Cần nhanh chóng xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở để học sinh đón năm học mới
Gần 1 năm trước, nhiều hạng mục của Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông bị sụt lún, sạt lở dẫn tới nứt, gãy nhiều vị trí nhưng cho đến nay, việc khắc phục vẫn chưa được triển khai.
Trong khi đó, thời điểm khai giảng năm học mới 2024 – 2025 đang đến rất gần.
Khối nhà học 3 tầng của trường THPT Krông Nô xảy ra hiện tượng bị nứt, gãy đã được gắn bảng cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô Lê Thị Chung thông tin, đầu tháng 10/2023, nhà trường ghi nhận nhiều vết rạn, nứt trên sân bê tông, tường rào, mái ta luy phía sau tòa nhà 3 tầng (12 phòng học) và khu nhà vệ sinh. Kế đó, các vết nứt, rạn ngày càng mở rộng thêm, nhiều đoạn tường rào của nhà trường cũng bị xô lệch, mặt sân xung quanh tòa nhà 3 tầng bị nứt, gãy… Nhiều vết nứt trên tòa nhà 3 tầng khiến nhà trường rất lo lắng. Nhất là khi phía sau tòa nhà này là một hồ nước lớn và lúc đó có mưa lớn kéo dài bất thường. Nhà trường đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô về tình hình và đề nghị kiểm tra, xử lý.
Ngành chức năng huyện Krông Nô đã về trường kiểm tra và báo cáo lên cấp trên. UBND huyện Krông Nô đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông tổng hợp và có kế hoạch sửa chữa cấp bách theo chương trình khắc phục hậu quả thiên tai. Đầu năm 2024, tỉnh đã được bố trí trên 7 tỷ đồng để khắc phục sạt lở tại Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô.
Nhiều vết nứt trên sân trong khi tường rào Trường THPT Krông Nô bị xô lệch và phía sau trường là hồ nước lớn. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Video đang HOT
Các ngành chức năng đã nhiều lần về kiểm tra, khảo sát thực tế và lên phương án sửa chữa, khắc phục các hạng mục, vị trí bị nứt, gãy. Đến tháng 6/2024 vừa qua, Sở Xây dựng Đắk Nông khuyến cáo không nên tiếp tục sử dụng tòa nhà 3 tầng và Ban Giám hiệu Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô đã thực hiện ngay. Đồng thời, nhà trường tổ chức giăng dây khu vực sạt lở để cảnh báo học sinh, giáo viên không đi vào, cắm nhiều biển, bảng cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Các hạng mục tường rào, nhà vệ sinh bị sạt lở cũng được cảnh báo tương tự.
Một vết nứt phía sau khối nhà học 3 tầng của trường THPT Krông Nô. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Mới đây, nhà trường được thông báo ngành chức năng đang tiến hành việc kiểm tra, kiểm định chất lượng tòa nhà 3 tầng và một số hạng mục liên quan. Dự kiến cuối tháng 10/2024 mới hoàn thành. Năm học mới 2024 – 2025, nhà trường có khoảng 1.600 học sinh, nếu phải tạm ngưng sử dụng tòa nhà 3 tầng thì sẽ thiếu 12 phòng học. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức học 2 buổi đối với một số lớp hoặc mượn phòng học của trường khác để dạy học.
Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Hà cho biết, quan điểm của huyện là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh. Do đó, việc tạm ngưng sử dụng tòa nhà đang rạn, nứt sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. UBND huyện Krông Nô đã kiểm tra và yêu cầu nhà trường, cơ quan liên quan chủ động bố trí trường lớp, đảm bảo không ảnh hưởng tới việc dạy và học.
Trường THPT Krông Nô nhìn từ trên cao. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Trước đó, ngày 26/6, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm định chất lượng công trình đối với khối nhà học 3 tầng và khu vực xung quanh của Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô để làm cơ sở cho việc xử lý, khắc phục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông) phối hợp với các đơn vị liên quan tạm dừng triển khai dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở tại trường. UBND tỉnh cũng chỉ đạo xác định, xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc đề xuất dự án khắc phục sạt lở cũng như việc chậm trễ thực hiện, dẫn tới phải điều chuyển nguồn vốn.
Trường Trung học Phổ thông huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được thành lập vào năm 1998, xây dựng trên diện tích 24.000 m2 và hiện là trường có số học sinh cao nhất trong tỉnh. Hiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn rất nhiều khó khăn; 10 năm qua, nhà trường chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất.
Trường tiểu học Lý Tự Trọng bị nứt, gãy do sạt lở vào tháng 8/2023. Ảnh: TTXVN phát
Tương tự, việc khắc phục tình trạng sạt lở tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng khá chậm trễ và nhà trường phải mượn phòng học của một cơ sở giáo dục mầm non để dạy học trong năm học mới 2024 – 2025.
Theo ông Phạm Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, nhà trường bị sạt lở nghiêm trọng và phải tháo dỡ 3 phòng học vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2023. Ngành chức năng sau đó đã bố trí vốn (gần 5 tỷ đồng) để xây lại các phòng học và xử lý khu vực sạt lở. Tuy nhiên, đến nay các thủ tục vẫn chưa xong và sớm nhất vào tháng 9/2024 mới được khởi công, xây dựng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như điều kiện dạy, học của giáo viên và học sinh, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc xử lý để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, ảnh hưởng.
Yêu cầu triển khai ngay việc đền bù sạt lở bờ sông Krông Nô
Liên quan tới việc bồi thường cho các hộ dân bị sạt lở đất ven sông Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo UBND huyện Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết từng phần, dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Sạt lở ven sông Krông Nô đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, đơn vị đang vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với những diện tích đất đai, tài sản bị sạt lở, thiệt hại do quá trình vận hành của thủy điện gây ra.
Đối với những diện tích, vị trí sạt lở chưa xác định rõ nguyên nhân, UBND tỉnh Đắk Nông giao UBND huyện Krông Nô khảo sát, đ.ánh giá và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để các ngành chức năng phối hợp xử lý.
Trước đó, ngày 6/11, TTXVN đã đưa tin "Đắk Nông: Lúng túng trong bồi thường, hỗ trợ sạt lở bờ sông Krông Nô" về việc nhiều vị trí tiếp giáp sông Krông Nô trên cánh đồng xã Nâm N'Đir (có diện tích hơn 1.000 ha) đang sạt lở nghiêm trọng. Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho rằng "chỉ có thể thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã được cấp có thẩm quyền, tức Ủy ban nhân dân huyện Krông Nô phê duyệt", còn UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông lại cho rằng "Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định trường hợp thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ do ngập úng, sạt lở đất sông, suối ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân do hoạt động của nhà máy thủy điện gây ra".
Theo UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, huyện đã phê duyệt 6 phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng do quá trình vận hành, hoạt động của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah với tổng diện tích hơn 130ha.
Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 13 ha đất ven sông tại ba xã Đức Xuyên, Nâm N'Đir và Đắk Nang (huyện Krông Nô) bị đưa vào diện tích khoanh vùng sạt lở. Việc đền bù, hỗ trợ đến nay vẫn chưa giải quyết xong nhưng phát sinh hàng loạt điểm sạt lở mới...
Khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất ở Lào Cai gặp nhiều khó khăn Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa lớn kéo dài, đất bị bão hòa nước dẫn tới sạt lở tại khu vực miền núi, trung du và các vùng sườn dốc ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết có mưa liên tục dẫn tới việc khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất...