẫn âm thầm diễn ra hằng ngày mà chưa có hồi kết. Thực tế ở các địa phương thì chính quyền cũng đã vào cuộc, cũng đã có bước đầu xử lý nước thải ở khu vực nông thôn như là mô hình xử lý nước thải theo hộ hoặc một số hộ gia đình. Một số loại mô hình xử lý bước đầu cho kết quả khả quan thì số lượng còn rất là ít, còn một số các loại mô hình khác cho hiệu quả thấp do cách vận hành chưa đúng, chưa bài bản cũng như là thiếu nguồn lực để có thể duy trì các công trình này.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyệt đưa ra kiến nghị, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các địa phương cần có phương án và quyết liệt di dời các hộ chăn nuôi còn xen kẽ trong các vùng dân cư ra khu vực tập trung riêng để thuận tiện cho việc thu gom cũng như xử lý nước thải về chăn nuôi.
Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com
URL to article: https://vietgiaitri.com/can-quyet-liet-di-doi-cac-ho-chan-nuoi-con-xen-ke-trong-cac-vung-dan-cu-20201104i5350986/
Click here to print.
Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.