- Việt Giải Trí - https://vietgiaitri.com -

Cần gần 200 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần

On 11/10/2014 @ 12:41 PM In Tin nổi bật

Trong giai đoạn 2015-2017, các tỉnh ven biển khu vực miền Trung từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu cần khoảng trên 197 tỉ đồng để xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao.

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Xuân Hiển - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng thủy văn biển thuộc Viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu - tại hội thảo tham kiến về quy hoạch xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao, do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu và Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/10.

Cần gần 200 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần - Hình 1

Các chuyên gia tổ chức lấy ý kiến về việc triển khai hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần ở các tỉnh ven biển

Ngày 12/4/2012, Thủ tướng đã có quyết định 430/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao". Trên cơ sở đó, tháng 12/2013, Tổng cục thủy lợi đã phê duyệt đề cương, tổng dự toán và kế hoạch đấu thầu, tư vấn thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, khả năng xảy ra sóng thần ven biển và hải đảo Việt Nam là không lớn nhưng thực sự tồn tại. Do đó, một hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần ven biển là rất cấp thiết.

Các kết quả nghiên cứu, phân tích cấu trúc các đới đứt gãy có thể xảy ra động đất có kèm theo sóng thần trên toàn khu vực Biển Đông cho thấy có 5 khu vực có khả năng là nguồn động đất gây sóng thần gồm: Đới hút chìm Manila, khu vực phía Bắc bán đảo Luzon và Nam Đài Loan, đới đứt gãy Ryukyu, khu vực Nam đảo Hải Nam và khu vực ngoài khơi Nam Trung Bộ tại kinh tuyến 1100E.

Cần gần 200 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần - Hình 2

Hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần thử nghiệm tại TP Đà Nẵng đã được đưa vào sử dụng năm 2011

Ông Nguyễn Xuân Hiển cho rằng, động đất lớn hơn 8 độ richter tại đới đứt gãy Manila là nguồn động đất gây sóng thần nguy hiểm nhất cho vùng biển nước ta. Cao độ sóng thần cực đại từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi có thể đạt đến 3m, cá biệt có nơi tới trên 4m. Khu vực có độ cao sóng thần lớn hơn 1m, tức là sóng thần nguy hiểm trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Bên cạnh đó, động đất lớn hơn 8 độ richter tại khu vực Bắc bán đảo Luzon, Nam Đài Loan cũng gây sóng thần có độ lớn tương tự ở bờ biển nước ta nhưng yếu hơn. Còn động đất lớn hơn 8,8 độ richter tại đới đứt gãy Ryukyu cũng gây sóng thần mạnh ở khu vực miền Trung Việt Nam.

"Các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm", ông Nguyễn Xuân Hiển phát biểu.

Cần gần 200 tỉ đồng để xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần - Hình 3

Diễn tập ứng phó sóng thần được tổ chức vào năm 2011 tại TP Đà Nẵng

Hiện Việt Nam chưa có hệ thống báo động cảnh báo sóng thần. Theo quy chế báo tin và cảnh báo sóng thần cần có một khoảng thời gian nhất định để thực hiện việc báo tin và chỉ đạo. Ông Nguyễn Xuân Hiển cho rằng xây dựng hệ thống báo động, trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao là hết sức cần thiết nhằm đối phó và phòng tránh một cách chủ động trước thảm họa do sóng thần có thể xảy ra trong tương lai.

Giai đoạn thử nghiệm xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần tại TP Đà Nẵng đã được thực hiện. Ngày 15/5/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì kiểm tra, thử nghiệm hệ thống này nhằm đánh giá kết quả xây dựng hệ thống. Kết quả, hệ thống cảnh báo đã hoạt động thông suốt, chính xác và đạt được mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia cho rằng, khu vực ven biển cũng là nơi quanh năm phải hứng chịu các loại hình thiên tai khác như bão, nước dâng cao do bão, lũ lụt... Do đó, hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần cần được nghiên cứu, quy hoạch xây dựng có thể được tích hợp để cảnh cáo các thiên tai khác; điều này sẽ rất hữu ích đối với các địa phương và người dân khu vực này.

Căn cứ quyết định 430 của Thủ tướng Chính phủ nhưng các chuyên gia đề xuất thứ tự đầu tư như sau: Các tỉnh, thành ven biển có nguy cơ rất cao được ưu tiên thực hiện trước gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận theo 2 giai đoạn năm 2015 và 2016. Còn các tỉnh ven biển khác được thực hiện giai đoạn 2016-2017 gồm các tỉnh, thành Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo khái toán vốn, tổng nhu cầu để thực hiện xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần khoảng trên 197 tỉ đồng, trong đó ngân sách trên 186 tỉ đồng, nguồn vốn xã hội hóa khoảng 11 tỉ đồng.

Công Bính

Theo Dantri


Article printed from Việt Giải Trí: https://vietgiaitri.com

URL to article: https://vietgiaitri.com/can-gan-200-ti-dong-de-xay-dung-he-thong-canh-bao-song-than-20141011i1619617/

Copyright © vietgiaitri.com - All rights reserved.