Cận cảnh người lính ứng cứu sóng di động trong bão lớn
Trong những cơn bão dồn dập vừa qua tại miền Trung, khi người dân đi sơ tán thì các nhân viên kĩ thuật của Viettel không quản ngại ngày đêm, mưa gió hay ngập nặng với nhiệm vụ “bằng mọi cách giữ sóng” giúp thông tin liên lạc của người dân thông suốt.
Trung bình 1 ngày sau đợt bão số 10 và bão số 11, các chuyên viên kĩ thuật Trung tâm Viettel Huyện Quảng Trạch phải ứng cứu 20 điểm/ngày. Những người lính này đã quen với việc “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” bởi bão lũ về dồn dập không cho phép họ nghỉ ngơi.
Tại điểm ứng cứu ở thôn Phú Dịu, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình – một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bão lũ và thường xuyên bị cô lập, đội kĩ thuật Trung tâm Viettel huyện Minh Hoá phải để lại hộp đồ đựng thiết bị ứng cứu để thăm dò tìm cách tiếp cận với trạm trong khi mực nước vẫn còn khá cao để khắc phục sự cố đứt cáp.
Trong đội, Nguyễn Hoàng Tú bơi giỏi nhất, thường được cử bơi qua sông để sang trạm. Ở các tỉnh miền Trung, những người làm ứng cứu thông tin thì phải bơi giỏi, đảm bảo an toàn trong lao động.
Bão về toàn bộ khu vực xã Thượng Hoá đều bị ngập. Ở đây chỉ có duy nhất sóng Viettel, nếu không ứng cứu kịp, toàn bộ địa phương sẽ mất liên lạc và không có phương tiện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Vì thế, mỗi khi có sự cố, đội kĩ thuật của Viettel luôn đặt mục tiêu khắc phục nhanh nhất.
Video đang HOT
Ứng cứu vùng lũ, người thực hiện phải ngâm mình đối diện với những nguy hiểm từ trong nước lũ nhiều ngày. Nhưng “đâu có việc thì ta cứ đi” bởi theo anh Trương Xuân An, đội trưởng đội kĩ thuật ở đây: “Năm nào cũng chứng kiến bà con mình khổ vì bão lũ, nên bao giờ cũng đặt an toàn mạng lưới lên trên hết. Khi làm cũng thấy sợ, lo vì nguy hiểm luôn rình rập. Nhưng không làm thì mất ăn, mất ngủ. Làm xong rồi thấy rất vui, vui lắm…”
Tại bản Rục, bão chồng bão khiến cho đồng bào bị cô lập hoàn toàn. Đường vào thường bị ngập ở đoạn qua Hung Trâu dài khoảng 2 km, nơi sâu nhất chừng 5m (Hung Trâu, nằm trên con đường độc đạo nối 3 bản người Rục gồm Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ với trung tâm xã). Đây là thung lũng, bốn bề núi cao bao bọc, nên nước lũ đọng lại, thoát rất chậm. Từ xưa đến nay, chỉ cần một trận mưa to là nơi đây là bị chia cắt. Để vào trạm QBH 308 nằm trong bản, anh em đội kĩ thuật Minh Hoá phải đi nhờ đò tiếp tế lương thực của UBND xã Thiện Hoá mất hơn 1km, sau đó đi bộ kèm theo mang vác đồ ứng cứu hơn 3 km, rồi lại gối đầu như thế chừng 5km mới đến được điểm trạm. Đảm bảo thông tin nơi đây là giúp bà con có “con đường” khác đi lại, đó là liên lạc.
Nhân viên Trung tâm kĩ thuật huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình đưa xăng vào trạm QBH250 ở xã Ngư Hóa – địa bàn xa nhất, khó nhất của huyện. Để đảm bảo thông tin liên lạc, mỗi trạm thu phát sóng trọng yếu phải được dự phòng khoảng 200 lít xăng để hoạt động liên tục trong thời gian bị bão lũ chia cắt, mất điện lưới. Lực lượng kỹ thuật cũng được ém sẵn tại đây, túc trực 24/24 để đảm bảo duy trì phát sóng liên tục.
QBH250 là trạm phát sóng đầu tiên và duy nhất ở xã Ngư Hoá nên việc duy trì liên lạc cho trạm được đặc biệt chú ý. Mùa mưa bão, nước sông Trổ dâng cao và chảy xiết, nhiều thời điểm nhân viên kỹ thuật Viettel phải chạy đua với cơn bão để kịp đưa hàng hóa, con người vào trạm an toàn.
Rốn lũ Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) sau bão số 11 vẫn còn ngập trong nước lũ, gây chia cắt đường đi, và làm cô lập nhiều thôn, nhiều xã. Để đến được các thôn biệt lập này trong những ngày đầu sau lũ không còn cách nào khác phải dùng ghe, đò để chống đi.
Đội kĩ thuật Trung tâm Viettel huyện Quảng Điền tìm cách đưa máy nổ qua tuyến đường liên xã theo sông Bồ từ xã Quảng Phước đến xã Quảng An vào trạm TTH 163. Có 3 con đường vào đến trạm nhưng sau lũ cả 3 con đường đều bị cô lập.
Để vào điểm trạm ở xã Quảng Vinh, tỉnh TT Huế, các nhân viên Viettel phải thuê ghe nhỏ của người dân chèo vào. Để đưa xăng và máy nổ ứng cứu đến được trạm, nhân viên kỹ thuật phải thành thạo nhiều kỹ năng khác nhau; và chèo thuyền lai dắt là kỹ năng “bắt buộc”.
Tại nhiều điểm ngập, những người lính ứng cứu chỉ có một cách duy nhất để tìm điểm ODF (điểm nối của cáp quang) là phải lặn xuống sâu tìm. Cứ lặn xuống một lúc tìm, lại phải bơi ngoi lên để thở. Sau đó cho mối nối lên phao máy nổ – ứng cứu thông tin hàn quang thông tuyến, treo lên cột, khắc phục xong sự cố. Độc lập tác chiến, một mình giữa sông nước, đêm tối để đi cứu trạm… các nhân viên Viettel đã quen với những tình huống này.
Ngay giữa lúc siêu bão Haiyan đang tiến vào biển Đông, nhận được lệnh phải điều chỉnh lại hướng của anten của trạm biển đảo số hiệu ODN 172 nằm trên đèo Hải Vân đề đảm bảo chất lượng phát sóng, đội kỹ thuật Trung tâm Viettel Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) sau khi kiểm tra điều kiện thời tiết đảm bảo, lập tức cho xe lăn bánh. Các cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn duy trì công tác ứng trực 24/24 giờ, không được phép lơ là do sau bão thường có mưa lớn, dễ gây mất điện diện rộng. Đây chỉ là một trong những hoạt động thường nhật của “lính” Viettel.
Theo TNO
Triều cường Sài Gòn lại đạt mức cao nhất 61 năm qua
Dự báo mới nhất của cơ quan chức năng cho biết, mức triều tại TP HCM vào ngày 5/12 sẽ đạt 1,68 m bằng với đỉnh triều lịch sử tháng trước và cao hơn mức dự báo trước đó 5 cm.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện nay, bộ phận không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam, gió Đông Bắc trên khu vực biển Đông có cường độ khá mạnh. Vì vậy, mực nước triều tại các trạm còn tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới và đạt đỉnh vào các ngày 5-6/12 (mùng 3 - 4/11 Âm lịch), sau đó sẽ hạ dần.
Đỉnh triều cường ngày 5/12 sẽ đạt 1,68 m bằng với mức triều lịch sử, cao nhất trong 61 năm xuất hiện vào tháng 10 vừa qua. Ảnh: Hữu Nguyên
Cụ thể, vào 18h ngày 4/12, triều cường sẽ đạt 1,64 m. Đến ngày 5/12, đỉnh triều sẽ đạt đỉnh 1,68 m lúc 4h30. Sang ngày 6/12, mực nước vẫn trên 1,6 m rồi mới hạ dần vào các ngày tiếp theo.
3 ngày trước, dù đã cảnh báo triều cường sẽ lên cao trong các ngày đầu tháng 12 nhưng Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đưa ra mức dự báo đỉnh triều cao nhất đợt này chỉ đạt 1,63 m. Như vậy với mức dự báo mới, nếu kết hợp với mưa dông, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố có khả năng bị ngập nặng. Nguy cơ các bờ bao sẽ bị vỡ gây ngập úng nhà dân.
Trước đó, đợt triều cường giữa tháng 10 tại TP HCM đã lập mốc lịch sử, cao nhất trong vòng 61 năm khi đỉnh triều tại trạm Phú An bất ngờ lên đến 1,68 m, vượt xa dự báo của Đài khí tượng thủy văn. Nước triều lên cao đã làm hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập sâu hơn nửa mét khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Một đoạn bờ bao tại phường 28 quân Bình Thạnh bị vỡ và hầu hết các bờ bao khu vực ngoại thành bị tràn bờ, gây ngập úng trên diện rộng.
Để chủ động đối phó với đợt triều cường lịch sử, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã yêu cầu UBND các quận huyện, đặc biệt là quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi và Hóc Môn khuyến cáo người dân trên địa bàn kê cao đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng dễ bị hư hỏng đề phòng triều dâng cao tràn vào nhà; cẩn thận khi đi qua những khu vực ngập.
Người dân cũng được yêu cầu phải tuân theo biển báo nguy hiểm hoặc hướng dẫn của những người có trách nhiệm; không cố cứu vớt tài sản bị nước cuốn trôi. Nhất là phải ngắt nguồn điện bị ngập nước, cẩn thận kiểm tra khi sử dụng lại đồ điện sau khi bị ngập; không tiếp xúc với nguồn điện khi đang ướt hoặc đang đứng dưới nước.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy cũng yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, Công ty Thoát nước đô thị, Sở Giao thông Vận tải, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố... sẵn sàng lực lượng để kịp thời khắc phục các sự cố ngập úng do triều cường và mưa lớn gây ra.
Theo VNE
TPHCM sẽ ngập nặng vào ngày 4/12 Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vùng hạ lưu sông Sài Gòn đang xuất hiện đợt triều cường mới, đỉnh triều có khả năng vượt mức báo động 3 đạt 1,61m vào sáng 4/12. Cụ thể, theo dự báo từ ngày 1/12, đỉnh triều sẽ vượt mức báo động 2 đạt 1,47m lúc 2h....